văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, May 23, 2013

ĐỖ HỒNG NGỌC ◙ tùy hỷ

Một hôm Di Lặc Bồ tát bạch Phật: « Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe kinh Pháp Hoa này mà tùy hỷ thì đặng bao nhiêu phước đức ? »

Ối trời, các phẩm trước của Pháp Hoa đều chỉ nói đến chuyện « thọ trì đọc
tụng biên chép giảng nói » kinh... mới có được phước đức, bây giờ Bồ tát Di Lặc hỏi kỳ cục: chỉ tùy hỷ không thôi thì sẽ đặng bao nhiêu phước đức ?

Bồ tát Di Lặc quả là vị Phật của tương lai, biết trước loài người sau này ngày càng ham danh ham phước mà lại làm biếng, chỉ muốn người ta làm sẵn rồi... « ăn theo »! Có lẽ vì thế mà Di Lặc Bồ tát thuở xưa có tên là Cầu Danh, làm biếng có tiếng, đến nỗi bị Bồ tát Văn Thù chê trách: « tham ưa danh lợi, dầu cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất »!


Nhưng thật bất ngờ, Phật hỏi lại: Giả sử có một đại thí chủ bố thí cho khắp
chúng sanh mọi thứ tiền tài của cải trong tám mươi năm, rồi bố thí pháp giúp chúng sanh đó đắc A-la-hán, thiền định, tự tại « đủ tám món giải thoát » thì công đức đó có nhiều không ?

Di Lặc đáp : Rất nhiều. Rất nhiều. Vô lượng vô biên công đức ! Nào tài thí,
nào pháp thí... cho chúng sanh đạt quả A-la-hán, Vô sanh, Niết bàn, còn gì hơn !Phật nói : Không ăn thua chi đâu ! Chỉ cần một người nghe kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ rồi đem kể lại cho người khác, rồi người đó lại tiếp tục tùy hỷ kể cho người khác nữa... cứ thế cho đến người thứ năm mươi thì « công đức tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhơn thứ năm mươi đó... gấp trăm nghìn lần, gấp trăm nghìn muôn ức lần... đại thí chủ kia, không thể tính đếm được !

Người thứ năm mươi đó mà còn phước lớn như vậy huống là người được nghe kinh Pháp Hoa trong buổi hôm nay mà có lòng tùy hỷ thì « phước đó lại hơn vô lượng vô biên a tăng kỳ không có thể so sánh đặng » ! Phật còn dặn Di Lặc: « Nghe cho kỹ nha ! » Nghiã là không phải chuyện chơi !

Rồi Phật còn cho thí dụ cụ thể hơn : Chỉ cần trong chốc lát nghe nhận, cũng đủ... ở thiên cung, chỉ cần né qua một bên cho người khác ngồi ké để cùng nghe đủ để làm Phạm Vương, Đế Thích... ! Cho đến một người chỉ cần truyền miệng, rỉ tai nói với người khác rằng : « Có giảng kinh Pháp Hoa kìa, nên cùng nhau tới nghe đi! » Vậy thôi là đã công đức lớn đến nỗi thân thể đâm ra tuyệt mỹ, trí tuệ sáng lán...


Tin được không ? Chỉ một chút « tùy hỷ » mà được phước đức lớn như vậy sao? Nhưng rồi Phật kết luận : Một chút tùy hỷ mà đã vậy huống là một lòng nghe, đọc , tụng, giảng nói, « đúng như lời dạy mà tu hành » thì phước đức biết chừng nào ! Nhớ nhé. « Đúng như lời dạy mà tu hành ». Thì ra cái « bí quyết » nằm ở đó. Chứ nghe loáng thoáng tưởng bở thì nguy tai. Đọc tụng suông ngàn lần cũng vô ích. Một là phải  đúng như lời dạy  vì Phật thừa biết nạn « tam sao thất bổn », thậm chí xuyên tạc, truyền đi một lát đã hoàn toàn sai lạc huống chi truyền tới người thứ năm mươi ! Và hai là phải tu hành, nghĩa là không phải chỉ nghe suông, đọc suông, tụng suông, giảng nói suông mà còn phải tu và phải hành nữa ! Chính cái đó mới đem lại phước đức.

