văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, May 17, 2013

TRẦN YÊN THẢO & LÂM HOÀNG LÂN * lộ tuyến bắc của con đường tơ lụa - Chương V


Rời Đôn Hoàng ra Hán Ngọc Môn Quan đi về phía Tây Bắc, qua Tây Châu, Yên Kỳ, Hán Luân Đài rồi đến Sơ Lặc. Tức từ phía Đông bồn địa Tháp Lý Mộc đi giữa lòng bồn địa về phía Tây. Đó là Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.
Tháp Lý Mộc là bồn địa nằm sâu trong đất liền lớn nhất Trung Quốc và nổi tiếng nhất Thế Giới. Bồn địa cách Bắc Băng Dương phía Bắc và Thái Bình Dương phía Đông mỗi bề 3.800km. Cách Ấn Độ Dương phía Nam 2.200km, có tổng diện tích 53 vạn km2. Đó là bồn địa khép kín và hoàn chỉnh nhất.
Phía Bắc có Thiên Sơn che chắn, phía Nam có núi Côn Luân và núi A Nhĩ Kim. Núi bao quanh bồn địa cao từ 4.000 tới 6.000m so với mặt biển.
Khí hậu bồn địa khô, nhiều gió, nhiệt độ thay đổi lớn. Lượng nước mưa mỗi năm dưới 50mm, thậm chí có nơi không tới 25mm. Mặt đất bồn địa chủ yếu là sa mạc (chiếm 64%). Thời kỳ đóng băng thế kỷ thứ 4, nguồn nước trên các dãy núi quanh bồn địa đều đóng băng. Khi băng tan kéo theo một lượng lớn bùn cát xuống bồn địa, lượng cát trầm tích dày tới 500m. Nhưng từ những thế kỷ về sau khí hậu dần dần khô hạn, các nguồn nước giảm nhiều và gió càng mạnh hơn. Lượng cát trầm tích từ những thế kỷ trước dần hồi biến thành sa mạc.
Sông Tháp Lý Mộc (con sông nội địa dài nhất Trung Quốc) chảy xuyên bồn địa từ Đông sang Tây, nhưng lại chảy qua vùng sa mạc khô cằn không có nước (sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can) nên biến thành con đường có màu xanh lục, tạo một rừng Hồ Dương thiên nhiên trong bồn địa. Rừng Hồ Dương có diện tích 28.000.000 mẫu, một nguồn gỗ quan trọng.
Về nhân văn, theo nhiều tư liệu ghi chép, bồn địa Tháp Lý Mộc thời cổ đại, từng là lãnh địa của nhiều vương quốc đã có một thời kỳ phồn vinh. Khi nhà Hán thông sứ Tây Vực thì bồn địa Tháp Lý Mộc có 36 vương quốc. Về sau lại phân chia thành 50 nước. Như vậy trong bồn địa đương thời phải có khoảng 50 thành trấn lớn nhỏ. Điển hình là nước Vu Chấn (nay là Hòa Điền), theo ghi chép của Hòa Thượng Pháp Hiển (đời Tấn) khi qua đây: Nước này đông vui, thịnh vượng. Chúng tăng có đến vạn người. Chỉ một ngôi chùa Cù Phu Đế cũng có đến 3.000 tăng. Trong nước có 14 ngôi chùa lớn như vậy, không kể những chùa nhỏ. Cho nên những thành thị đó xứng đáng gọi là thông đô đại ấp.
Hiện nay những cổ thành trong bồn địa có nhiều nơi đã khai quật, như cổ thành Lâu Lan phía Bắc và cổ thành Ni Nhã phía Nam, đều là những thành thị to lớn. Điều này chứng tỏ bồn địa Tháp Lý Mộc đã có một thời kỳ dài khí hậu ôn hòa.
Về kinh tế, nhiều khu vực trong bồn địa phát triển công nông nghiệp khá sớm. Nhiều tư liệu ghi chép về công nghiệp luyện sắt nơi đây: Ban đêm lửa đỏ rực, ban ngày khói mịt mù. Người ta lấy quặng trong núi về luyện sắt để dùng trong 36 nước. Đó là núi Khưu Từ, tức dãy núi Khố Xa, nằm về miền Bắc bồn địa ngày nay. Toàn vùng ven của bồn địa và các nhánh sông Tháp Lý Mộc giữa bồn địa, có nhiều ốc đảo cây cối xanh tươi. Tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn.
