văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, May 31, 2013

TRƯƠNG ĐẠM THỦY * Cánh diều mùa xuân trên đồng chó ngáp

Trời cuối năm gió nghiêng nghiêng thổi qua hàng cây sua đủa bông nở trắng xóa. Vài cánh hoa bị gió cuốn, giần giật bay về phía bờ ao xanh những nhánh rau nhúc bập bềnh. Phía xa là cánh đồng lầy đầy cỏ, cây tạp và những dề lục bình tím ngắt như một điểm nhấn u buồn trên bức tranh màu lạnh.
Mẹ tôi đang ngồi vo gạo bên lu nước mưa hứng từ tháng tám chợt ngừng tay rồi nhìn về phía cánh đồng. Hình như mẹ muốn nói điều gì? Tôi lên tiếng trước: “Sao người ta lại gọi cánh đồng nầy là đồng Chó Ngáp, hở mẹ?”. Lúc đó tôi chỉ là một đứa bé mới bảy tám tuổi với rất nhiều thắc mắc về cánh đồng hoang dại nầy. Ở đây chỉ lác đác mươi ngôi nhà tre mái lá cách xa nhau chừng một tiếng hú.  Chủ nhân của những ngôi nhà xiêu vẹo ấy là dân tứ xứ trôi dạt về đây sống hẩm hút bên mép bờ dãi đất cao lúp xúp những cây trâm bầu, sua đũa chùm lé gai. Về đêm, nhất là vào những đêm cuối năm khi trời trở mùa gió Bấc, gió vụt qua cánh đồng lầy chợt hú lên. Tôi rất sợ tiếng hú đó. Mẹ hiểu ý nên thường ôm choàng lấy tôi và nói thì thầm: “Đừng sợ, có mẹ đây. Đó chỉ là tiếng gió thế thôi”.

VIÊN LINH * Văn học trẻ miền Nam qua bộ sách 4,000 trang


Sau 1954, khi báo chí truyền thông nói tới Miền Nam, hai chữ ấy không đồng nghĩa với Nam kỳ trong nhóm chữ Bắc kỳ Trung kỳ - vốn phát sinh từ khi vua Minh Mạng nhà Nguyễn đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, năm 1831, cùng lúc tách Thanh Hóa một tỉnh nói giọng Bắc nhập vào Trung kỳ, và chọn 13 tỉnh phía Bắc nước ta gọi là Bắc kỳ, thì Việt Nam tự nhiên bị chia ra làm 3 kỳ như người ta đã biết - Hai chữ Miền Nam từ sau Hiệp định Geneve có nghĩa là phần đất từ vĩ tuyến 17 trở vào trong, đối nghịch với Miền Bắc phần đất từ vĩ tuyến 17 trở ra ngoài, sự phân chia ở đây không có tính địa dư hành chánh, mà mang ý nghĩa phân chia ý thức hệ.


Hình bìa điển hình cho bộ sách đã ra được 4 tập, hơn 4000 trang: Tác Giả Tác Phẩm, 
Người Ðồng Hành Quanh Tôi của Ngô Nguyên Nghiễm. (Hình: Viên Linh)

PHAN HUY ĐƯỜNG * Lang thang chữ nghĩa

phđ qua Khánh Trường

Cảm tính và văn chương

Chàng nhìn theo cho tới khi chiếc thuyền lớn của Tiểu Siêu chỉ còn là một chấm đen, nhưng mỗi khi gió bể thổi tới, chàng còn nghe như có tiếng khóc văng vẳng của nàng vọng lại.[1]
[Chàng nhìn theo… Thuyền lớn của Tiểu Siêu chỉ còn là một chấm đen… Nhưng mỗi khi gió bể thổi tới, chàng vẫn nghe thấy tiếng nàng khóc văng vẳng vọng lại. phđ đùa Kim Dung, hè hè.]
Hay thật. Đây là một đỉnh cao của văn chương cảm tính.
Thiếu cảm tính, có thể biến ngôn ngữ thành văn không ?
Không. Ta từng viết : ngôn ngữ thiếu nhục cảm phi văn chương.
Hôm nay, ta vẫn thấy vậy.
Giấc mơ của Hilbert chỉ là một nửa giấc mơ của ta. Nửa giấc mơ ấy, ta không có khả năng bàn, nói chi tới nửa giấc mơ kia !

