Đồng
Tháp Mười là một địa danh quen thuộc đối với những
người sanh trưởng ở miền Nam. Tuy nhiên, số người
thật sự có cơ hội đặt chân lên vùng xa xôi này hay
được sinh sống trên phần đất này có thể nói là rất
ít. Vì vị trí đặc biệt, thiếu phương tiện đường
sá lưu thông nên Đồng Tháp Mười vẫn được coi là một
vùng đất hẻo lánh, nhiều bí ẩn.
Đồng
Tháp Mười là một cánh đồng rộng lớn, hằng năm bị
ngập lụt lối bốn, năm tháng khi nước sông Cửu Long
dâng cao. Biển Hồ Tonlé Sap ở Campuchia và Đồng Tháp
Mười ở Việt Nam là hai nơi lưu trữ nước thiên nhiên,
nên đến mùa nước nổi, sông Cửu Long từ từ dâng cao,
sau đó nước sẽ lần lần rút ra biển. Vì thế nên ở
miền Nam, không có nhu cầu phải đắp đê để ngăn nước
như sông Hồng ở miền Bắc. Mực nước mỗi năm tuy dâng
cao nhưng từ từ nên ở miền Nam, không có cảnh thiệt
hại to lớn của các trận lụt thình lình và chớp nhoáng
gây chết chóc như thường thấy ở miền Trung. Diện tích
Đồng Tháp chiếm khoảng 8 ngàn cây số vuông, độ
800.000 mẫu tây. Chiều Nam-Bắc, từ Cao Lãnh tới Svay
Riêng dài khoảng 70 cây số; chiều ngang từ Hồng Ngự
đến Tân An tính ra khoảng 120 cây số.
Trên
các bản đồ thời Pháp thuộc, vùng này có cái tên là
Plaine des Joncs (Đồng Cỏ Lác). Sau 30 tháng Tư năm 1975,
tỉnh Sa Đéc được đổi tên thành tỉnh Đồng Tháp,
diện tích bao trùm gần trọn Đồng Tháp Mười. Tỉnh
Đồng Tháp nay giáp Campuchia ở phía Bắc, đường biên
giới dài khoảng 52 cây số. Phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long,
phía Đông giáp tỉnh Long An và Tiền Giang, phía Tây giáp
Cần Thơ và An Giang. Toàn diện tích tỉnh Đồng Tháp tính
ra vào khoảng 3 ngàn 300 cây số vuông.
Nhắc
đến địa danh Đồng Tháp, không thể nào không nhắc
đến anh hùng kháng Pháp: Thiên hộ Võ Duy Dương. Võ
Duy Dương đã lập nhiều đồn lủy và đã đóng tổng
hành dinh tại vùng Tháp Mười. Truyền thuyết của người
Miên cho rằng vùng này có tên là Tháp Mười vì nơi đây
là nơi đặt ngọn tháp Chùa Miên thứ mười kể từ trên
Campuchia xuống. Một số người am hiểu lịch sử miền
Nam lại giải thích: tên Tháp Mười thật sự chỉ có từ
thời kháng Pháp của Thiên hộ Dương. Ông Võ Duy Dương
đã đặt nhiều đồn và tháp để canh chừng tàu của
Pháp, kể từ sông lớn Vàm Ba Sao vào đến Tổng hành
dinh và cái tháp nơi hành dinh là tháp thứ mười? Tổng
hành dinh Tháp Mười được bao vây che chở từ xa bởi 3
đồn: Đồn Tả, Đồn Hữu và Đồn Tiền. Mỗi đồn có
thể chứa 200 đến 300 nghĩa binh, trang bị với súng, thớt
súng bắn đá, đại bác...Ngày 14 tháng Tư năm 1866, Đô
đốc De Lagrandière đã chia 500 quân làm ba mặt tiến vào
Đồng Tháp, xuất phát từ Gò Bắc Chiên đi xuống để
đánh Đồn Tả, từ Cần Lố đi lên tấn công Đồn Hữu
và cánh thứ Ba từ Cái Nứa để đánh Đồn Tiền. Nghĩa
quân đã chống trả từ ngày 15 cho đến ngày 18 thì các
đồn Tả, Hữu thất thủ và Thiên hộ Dương phải bỏ
Tháp Mười. Quân Pháp đã đốt phá, bình địa đồn, sau
khi đã phải chịu thiệt hại trên 100 lính. Thiên hộ
Dương tiếp tục chống Pháp nhưng sau chết vì bịnh.
Về
sau, trên một gò cao của di tích đồn Tháp Mười này,
một ngôi chùa Phật đã được dựng lên, trang hoàng theo
lối chùa Miên.
