văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, May 16, 2013

THIẾU KHANH * thầy chùa


XYZ thân mến,
 “Không cần phải nói là không ai trong chúng ta đã nhìn thấy đức Phật. Chúng ta chỉ thấy tượng Phật thôi. Mà tượng Phật thì có lẽ cũng... tám vạn bốn ngàn hình dạng. Nhưng dường như tôi đã thấy... một ông bác của tôi. Đó là một ông thầy chùa, như cách nói của XYZ.  Bác tôi có gia đình, nghĩa là có vợ con. Người con (trai) duy nhất của bác lớn hơn tôi năm hay bảy tuổi.
Bác đi tu từ bao giờ tôi không biết. Khi tôi có hiểu biết thì đã thấy bác là một ông thầy chùa. Khi tôi hiểu biết thêm một chút nữa thì cả gia đình bác đã có một ngôi chùa riêng. Trước đó bác tụng kinh gõ mõ trong ngôi nhà thờ của dòng họ mà bác là người vai trưởng được cai quản. Tôi phải nói là bác tôi vừa là một ông thầy chùa nhà quê, vừa... mù chữ. Có lẽ ông không biết một chữ a, b, c nào cả. Nhưng ông biết "chữ nho". Bác tụng niêm ê a bằng "chữ nho".
Tôi lớn lên, tôi đi học hành. Tôi đi đây đi đó. Tôi "biết" được nhiều thứ. Tôi biết nhiều chuyện năm châu bốn biển, nhưng bác tôi vẫn là một ông thầy chùa nhà quê, cùng với vợ và con tu hành một cách quê mùa và lặng lẽ, trong một ngôi chùa nhà quê.
Năm 1968, tôi giải ngũ, về thăm nhà trước khi tiếp tục đi lang bạt. Tôi đến chùa thăm bác tôi. Người ta gọi ông là Hòa thượng. Với tôi ông cứ là Bác Ba. Vì tôi đi lang bạt kỳ hồ lâu quá, không có cơ hội gần gũi với ông nhiều để quen với tình trạng tu hành của ông và chuyển đổi quan niệm về sự liên hệ, nên tôi vẫn giữ nguyên tình giòng họ gia đình.
Chùa Hang - Tuy Phong
Vả lại, trong con mắt tôi, một thanh niên "tân tiến" đã đi đây đi đó, đã nghe đã thấy nhiều chuyện trên đời; hơn nữa, hồi nhỏ, tôi có một thời kỳ làm đệ tử xuất gia của một vị thầy khác ở Sài Gòn, cho đến khi thầy viên tịch thì tôi... xuất tự. Tức là tôi đã đi tu ở thành phố hẳn hoi chớ không phải tu ở nhà quê. Tôi có học "chữ nho" đọc được hết kinh sách trong chùa. Và được học cả tiếng Tây nữa. Mà bác tôi vẫn chỉ là một ông thầy chùa nhà quê mù chữ. Càng là thầy chùa nhà quê, vì chắc chắn là bác tôi chưa bao giờ đi ra khỏi cái làng Long Hương thuộc quận Tuy Phong tỉnh Bình Thuận quê tôi, nơi mà sau khi làng tôi bị giặc Pháp tàn phá và tàn sát vào năm 1949, dân trong làng đã di dư sang đó sinh sống. Gia đình bác tôi cũng di cư sang đó lập một cái am nhỏ sau đó trở thành một ngôi chùa.