NGÔ ĐỨC DIỄM * Quán thơ Tháng Ngày Còn Lại của Cao Mỵ Nhân


Được mời giới thiệu thi phẩm Quán Thơ-Tháng Ngày Còn Lại của Cao Mỵ Nhân, tôi cảm thấy vinh dự nhưng không khỏi có chút ngại ngùng không biết mình có làm hài lòng bà chị trong thi đàn hải ngoại không?

Nhưng rồi, ngại ngùng đã biến đi, sau khi rón rén đi vào Quán Thơ để thưỡng lãm. Tôi đã nghe người ta nói đến Cụm Thơ, rồi Chùm Thơ, nhưng thú thực, cụm và chùm nghe chẳng thơ chút nào, chỉ thể hiện sự bó bột, co thắt, vơ vào, trong khi Quán Thơ lại mở rộng, có gió lộng, có khách thập phương tìm đến, ngồi lại tâm tình...

ĐINH CƯỜNG * Cào lá ngoài sân đêm


Đinh Cường











tặng Bửu Ý

Chiều mù cây nhánh trơ
tôi mù sương mất hút
giữa muôn trùng lạnh tăm
cuối năm rào lá đổ

Suốt ngày nghe tiếng quạ
kêu ngoài hiên xanh rêu
đôi khi vờ ngủ muộn
giấc mộng đầy quạnh hiu

Chiều ra sông bến lạ
bên kia phố lên đèn
mới biết mùa đông gọi
một mặt trời không tên

Như người xưa nhớ bạn
cánh nhạn nhờ đưa tin
tôi một mình đứng lặng
cào lá ngoài sân đêm


HUY TRÂM * hồng ân













HUY TRÂM



Tặng Thanh Nga
Cành cam chín – một hồng ân
Thêm hồng ân nữa! Đầy sân lúa vàng
Mây chiều lững
thững qua ngang
Khơi nguồn mỹ cảm Trời ban cho mình
Bao nhiêu ân sủng chung quanh
Mà em không biết Trời dành cho em!
Còn nguồn ân nữa trong tim
Biết thương yêu, để vơi niềm khổ đau
Ôi! Hồng ân quá nhiều mầu
Tạ ơn Tạo Hóa – Ngẩng đầu trông lên
















Huy Phương * TIẾNG CHIM BUỔI SỚM

                                                                 
Ngày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến mùa hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Để sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu một ngày lưu đày khốn khổ.
Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc khuyên ta buổi sáng nên nằm giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những giây ấy, mặc dù là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.

LÊ XUYÊN * Chú Tư Cầu [tiếp theo]


Tư Cầu ngạc nhiên vì cơn mưa bất thường ở cuối mùa nầy, anh ta vội xua bầy vịt về.

Và cũng may khi về tới chòi là cơn mưa lớn đã ào tới. Bầy vịt được thêm nước mưa tha hồ rỉa lông rỉa cánh, nô giởn vang rân...

Tư Cầu rút khăn tắm lau lia lịa cùng mình, lấy áo xỏ vào rồi ngồi bệt xuống nóp vấn thuốc hút.

Mưa rơi rào rào trên mái tranh để rồi chảy ton tỏn xuống mặt đất càng làm tăng thêm vẻ cô tịch của căn chòi bơ vơ trong đồng trống.

Tư Cầu nhổm lên kéo chiếc nóp xê vô trong để tránh mưa vào. Đoạn anh ta ngồi bó gối trầm ngâm phì phèo hút thuốc...

Thursday, May 30, 2013

Thư mời tham dự Chiều Tưởng Niệm của Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt



giới thiệu sách báo: TRẦM HƯƠNG tạp chí văn học nghệ thuật


Vườn Tao Ngộ vừa nhận được:

Tạp chí văn học nghệ thuật TRẦM HƯƠNG số 9/2013 bộ mới - năm thứ 8 của Diễn đàn Văn học TRẦM HƯƠNG do Nguyễn Đức Nhơn: Chủ Nhiệm và Túy Hà: Chủ Bút, chủ trương biên tập, với sự cộng tác hùng hậu của nhiều văn thi sĩ hữu danh trong và ngoài nước.

Được biết cơ quan chủ quản của tạp chí TRẦM HƯƠNG còn mở trang web : hoiquantramhuong.net để thường xuyên cập nhật và phổ biến rộng rãi hơn nội dung của tạp chí định kỳ này.
Để liên lạc xin gởi điện thư về:


Vườn Tao Ngộ xin chân thành cám ơn BBT/T.H và trân trọng giới thiệu tạp chí này cùng bạn đọc.

