văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, May 18, 2013

ĐINH LÂM THANH * ngã ba sung sướng

 
Ngã ba sung sướng nằm tại con đường đối diện với bờ kinh thầy Tư, khóm 4, thuộc thị trấn Sông Đốc, Cà Mau. Tên ngộ nghĩnh nầy do người địa phương đặt ra chừng vài năm nay, vì ở đây đàn ông thanh niên có thể mua được những cái sung sướng nhất đời. Ngã ba là một khu chợ sầm uất ngày cũng như đêm, người bán nhìn chung, gồm những chị em đã xuống giá, kiếm ăn khó khăn tại các thành phố. Đám nầy được các tú bà chiêu mộ về đây lập nghiệp với số vốn có sẵn : bán tình, hay nói đúng là bán thân. Người mua đa số trai quê chất phác, khỏe mạnh sống bằng nghề biển. Đánh cá tuy gian nan cực khổ nhiều lúc nguy hiểm tính mạng, mỗi chuyến đi kéo dài đôi ba tuần lễ, nhưng bù lại kiếm được rất nhiều tiền. Mỗi lần về bến giao hàng xong, tiền chẳng bao giờ chịu nằm yên trong túi người ngư phủ trẻ. Không tìm được một nơi giải trí lành mạnh tại thị trấn Sông Đốc nầy, tất nhiên kết quả của mồ hôi nước mắt ba tuần trên biển họ đều đổ vào rượu và gái.

 Tại đây đa số nhà dựng tạm bằng lá lụp xụp dựng cặp theo mé con kinh, có cái sơ sài chừng vài tấm tôn, bốn phía vây kín bằng giấy thùng, nằm san sát trên nhiều khu đất gập gềnh dơ bẩn. Nhưng phải gọi danh từ chợ mới đúng vì nhà nào cũng biến thành một đơn vị buôn bán. Những nơi nào không ồn ào tấp nập với hàng chục gái túc trực thì ít ra tối thiểu cũng có vài chị em, vừa làm chủ vừa đích thân bán hàng. Dù lớn hay nhỏ, bia rượu và gái là hàng hóa căn bản tại khu vực nầy. Không có vấn đề mặc cả, nhưng giá ở đây tương đối rẻ vì nhà cửa xập xệ hôi hám, hàng cũ đã xuống giá, người mua nhanh, kẻ bán vội…rất thích hợp với túi tiền và lối tiếp khách chụp giựt. Việc kinh doanh ở đây rất vui vẽ thoải mái; đang hành nghề, người bán tự nhiên nằm ca vọng cổ trong khi người mua nôn nóng hấp tấp cho xong chuyện. Mỗi cuộc mua bán diễn ra khá nhanh chừng năm bảy phút, khách nầy vừa chấm dứt thì phải hấp tấp bước ra ngoài uống rượu nhường chỗ cho người kế tiếp nôn nóng bước vào. Chẳng ai buồn phiền và cũng chẳng thèm để ý đến người chung quanh làm gì !
Ngã ba sung sướng, duy nhất tại Việt Nam, nơi khách có thể tìm thấy nhiều hàng quán mang những tên độc đáo như ‘Đang Sung’, ‘Muốn Sướng’ hoặc vài đường hẻm được gọi là ‘Hết Tiền’. Dân chúng ở đây đặt ra những danh từ mới nghe thật trớ trêu, nực cười…nhưng ngẫm nghĩ một hồi thì thấy đúng.  ‘Đang Sung‘ mà ‘Muốn Sướng’ thì vào ‘Ngã Ba’… xong việc đi ra sẽ ‘Hết Tiền’ là đúng rồi, còn chối cãi vào đâu nữa !