Một
người Pháp tên Sylvestre, chức vụ Thanh tra, làm việc ở
Cai Lậy và Sa Đéc từ 1869 đến 1878 đã nhiều lần đến
viếng Chùa Tháp Mười. Chùa được xây cất trên một gò
đất cao độ bốn thước, rộng khoảng ba mươi thước
đường bán kính. Nền chùa cất trên đá ong, tháp hình
ngủ giác, có năm mặt, được người Miên gọi là Prasah
Préam Loveng (Tháp Năm Căn). Người Việt thì lại gọi là
Tháp Mười, có thể vì xưa tháp có 10 tầng nhưng đã đổ
nát? Ông Sylvestre có lấy từ Tháp Mười (Ruines de la tour
à cinq faces), một phiến đá có chạm hình bánh xe Pháp
Luân còn nguyên vẹn với 12 căm bánh xe, gởi về tặng
một viện bảo tàng nhỏ “ Musée municipal de Rochefort sur
Mer” ở Pháp. Các nhà khảo cổ danh tiếng như Etienne
Aymonier và Henri Parmentier thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ
đều đã viếng thăm Tháp Mười nhiều lần. Từ chợ Sa
Đéc, dùng ghe máy theo kinh Cái Bèo, Tháp Mười và kinh 4
bis (Cát Bích), đi khoảng 4 giờ sẽ đến Tháp. Một giáo
sư Pháp văn trường Petrus Ký, sau làm quản thủ viện Bảo
tàng Sài Gòn và được thăng Viện trưởng trường Viễn
Đông Bác Cổ, tên L. Malleret là người có công
nghiên cứu nhiều nhất về Tháp Mười. Louis Malleret là
tác giả bộ Le Delta du Mékong (Lưu vực sông Cữu Long),
trong đó quyển thứ IV (Le Cisbassac) là quyển chuyên khảo
về Đồng Tháp. Các viên gạch di tích Tháp Mười còn
được lưu giữ ở Bảo tàng viện Sài Gòn là do công của
L. Malleret.
Trước
thời Kháng chiến Nam Bộ, dân cư sống trong vùng Đồng
Tháp, gồm người Việt, người Miên và Trung Hoa chỉ vào
độ 150.000. Hiện nay, theo các thống kê mới nhất của
riêng tỉnh Đồng Tháp, số dân được trên 1, 6 triệu
người. Cách xa thành phố Sài Gòn độ 162 cây số, ngoài
một số đường nhỏ, Đồng Tháp chỉ có 136 cây số
Quốc lộ IA.
Thời
Việt Nam Cộng Hòa, người có công phát triển Tràm Chim,
từ một vùng cỏ lác hoang vu bên bờ kinh Đồng Tiến,
biến thành một trung tâm sung túc hiện nay, phải kể đến
linh mục Bạch. Linh mục Bạch đã xin Tổng thống Ngô
Đình Diệm để hướng dẫn một số giáo dân vào khai
khẩn lập nghiệp ở nơi đây. Trước thời Cha Bạch,
vùng trung tâm Đồng Tháp này vào mùa nước nổi bao la
như một miền biển rộng. Cha Bạch đã xây dựng được
nhiều công trình như : nhà thờ, trường học, chợ, phố
xá bằng vật liệu nặng, xi măng, bê tông cốt sắt, vôi
gạch... nên đến mùa nước nổi, giữa biển nước mênh
mông, nhờ có các công trình kiến trúc mới, Tràm Chim đã
trở thành một ốc đảo vững chắc cho ghe thuyền dân
chúng neo, tụ họp sinh hoạt trong mùa nước lụt.
Người viết bài đã có một thời phục vụ ở bộ Xã
Hội nên đã có được cơ hội giúp linh mục Bạch trong
các chương trình xây cất định cư các gia đình cơ cực
trong vùng. Phụ giúp linh mục Bạch trong các công tác này
phải kể thêm đến linh mục De Villiers và linh mục Aram
Berard, còn được gọi với tên Việt là Cha An Bình. Linh
mục Bạch xuất thân từ Tiểu, Đại Chủng Viện đường
Cường Để, rất thông thạo tiếng Pháp nhưng không biết
tiếng Anh. Khi linh mục De Villiers tình nguyện đến sống
ở Tràm Chim với linh mục Bạch thì cả hai phải dùng
tiếng La Tinh để giao thiệp với nhau! Về sau, nhờ có
linh mục An Bình đến phụ giúp, biết tiếng Việt nên
linh mục Bạch đã nhờ đó học thêm được tiếng Anh.