Phẩm tùy hỷ công đức này lạ. Mục đích vẫn là khuyến khích động viên cho các vị có cơ hội ngồi nghe Phật nói kinh Pháp Hoa buổi hôm nay có thể trở thành một vị « pháp sư » chân chánh, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai để truyền đạt tinh chất Pháp Hoa cho muôn đời sau – một khi Phật đã diệt độ - từ thế hệ này đến thế hệ khác, ít nhất 50 thế hệ, tính ra cũng phải nghìn năm ! Cái bí kíp đó, cái bí mật đó, cái kho tàng Như Lai đó, cái Như Lai tạng đó... đã bày ra, chỉ ra cho mọi người thấy, nhưng liệu có bao nhiều người sẽ chịu thấy chịu biết ? Bao nhiêu người sẽ « nghe nhận », nghĩa là sẽ tin theo để phụng trì đọc tụng biên chép giảng nói chính xác, « đúng như lời dạy ». Chính xác ở đây không phải từng chữ từng câu, mà là ở cái cốt lõi, cái tinh túy. Bỏ một chữ cũng trật mà bám theo từng chữ cũng trật !  Bao nhiêu người đã không tin mà bỏ đi ?

Bao nhiêu người ngờ vực, thắc mắc đến khi hiểu ra thì rơi lệ, hớn hở vui mừng ? Các vị A-la-hán đã vô sanh, đã đặt gánh nặng xuống, phạm hạnh đã tròn đầy mà bây giờ biết mình cũng sẽ thành Phật cũng đã mừng vui hớn hở, nước mắt nước mũi ràn rụa đó sao ? Cũng bởi xưa Phật nói khó lắm, khó lắm, phải trầy vi tróc vẩy, nào Tu-đà-hườn, nào Tư-đà-hàm, nào A-na-hàm rồi A-la-hán vô cùng gian khó, mà nay bảo Niết bàn đó là giả, là « hoá thành », là trạm dừng chân, chơi cho vui thôi chớ Niết bàn thiệt thì đã ở ngay đây rồi, có sẵn nơi mọi người rồi, chỉ cần ngộ nhập « Tri kiến Phật» để mà thấy biết! Mà tri kiến Phật thì ai cũng sẵn có đó rồi. Nó chẳng đến chẳng đi. Nó vậy đó. Đời đời kiếp kiếp. Nhưng tại sao trong cái cõi Ta bà kỳ cục này có người hạnh phúc có người khổ đau. Tại sao cùng một sự việc, kẻ cười ha hả, người bứt tai bứt tóc ? Tại sao có khổ ? tại sao có sanh bệnh lão tử, oán tắng hội, ái biệt ly... Thì ra cũng tại các « món tình » của chúng sanh bày vẽ đó thôi. Nếu ai cũng nhìn ra Như Lai, thấy biết Như Lai thì đã sống cùng, sống với Như Lai đó rồi. Sẽ không còn vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà đã trở thành Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thấy biết như vậy rồi chỉ còn có việc tủm tỉm cười thôi ! Cái bí mật đó bây giờ Phật mới nói ra. Cho nên nói Pháp Hoa chỉ có một mục tiêu duy nhất là « khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật », làm sao cho tất cả chúng sanh có được cái tri kiến đó vốn là bản hoài của chư Phật từ lâu xa và mãi mãi về sau.