Mỗi kỳ trăng, cửa biển Sông Đốc đón gần cả ngàn chiếc tàu của dân địa phương và khoảng vài trăm tàu bạn qua lại trong vùng biển Cà Mau - Kiên Giang với trên dưới mười ngàn ngư phủ. Các tú bà và thế lực bao che tính toán thật giỏi, một lực lượng trai trẻ đang hăm hở đổ về từ biển, dù chỉ tính phân nửa vào ‘chơi’ cũng sẽ mang lại những con số đáng kể. Do đó, mùa trăng là lúc làm ăn rầm rộ nhất, họ phải động viên đưa thêm quân từ các nơi về mới có thể đáp ứng với nhu cầu cần thiết. Giá thấp nhất từ năm ngàn và cao đến khoảng năm bảy chục ngàn đồng. Nhưng đa số khi đã vào trận, có ai được trả tối thiểu bao giờ ! Ngoài tiền áo mưa, tiền canh cửa, tiền ‘boa‘, tiền rượu… mỗi ‘dù‘ không dưới chục ngàn. Nếu món hàng được đánh bóng, rao bán tận tình và gặp người mua ngây thơ chịu chơi, các tú bà cứ thẳng tay nâng lên thành giá biểu của các tiểu thư đài các sa cơ thất thế hay của các em ngây thơ trinh trắng mới đến từ vùng quê.
Ngã ba sung sướng, nơi khỉ ho cò gáy nhưng đây là vùng đất màu mỡ, cứ tính đổ đồng mỗi quán có chừng chục gái, mỗi em trên dưới mười ‘dù’, cọng thêm tiền bia rượu thuốc lá, sau khi đóng thuế ô dù, mỗi cửa hàng chỉ trong một ngày cũng giữ được trong túi vài ba triệu đồng. Một nghề thật hấp dẫn, ai đến đây đều cũng vui vẻ. Người bán dùng thân xác làm vốn kiếm lời, khách hàng bóp bụng để mua sung sướng, chỉ có trung gian và bọn bao che đúng giữa chẳng mất gì nhưng lại hưởng lợi nhiều nhất. 
 
***
Lài quê ở Bến Tre, học hết phổ thông cấp một phải rời nhà trường ra chợ phụ mẹ bán hàng. Cha mất sớm vì bệnh sốt rét sau khi mẹ nàng sanh được đứa em trai. Ba mẹ con không thể sống với mấy chục ngàn đồng trợ cấp hàng tháng dành cho gia đình có công với chế độ mới gọi là gia đình tử sĩ. Bà nhường lại miếng vườn hương hỏa của cha ông rồi bồng bế nhau lên Sàigòn buôn bán kiếm sống qua ngày. Nhà cửa tại đây giá đã cao mà tiền mướn thì cứ tăng dần từng tháng một. Buôn bán bị chận trước đón sau, lời đâu chẳng thấy cứ đều đều nạp cho công an, phường khóm để xếp hàng mua tờ giấy hộ khẩu. Rốt cuộc của cải dành dụm từ từ đi vào tiền nhà và ba miệng ăn. Lài có nhan sắc được một người đàn bà lối xóm khuyên nên bỏ nghề bán dạo để làm việc trong các quán giải khát.
Đi làm việc vài ngày, Lài được nhiều người khuyến khích mời mọc săn đón để  tiến thêm một bước từ hầu bàn đến bia ôm. Khi người con gái đã chấp nhận cho ôm kiếm tiền thì chịu bán thân chỉ là giai đoạn. Từ đó Lài thực sự ra nghề, bắt đầu được xếp vào hạng sang có giá rồi theo ngày tháng từ từ tụt xuống thành bình dân. Đến một hôm cơ quan y tế khám ra trong cơ thể đã nhiễm trùng HIV, Lài bị các tay dắt mối, chủ động loại xuống thành gái thuộc hạng phế thải. Con đường sống bây giờ chỉ còn cách bám víu vào những động ‘chui’ hoặc đứng đường đứng chợ dụ dỗ những người mua vui ham rẻ. Nhưng thật may mắn, cách đây chừng vài tháng Lài tình cờ gặp lại người bạn cũ và được bà ta đưa xuống khu chợ ngã ba sung sướng để tiếp tục cuộc đời bán thân.
Trước lúc đi, bà bạn nhắc đi nhắc lại nhiều lần :
- Phải tuyệt đối giấu kín chuyện đã vướng sida trong người mới làm ăn khá được.
- Chị chỉ cho em vài bí quyết ?
- Khó gì đâu, cứ làm ra vẻ ta đây ngon lành, mỗi lần đi khách, phải bắt cho bằng được khách mang áo đội mũ thật cẩn thận đàng hoàng, không được lơ là dễ dãi. Đó là tâm lý để khách không nghi ngờ mình đang bị bệnh. Còn thằng nào cà chớn mất dạy, em muốn hại cho nó chết, thì cứ để tự nhiên không cần phải nhắc chuyện mặc áo che thân, hay cùng lắm, dùng ngón tay bấm nhẹ cho lủng vài lỗ thì đời nó chắc chắn sẽ cuốn gói theo em đi về âm phủ !