Cha Bạch là người có nhiều sáng kiến độc đáo. Có
lần Cha đến Bộ Xã Hội, xin can thiệp để nhà thầu Mỹ
tặng cho Cha một cột điện cao bằng cây, loại được
ngâm hóa chất giữ khỏi mục. Cột này được nhà thầu
chở đến đầu kinh Đồng Tiến và bờ Tiền giang. Chờ
đến mùa nước nổi, Cha Bạch đã cho cập nhiều ghe hai
bên cột cây trên 20 thước này để di chuyển về Tràm
Chim dựng lên làm cột cờ! Cây cột cờ cao ngạo nghễ
này giữa Đồng Tháp là cái gai xốn xang trong mắt các
người phía bên kia cho đến ngày 30/4/1975! Tràm Chim Tam
Nông nay là một địa điểm du lịch đặc biệt vì là
nơi để du khách có thể quan sát loại sếu đầu đỏ,
một giống chim hiếm có, mình cao trên một thước. Tháng
Giêâng đến tháng Năm là mùa mà các hồng hạc này bay
trở lại vùng để du khách có được dịp quan sát, chụp
ảnh.
Ngoài
tên Tràm Chim, nhắc đến Đồng Tháp, không thể không kể
thêm một vài địa danh khác đã đi vào lịch sử như Cù
lao Ông Chưởng, nơi danh thần Nguyễn Hữu Cảnh đã chết
vì bịnh khi kéo binh trở về, sau chiến thắng vua Chân
Lạp vào năm 1699. Gần nhất, phải kể đến rạch Đốc
Vàng Thượng, nơi Việt Minh đã bày mưu đặt kế để ám
hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cũng như những vùng xa
xôi, sát biên giới Miên là Tân Thành, Cái Cái, nơi Việt
minh đã thủ tiêu, chôn sống tập thể hàng ngàn tín đồ
Phật giáo Hòa Hảo.
Phật
giáo, một tôn giáo lớn, dạy người đời nên làm lành,
lánh dữ, giữ tâm trong sạch, đã được phổ biến ở
Việt Nam trên hai ngàn năm. Khi được truyền bá vào Nam
nhân cuộc Nam Tiến, Phật giáo đã uyển chuyển hòa hợp
vào điều kiện sinh sống mới của dân chúng, vào vùng
đất trù phú “làm chơi, ăn thiệt”. Phật giáo Hòa Hảo
được Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ phát triển ở đồng
bằng sông Cửu theo phương pháp hành đạo của Phật Thầy
Tây An, đã được nông dân Nam Bộ hưởng ứng chấp
hành. Một nền Phật giáo Thời đại, không chủ trương
dựng chùa to, đúc tượng lớn, không hệ thống Tăng ni,
Sư sãi, không chuông mõ, đã được hằng triệu tính đồ
miền Nam chấp nhận. Thay vì xây các chùa lớn, giáo dân
theo chủ trương của Phật Thầy Tây An đã hình thành
những trại ruộng là nơi để vừa cấy cày sinh sống,
vừa tu học, hành đạo; tự túc không nhờ đến sự cúng
dường của dân chúng. Các Trại ruộng lớn như Láng
Linh, Cần Lố...cũng là các nơi nuôi dưỡng tinh thần
chống thực dân Pháp.
Thời
Gia Long phải bôn tẩu ở miền Nam, Sa Đéc ven biên Đồng
Tháp là nơi Gia Long đã có một thời ẩn trú lâu dài. Vì
thế nên ở làng Long Hưng tức Nước Xoáy, có sự tích
Cây da bến Ngự là nơi chúa Nguyễn thường ngồi câu cá
và suy tính tìm mưu chống Tây Sơn. Năm 1787, Gia Long cho
xây một đồn nơi đây, nay còn di tích. Chúa Nguyễn và
binh lính cũng đã được một gia chủ tên Nguyễn Văn Hậu
ở Long Hưng nuôi cơm. Chúa Nguyễn nhận Ông là cha đỡ
đầu, vì thế ở Long Hưng năm 1807 có xây Lăng Ông Bõ
(cha đỡ đầu của vua). Bảo Đại lên ngôi vua năm 1932
nhưng mãi đến năm 1942, lần đầu tiên, chánh quyền thực
dân mới đồng ý cho Bảo Đại vào thăm Nam Kỳ, nhân dịp
Bảo Đại được vua Shihanouk mời viếng Campuchia. Trong
thời gian cư ngụ ở Sài Gòn, Bảo Đại đã ngỏù ý
muốn đến viếng Lăng Ông Bõ ở Long Hưng. Chánh quyền
Sa Đéc viện cớ là từ Sa Đéc đến làng Tân Dương có
đường bộ nhưng từ đây vô Nước Xoáy, tức Tân Hưng
phải đi tàu máy, rất bất tiện để đưa vua Bảo Đại
đi thăm Lăng. Thật sự thì Pháp không muốn cho Bảo Đại
được có cơ hội gây cảm tình và uy tín đối với dân
chúng miền Nam. Bằng cớ là trong việc vua Bảo Đại muốn
đến thăm Bến Tre là sinh quán của Đức bà Từ Dũ, mẫu
thân của vua Tự Đức, Thống Đốc Đông Dương là Đô
đốc Decoux chấp nhận, nhưng chánh quyền Pháp ở Nam Kỳ
lại ra chỉ thị cấm dân chúng dọc đường không được
tụ tập hoan hô!