Lần đó, tôi đến chùa thăm bác. Tôi không gặp bác tôi. Nhưng tôi gặp... các ông Kiều Trần Như. Và tôi hiểu tại sao trước kia các ông ấy đã coi thường ông thái tử tu hành cà chớn, nay lại sụp đầu đãnh lễ Phật ngay khi ngài vừa đi đến, và chịu thọ giáo làm những đệ tử đầu tiên của ngài. Tôi cũng quỳ sụp xuống như các anh em ông Kiều Trần Như đã làm trước đức Phật: trước mặt tôi, không phải là một ông bác ruột quê mùa mù chữ, mà là... đức Phật. Hình ảnh đức Phật đã hiện thân trong ông bác tôi. Ngài mỉm cười nắm tay tôi, giữ tôi khỏi quỳ sụp xuống. Ngài hiền hòa và rạng rỡ. Dường như ngài tỏa hào quang. Tôi không nghe một lời "pháp" nào cả. Tôi chỉ nhìn thấy ngài tĩnh lặng như thế. Một sự tĩnh lặng bình yên, dịu dàng và mênh mông. Và vĩ đại. Tất cả sự cảm nhận của tôi vào lúc đó không cần lời, không thông qua một lời nói "pháp" nào cả. Hơn bốn mươi năm rồi mà bây giờ hồi tưởng lại giây phút kỳ dịệu đó, tôi vẫn thấy mình xúc động rất sâu sắc. Về nhà, tôi run run nói với mẹ tôi: "Bác ba... là một ông Phật, mẹ à!". Mẹ tôi chỉ cười, nhưng tôi hiểu mẹ muốn nói: "bây giờ con mới biết!"
XYZ thân mến, chắc "cậu" vừa chớm nghĩ: Rồi ông ấy có tiếng tăm gì không? Và ông ấy đã làm được chuyện gì cho đạo Phật và cho cuộc sống? Nếu có một ông thầy chùa "đắc đạo" sao không nghe ai nói?
Tôi không nói bác tôi "đắc đạo". Bác không thuyết giảng gì cả. Bác tôi chỉ nói chuyện thân mật với một đứa cháu. Cho đến lúc đó, không những tôi "hiểu biết" chuyện năm châu bốn bể, chuyện khoa học, đất trời, đời sống vân vân nhiều hơn bác, mà cả "chuyện đạo Phật" có lẽ tôi cũng “biết" nhiều hơn ông bác nhà quê của tôi. Vì trước đó khi ở chùa không những tôi đọc được kinh sách chữ nho (như bác) mà còn được đọc nhiều kinh sách chữ quốc ngữ của... ông Đoàn Trung Còn. Thế thì bác có gì để "giảng thêm" cho tôi!
Tôi run run khép nép ngồi bên cạnh bác, ngây ngất nhìn bác, ngây ngất nghe bác hỏi thăm về  cuộc sống của mẹ con tôi. (Bố tôi mất hồi tôi còn nhỏ lắm - nên tôi mới... đi tu!). Những lời thăm hỏi của bác không phải là "lời pháp" gì cao siêu để tôi vin vào đó mà nói rằng bác tôi "đắc đạo." Dường như bác tôi không làm gì cả. Không có tiếng tăm gì cả. Rồi bác tôi qua đời hồi nào tôi không hay. (Sau năm 1975, tôi đã từ Đà Nẳng – Quảng Nam đưa gia đình lên núi làm rẫy). Mặt trời mọc lên lặng lẽ thế nào thì khi lặn xuống cũng lặng lẽ thế ấy.
Dường như trong một cuốn sách nào đó, Sư ông Nhất Hạnh có nói về khái niệm "đạo đức vô  hành" của những nhà tu hành chứng đắc. Các ngài không nhất thiết phải "làm" gì cả. Càng không cần nổi tiếng ồn ào. Chỉ sự hiện diện vô hành của các ngài đã đủ quan trọng và lợi ích cho cuộc sống.
Ngay như Hòa thượng Thích Quảng Đức, nếu không tự thiêu vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 tại Ngã Tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt Sài Gòn, dễ chừng có ai biết "công lực" và thành quả tu hành ngài đâu! Trước đó, ngài là một "thầy chùa" có lẽ cũng vô danh như ông bác tôi. Những ngày chờ được Ủy ban Liên Phái Phật giáo chấp nhận nguyện vọng tự thiêu, ông thầy chùa ấy cùng sinh hoạt (tức "ăn uống ngủ nghỉ") chung với các sư khác ở "cấp dưới" chớ đâu có được chung mâm chung bát với các vị đức cao vọng trọng lãnh đạo Phật giáo đương thời! Trong nhiều tài liệu viết về thời ấy, nói, chỉ sau khi mọi giải pháp đều vô hiệu, Thượng tọa Thích Tâm Châu mới hỏi đến và cho người đi kiếm ông sư đã xin tự thiêu ấy.