Lài vẫn lo ngại :
- Không biết còn làm ăn được bao lâu nữa !
Bà bạn cười vỗ vai khuyên :
- Còn lâu mà em, mình có thể làm ăn cho đến lúc nào bệnh xì ra tới bên ngoài mới ngưng.
- Em cũng hy vọng như vậy.
- Xuống đó, chưa có cơ sở thì tạm theo các tay trùm một thời gian. Trong thời gian hành nghề, phải khôn khéo và chiều chuộng để nắm cho được một tên cán bộ đầu to mặt lớn trong thị trấn, trước mượn oai cọp che thân sau có cơ hội ra riêng làm bầu lập gánh mới giàu to được. Nếu chịu lép vế suốt đời dưới những tay thầu chợ thì trọn kiếp chỉ có bán trôn nuôi miệng mà thôi.
Không đợi Lài hỏi thêm, bà bạn tiếp tục :
- Em nên nhớ, phải lợi dụng còn chút sắc đẹp để làm việc tối đa, đừng vướng vào chuyện yêu đương vớ vẩn. Chẳng một ai thương mình thực tình đâu, toàn là một lũ đàn ông con trai khốn nạn bỏ ra chút tiền mua vui chụp giựt trong giây lát cho thỏa mãn thú tính, chẳng tình nghĩa gì.
- Dạ em sẽ nghe lời chị dặn.
Ngày xuống đầu quân vào động lớn nhất ở đây, bà chủ nhìn từ đầu xuống chân, cười khuyến khích :
- Chị thấy em còn ngọt nước, để chị nâng em lên vài cấp. Nhưng với điệu bộ sành đời của em, không thể rao bán trinh như mấy đứa còn quê mùa hôi sữa được. Trước tiên chị sẽ giới thiệu em là ca sĩ phòng trà, lâu lâu nhảy dù kiếm thêm tiền chợ mua sữa cho con, vài tháng sau đó em trở lại hành nghề với giá bình dân.
- Dạ cám ơn chị lo lắng cho em.
Tiếp đến bà chủ ra điều kiện :
- Ở đây thuộc loại đại bình dân, là ca sĩ hay gái nhảy dù thì giá cũng không cao như ở trong thị xã. Một ‘dù’ của ca sĩ phòng trà là hai chục ngàn. Tiền cơm, tiền phòng, tiền bảo vệ, tiền canh công an, tiền khăn, xà bông, bao cao su…chị lấy rẻ bảy mươi. Em còn ba chục phần trăm. Nếu bị bắt, tiền chuộc em phải chịu lấy. Sau khi hết bịp được khách hàng, em sẽ tiếp khách với giá bình dân, năm bảy ngàn một ‘dù’, nhưng chị vẫn lấy bảy chục phần trăm. Nếu khôn ngoan móc được ‘boa‘ của khách thì em hưởng.
Trước khi bắt tay vào việc, bà chủ còn răn đe :
- Hợp đồng miệng tối thiểu làm cho chị là một năm. Không được đi đầu quân quán khác hay tự ý ra riêng, có gì, đàn em của chị rạch mặt hay tạt át xít thì đừng trách.
- Dạ.

***
Nghe lời bà bạn, Lài không khen chê kén chọn, nhắm mắt tiếp khách tối đa, mỗi ngày vài chục ‘dù’, lúc tàu ồ ạt về bến con số có thể tăng thành hai.  Trong hoàn cảnh nào, Lài vẫn người con hiếu thảo, mỗi lần dành đủ tiền, lén ra chợ mua từng chiếc nhẫn vài ba chỉ gởi lên Sàigòn cho mẹ và em trai. Lài không để ý đến ai vì trước mắt, những người đến với Lài không gì ngoài những chụp giựt vội vã để thỏa mãn trong giây lát, xong rồi liệng vài tờ giấy bạc xuống giường và thảnh thơi bước ra. Riết rồi việc buôn bán trở nên tự nhiên và chán ngấy lên đến cổ họng. Đôi lúc khách đang nhắm mắt hùng hục thì Lài bình thản ca vọng cổ hoặc chăm chú rình đập con muỗi đang bay trước mặt. Nhưng đến một ngày Lài gặp Vọng, một thanh niên còn trẻ, làm nghề cá, ngụ ở làng bên cạnh làm nàng chú ý.