Cao
Lãnh cũng là một địa danh thường được nhắc đến.
Dân mê thích đá gà ngày trước đã kháo nhau:
Gà
nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái
nào đẹp bằng gái Nha Mân?
Nha
Mân, vùng Cái Tàu Hạ, có con rạch Nha Mân êm đẹp, hiền
hòa. Theo sử sách Miên, nơi đây vốn là nơi có các thiếu
nữ đẹp khiến các vua Miên thường chọn hoàng hậu từ
Nha Mân.
Cao
Lãnh nằm vào ven biên Đồng Tháp, một vùng ruộng vườn
xanh tốt nhưng vì ngày xưa không có đường lộ giao thông
như con đường nối liền An Hữu đến Hồng Ngự hiện
nay, nên là nơi đất lành chim đậu, nơi nương náu của
nhiều nhà cách mạng chống Pháp. Nơi đây đã từng là
nơi có những cuộc biểu tình của dân chúng chống thực
dân. Người viết bài còn nhớ chỉ hôm sau ngày 9 tháng
Ba năm 1945, ngày quân Nhật đảo chánh thực dân Pháp ở
Sài Gòn, thì ngay sáng hôm đó đã có truyền đơn rải ở
vùng Cao Lãnh để thông báo cho dân chúng tình hình chánh
trị mới!
Cao
Lãnh hiện nay còn được khắp nước biết đến vì sau
ngày 30/4/1975, chánh quyền đã xây cất Lăng Phó bảng
Huy, thân phụ ông Hồ Chí Minh, nguy nga, tráng lệ. Năm
1926, ông Nguyễn Sinh Sắc, trên bước đường lưu lạc
vào Nam, sau khi mất chức tri huyện Bình Khê vì say rượu
làm chết tội phạm, đã qua đời ở Cao Lãnh. Dân chúng
địa phương đã chôn ông sau Miễu Trời Sanh, cạnh nhiều
nấm mồ hoang của miễu. Mộ của Ông là một nấm mộ
đất nhỏ, không bia, không móng nhưng được các nhà cách
mạng trong vùng thường chăm sóc. Sau 1975, các nấm mộ
hoang đã bị bốc đi nơi khác. Đất dân chúng đã bị
trưng thu để thành lập lăng Ông Phó Bảng. Từ một nấm
mộ đất nhỏ, đơn sơ, nay Lăng là một công trình kiến
trúc quy mô chiếm đến 3,6 mẫu tây với công viên, hồ
sen, bảo tàng viện Nguyễn Sinh Sắc, bảo tàng viện Hồ
Chí Minh...!
Đồng
Tháp là vùng đất thấp nên từ trước đến nay chưa có
các công trình xây cất đường xá hẳn hoi. Tuy nhiên, nhờ
được có nhiều kinh lạch được đào nên giao thông bằng
đường thủy đã được sử dụng cho việc chuyên chở.
Việc đào kinh đã được thực hiện từ xa xưa do người
Chân Lạp như hố Cái Bác từ ngọn Cái Cái đến ngọn
Vàm Cỏ Tây, hoặc những con kinh đứt khúc vùng Đông-Bắc.
Đặc biệt dưới thời các chúa Nguyễn trong cuộc Nam
tiến, nhiều kinh chiến lược quan trọng đã được thực
hiện như Thoại Ngọc Hầu đã đào kinh Vĩnh Tế...Thời
Pháp chiếm đóng, nhiều kinh lớn khác đã được thiết
lập trong ý đồ thâm nhập và phát triển vùng đất
hoang vu, nơi trú ẩn của các người ái quốc chống Pháp.