Bồn địa Tháp Lý Mộc còn có giá trị giao thông quan trọng. Các lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa” đều phải đi qua khu vực này. Lộ tuyến mới phía Bắc chạy dọc rìa Bắc của bồn địa. Lộ tuyến Bắc chạy suốt giữa lòng bồn địa. Lộ tuyến Nam chạy dọc rìa Nam. Như vậy bồn địa Tháp Lý Mộc chính là bản lề trọng yếu của “Con đường Tơ lụa”.
Những thế kỷ về sau, khí hậu khô hạn đã xua đuổi cư dân, gió cát chôn vùi thành thị. Bồn địa Tháp Lý Mộc từ đó trở thành khổ nạn cho không biết bao nhiêu lạc đà, người ngựa trên “Con đường Tơ lụa ”.
Lộ tuyến Bắc còn có một địa danh, gần như thần bí, thường xuất hiện trong thơ Biên Tái đời Đường, nhất là Vương Xương Linh và Lý Bạch: “Vương quốc Lâu Lan”. Các nhà thơ có khi chỉ thẳng sự kiện công phá thành và giết vua Lâu Lan, nhưng thường khi mượn hình bóng Lâu Lan để chỉ chung những địch quốc phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc thời cổ đại. Điển hình như trường hợp nhà thơ đời Đường Trương Trọng Tố trong bài thất tuyệt thứ 3, đề tài “Tái Hạ Khúc”.
塞下曲五首其三張仲素
朔雪飄飄開雁門
平沙历乱卷蓬根
功名耻計擒生数
直斬楼兰报國恩
Âm:
TÁI HẠ KHÚC NGŨ THỦ (kỳ tam) Trương Trọng Tố
Sóc tuyết phiêu phiêu khai Nhạn môn,
Bình sa lịch loạn quyển Bồng căn.
Công danh sỉ kế cầm sinh số,
Trực trảm Lâu Lan báo quốc ân.
Dịch:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (bài 3)
Hoa tuyết đầy trời, ra ải Nhạn,
Cỏ Bồng quyện gió cát bay vàng.
Thẹn với công danh đâu dám tưởng,
Chỉ mong vì nước diệt Lâu Lan.

Tác giả chỉ mượn Lâu Lan để chỉ một địch quốc vùng quan ngoại. Vị trí Nhạn Môn Quan (theo những kết quả khảo sát sau này), cách xa hơn ngàn dặm, không liên quan gì đến lãnh thổ Lâu Lan. Đủ thấy vào thời kỳ hưng thịnh (hơn 1.600 năm trước), Lâu Lan là hình bóng bao phủ khắp các chiến địa vùng Tây Vực.
Cổ vương quốc thần bí này đã bị chôn vùi trong sa mạc mênh mông. Nước Lâu Lan ở đâu? Làm sao tìm được dấu tích của một vương quốc bị chôn vùi hằng ngàn năm trước (đây là nói về địa bàn tổ của vương quốc Lâu Lan, trước khi dời đến Y Tuần để tránh thế lực Hung Nô, đổi tên nước Thiện Thiện năm 77 trước Công Nguyên).
Tháng 3 năm 1900, nhà thám hiểm Thụy Điển Svend Heyting đã dẫn một đội thám hiểm đến khảo sát vùng La Bố Bạc. Đồng hành gồm 8 người, trong đó có 2 người Duy Ngô Nhĩ, tên Ngãi Nhĩ Đắc Khắc và Khoa Đạt Khắc Lạp. Đội thám hiểm theo ngã A Tư Đình Bố Lạp Khắc đi về hướng Tây Nam. Trên đường, họ bị một trận cuồng phong xô đẩy thất lạc nhau. Ngãi Nhĩ Đắc Khắc trên mình ngựa không biết bị xô dạt tới đâu. Khi trấn tỉnh, ông thấy mình đang đứng giữa phế tính của một tòa cổ thành. Giữa thành có một tháp cao. Gần tháp, dưới chân những mẫu tường sụp đổ, là những mộc bản chạm khắc rất tinh mỹ. Trong thành, ông còn nhận định được di tích những khu vực công sở và cư dân. Trước những sự kiện tình cờ phát hiện, Ngãi Nhĩ Đắc Khắc tưởng chừng tòa cổ thành được vực dậy từ ký ức của một giấc ngủ chìm hơn ngàn năm.
Khi Ngãi Nhĩ Đắc Khắc bị cuốn vào trận cuồng phong bão cát, Svend Heyting cho rằng ông đã gặp bất hạnh, đã bị chôn vùi trong sa mạc không còn trở lại. Nhưng khi họ gặp lại nhau với những sự kiện vừa phát hiện, cùng những điêu họa mộc bản đem theo từ di tích cổ thành, đội thám hiểm mới biết mình đã thu được những kết quả lớn hơn kỳ vọng lúc ra đi.