Hôm đó sau khi nhậu say, vừa vào phòng, Vọng chỉ kịp nói láp nháp vài ba câu rồi gục tại giường, ói mửa ra cả tấm nệm cũ. Lài phải kêu cứu người vào khiêng Vọng ra để ngoài quán. Báo hại Lài không thể tiếp tục đi khách với tấm nệm hôi mùi tanh của rượu. Quá  giận Lài đốt mấy tờ giấy khử phong long rồi nằm dài xuống đất nghỉ xả hơi một ngày đêm. Nhưng chính xui xẻo nầy làm Lài nhớ đến Vọng. Anh chàng thanh niên nầy buồn vì mẹ vừa qua đời, thường lang thang quán rượu nầy đến động khác, nhậu say mèm rồi kiếm chị em ta giải buồn. Lài bật cười thành tiếng, đàn ông con trai lạ đời, uống say tìm gái nằm khóc để giải sầu vì mất mẹ !
Sau đó vài ngày Vọng trở lại, vừa thấy Vọng vén màn bước vào, Lài nổi cơn điên :
- Đi chỗ khác mà ói mửa. Đây không tiếp thứ người như anh.
Vọng cười hì hì :
- Thì lần nầy anh đến xin lỗi em.
- Không ai thèm lỗi phải cho mệt xác.
- Nhưng hôm nay anh đến bồi thường cả vốn lẫn lời cho em ngày hôm trước.
- Bồi thường thế nào ?
- Cho anh biết bao nhiêu để anh đền.
Lài lên giọng :
- Đền hả ? Có bao nhiêu trong người mà đòi đền với bù ?
- Nếu không đủ thì anh đền mạng.
Lài cười ré lên :
- Đền mạng ? Mạng anh đáng mấy đồng ? Bỏ ngoài đường không ma nào thèm lượm. Cút đi cho người ta làm ăn.
Vọng rút trong túi quần ra xấp giấy bạc, với kinh nghiệm nghề nghiệp Lài đoán ngay được số tiền, nàng liền đổi giọng :
- Được, có tiền trả lần ‘đi’ trước, tiền giặt gối nệm và tiền ‘chơi’ ngày hôm nay…thì vào ngay, đừng mất thời giờ.
Vọng cởi áo và lên giường, Lài giục :
- Đưa tiền trước và chơi lẹ đi còn đến phiên người khác.
- Đến đây để nói chuyện với em thôi !
- Hôm nay ăn trúng cái gì phải gió vậy ? Muốn nói chuyện ? Càng tốt, nhưng mười phút phải đi ra như người ta, không hơn không kém !
Vọng nằm yên nói chuyện vớ vẩn, đúng giờ đứng dậy mặc áo. Lài ngạc nhiên :
- Thiệt vậy sao ? Như  vậy cũng tốt. Lần sau muốn nói chuyện thì cứ đến đây, lúc nào cũng được.
Lần thứ hai Vọng đến nói chuyện nhân lúc vắng khách, Lài nới rộng đến nửa tiếng, nhưng không có chuyện gì đặc biệt, cũng quanh quẩn chuyện kể về gia đình và nghề nghiệp. 
 
***
Vọng, con trai út trong gia đình chuyên nghề đánh cá từ nhiều đời cha truyền con nối. Nghề cá cực khổ và nguy hiểm chết người nhưng những lúc đẹp trời, một chuyến đi có thể nuôi sống gia đình vài ba tháng. Đại gia đình Vọng gồm sáu người lớn và gần hai chục đứa cháu nhỏ, vừa làm chủ ba chiếc ghe lớn vừa tự tay đánh bắt không thuê mướn người ngoài. Gia đình có khả năng nhân lực và giàu có nhất vùng Sông Đốc, nhưng từ lúc người cha bị sóng cuốn đi, năm người anh bất hòa tranh chấp quyền lợi và quyết định tách riêng. Vọng còn độc thân và sống với mẹ, ngoài việc chia của, hai mẹ con được giữ thêm một chiếc ghe để làm kế sinh nhai. Việc mua bán đều nằm trong tay người mẹ. Vọng không để ý đến tiền bạc, sau mỗi lần giao hàng Vọng chỉ lấy một ít vừa đủ ăn chơi tiêu xài cho đến chuyến ra khơi kế tiếp.