Con kinh Lagrange, được người Việt một thời kêu là
kinh Lạc Giăng (tên của viên Chánh Tham biện tỉnh Tân An
đã chủ trương) là một kinh quan trọng trong trung tâm
Đồng Tháp, rộng trên 20 thước, tàu bè có thể chạy
thông thương lên phía Gẫy để đến rạch Cái Cái. Đặc
biệt có con kinh Cát Bích, nghe tưởng là tên chữ Hán-Việt
nhưng thật ra là lối phát âm bình dân để đọc tên
Pháp là kinh số “4 bis”! Thời Việt Nam Cộng Hòa,
việc hoàn tất con kinh Đồng Tiến, bề ngang rộng đến
100 thước, là một thành tích đáng ghi nhớ. Bác sĩ Phan
Quang Đán và tác giả bài này, trong chương trình Khẩn
hoang Lập ấp, đã vô cùng kinh ngạc khi có được dịp
trở lại thăm vùng kinh được đào sau một năm. Trên hai
bờ kinh, suốt dãy đất được xáng múc đổ lên, các
nông dân đã năng động biến thành các vườn dưa hấu
bát ngàn!
Nếu
sát nhập vào khu Đồng Tháp vùng kế tiếp là khu phía
Đông sông Vàm Cỏ Tây tới tận sông Vàm Cỏ Đông thì
mới hiểu vì sao Đồng Tháp là một chiến khu quan trọng
trong suốt cuộc chiến. Chiến khu Đồng Tháp như vậy là
một vùng rộng lớn giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ
Đông. Đây là một trũng nước lõm, thâu nhận nước
sông Tiền từ mặt Ba Nam chảy xuống. Mé Đông là các gò
chạy dài từ Mỹ Tho qua Bến Lức, Tân An. Mé Nam cũng có
nhiều giồng để chận nước lại. Vùng bùn lầy bất
tận này có lõm ở giữa là Gò Bắc Chiên và Tháp Mười.
Đây là một vùng dân cư thưa thớt. Đồng Tháp năm nào
cũng lụt lội, thảo mộc thường là cỏ năng, lác, bàng.
Khu giữa hai con sông Vàm Cỏ mỗi năm cũng lụt vào mùa
mưa và là một vùng đầy loại thảo mộc khác hẳn Đồng
Tháp là lau sậy. Thời Pháp, quân đội chưa có phương
tiện trực thăng chuyển quân nên hành quân vào vùng rất
khó khăn, chỉ có thể dùng các toán nhảy dù. Để ngăn
chặn các chuyển quân hoặc tuần tiễu bằng đường
thủy, kháng chiến quân đã đóng nhiều cản chặn trên
các ngõ vào các kinh lạch.
Quân
đội Pháp đã không có khả năng hành quân quan trọng vào
Đồng Tháp vì bốn trở ngại chánh: bùn, muỗi, đĩa và
nắng. Mỗi năm Đồng Tháp bị lụt lội gần 5 tháng. Vào
mùa khô đất vẫn còn rất nhiều nơi bùn lầy. Lội bùn
với giày nhà binh là một việc vô cùng vất vả. Cây cối
ở Đồng Tháp rất thưa thớt, ít tìm được nơi có bóng
mát, nắng nóng cháy da mà nguồn nước ngọt lại rất
hiếm. Đối với muỗi, dân địa phương quen dùng nóp ngủ
nên không thấy trở ngại. Nóp là một bao đệm bàng,
loại túi ngủ rất ấm áp lại tránh khỏi bị muỗi cắn,
một vật bất ly thân của nông dân và bạn chèo ghe Nam
Bộ.
Đĩa Đồng Tháp thường là loại đĩa trâu, rất lớn con, bám vào da rất khó gỡ ra. Thời Kháng chiến, tác giả bài này có biết một nữ sinh đã có can đảm thoát ly gia đình, bỏ học tham gia tranh đấu. Nhưng chị lại có một cái sợ khủng khiếp đến ngất xỉu khi bị đĩa đeo! Những khi liên lạc viên dẫn đường, phải qua các trũng nước sâu, rộng, mọi người đều phải cố sức vượt qua rất mau vì là vùng trống trải. Nếu bị phi cơ tuần thám phát hiện thì kể như tàn đời. Một anh bạn đã ra tay nghĩa hiệp tình nguyện cõng chị khi phải vượt qua các vũng nước. Cuối cùng là về sau, anh chị đã là bạn đời với nhau!
Trong
giai đoạn khởi đầu Kháng Chiến Nam Bộ, các cơ quan của
Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ đều được đặt dài trên con
kinh Lagrange, được đỗi tên thành kinh Dương Văn Dương.