PHAN BÁ THỤY DƯƠNG * đêm bên dòng sông lạnh



 






Thử hỏi dòng sông Seine -
theo thủy triều xuôi ngược
Mỏi mệt chưa qua năm tháng thăng trầm
Du thuyền nọ ai đưa và ai đón
Có hao gầy với mưa nắng mong manh

Cửa khải hoàn có chia niềm kiêu hảnh
Ngọn Eiffel còn thao thức dung tình
Ðền nguyện cổ có trao lời kinh sáng
Rửa hoà chưa bao tội lổi nhân sinh

Này dòng thủy triều miệt mài trôi chảy
Ðã u hoài mấy độ dưới trăng khuya
Ðèn heo hắt -
sao ánh đèn heo hắt quá
Có đủ ấm lòng tận đáy sâu kia

Thử hỏi con nước sông Seine -
đong đưa khi ròng khi lớn
Mỏi mệt chưa sao còn vẫn luân lưu
Hãy soi chiếu mặt người như gương thánh
Rồi bềnh bồng trong quên lãng, vô ưu

Có cánh chim vừa đáp trên cành trúc
Và mây đang quấn quít rũ nhau về
Thôi, xin vảy tay chào -
xin vảy tay chào dòng sông êm ả
Một lần quen một lần nhớ thiên thu

Phan Bá Thụy Dương

TRẦN NGƯƠN PHIÊU * đồng tháp mười


Đồng Tháp Mười là một địa danh quen thuộc đối với những người sanh trưởng ở miền Nam. Tuy nhiên, số người thật sự có cơ hội đặt chân lên vùng xa xôi này hay được sinh sống trên phần đất này có thể nói là rất ít. Vì vị trí đặc biệt, thiếu phương tiện đường sá lưu thông nên Đồng Tháp Mười vẫn được coi là một vùng đất hẻo lánh, nhiều bí ẩn.

Đồng Tháp Mười là một cánh đồng rộng lớn, hằng năm bị ngập lụt lối bốn, năm tháng khi nước sông Cửu Long dâng cao. Biển Hồ Tonlé Sap ở Campuchia và Đồng Tháp Mười ở Việt Nam là hai nơi lưu trữ nước thiên nhiên, nên đến mùa nước nổi, sông Cửu Long từ từ dâng cao, sau đó nước sẽ lần lần rút ra biển. Vì thế nên ở miền Nam, không có nhu cầu phải đắp đê để ngăn nước như sông Hồng ở miền Bắc. Mực nước mỗi năm tuy dâng cao nhưng từ từ nên ở miền Nam, không có cảnh thiệt hại to lớn của các trận lụt thình lình và chớp nhoáng gây chết chóc như thường thấy ở miền Trung. Diện tích Đồng Tháp chiếm khoảng 8 ngàn cây số vuông, độ 800.000 mẫu tây. Chiều Nam-Bắc, từ Cao Lãnh tới Svay Riêng dài khoảng 70 cây số; chiều ngang từ Hồng Ngự đến Tân An tính ra khoảng 120 cây số.

Wednesday, May 29, 2013

HỒ TRƯỜNG AN * vào vườn văn chương của Võ Thị Điềm Đạm qua tập truyện “Thiên Thanh”



Tôi được biết nhà văn nữ Võ Thị Điềm Đạm chừng hai năm qua một vài truyện ngắn đã đăng đâu đó.  Bởi tôi đọc gấp rút và lơ đễnh nên không nắm ý tình của văn chương chị bao nhiêu.  Nhưng được tin chị chiếm giải văn chương do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do năm 2008 và tình cờ đọc một bài phỏng vấn chị do nhà báo Tô Vũ thực hiện.  Bài này đã đăng trên website Nam kỳ Lục tỉnh (www.namkyluctinh.org) nên tôi nghĩ rằng đây là nhà văn gốc Nam Kỳ nên tôi gởi vi thư chúc mừng chị.