Đã hai mươi bốn tuổi nhưng vẫn còn độc thân, mỗi lần bà mẹ nhắc đến việc lập gia đình Vọng thường kiếm cớ mình còn trẻ, phải phụng dưỡng mẹ già, chưa muốn lấy vợ sớm. Con gái trong vùng theo Vọng khá nhiều, ngoài những cô cùng làm nghề biển còn nhiều cô con nhà lành kể cả nữ sinh trong các trường quận đều nhắm vào gia tài của Vọng. Sức khỏe thật cần thiết đối với nghề biển, Vọng đang độ sức trai, thân hình lực lưởng, bắp thịt rắn chắc. Tuy màu da ngâm đen nhưng người Vọng cao lớn cân đối và đẹp trai không tìm thấy ở những chàng trai thị thành. Tính tình phóng khoáng cởi mở nổi bật nhất trong số hàng trăm thanh niên độc thân làm nghề biển. Là một người con hiếu thảo, Vọng chưa nghĩ đến lập gia đình, quanh quẩn gắn bó với mẹ, sau những lần ra biển, một ngày theo bạn ăn chơi xong rồi lại quay về nhà chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp. Bây giờ Vọng là cột trụ gia đình có bổn phận với mẹ già cùng mấy đứa cháu họ, từ việc nhà đến những hoạt động bắt đánh cá trên biển.
Trước đây Vọng đến  với Lài một vài  lần cũng như đến với các chị em khác, không có gì đặc biệt ngoại trừ số tiền ‘boa‘ của Vọng lúc nào cũng khá hơn những người khác. Nhưng cũng chỉ đơn giản là những lần mua vui, giải quyết ứ đọng trong cơ thể của một người đang độ sung sức. Nhưng kể từ ngày mẹ qua đời, sau mỗi lần về bến, Vọng thường say sưa từ quán này đến quán khác. Chất men khơi lại những nỗi buồn của một người mất mẹ, bây giờ Vọng mới biết thế nào là cô đơn, không một người quen thân bên cạnh để hàn huyên tâm sự. Cho đến một hôm tự nhiên nghĩ đến Lài, người con gái Vọng có thiện cảm nhất trong đám chị em bán thân tại vùng Sông Đốc, anh uống say tìm Lài tâm sự, nhưng vừa vào đến buồng đã gục ngã rồi ói mửa ngay trên giường của nàng.
Lúc đầu Lài chẳng để ý hành động của Vọng, để mặc Vọng làm gì cũng được trong thời gian ấn định, đừng quậy phá và cần nhất là trả tiền sòng phẳng. Nhưng sau một thời gian ngắn Lài không còn bắt buộc Vọng phải tuân theo giờ giấc những lần đi khách đồng thời còn chịu khó nghe Vọng tỉ tê tâm sự. Nàng thấy một cái gì lạ ở Vọng khi bỏ tiền cho gái lúc sau nầy, mục đích không phải mua vui theo thú tính mà chỉ cốt để gặp, chuyện trò, ôm ấp một vài chốc lát. Đôi lúc Lài thấy thương hại, ôm Vọng vào lòng vỗ về an ủi đôi ba lời cho qua chuyện theo sách vở nghề nghiệp. Đến một hôm Vọng ăn mặc chải chuốc, người tỉnh táo, không hôi mùi rượu, đến nằm tâm sự chuyện trò như thường lệ nhưng trước lúc ra về Vọng nắm tay Lài :
- Cô Lài, suy nghĩ đã lâu hôm nay tôi muốn nói với cô một chuyện.
Lài bình thản hỏi :
- Chuyện gì anh cứ nói đi.
Vọng lấy bình tĩnh nói rõ từng tiếng :
- Tôi yêu cô thật lòng!
Ngạc nhiên tột độ, lần đầu tiên trong đời làm điếm Lài nghe lời tỏ tình có vẻ thành khẩn của một khách làng chơi, nàng cười lớn :
- Anh thương tôi ?
- Đúng vậy cô Lài, những điều thầm kín trong lòng hôm nay đã nói ra với cô. Cô cứ suy nghĩ, vài hôm nữa tôi trở lại.