Kháng chiến quân đã xây ở đầu kinh đổ ra sông Vàm Cỏ
Tây một cản thật kiên cố, để tàu Pháp không thể vào
được trong kinh. Kinh Lagrange vì vậy được coi là một
an toàn khu. Nơi đây, có một thời Lê Duẫn đã được
cấp cho một chòi nhỏ khi được cử làm Trưởng Phòng
Dân Quân Nam Bộ. Lê Duẫn được đưa từ Côn Nôn về,
sau khi Trần Văn Giàu đã thành lập Ủy Ban Hành Chánh Nam
Bộ nên Duẫn chắc đã phải cay đắng nhận một chức
vụ khiêm tốn. Hẳn Lê Duẫn đã không quên việc bị
Giàu bỉ mặt này nên từ sau năm 1945, Trần Văn Giàu đã
bị cầm chân ở Bắc, không được về Nam thi thố tài
năng và chỉ được cho trở lại miền Nam sau 1975 mà
thôi?
Toàn
khu Đồng Tháp, đến mùa nước lụt lớn, nhìn mênh mông
như mặt biển. Nhấp nhô trên mặt, thỉnh thoảng có
những nơi cao, có cây cối, bụi rậm, được gọi là các
giồng. Mùa nước lớn nơi các giồng là chỗ tụ tập
tránh lụt của hằng trăm rắn rít, chuột. Các rắn đủ
loại thường quấn nhau thành nuồi trên các cành cây,
trông rất dễ sợ. Gặp mùa nước lên, nếu có ghe thuyền
thì chống chèo đi đâu cũng dễ dàng nếu biết rõ phương
hướng. Năm 1944, thời Đệ Nhị Thế chiến, thành phố
Sài Gòn bắt đầu bị phi cơ Đồng Minh oanh kích dữ dội.
Trường Trung học Petrus Ký phải tạm thời đóng cửa, để
học sinh tản cư. Tác giả bài này có biết trường hợp
một nữ sinh tên Diễm Lệ, quê ở Mộc Hóa, học năm thứ
Nhất ban Cổ điễn Á Đông của Giáo sư Phạm Thiều. Vào
thời đó, có một nữ sinh từ Mộc Hóa xa xôi của Đồng
Tháp theo học Trung học là việc hi hữu! Trường đóng
cửa vào mùa nước nổi, đường xá đều ngập lụt, cha
của Diễm Lệ đã phải chèo ghe từ Mộc Hóa đến Tân
An để rước con về quê.
Đến
mùa khô, di chuyển trong Đồng Tháp cũng không phải là
chuyện dễ nếu không phải là người địa phương biết
tránh các vũng bùn lầy, biết len lỏi định hướng theo
các giồng quen thuộc. Nhiều nơi trong Đồng Tháp là những
đầm sen to lớn giữa thiên nhiên. Có nhiều dịp được
di chuyển bằng trực thăng bay trên các đầm sen bát ngàn
này, nhất là vào các buổi sáng sớm hay chiều hôm, mùi
hương sen do cánh quạt trực thăng khuấy động đã bay
lên ngào ngạt khắp không gian! Lúc còn trẻ, mỗi năm
người viết bài thường tháp tùng theo các người lớn
trong gia đình, bơi xuồng vào các đầm sen để cắt bông
sen về làm trà, dùng cho cả năm. Cánh bông sen và gương
non được phơi sấy khô để làm trà dùng thường ngày.
Riêng nhụy sen vàng được chọn để sấy trên ơ bằng
đất nung, dành để cúng trong các buổi lễ lớn. Trà
nhụy sen này khi được pha nấu với nước mưa, ngoài
hương vị đặc biệt lại còn có một màu ửng hồng
trông rất đẹp mắt.
Một độc đáo khác thường được thấy ở Đồng Tháp là những nơi có loại “lúa trời”. Đây là những vùng đất thấp, thường ngập nước, có loại lúa mọc từ lòng đất vươn cao lên khỏi mặt nước, giống như loại lúa nổi. Dân nghèo dùng xuồng nhỏ, thấp, len lỏi vô các bưng có lúa trời, dùng thanh tre dài lùa đập các cộng lúa để hột lúa rụng rớt vô xuồng. Đi đập mót lúa trời cũng là một nguồn sinh sống cho dân cư cùng khổ, không đất canh tác.