NGHIÊU MINH * thà nói với nắng - Hồ Lệ Thu trình diễn


 
 Xin bấm vào link để nghe cô Hồ Lệ Thu hát bài TNVN của Nghiêu Minh:
 
 
THÀ NÓI VỚI NẮNG
 
Thà nói với nắng cho vơi bớt ánh lửa mặt trời - Cho hiu hắt gói nghém hồn 
người - Cho hơi thở lấp kín tình đời - Vì lời nói làm cay mắt môi
 
Thà nói với cát cho lối mòn rạo rực buổi trưa - Cho tiếng cười tìm lại tuổi 
xưa - Cho bóng tràn ngọn tóc ngày thơ
 
Thà nói với gỗ đá - Cho tình còn vướng vít trăm năm - Cho lời về cổ tích 
xa xăm - Xa xăm
 
Thà nói với cỏ với lá - Quên tuổi vàng lạnh lao xao - Quên lối mòn nằm 
giữa cây cao - Quên có người ngồi đợi đêm trôi - Đêm trôi. Đêm trôi
 
Thà nói với nước cho con suối tắm mát cuộc đời - Cho khơi sóng cuốn hút 
ngục tù - Cho mưa tấp dấu kín mặt người - Và ghềnh thác ngày trôi tháng 
trôi
 
Thà nói với đất chốn ta về kỉ niệm sơ khai - Nơi những gì trùm khuất riêng 
tây - Khi hãy còn tình vắng hôm nay - Không ai. Không ai
 
(để dứt)
Thà nói với khói trắng - Thà nói với trống vắng
Thà nói với gió xoáy.- Với tóc rối - HƠN NÓI VỚI AI!
 
NGHIÊU MINH

TRANG LUÂN * lối xưa tìm về

Hiền thật không ngờ, anh lại dám ra đây một mình!”
Có gì đâu mà không dám!”
Người đàn bà trạc ngoài năm mươi, có mái tóc ngả màu cùng gương mặt tái nhợt quay sang giải thích:
Em thấy Việt kiều về nước, đi đâu cũng đều có người nhà sát cánh ngay bên cạnh, chứ đừng nói tới chuyện đi xa như anh! Riêng có anh thì ngoại lệ. Dầu sao anh cũng nên cẩn thận thì hay hơn. Đi xa anh nên bảo Hòa hoặc ai nấy tháp tùng với anh cho an toàn. Anh đừng tưởng người ta không biết đâu! Người ta tinh lắm đấy. Nhất là màu da cùng cách xử dụng tiền bạc. Vả lại, anh cũng chẳng cần ra đây làm gì! Cứ gọi điện thoại cho em thì được rồi.”
Chủ ý của anh là muốn ra thăm em. Mấy chục năm rồi còn gì nữa! Dù sao thì anh cũng có lỗi với em rất nhiều.”

thơ HỒ CÔNG TÂM



NỤ HÔN NGÀY CŨ

Ôm em tròn một vòng tay           
Ngoài kia tuyết đổ, trong ngày nồng hương
Cổ em da trắng nõn nường
Anh nghe sóng vỗ thân thương giạt bờ


Hôn em nụ rất tình cờ            
Về anh chết điếng từng giờ tê mê
Thoảng hương thơm mái tóc thề   
Đôi môi cháy bỏng, hồn nghe phiêu bồng

TRẦN VẤN LỆ * Tựa Bức Tường Sương Viết Bài Tùy Bút


Hiếu Đệ [làng chài Phan Thiết]





































Tuổi thơ như hoa.  Tuổi già như cỏ.  Hoa thì hớn hở đua nở trong vườn.  Tuổi già mù sương vương vương đây đó.  Bay theo chiều gió, thời gian, thời gian…Hoa nở hoa tàn, một ngàn năm nữa?  Chỉ một luồng gió cỏ cũng cúi đầu!  Chúa phán một câu:  “Người là tro bụi”.  Phật thì không nói.  Cờ ngũ sắc bay…Trời Đông trời Tây mây tan rồi tụ…

Những gì không có, thấy có rồi không!  Mênh mông cánh đồng cánh cò bay mỏi…Cũng là cách nói, hai chữ khác nhau!  Cánh đồng bông lau trắng thời Bộ Lĩnh.  Cánh cò như lính chiến trường vô danh!  Ôm một khối tình, tình tan tình vỡ.  Đi hay là ở, đâu là Quê Hương?  Thằng bé nhón chân leo lên xe bus, bạn cùng trường, lớp, đã ngồi đầy xe.  Xe bus đi, về, mỗi ngày hai chuyến.  Rồi đời xê chuyển:  Trường Học Trường Đời!  Rớt mô nụ cười của tôi hồi nhỏ?