Tháng 3 năm 1903, Svend Heyting, sau khi chuẩn bị chu đáo, đã dẫn đội thám hiểm trở lại tòa cổ thành. Lần này họ đã phát hiện được số lớn văn vật. Trong đó có một mộc giản đời Hán (phiến gỗ dùng ghi chép văn tự thời cổ đại), trên đó có khắc 2 chữ “Lâu Lan”. Svend Heyting kết luận đây là di tích cổ thành Lâu Lan bị chôn vùi trong sa mạc hơn 1.600 năm trước. Những văn vật và tư liệu thu thập từ 2 cuộc khảo sát cổ thành Lâu Lan, trong một bản báo cáo phát biểu sau này của Svend Heyting, đã gây chấn động giới khảo cổ toàn cầu.
Trong những văn vật phát hiện tại cổ thành Lâu Lan, có nhiều mẫu tơ lụa sản xuất từ thời Tây Hán. Dù đã trải gần 2.000 năm chôn vùi, sắc thái vẫn tươi nhuận như mới. Mặt lụa vẫn còn nguyên những lời chúc tụng tốt lành như: “Tử tôn vô cực” (con cháu vô cùng), “Diên niên ích thọ” (dài thêm tuổi thọ), “Xương lạc quang minh” (vui sáng phồn vinh)... Chứng tỏ tơ lụa đương thời đã được sử dụng rộng rãi tại vương quốc Lâu Lan.
Vị trí di tích cổ thành Lâu Lan, theo hai lần khảo sát của Svend Heyting, nằm về Đông bộ sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can và ngay trên bờ Tây hồ La Bố Bạc. La Bố Bạc thời cổ đại còn có những tên gọi khác như “Diêm Trạch”, “Bồ Xương Hải”, “Lao Lan Hải”, “Khổng Tước Hải”, “Hạc Hải”. Đương thời hồ La Bố Bạc còn được gọi “La Bố Náo Nhĩ” (Hồ Bùn), ý nói có nhiều nguồn nước đổ vào tích tụ hồ này. La Bố Bạc là hồ có thủy lượng lớn thứ 2 của Trung Quốc thời cổ đại, hiện nay đã hoàn toàn khô kiệt.
Vị trí chuẩn xác của di tích cổ thành Lâu Lan, căn cứ Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) số ra ngày 13 tháng 4 năm 1982: Kinh Đông 89055’22’’. Vĩ Bắc 40029’22’’. Tòa thành nằm thiên Bắc mặt quay Nam. Mặt Đông dài 333,5m, mặt Nam dài 329m, Tây và Bắc mỗi mặt dài 327m, tổng diện tích 108.240m2. Thành tường Lâu Lan đương thời dày 8m, cao 4m. Đông Bắc thành là khu tự viện. Trung tâm đổ về Tây Nam là khu nha môn. Khu cư dân nằm cả về phía Tây và Nam thành.
Vị trí cho thấy, cổ thành Lâu Lan cách phía Tây Đôn Hoàng khoảng 80km. Nghĩa là vẫn nằm về Đông Bộ sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can và nằm trên bờ Tây hồ La Bố Bạc. Hoàn toàn không xê dịch, so với vị trí khảo sát của Svend Heyting (năm 1900 và 1903).
Từ Đôn Hoàng nhìn về phía Tây cho tới ngoài tầm mắt, là một không gian vô tận được cấu thành từ những gò cát chằng chịt và sỏi đá lổm chổm trên qua bích. Không có nước, không có sinh thực vật. Hoàn toàn là vùng đất không có sự sống. Bao quanh cổ thành Lâu Lan là địa hình “Nhã Đan”. “Nhã Đan” là tiếng Duy Ngô Nhĩ, có nghĩa là một địa hình được cấu thành từ những gò đất nối liền thành giồng luống, đan xen những khe hố. Địa hình này ngày càng trải dài theo phương hướng những trận cuồng phong. Giồng luống ngày càng bị xâm thực nâng cao từ 0,5m đến trên 10m, dài có đến vài trăm mét. Khe hố cũng bị khoét sâu khoảng 2m, rộng trên 20m. Người ngựa di chuyển trên địa hình này cực kỳ gian nan nguy hiểm.