Có một lần, trong câu chuyện lặt vặt với nhau về sinh hoạt nhà chùa chung chung, nhà thơ Phạm Thiên Thư kể rằng ở một ngôi chùa (tôi không nhớ tên), có một người đàn ông lớn tuổi "làm công quả". Ông giữ việc quét dọn trong chùa và chăm sóc khu vườn quanh chùa. Ông không phải là nhà sư, không có "liêu" riêng trong chùa. Ông làm một cái "cốc" nhỏ bằng các vật liệu nhẹ ở một góc vườn chùa. Buổi tối, ông cũng ê a tụng kinh ở đó. Tính tình ông rất hồ hỡi và cởi mở, có thể nói là rất xuề xòa hệch hạc. Người ta mến nhưng không ai coi trọng. Đến chùa ai lại coi trọng một ông quét dọn hơn các vị tu hành công đức! Vì tính ông rất hệch hạc, chẳng mấy ai quan tâm đến những gì ông nói. Một hôm, ông bỗng đi chào từ biệt mọi người trong chùa. Ông vui vẻ hể hả như tính ông bình thường hàng ngày, nói cho mọi người biết ông sắp "đi", nên ông đến chào từ biệt họ. Người ta cười. Tối hôm đó người ta vẫn nghe ông ê a tụng kinh trong cái "cốc" ngoài góc vườn, nhưng trưa hôm sau, suốt buổi sáng không thấy ông ra quét dọn, người ta mới cho người đi tìm và sửng sốt phát hiện ông đã "đi" trong tư thế ngồi kiết già trong cái "cốc" sơ sài hếch hác của ông. Tôi không nhớ nhà thơ Phạm Thiên Thư nói sau các thủ tục "khám nghiệm tử thi", người ta an táng hay hỏa thiêu ông. Nhưng người ta sửng sốt rằng ông "đắc đạo" (?)
XYZ thân mến, có lẽ có nhiều ông thầy chùa như thế. Sự chứng đắc có thể làm biến đổi diện mạo bề ngoài của một ông thầy chùa nhà quê mù chữ như ông bác tôi, khiến mọi cử chỉ an nhiên tự tại của ông trở nên như tỏa hào quang thư thái an lành trước mắt tôi, nhưng cũng có thể vẫn giữ cái vẻ xuề xòa hệch hạc như ông làm vườn "công quả", hoặc vị sư Tế Điên huyền thoại trong tiểu thuyết Tàu. Các vị ấy có thể không "hiểu" Phật pháp bằng hoặc như cái hiểu của chúng ta. Tương truyền Lục tổ Huệ Năng của Tàu cũng mù chữ, (tức là "thua" cả ông bác nhà quê của tôi, vì bác tôi thông thạo "chữ nho") nhưng chỉ nghe kinh Kim Cương mà ngộ. Phật pháp không phải để "hiểu". Phật pháp là để chứng ngộ. Bát Nhã Tâm Kinh chỉ có mấy trăm chữ, tuy cao siêu, nhưng có hàng vạn người từ đông sang tây, từ xưa đến nay đã lý giải, soi rọi bằng đủ thứ "ánh sáng". Tức là có hàng vạn người "hiểu" trong đó Phật nói gì. Tôi cũng "hiểu", nhưng từ cái "hiểu" này đến sự chứng ngộ bản chất của "Sắc và Không" là một chuyện xa xăm như từ trái đất chúng ta đến một hành tinh nào đó có sự sống trong vũ trụ. Tuy vậy, có lẽ ông bác nhà quê của tôi đã "đến" được hành tinh đó, trong khi tôi có thể "hiểu" nhiều hơn, hiểu "rộng" hơn ông ấy, thì tôi không là gì cả. Mà hàng triệu người "hiểu nhiều hiểu rộng" hơn tôi cũng chẳng là gì cả. Thậm chí tôi chưa được quỳ xuống đãnh lễ ông bác thầy chùa nhà quê của tôi.