Từ một sự khiếp sợ, lo lắng, u sầu bỗng thênh thang con đường giải thoát, nhìn cuộc nhân sinh ngộ nghĩnh của chính mình chẳng cũng khoái ru ? Hỷ lạc sẽ đến khi nhận ra « hành trình » của Như Lai, không sanh không diệt, không thêm không bớt, không đẹp không xấu. Như một trò chơi puzzle của đứa trẻ con, lắp ghép các mảnh rời để tạo nên khi thì con voi khi thì con sư tử, khi vịt khi gà, khi thằng hề chú cuội, chiếc xe, máy bay, tàu thủy... rồi xóa đi rồi lắp lại cũng với chừng ấy mảnh vụn, với các hình tướng không có thật- giả tướng- mà nếu nhìn xa hơn nữa, thậm chí cũng chẳng có những mảnh ghép rời rạc kia nữa, bởi chúng đã làm từ những miếng cạc-ton, miếng plastic, rồi tới phiên nó đã từ gỗ, từ cao su, từ nắng từ gió từ đất mà ra... , rồi xa hơn nữa là từ những nguyên tử, từ hạt từ sóng! Tri kiến Phật đã sẵn có trong ta, chỉ cần một chút giật mình : Ngộ. Như chớp. Huệ Năng chỉ nghe « ưng vô sở trụ » đã thấy ngay « bổn lai vô nhất vật ». Cho nên trong phẩm này, nhiều lần nhắc « trong chốc lát nghe nhận »... Phải, trong chốc lát nghe nhận.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ cần tùy hỷ, chỉ cần « vui theo » là đủ?
Tưởng « tùy hỷ » dễ mà thực ra chẳng dễ chút nào ! Trong tứ vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả thì Hỷ có vẻ... là « món » khó nhất ! Thương người (Từ), giúp người bớt khổ (Bi), xả bỏ những vướng mắc, chấp thủ, tham ái... (Xả) có lẽ còn dễ, còn có thể huân tập được, thực hành dần dần rồi cũng biết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn... Còn Hỷ, tùy hỷ hả? Còn lâu ! Bởi ấy là lúc phải triệt tiêu lòng ganh tị, ghen ghét, đố kỵ trong chính bản thân mình, tự trong thâm tâm mình, một mình mình biết, một mình mình hay. Ganh tị, ghen ghét, đố kỵ đó nó cắn rứt, nó nghiến ngấu, nó làm rơi nước mắt giữa đêm khuya, nó gây căm thù buổi sáng sớm, nó tạo hận lòng không thể nói ra, không thể sẻ chia... nó gần như là một « bản năng gốc » ở mỗi con người. Nó sẵn sàng dìm người ta xuống chín tầng địa ngục, âm ỉ đốt cháy niềm vui, làm tan nát cõi lòng mà bề ngoài vẫn phải nói nói cười cười, tỏ ra từ, bi, buông xả !

Hỷ” là lòng vui, tùy hỷ là vui giùm người, vui theo người. Khi thấy người khác hạnh phúc hơn mình, thành công hơn mình, ta vui cho họ, thậm chí trong khi ta thất bại đắng cay, khổ đau chồng chất... Ôi, « tùy hỷ » khó quá chứ ! Làm sao đội banh ta đá thua mà ta hoan hỉ vui theo người thắng trừ phi ta... bán độ !

Nhưng tùy hỷ mà thực hiện được thì như một suối nguồn tươi mát chảy mãi trong tâm hồn. Hỷ thực lòng thì không có mặc cảm tự ti, tự tôn. Nó lâng lâng rộng mở. Nó có nụ cười rộng, cái bụng to, chấp nhận tất cả. Vì thế mà ta hiểu tại sao Bồ tát Di Lặc xuất hiện ở phẩm này ! « Tùy hỷ » giúp ta giải thoát tự trong gốc rễ, thứ « món tình » âm thầm mà thâm độc, cắn rứt ta từng phút giây. Thoát ra, là đã đến bến bờ của yêu thương, của hạnh phúc.

Từ Bi mà chưa Hỷ Xả thì chưa xong. Cho nên không phải vô cớ mà Pháp Hoa dành cả một phẩm cho Tùy Hỷ, dành hẳn một đoạn mô tả kẻ tùy hỷ thì « mặt sáng, mắt trong, miệng tươi, môi thơm... ».

Không tùy hỷ được thì ta sẽ sống cô độc, sẽ tự mình làm khô héo mình, nỗi khổ cứ đeo bám, không thể đến với niềm vui, hạnh phúc.
Hỷ được nhắc như tấm lòng mẹ cha, nhìn con mình khôn lớn, thành đạt, có cái « vui theo » mà không ganh tỵ, không mong cầu báo đáp. Hỷ do vậy là một niềm vui sâu đậm, tự bên trong. Người ta không thể giả đò hỷ, không thể giả đò hồ hởi, hớn hở, không thể « vui là vui gượng kẻo mà » !

Đỗ Hồng Ngọc
(Phật đản 2557)