Địa hình “Nhã Đan”, theo nhận định của các nhà khoa học, là một địa hình tác động bởi những trận cuồng phong trường kỳ xâm thực. Trong vòng 10 năm (1960-1970), vùng La Bố Bạc mỗi năm, gió cấp 5-6 chiếm hết 150 ngày, gió cấp 7 - 8 chiếm 80 ngày. Thời gian còn lại trong năm (135 ngày) là gió giật cấp 10 trở lên. Nhiều thập kỷ tiếp sau đó, những trận gió cuồng bạo như những răng nhọn của chiếc lược sắt liên tục cào lên địa hình. Những tầng đất nhuyễn và cát đá của giồng luống trường kỳ bị nạo vét theo chiều gió. Cắn cứ kết quả nghiên cứu trong vòng 40 năm (1919-1959), những giồng luống khe hố quanh cổ thành Lâu Lan và La Bố Bạc bị nạo vét tới độ sâu trên 5m.
Năm Thiên Bảo thứ 8 Đường Huyền Tông (CN 749), nhà thơ Sầm Tham đến Khưu Từ (nay là Khố Xa, Tân Cương), nhận chức Phán quan tại An Tây Đô Hộ phủ. Hành trình có đi qua sa mạc Đồ Luân (nay là Tháp Khắc Lạp Mã Can) và bờ hồ La Bố Bạc. Chắc chắn nhà thơ không biết mình đang dẫm lên phế tích bị chôn vùi hằng ngàn năm trước của tiểu vương quốc Lâu Lan (năm 1903 đội thám hiểm Svend Heyting mới tìm ra đầu mối của phế tích này). Con đường sa mạc đầy gian hiểm, hoang vu không một làn khói bếp. Lòng nhớ quê trỗi dậy, Sầm Tham đã viết bài thất tuyệt “Thích Trung Tác”.
磧中作 岑参
走馬西來欲到天
辞家見月兩回圓
今夜不知何处宿
平沙万里絕人烟
Âm:
THÍCH TRUNG TÁC Sầm Tham
Tẩu mã Tây lai dục đáo Thiên,
Từ gia kiến nguyệt lưỡng hồi viên.
Kim dạ bất tri hà xứ túc,
Bình sa vạn lý tuyệt nhân yên.
Dịch:
VIẾT GIỮA SA MẠC
Một mình một ngựa ruỗi trời Tây,
Xa quê hai độ nguyệt vơi đầy.
Đêm nay chưa biết nơi nào tạm,
Sa mạc tìm đâu khói bếp bay.

Xa quê đã tròn 2 tháng, một mình ruỗi ngựa về phương Tây. Đêm nay chưa biết sẽ dừng chân nơi nào, vì sa mạc mênh mông không một làn khói bếp. Nhà thơ tiếp tục vượt đường dài, thành Khưu Từ còn ở cuối trời Tây. Giữa sa mạc, tình cờ gặp sứ giả Đường triều từ Tây Vực về Trường An. Sầm Tham đã cảm xúc viết thêm bài thất tuyệt “Phùng Nhập Kinh Sứ”.
逢入京使 岑參
故园東望路漫漫
双袖龙钟泪不干
馬上相逢無紙笔
恁君传語报平安
Âm:
PHÙNG NHẬP KINH SỨ Sầm Tham
Cố viên Đông vọng lộ man man,
Song tụ long chung lệ bất can.
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
Nhậm quân truyền ngữ báo bình an.
Dịch:
GẶP SỨ GIẢ VỀ KINH
Dặm trường quê cũ tít phương Đông,
Ướt đôi tay áo lệ đôi dòng.
Trên ngựa gặp nhau không giấy bút,
Thăm nhà cậy bạn báo tin suông.

Cách quê nhà phương Đông một cự ly thăm thẳm, nước mắt đẳm đôi tay áo. Tình cờ gặp sứ giả trên đường về kinh đô. Trên ngựa không sẵn giấy bút, xin tạm nhắn về quê đôi lời bình an.
Lịch sử ghi chép từ hơn 2.000 năm trước, Lâu Lan đã là một vương quốc trong vùng Tây Vực. Tên nước Lâu Lan có thể bắt nguồn từ “Lao Lan Hải” (tức La Bố Bạc). Lâu Lan chính là hài âm của Lao Lan. Điều này khá thuyết phục vì đất Lâu Lan có một phần nằm ngay bên bờ Tây hồ La Bố Bạc. Lãnh thổ Lâu Lan vào thời kỳ hưng thịnh, phía Đông đạt tới Dương Quan, Tây đến bờ Nê Nhã Hà (Nam sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can), phía Nam giáp A Nhĩ Kim Sơn, Bắc đến Cáp Mật. Lãnh thổ hầu hết là sa mạc và đất kiềm muối. Nhưng vương quốc Lâu Lan, có một phần nằm bên bờ Tây La Bố Bạc, hồ này nhờ tích tụ nguồn nước rất lớn của 2 sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước, nên ven hồ có nhiều rừng rậm và thảo nguyên. Dân số của vương quốc này rất ít, chỉ hơn vạn nhân khẩu. Cư dân Lâu Lan chăn thả súc vật trên thảo nguyên, đánh bắt cá trên sông Khổng Tước và hồ La Bố Bạc hoặc săn bắn mưu sinh.