Đồng Tháp Mười, như trên đã nói là một vùng đất trũng rộng lớn. Có giả thuyết đã cho rằng có thể nơi đây, khi xưa, là dấu vết cũ của sông Cữu Long. Vì một lý do thiên nhiên nào đó, sông Cửu Long đã bỏ lòng sông cũ để chảy qua vị trí hiện nay. Hai vùng trũng thiên nhiên rộng lớn là Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau là hai hồ nước để chứa nước sông Cửu vào mùa nước nổi. Đến mùa nước đổ, cá con sanh từ Biển Hồ Tonlé Sap tràn vào hai hồ nước thiên tạo này, lớn lên nhờ rong, rễ non và sanh trưởng nhanh chóng. Đây là một vựa cá trời cho dân miền Nam. Phải có dịp sống ở miền này vào mùa cá linh mới hiểu được cái diễm phúc trời dành cho miền này: Cá linh nổi lền trên mặt nước. Dân chúng chài vớt hay đóng đáy bắt cả hàng tấn cá, lớp ăn tươi, lớp làm mắm, lớp dùng làm phân để bón cây, thuốc lá...vì ngày trước không có kỹ nghệ ướp lạnh cá hay làm đồ hộp! Đến mùa gió chướng, cá hình như có linh tính biết mùa hạn sắp đến nên lại lội ngược dòng về Tonlé Sap để gây giống mùa năm sau.
Kinh
rạch là một phương tiện giao thông rất quan trọng ở
miền Nam để chuyển vận hàng hóa. Các kinh đào đã tiếp
nối để ghe thuyền có thể giao lưu từ các sông Tiền
Giang, Hậu Giang vận chuyển tiếp tế đến thủ đôâ Sài
Gòn. Đối với giới thương hồ, tên các kinh Tháp Mười
hay kinh Phong Mỹ, kinh Tổng đốc Lộc từ Rạch Ruộng (Sa
Đéc) đến Rạch Bà Bèo (Cai Lậy), kinh 12, kinh Cái Bèo,
kinh Bo Bo, kinh Ngang, kinh Chợ Gạo..., các chỗ giáp nước
như Thủ Thừa, Ba Cụm, Chợ Đệm...là những tên quen
thuộc được nhắc đến hằng ngày trong các câu chuyện
làm ăn. Sau Hiệp định Genève năm 1954, các địa danh
như Mỹ An, Mỹ Trà, kinh Phong Mỹ...thường được báo
chí nhắc đến hằng ngày vì là nơi tập trung để bộ
đội Việt Minh vùng Đồng Tháp được lên tàu tập kết
ra Bắc.
Đường
bộ giao thông trong Đồng Tháp không có là bao. Thông
thường, phần lớn toàn là những đường mòn chỉ người
địa phương mới biết xử dụng. Việc vận tải hàng
hóa chỉ nhờ ở các thủy trình, kinh rạch. Trong suốt
cuộc chiến, lực lượng quan trọng để bảo vệ an ninh
đường thủy là Lực lượng Giang đoàn của Hải Quân.
Một giang đỉnh án ngữ trên sông, kinh, rạch, là một
pháo đài với hỏa lực tương đương với các thiết
giáp trên đường bộ. Bao nhiêu chiến sĩ các Giang Đoàn
đã phải hy sinh trong nhiều trận chiến ác liệt nhưng ít
người được biết để bảo vệ đường tiếp tế cho
dân chúng thủ đô Sài Gòn. Điển hình như trận Rạch Ba
Rài ngày 29/9/1965, khi hai Giang đoàn 21 và 27 Xung Phong đã
được điều động để tiếp viện một đơn vị bộ
binh của Sư đoàn 7 và Thủy Quân Lục Chiến đang bị một
đơn vị Bắc Việt cầm chân mấy ngày ở Ba Rài. Sau này,
khi đọc quân sử Bắc Việt mới biết đơn vị này là
Tiểu đoàn chủ lực 261, được trang bị vũ khí nặng
với nhiều B40. Nơi đây là con rạch Ba Rài, từ Cái
Bè trổ ra sông Cửa Tiểu. Hai sĩ quan Hải Quân đã tử
thương trong trận này và địch quân đã bỏ lại trên
chiến trường hơn 57 vũ khí đủ hạng. Xác địch mang
quân phục vải kaki Nam Định đã trôi đầy rạch Ba Rài.
Hai năm sau, ngày 15/9/1967, một trận đụng độ lớn cũng
xảy ra tại khúc rạch này nhưng lần này, quân Bắc Việt
đã đụng độ với giang đoàn Hải Quân Mỹ.