Kể từ ngày bước chân vào tiệm nước, Lài đã nghe những lời trêu ghẹo sống sượng của những khách chơi qua đường hay trong lúc họ đến mua vui chốc lát, nhưng Lài chẳng bao giờ để ý bận tâm những người đàn ông đã đến với nàng bằng sự ham muốn xác thịt. Nghề nghiệp không cho phép Lài nghĩ đến tình yêu và cũng chưa lần đi khách nào đem lại cho nàng những cảm giác của xác thịt. Lài đã kinh hoàng khi bị ép buộc hiến thân lần đầu cho chủ tiệm nước để đổi lấy một vài điều kiện và những lời hứa hẹn suông. Tiếp đến được bà chủ quán bia ôm hướng dẫn mánh lới để lặp đi lặp lại cả trăm lần màn kịch bán trinh lần đầu cho khách. Lài hoảng sợ và ghê tởm khi phải ve vuốt ôm ấp những người đàn ông hôi hám, không tình không nghĩa, không nương tay, vồ vập thân xác Lài cho xứng đồng tiền bỏ ra. Người đàn ông trước mắt nàng chỉ là những con thú, không thể tin được những gì họ nói ra huống gì dính vào chuyện hứa hẹn yêu đương. Dần dần, từ miễn cưỡng dửng dưng biến thành thù hận. Chính những người đàn ông đã giết Lài bằng những con siêu vi khuẩn ác độc thì nàng phải trả thù, gieo lại vào người họ bằng cách làm ngơ không cần nhắc nhở việc phòng ngừa mỗi khi gần nàng hoặc tự tay nàng bấm lủng áo đi mưa. Bây giờ tâm hồn và thể xác Lài đã chai lỳ, không yêu và cũng chẳng thương hại một ai. Tâm hồn không còn rung động thể xác hết hẳn cảm xúc. Tiếp khách là một cực hình, đầu óc phải nghĩ vẫn vơ, thân xác nằm yên bất động trong lúc miệng tính nhẫm từng phút cho thời gian qua nhanh. Lài xem việc tiếp khách như một nhu cầu kiếm tiền hằng ngày, ai đến cũng được không đòi hỏi, không lựa chọn, không cảm tình.
Bình thường lời tỏ tình của một người thanh niên nếu chân thật thì thật hiếm có và quý giá đối với một gái điếm, nhưng với Lài, nàng đã quá mệt mỏi vì chứng bệnh trong người, không còn tha thiết với những mơ ước viễn vông. Nhưng dáng dấp lời nói của Vọng cứ ám ảnh Lài từ mấy ngày nay. Lài biết chắc Vọng không bịa chuyện đùa giỡn, nhưng không hiểu tại sao lại tỏ tình với Lài trong lúc trong giới giang hồ của vùng nầy vẫn còn những cô gái trẻ đẹp hơn nàng.
Ba ngày sau Vọng trở lại, vẫn lên giường tâm tình nhưng lần nầy không phải để than oán cho thân phận mà Vọng đi thẳng vào vấn đề :
- Nếu bây giờ em thấy mất nhiều thời giờ với anh thì anh bao trọn đêm.
Lài mỉm cười :
- Nếu bao trọn đêm thì ra ngoài tắm rửa cho hết mùi rượu.
- Hôm nay anh đâu uống nhiều.
- Bao đêm thì phải tắm rửa cho sạch sẽ, khách nào cũng vậy. Còn rộng thời giờ…
Vọng vén màn ra ngoài thông báo cho mấy người ngồi chờ hãy đến quán khác rồi tự tay đóng cửa, ra sau xối nước. Khi Vọng trở lại Lài đã thay bộ áo ngủ mới và nằm sẵn trên giường.
Lài đưa tay kéo Vọng lên giường, giọng giễu cợt :
- Bao đêm có làm ăn gì không hay vẫn ôm cứng ngắt để…tâm sự ?
- Hôm nay anh muốn đề nghị em chuyện quan trọng.
- Thì cũng chuyện anh yêu em như lần trước.
- Không, xa hơn nữa.
- Xa ra sao ?
- Anh muốn cưới anh làm vợ.
Lài ngồi bật dậy :
- Đùa vậy cha nội !
Vọng cũng ngồi dậy, cầm tay Lài tha thiết :
- Anh nói thực lòng, anh muốn cưới em làm vợ, bỏ hẳn nơi nầy về sống với anh, chúng ta làm lại cuộc đời.