Từ Tây Hán (năm 220 TCN-CN 8), Lâu Lan là vùng đất nằm trên “Con đường Tơ lụa”. Sứ giả và những đoàn thương nhân qua lại Đông Tây không thể không dừng chân nơi đây. Lâu Lan nhờ đó trở thành một tiểu quốc phồn vinh.
Khi thế lực Hung Nô nhập xâm vùng Tây Vực, đối địch với Hán triều, Lâu Lan vì thế lực yếu hơn nên ngã theo Hung Nô. Họ thường cung cấp cho Hung Nô tin tức tình báo, giết sứ giả Hán triều, đánh cướp các thương đội và gây gián đoạn lưu thông “Con đường Tơ lụa”.
Năm Nguyên Phụng thứ 4 Hán Chiêu Đế (năm 77 TCN), đại tướng nhà Hán Hoắc Quang phái Phó Giới Tử đi sứ Lâu Lan. Phó Giới Tử đem nhiều vàng lụa đến biên cảnh Lâu Lan và truyền các tiểu quốc Tây Vực thông báo vua Lâu Lan đến nhận ban phẩm của triều đình. Phó Giới Tử cho vũ sĩ mai phục sẵn, khi vua Lâu Lan đến, giết chết ngay trên chiếu tiệc. Sau đó lập huynh đệ của y là Uý Đồ Kỳ làm vua Lâu Lan. Uý Đồ Kỳ vì muốn tránh thế lực Hung Nô nên cũng ngay trong năm 77 trước Công Nguyên, dời đô đến Y Tuần, đổi tên nước là Thiện Thiện (nay là huyện Nhược Khương, Tân Cương. Không phải huyện Thiện Thiện của Tân Cương ngày nay).
Đất cũ của vương quốc Lâu Lan từ đó (năm 77 TCN) trở thành trọng trấn quân sự của Hán triều và là nơi gặp gỡ của các thương đội, lữ hành cùng tăng lữ trên huyết mạch giao thông Đông Tây (Con đường Tơ lụa). Có một số người Lâu Lan ở lại cố quốc chứ không di dời theo vương quốc đến Y Tuần. Vì là trung tâm giao lưu văn hóa kinh tế, nên đất cũ Lâu Lan cũng thu hút khá nhiều dân cư những tiểu quốc lân cận, ngay cả người Trung Nguyên cũng đổ xô đến kinh doanh.
Đất cũ Lâu Lan từ thời Tây Hán, không chỉ là thành thị phồn vinh trên Con đường Tơ lụa. Quanh hồ La Bố Bạc đương thời còn là vùng khí hậu ôn hòa, nguồn nước của nhiều con sông nội địa tích tụ vào hồ, biến toàn khu thành lục châu có màu xanh. Đó là cơ địa (đất nền) sinh hoạt của toàn khu vực. Người ta săn thú, đánh bắt cá, trồng trọt và chăn thả súc vật thành đàn trên thảo nguyên.
Theo ghi chép trong “Hán Thư”, mặt nước hồ La Bố Bạc đương thời ngang dọc mỗi bề 300 dặm (tương đương 150km). Mặt hồ có tổng diện tích gần 1 vạn km2. Diện tích này khá phù hợp với không ảnh lấy từ vệ tinh nhân tạo ngày nay.
Tới đầu đời Đông Hán, vùng La Bố Bạc vẫn còn là cơ địa sinh hoạt của cư dân sống trên đất cũ Lâu Lan. Những thế kỷ về sau, khí hậu ngày càng khô hạn, những nguồn nước đổ vào hồ giảm dần, diện tích mặt hồ từ từ thu nhỏ. Vùng lục châu bị sa mạc hóa và kiềm muối hóa. Rừng và thảo nguyên chết khô, người và sinh vật không còn điều kiện tồn tại, phải bỏ đất dời cư. Năm Thái Nguyên thứ nhất Đông Tấn Hiếu Vũ Đế (CN 376), cổ thành Lâu Lan chính thức bị chôn vùi trên vùng sa mạc hóa.
Riêng 2 nguồn nước của sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước đổ vào hồ, giảm tới mức tối đa nhưng chưa kiệt hẵn. Năm 1959, đội khảo sát của viện khoa học Tân Cương Trung Quốc đã đến bờ Bắc hồ La Bố Bạc. Hồ vẫn còn mặt nước khá rộng. Thủy cầm sống thành đàn. Đội khảo sát vẫn còn chèo thuyền trên hồ, và còn đánh bắt những con cá dài 1m.