Một
căn cứ Hải Quân quan trọng khác trong Đồng Tháp đã án
ngữ để các đoàn quân Bắc Việt không thể từ an toàn
khu bên đất Miên xâm nhập để cắt quốc lộ 4 là Căn
cứ Chiến Lược Tuyên Nhơn ở Mộc Hóa. Cộng Sản đã
từng huy động các đơn vị chủ lực để san bằng căn
cứ nằm bên bờ Nam của con kinh Đồng Tiến nhưng không
đạt được kết quả. Trong hai đêm 6 và 7/12/1974 cũng
như lần chót vào 26/3/1975, các bộ đội cấp Trung đoàn
Bắc Việt, từ bên kia đất Miên đã ồ ạt tấn công
vào căn cứ. Chúng đã tràn ngập khu chợ Tuyên Nhơn, san
bằng các đồn bót trong vùng. Các căn nhà trong trung tâm
đều bị pháo phá sập nhưng quân nhân và gia đình trú
ẩn dưới các hầm, dưới sự điều động của Hải
Quân Thiếu tá Lê Anh Tuấn, đã chống trả và Cộng quân
đã không thể chiếm căn cứ. Cộng quân, ngoài các đợt
tấn công, thường ngày còn liên tục pháo kích vào căn
cứ chiến lược này khiến nhiều nhà quân sự đã nói:
Bộ
Binh có An Lộc, Bình Long
Hải
Quân có Tuyên Nhơn, Mộc Hóa.
Các
đơn vị của căn cứ này chỉ rời khỏi doanh trại ngày
30/4/1975 sau khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lịnh buông
súng. Thiếu tá Lê Anh Tuấn đã tự sát trên đường rút
ra Bến Lức. Năm 1995, một chiến hữu Hải Quân đã trở
về vùng kinh ngang Thủ Thừa để đi tìm lại được mộ
của Thiếu tá Tuấn. Hài cốt của liệt sĩ Lê Anh Tuấn,
Chỉ huy trưởng Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn, nay được ký tự
ở một ngôi chùa ở Palo Alto, California.
Thời Pháp và thời Việt Nam Cộng Hòa, trên các kinh, rạch Đồng Tháp thường có đặt các trạm Thủy lợi, còn được gọi là nơi thiết trí “cây đo nước”. Mực nước được ghi mỗi giờ để các chuyên viên điều nghiên, trù liệu việc đào kinh tháo nước phèn. Dòng nước phải được tính toán trước để trù liệu cho chảy từ chỗ cao đến nơi thấp để tháo nước. Sau ngày 30/4/1975 các “Đĩnh cao Trí tuệ” nhưng dốt nát của chánh quyền Xã Hội Chủ Nghĩa đã bắt dân chúng, trí thức, sinh viên đi làm công tác thủy lợi. Họ bắt đào thế nào mà thay gì tháo phèn lại làm việc trái ngược ở vài nơi, khiến nước mặn tràn vào vườn tược, làm hư hại cây cối mùa màng đang tươi tốt của dân!
Đồng
Tháp Mười, giữa Sông Tiền và sông Vàm Cỏ Đông rộng
trên 930.000 mẫu, nếu cộng thêm Đồng Cà Mau sẽ là một
cánh đồng bất tận ở miền Nam, có tiềm năng kinh tế
vĩ đại khi có được chương trình phát triển quy mô. Ở
lưu vực sông Hồng ngoài Bắc, mỗi gia đình nông dân chỉ
sống nhờ vào khoảng năm sào ruộng. Các “địa chủ”
đã phải bỏ mình trong chiến dịch Cải cách Ruộng Đất
của Cộng Sản thông thường nhiều lắm chỉ sở hữu
được năm hoặc sáu mẫu ta! Một mẫu tây lớn bằng 3
mẫu ta. Chỉ tính riêng Đồng Tháp Mười, với gần một
triệu mẫu tây đất, nếu được điều nghiên phát
triển, thì nơi đây sẽ nuôi sống được biết là bao
dân chúng? Sau ba mươi năm chinh chiến, một chánh quyền
thời bình, nếu có thực tâm vì dân vì nước, thì đã
xây dựng xứ sở để đem lại hạnh phúc thiết
thực cho mỗi gia đình. Nhưng trái lại, vì kiêu căng,
điên rồ, chánh quyền này lại thí mạng thêm một thế
hệ thanh niên miền Nam để “tiền phong tranh đấu cho
cách mạng Đông Nam Á”. Sau ngày Quốc hận 30 tháng Tư
1975, tương lai đất nước thay vì được cơ hội vương
lên trong hoàn vũ, lại bị để sa lầy trong một thời
gian dài ở Campuchia, uổng phí mấy mươi năm quý báu để
có dịp phát triển cơ sở nông nghiệp thiết thực và
vững chắc ! Nhưng vùng “Phật địa”bao la trời dành
cho miền Nam vẫn còn đó, trông chờ muôn vạn bàn tay xây
dựng của các thế hệ thanh niên mới, trong một chánh
quyền mới.
Trần
Nguơn Phiêu