Các ông thầy chùa, dù nhà quê hay thành phố, của chúng ta, đã làm một công việc cao cả và đáng quý khi họ dịch một số kinh sách từ chữ Tàu sang chữ Việt cho nhiều Phật tử tu học. Cho dù họ không dịch mà chỉ phiên âm thôi thì cũng quí lắm. Đó là "công đức độ tha". Đâu phải người học Phật nào cũng đọc được chữ Tàu, mà kinh sách chính nguồn từ chữ Phạn thì càng không mấy người "có duyên" tiếp cận, chứ chưa nói đọc được. Không nhờ công sức dịch thuật của họ, sự phát triển của Phật giáo VN nói chung đã còm cõi biết bao. Cho nên, theo từng thời kỳ lịch sử, công việc của họ đều rất có ích. Cái ích lợi đó lớn vô cùng. Chúng ta không nên đứng ở thời điểm này mà dè bỉu các ông thầy chùa làm công việc dịch kinh sách Tàu cách đây nhiều năm. Không thể ca ngợi cái computer mà chê cái máy chữ lọc cọc thời chữ còn chưa có dấu. Nhất là, khi dịch kinh điển, các thầy chỉ nhằm chuyển tải những gì cần cho sự tu chứng, chớ không chú ý đến "kiến thức". Kiến thức thậm chí có thể là trở ngại cho sự tu chứng. Ngày xưa tôi thường nghe thầy tôi nói "quảng văn nan độ" (hiểu biết nhiều thứ quá thì khó "qua sông").
Trong một cuốn sách (có lẽ cũng của thầy Nhất Hạnh mà tôi không nhớ tựa), tác giả tỏ ra, đại ý, hết sức kính trọng một ông sư quê mùa cả đời chỉ tụng đọc một cuốn kinh và chứng đắc, mà "sợ" quý vị tu hành uyên bác cỡi hỏa tiển bay qua rừng tam tạng. Không loại trừ việc các thầy cố ý gạt bớt, nếu không phải là gạt hết, kiến thức, để giảm thiểu cái tình trạng tâm ý gọi là "tâm viên ý mã", dập tắt sự biện biệt "nhị nguyên" cho trí dễ im và tâm dễ lặng. Làm như vậy, có thể các thầy bị "chúng ta" coi thường, thậm chí là miệt thị, vì cho là các thầy dốt nát hay sai lầm thiếu sót chỗ này chỗ khác.
"Thầy chùa" là một từ miệt thị như thế.
Khoảng hơn một năm trước đây, có một người than phiền cho là tôi bênh vực Sư Ông Nhất Hạnh trong việc Sư Ông sửa chữa giới luật (mà theo anh ấy, là một sự "xúc phạm" đối với Phật giáo nói chung) khiến anh ấy "thêm đau khổ". Tôi giải thích với anh ấy rằng tôi không hề "bênh vực sư ông", không phải vì tôi không là môn đệ của ông ấy, mà vì tôi không đủ khả năng và tư cách để làm công việc đó. Tôi đã nói với anh ấy rằng:
"Anh và tôi không những không phải là cá nên không thể biết cá vui, mà cũng không phải là người đại trí nên chúng ta không hiểu hết được hành trạng của bậc đại trí. Dù sao, lịch sử sẽ rất công bằng. Chúng ta không cần thiết phải tự làm cho mình trở nên đáng thương và lố bịch trước lịch sử bằng cách khen chê một người mà tầm vóc họ lớn hơn sự nhận thức câu nệ của chúng ta"
Cái mail đó, XYZ có đọc qua bcc. Lần này tôi cũng muốn nói với XYZ tương tự như vậy.Tôi ỷ thị vào tình thân của chúng ta, và vì thân nhau, cách hay nhất là không được im lặng, "đồng lõa" với điều mà mình có thể (dù chủ quan) thấy rằng không đúng. Có lẽ sự im lặng đồng lõa đó là một trong những cách chơi xấu nhất đối với người mình yêu mến.
Mong XYZ nhìn lại các "ông thầy chùa" một cách công bằng và có tình có lý hơn. Không chỉ là vì quý vị ấy vô cùng xứng đáng được chúng ta kính trọng, mà với nhân cách của mình, chúng ta cũng phải kính trọng các vị ấy. Dĩ nhiên ở bất cứ giới nào, bất cứ lãnh vực nào cũng có "sâu", có người này người khác. Nhưng không nên nhìn Phật giáo hay giới tăng sĩ Phật giáo VN nói chung qua một vài người tu hành chưa hoặc không đáng tin cậy.
Lời thật... được lòng nhau.
Thiếu Khanh