Sau ngày giải phóng, người ta khai khẩn nông điền trên đầu nguồn sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước, chi phối hết nguồn nước của 2 sông. Hồ La Bố Bạc từ đó mới khô kiệt hẵn. Cổ thành Lâu Lan đã có một thời kỳ phồn vinh trên “Con đường Tơ lụa” gần 2.000 năm trước, từ đó cũng trở thành tư liệu nghiên cứu cho giới khảo cổ.
Phía Bắc cổ thành Lâu Lan là Tây Châu (hậu thân của vương quốc Cao Xương, nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương), một thành thị trọng yếu trên Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.

Khi nhắc đến Thổ Lỗ Phiên, người ta nghĩ ngay tới một nhiệt độ nóng bức như lửa. Vì khu vực này có bồn địa “Để Oa” diện tích 5 vạn km2. Mặt đất của bồn địa thấp hơn mặt biển 154m và khí hậu rất khô kiệt. Lượng nước mưa bình quân mỗi năm chỉ có 16mm, bốc lên hơi nóng tới 3.000mm, cho nên địa hình bồn địa chỉ toàn qua bích và sa mạc. Nhiệt độ trong bồn địa lên nhanh xuống chậm, hình thành mùa Hạ nóng bức từ tháng 6 đến tháng 8. nhiệt độ trong không gian từ 40 đến 47 độ duy trì hơn 1 tháng, nhiệt độ bên dưới lớp cát cao tới 82 độ, trứng gà vùi xuống đó cũng chín.
Trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc “Tây Du Ký” có một đoạn cố sự, Tôn Ngộ Không bảo vệ Đường Tăng đi qua 800km Hỏa Diệm Sơn. Bốn thầy trò Đường Tăng đến chân Hỏa Diệm Sơn chỉ thấy hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, chim không thể bay qua. May nhờ Tôn Ngộ Không mượn được quạt “Ba Tiêu”, quạt tắt lửa tan hơi nóng mới qua được. Hỏa Diệm Sơn đề cập trong “Tây Du Ký” chính là núi bao quanh bồn địa “Để Oa” (dài từ Đông sang Tây 100km), thuộc Trung bộ Thổ Lỗ Phiên ngày nay. Núi này do những sa nham màu đỏ tía cấu thành từ thế kỷ thứ 3. Khí hậu nơi đây cực kỳ khô hạn, không tìm thấy một tấc cỏ. Dưới nắng mùa hạ tòa núi như bốc lên ngọn lửa lớn, từ đó núi có tên “Hỏa Diệm Sơn”.
Ngoại trừ viêm nhiệt, Thổ Lỗ Phiên còn là “Phong khố” (kho gió) lớn nhất Trung Quốc. Bình quân mỗi năm, gió cấp 8 chiếm hết 72 ngày trở lên. Theo những ghi chép gần đây, mỗi cơn gió “Cát bay đá chạy” (phi sa tẩu thạch) làm tróc cả lớp sơn bên ngoài tàu hỏa, làm lật cả ô tô, thậm chí đưa cả những toa tàu hỏa ra khỏi đường tàu.
Những năm khai quốc Đường triều, phía Đông Nam Thổ Lỗ Phiên không xa, có nước Cao Xương. Năm Trinh Quán thứ 4 Đường Thái Tông (CN 630), vua Cao Xương Khúc Văn Thái từng đến Trường An triều kiến. Đương thời, khu vực Trung Nguyên bị tàn phá trong chiến loạn cuối đời Tùy chưa phục hồi, cảnh tượng hoang lương, thành ấp tiêu điều. Khúc Văn Thái ngầm cho rằng thế lực Đường triều không mạnh, nên khi về nước, ngã theo Tây Đột Quyết chống Đường. Thường khi đánh phá những nước nhỏ thuộc Đường trong vùng Tây Vực và gây trở ngại lưu thông trên “Con đường Tơ lụa”. Đường Thái Tông phái Ngu Bộ Lang Trung Lý Đạo Dụ đến hỏi tội trước. Khúc Văn Thái ngạo mạn trả lời? “Chim Ưng bay trên trời, chim Trỉ nằm trong tổ, mèo dạo chơi sân nhà, Chuột nằm trong hang... Ta là vua một nước chẳng lẽ không bằng được loài chim thú hay sao?”. Lý Đạo Dụ về bẩm báo, Đường Thái Tông nghĩ việc này không dùng vũ lực không xong. Năm Trinh Quán thứ 14 (CN 640), Đường Thái Tông phái đại tướng quân Hầu Quân Tập đem quân Tây chinh Cao Xương.