Tôi chừ như cỏ.  Cỏ không biết cười.  Em chừ là trời.  Trời xanh bát ngát.  Hôm nào gió tạt, hôm nào mưa sa…Em loáng thoáng qua, tôi cúi đầu xuống.  Đóa hoa nở muộn, trái tim héo hon…Mất là không Còn!  Cái Còn chưa Mất.  Áo em phần phật, gió đùa cỏ chăng?

Xe bus chạy ngang, một xe con nít.  Đời tôi tối mịt tuổi thơ tuổi thơ…Tôi đếm giọt mưa thấy ra giọt lệ.  Quê Hương trời bể, mưa mưa mưa mưa…Em thoáng qua chưa?  Tôi ngờ ngợ thấy thời gian nước chảy trong con mắt tôi.  Quê Hương xa xôi, em không gần gũi,  bầy trẻ nhỏ nói, cười, vang, vang…

Tôi nói lan man tuổi già như cỏ.  Cỏ mờ trong gió. Cỏ lợt màu sương.  Nguyễn Du dễ thương, thơ nhòe nước mắt:  “Quê người cỏ lợt màu sương, đường xa thêm một tấc đường một đau!”.  Tôi nói làm sao?  Với ai chừ nhỉ?  Canh ba giờ Tý lẽ nào giữa trưa?

Trần Vấn Lệ

TIỂU THU * cô nam kỳ đáng yêu

Nguyên Khai

Dọn xong mâm cơm, Cúc ló đầu ra cửa bếp:
-Tùng, Hương ra ăn cơm tụi con. Anh Hưng, cơm xong rồi, tắt cái tivi em nhờ!
Hai đứa nhỏ từ trong phòng chạy ùa ra ngồi vào bàn. Hưng tắt tivi, vừa đi vô bếp vừa lên giọng cải lương:
-Dạ thưa mình có anh đây!
Cúc háy: -Chỉ được cái tài...
Chưa dứt câu thì điện thoại reng inh ỏi, Cúc vừa với lấy cái phone vừa nhíu mày:
-Điện thoại viễn liên. Ai kêu gìờ này vậy kìa?
Vừa mới Allo, Allo thì tiếng chị Trang bên kia đầu giây ríu rít:
-Cúc đó hả? Chị Trang đây. Gọi để báo cho tụi em biết Tết này anh chị qua chơi với tụi em đó.

Tuesday, May 28, 2013

TẠ KÝ * Chuyện buồn

mộ Tạ Ký [Gò Dưa] 
ảnh: pbtd
 
Rồi những chuyện thần tiên bên xó bếp
Chẳng làm mê lứa tuổi đã ba mươi
Thầm ước ao thay đổi một chân trời,
Không thắp nến để tưởng rằng ánh sáng.
Quỳ mỏi gối nguyện cầu về Dĩ vãng,
Thuở xa nào em gái nụ mười lăm,
Giấc tiền thân sánh phượng một đêm rằm,
Xếp tình sử, gấp tay ngà làm gối.
Tuy thân thiết mà không hề tội lỗi,
Yêu say mê chẳng tính chuyện vuông tròn,
Bởi vì yêu là trốn bớt cô đơn,
Mà trói buộc làm phiền nhau biết mấy!
Chàng trai trẻ mơ phượng hoàng sẽ gáy,
Thời hoàng kim cửa mở suốt năm canh,
Có vị vua từ trong đám dân lành
Trốn không được đành lên ngôi cửu ngũ,
Luật pháp bỏ, dẹp luôn oai cuồng vũ,
Giếng đào đi, ruộng cày lấy mà ăn.
Nhưng buồn thay là những việc trên trần,
Thế Chiến quốc sao bày ra lắm thế?
Có kẻ yêu nhau vội vàng quá nhẽ,
Trao tờ thư, để ngỏ cửa khuê phòng,
Mà ái tình bốn vó ngựa truy phong!
Lứa tuổi ba mươi đời chưa vui mấy,
Buồn thương dạt dào cười mà lệ chảy:
Chuyện tài hoa người lớn chẳng thèm nghe,
Chuyện thần tiên con trẻ chẳng say mê,
Nên chuyện buồn nước mắt ngập tràn mi.

thơ NGUYỄN AN BÌNH

thôi đành lạc mất nhau

Giật mình phượng trổ bông
Đỏ rực trời thương nhớ
Yên ắng một góc trường
Ve sao còn ngái ngủ?