Khúc Văn Thái nghe quân Đường kéo đến, không hề phòng bị, vì cho rằn g Đường triều cách nước Cao Xương rất xa, đường đi toàn sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, cỏ nước thiếu thốn. Không bao lâu cũng sẽ tự lui binh thôi. Khi quân Đường đến biên cảnh Cao Xương, Khúc Văn Thái không chống cự được, sợ quá ngã bệnh chết. Quân Đường diệt vong nước Cao Xương và cùng năm đó, thiết lập Cao Xương thành Tây Châu (nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương).
Nước Cao Xương đổi là thành Tây Châu từ thời sơ Đường. Đến giữa thế kỷ thứ 9 Công Nguyên, Hồi Cốt (nay là tộc Duy Ngô Nhĩ) có một chi từ phương Bắc dời đến, dựng đô tại thành Cao Xương. Lịch sử gọi đó là nước Hồi Cốt Cao Xương, là thuộc quốc của Đường Triều, và đổi tên là Hỏa Châu (còn gọi là Hòa Châu). Đến đầu đời Minh, Hỏa Châu tuy hoang vắng nhưng vẫn còn người ở. Khoảng thế kỷ thứ 14-15, cổ thành Cao Xương mới hoàn toàn bị bỏ phế.
Tại công xã Hỏa Diệm Sơn, phía Đông Nam huyện thành Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương khoảng 40km, ngày nay vẫn còn di tích cổ thành Cao Xương. Thành có chu vi 5km. Tường thành cao 11m, xây bằng đất ép, trải gần 2.000 năm vẫn còn đứng vững. Bố cục trong thành đúng theo quy cách kinh đô Trường An đời Đường.
Phía Tây Bắc di tích cổ thành Cao Xương không xa, có 2 thôn trang nhỏ. Một thôn tên A Tư Tháp Ná, thôn kia là Cáp Lạp Hòa Trác. Giữa 2 thôn trang là một bãi qua bích có nhiều ngôi mộ cổ. Theo kết quả nghiên cứu, những ngôi mộ này được chôn cất từ niên hiệu Thái Thủy thứ 9 đời Tây Tấn (CN 273) đến niên hiệu Đại Lịch thứ 7 đời Đường (CN 772). Tại những ngôi cổ mộ này, người ta khai quật được khá nhiều văn vật trân quí. Nhờ khí hậu khô kiệt trên qua bích, những mẫu tơ lụa sản xuất từ đời Đường vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn. Quan trọng nhất là quyển cổ thư đã thất truyền từ đời Tống: “Luận Ngữ Trịnh Huyền chú” (quyển cuối). Sách dài 538mm, ghi niên hiệu Cảnh Long thứ 4 Đường Trung Tông (CN 710). Người sao chép đề ký: “Tây Châu, huyện Cao Xương, làng Ninh Xương, thôn Hậu Phong. Học trò tên Nghĩa sao chép năm Bốc Thiên Thọ thứ 12”. Điều này chứng minh, sách học của trẻ em vùng Tây Vực thời cổ đại không khác với Trung Nguyên.
Tại thôn A Tư Tháp Ná còn phát hiện chiếc hộp bọc giấy Hồ Quan trên một bộ hài cốt. Trong đó có một hóa đơn xuất nhập thức ăn cho ngựa của dịch trạm Tây Châu do lính dịch trạm tên Trần Kim viết năm Thiên Bảo 13-14 Đường Huyền Tông: “Phán quan họ Sầm mua bắp cho ngựa ăn là 3 đấu 5 cân. Thanh toán tiền cho lính dịch trạm tên Trần Kim”. Cứ theo lịch sử ghi chép, người họ Sầm đi nhận chức phán quan tại Bắc Đình Đô Hộ phủ của Phong Thường Thanh (năm Thiên Bảo thứ 13-14), chính là nhà thơ “Biên Tái” trứ danh Sầm Tham. Lộ trình theo “Con đường Tơ lụa” đến thành Khưu Từ (thủ phủ của Bắc Đình Đô Hộ), nhà thơ có dừng chân tại Tây Châu và mua thức ăn cho ngựa tại dịch trạm này.
Thời Tây Hán, thành Giao Hà thuộc vương quốc Xa Sư Tiền (còn có tên Xa Sư Tiền Vương Đình). Đến đời Thập Lục quốc, vương quốc này bị diệt vong, thành Giao Hà sau đó thuộc nước Cao Xương và là đô thị lớn thứ 2 của Cao Xương. Công Nguyên 640 Đường triều diệt nước Cao Xương, thành Giao Hà được dùng làm Tổng Hành Dinh của An Tây Đại Đô Hộ phủ, đến Công Nguyên 658 mới di dời đến thành Khưu Từ.
Phía Tây thành Thổ Lỗ Phiên không xa, có di tích cổ thành Giao Hà. Tường thành chỉ còn vài mẫu sụp đổ. Trong thành có một con đường chủ yếu thông từ Đông Nam sang Tây Bắc. Rải rác đây đó cũng còn những di tích phòng ốc và tự viện nhưng đều đã trốc mái.
Mùa Xuân năm 1979, Thổ Lỗ Phiên mở rộng khu du lịch nối liền 2 tòa cổ thành Cao Xương và Giao Hà, và thiết lập tại đó một trung tâm bảo hộ văn vật quốc gia trọng điểm. Nhờ đó thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Từ Tây Châu tiếp tục đi về phía Tây khoảng 200km sẽ đến Yên Kỳ, là một trong những tiểu vương quốc Tây Vực thời cổ đại. Đời Hán Ban Siêu đã từng trấn thủ nơi đây. Đến đời Đường, Yên Kỳ được nâng thành Đô Đốc Phủ, là một trọng trấn quân sự quan trọng ở Tây Vực.
Phía Tây Yên Kỳ không xa, là thành thị Khố Nhĩ Lạc. Phía Bắc thành Khố Nhĩ Lạc có Thiết Môn Quan, một tòa quan ải trọng yếu có thể khống chế 14km sườn núi cheo leo vùng thượng du sông Khổng Tước và cả cửa khẩu Hiệp Cốc. Từ đó có thể thông vào bồn địa Tháp Lý Mộc.
Khưu Từ (nay là Khố Xa Tân Cương) là thành phố lớn nhất trên Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”. Thành phố này cách phía Đông Luân Đài (Hán Luân Đài) khoảng 100km. Ngày nay đi ô tô chỉ mất 2 giờ, nhưng thời xưa dùng Lạc Đà phải mất 2 hoặc 3 ngày, gặp lúc thời tiết nhiều gió có khi hơn.
Những năm đầu thời Tây Hán (năm 200 TCN), vùng Tây Vực có 36 tiểu quốc, phối trí trên cả 3 lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa”. Những nước nhỏ chỉ có một thành thị và nhân khẩu toàn nước chỉ độ vài ngàn. Nước lớn hơn thì ngoài kinh đô còn có một hai thành trấn, dân số khoảng từ 1 đến 2 vạn. Trong đó, Khưu Từ là vương quốc lớn nhất. Dân số có đến trên 8 vạn. Lãnh thổ bao quát 6 huyện thành gồm, Luân Đài (Hán Luân Đài), Khố Xa, Sa Nhã, Bái Thành, A Khắc Tô, và Tân Hòa. Tất cả đều thuộc tỉnh Tân Cương ngày nay.
Khoảng niên hiệu Thần Tước Tây Hán Tuyên Đế (năm 61 đến năm 58 TCN), vương quốc Khưu Từ đã thuộc lãnh thổ Tây Hán. Đến năm Vĩnh Nguyên thứ 3 Đông Hán Hòa Đế (CN 91), Ban Siêu nhận chức Tây Vực Đô Hộ, bản doanh của Đô Hộ Phủ đóng tại phụ cận thành Khưu Từ. Khưu Từ đương thời vẫn là một tiểu vương quốc thuộc Hán chứ chưa diệt vong.
Đến đời Đường, An Tây Đại Đô Hộ phủ đóng tại thành Giao Hà (Tây Châu), quản lý toàn bộ con đường phía Nam Thiên Sơn. Năm Trinh Quán thứ 22 Đường Thái Tông (CN 648), Đường triều phái A Sử Na Xã Nhĩ diệt nước Khưu Từ và thành lập Khưu Từ Đô Đốc phủ. Cùng năm đó, di dời An Tây Đại Đô Hộ phủ từ thành Giao Hà đến Khưu Từ. Hai năm sau lại dời trở về thành Giao Hà. Năm Hiển Khánh thứ 3 Đường Cao Tông (CN 658), lại dời An Tây Đại Đô Hộ phủ trở lại thành Khưu Từ. Từ đó, Khưu Từ trở thành trung tâm chính trị quân sự chủ yếu trên Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.
Rời Khưu Từ, Lộ tuyến Bắc tiếp tục đi về phía Tây sẽ hội tụ với Lộ tuyến Nam tại Sơ Lặc Trấn. Từ đó 2 Lộ tuyến Bắc Nam của “Con đường Tơ lụa” sẽ cùng vượt Thông Lãnh để đến Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và đế quốc La Mã.