Nụ hôn đầu rất vội
Chưa kịp ngọt môi người
Con tim chờ hấp hối
Vẫy tay chào tình ơi.

VĂN QUANG – Không thể lạm dụng văn hóa

Vào những ngày cuối tháng 5 này, dư luận VN đang nóng lên với kỳ họp Quốc hội VN kéo dài 1 tháng từ 20-5 đến 21-6. Kỳ họp sẽ bàn đến rất nhiều vấn đề quan trọng ảnh hưởng lâu dài tới đời sống người dân. Trong hơn một tháng diễn ra, Quốc hội (QH) VN sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, một Nghị Quyết, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác. Ngoài ra QH cũng chú ý giải quyết các vấn đề về tham nhũng, về điều hành thị trường vàng.
Ở đây, tôi tóm tắt những điểm chính để bạn đọc tiện theo dõi, nhất là trong khi những ngày họp còn chưa hoàn tất, chưa thể nói gì nhiều.
Gần cuối kỳ họp, các đại biểu sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân bầu hoặc phê chuẩn. Sau hai ngày thảo luận, kết quả kiểm phiếu dự trù được công bố ngay chiều 11-6 sắp tới. Có 49 vị thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, nhưng do ông Vương Đình Huệ và Đinh Tiến Dũng đã xem xét miễn nhiệm và điều chuyển công tác từ 23/5 nên danh sách rút xuống còn 47 người.

LÊ XUYÊN * Chú Tư Cầu [tiếp theo]

Sáng hôm sau, sau khi lùa vịt cho ăn xong xả, Phấn lấy xuồng đi về trong nhà.

Phấn về tới nơi thì thấy bác Bảy má của cô ta nằm trên bộ ván trong, đắp mền trùm kín mít.

Cô đến gần khẽ giở một bên mép mền lên và hỏi:
- Bữa nay má có thấy trong mình có bớt chút nào hông má !

Bác Bảy cựa mình mở mắt ra hỏi:
- Mầy về đó hả Phấn?
- Dạ... Má có uống thêm thuốc của ông thầy Năm hông má ?

Monday, May 27, 2013

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Ngy Do Thái, hạt bụi trăm năm ôm đất quạnh

Ngy Do Thái NHT

Tiểu sử văn học: NGY DO THÁI

Tên thật: NGUYỄN HẢI THỆ
Sanh ngày 18.4.1940 ( Canh Thìn ), giờ Ngọ 12 giờ trưa
Quê quán Long Sơn, Tân Châu – Châu Đốc
Năm 1954-1961: học sinh trường Thủ Khoa Nghia-Châu Đốc
Năm 1961-1962: trường Sư Phạm Sài Gòn
Ngy Do Thái còn ký nhiều bút hiệu khác : Huyền Dân, Dân, Phương Mai, Nguyễn Thiếu Khanh, Nguyễn, Nguyễn Viên Phương…
Tác phẩm thơ, văn, kịch, kịch thơ… đăng trên nhiều báo chí Sài Gòn từ năm 1958-1975: Văn, Văn Nghệ Học Sinh, Bông Lúa, Thời Nay, Gió Mới, Văn Học, Đối Thoại, Khởi Hành… Các tỉnh như: Đất Mới, Tham Dự…

LÊ-PHI-Ô * Rượu đắng





























Tặng: Trạch-Gầm, Thiết-Trượng, Phan-Bá Thụy-Dương, Vương-Trùng-Dương, Lê-Hùng, Trần-văn-Sơn.
 
Người lính năm xưa đầu đã bạc
Xa lìa cố xứ sống nổi trôi
Lâu lâu xuống phố tìm bạn cũ
Rủ ghé Lê-Hùng uống rượu chơi
 
Nhớ chiến trường xưa tràn lửa đạn
Tụi mình sống được cũng là may
Ngờ đâu gặp lại phương trời lạ
Vui ngày hội ngộ choáng men cay
 
Rót nữa đi Sơn ly rượu cạn
Uống men say sao thấy đắng cay
Đáy cốc thoáng về gương mặt bạn
Những thằng gục chết giữa trùng vây
 
Những thằng banh xác không kịp trối
Để tao được sống đến hôm nay !
Năm ngón tay run...nâng ly uống cạn
Gục xuống bàn, tao khóc...nhớ tụi bây !
 
Lê-phi-Ô
 

MINH NGUYỄN * thảo nguyên


Buổi sáng. Trên con đường dẫn tới bìa rừng, bọn trẻ mục đồng thức sớm, lùa đàn gia súc đi chăn thả trên cánh đồng cỏ. Đêm qua sau cơn mưa giông tầm tã .Sáng ra, bầu trời hé lộ đôi chút ánh sáng, báo hiệu một ngày nắng ấm. Vào những ngày như thế, thảo nguyên nổi lên như một quần thể xanh biết, giữa sắc màu lộng lẫy với vô vàn sim mua, cỏ ống, cỏ đuôi chồn cùng với đám quì dại lui dần về phía cuối thung lũng.

Đang khi còn ngầy ngật bởi cơn ngái ngủ, bọn trẻ chợt sững sờ nhìn lên con đường dốc cao trước mặt. Nơi đang hiện ra một hình thù kỳ quái nửa hư nửa thực, chưa thể định hình. Không một đứa trẻ nào dám lên tiếng, hé môi hỏi han nhau lấy một lời. Chúng cảm thấy đang có sự sợ hãi đè nặng lên lồng ngực;khiến chúng đùn đẩy nhau,cố chọn cho mình chỗ nấp an toàn. Cuối cùng,cái đám lộn xộn tưởng chừng gan dạ kia đã lẩn trốn sau bụi cây dại, len lén vạch kẻ lá ra để được nhìn tận mắt, cảnh tượng mà chúng cho rằng khá lạ lùng.

NGUYỄN ĐỨC NHƠN * dòng đời mong manh

























Chiều buồn ra hiên ngồi khọn (1)
Mắt mờ chẳng thấy được xa
Chỉ thấy con ruồi con muỗi
Đánh mùi bu lại quanh ta !

Ngày vui từ lâu đã mất
Tang thương nhuộm trắng mái đầu
Giọt buồn trên môi và mắt
Đọng nhiều thì rớt vậy thôi !

Hắt hiu hai mùa nóng lạnh
Nghe buồn khô héo thịt da
Mặc tình cho mưa và nắng
Cuộc đời cứ thản nhiên qua !

Gió sương lạnh hồn phiêu lãng
Mưa buồn giăng kín tâm tư
Một đời trầm luân bể khổ
Mộng còn chưa biết thực hư ?!

Biển nổi phong ba, biển động
Đất trời dường cũng ngửa nghiêng
Lạ gì trăng tròn trăng khuyết
Thương hải biến vi tang điền

Một ngày trôi qua lặng lẽ
Bóng chiều thở khói mong manh
Tóc xanh thương màu tóc trắng
Mộng đời một thoáng qua nhanh…
------------------------
(1) Quê tôi thường gọi con khỉ là con khọn.


thơ TRÚC THANH TÂM

HƯƠNG XƯA        

      Như chút sầu len lén gọi
      Em đi hoa lá hững hờ
      Thương anh con bươm bướm đợi
      Hoa lòng dấu hẹn mắt trưa  !

     
Còn đâu màu trăng tơ nõn
      Anh nghe hương bủa đất trời
      Dáng em đèn hiu hắt bóng
      Mỏi mòn ngày tháng rong chơi  !

CAO MỴ NHÂN * trăng tan trên sông núi

Hình ảnh trăng treo đầu súng quả là đẹp đến không thể tả được, nếu quý vị không là lính biên phòng. Phải có thời gian đi hành quân ở núi rừng, đóng chốt tại những tiền đồn biên giới, mà thuở xa xưa, thời vua chúa phong kiến, những người lính được cử, hay bị đày đi “trấn thủ lưu đồn” mới cảm khái nỗi lòng chan chứa: vừa nhớ thương gia đình ở hậu phuơng, vừa lo chuẩn bị chiến đấu, kích giặc bất ngờ, và vừa rung động trước thiên nhiên cẩm tú bao la khi bình minh ló rạng, lúc hoàng hôn tắt nắng, và nhất là ánh trăng đang tan trên sông núi, tưởng như vầng trăng “ai” treo trên đầu súng, ỡm ờ, lãng mạn đến tuyệt vời.
Trăng Treo Đầu Súng”, vâng chính là tên một tập thơ đã đi sâu, đi sát vào tâm hồn chiến binh Việt Nam Cộng Hòa từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tác giả là nhà thơ Tường Linh, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chẳng cần nhờ ai đánh bóng, đã tự xếp chỗ ngồi cho mình nơi một chiếu thơ rực rỡ, chan hòa chất lính.