Nghe trọn câu của Vọng xong, Lài không còn đùa giởn như lúc đầu :
- Thiệt không, đời em nghe cả trăm lần và chán ngấy những câu nầy.
- Nếu em yêu anh và chịu về sống chung, anh sẽ bỏ ngoài tai và bất chấp tất cả để sống bên em.
Lài im lặng, ngồi bất động. Vọng dìu Lài nằm xuống và hôn nhẹ lên môi nàng :
- Anh bất chấp tất cả để sống với em. Anh là con út, mẹ đã qua đời. Không còn gì ràng buộc được anh.
Lài đổi cách xưng hô :
- Còn mấy ông anh của anh ?
- Anh đã lớn tự lập, mạnh ai nấy sống, anh có quyền của anh.
Lài thở dài :
- Anh phải nhớ rằng em là một con điếm.
- Đâu có sao ! Người ta có thường nói, lấy điếm làm vợ chứ không bao giờ chấp nhận lấy vợ làm điếm. Đâu phải chuyện lạ trong đời, thiếu gì những ông chồng lấy điếm làm vợ, họ cũng sanh con đẻ cái sống hạnh phúc với nhau suốt đời.
- Nhưng em…
- Em sao ?
Không thể nói hết sự thật cho Vọng nghe, Lài nói quanh :
- Cuộc đời em đặc biệt hơn những cô gái khác.
- Dù hoàn cảnh nào, một khi đã đem thân xác ra bán cho đàn ông thì cô nào cũng giống nhau. Có khác chăng là đẹp xấu, già trẻ, cao thấp, thâm niên trong nghề nhiều hay ít. Những chuyện nhỏ nhặt nầy anh đã biết, đâu còn gì nữa để em ngại.
Lài vẫn một mực :
- Nhưng em không thể làm vợ được.
- Em vẫn là một cô gái trẻ đẹp, mạnh khỏe tại sao không thể làm vợ.
Biết không cách nào giải thích, Lài trả lời lững lơ :
- Để từ từ em xem lại.
Nói xong Lài vòng tay qua ngực Vọng. Lần đầu trong đời Lài siết nhẹ một người đàn ông trong vòng tay với một chút xao xuyến. Đêm đã khuya, tự nhiên Lài cảm thấy trong người một cảm giác lạ, gần như một sự thèm muốn hiếm có khi nằm cạnh một người khác giống. Nàng tự hỏi, đây có phải là giây phút mở đầu của tình yêu ? Vọng nằm yên bên cạnh, nàng quay người hôn vào môi, mắt, tai, mũi rồi chủ động đưa Vọng đi vào ái ân với những háo hức rung động chưa từng thấy trong người.
Nhìn Vọng ngủ say như một đứa trẻ, Lài ân hận đã truyền vào Vọng những siêu vi khuẩn độc hại, một ngày rất gần bệnh sẽ bộc phát và cuộc đời Vọng sẽ bám gót theo số phận khốn nạn với nàng. Sự tuyệt vọng đã biến thành hận thù đối với những người đàn ông đã đến với Lài, nàng dửng dưng trước cơn bộc phát của căn bệnh và lừa dối khách hàng để truyền vào người họ như một việc trả thù đương nhiên đối với những bọn đàn ông đã đem lại cho nàng.  Bây giờ Vọng đã trở thành nạn nhân của Lài nhưng vẫn ngây thơ yêu nàng và muốn cưới làm vợ. Tội nghiệp cho người thanh niên nầy nhưng nhận hay không là một đắn đo cho Lài khi nàng bắt đầu biết yêu. Nếu thực tình Vọng muốn cưới, đó là một hạnh phúc lớn cho cuộc đời phế thải của nàng nhưng không lẽ hai vợ chồng cưới nhau xong rồi ôm nhau chờ chết. Có thể định mệnh trớ trêu đã cột hai người với nhau trong hoàn cảnh bi đát và đau thương nầy. Nếu duyên phận đã trói buộc hai người làm sao có thể trốn chạy. Lài nhủ thầm, thôi đành nhắm mắt tuân theo.
Vọng thức dậy lúc trời đã sáng hẳn, Lài từ dưới bếp bưng lên ly café :
- Uống đi rồi về nghỉ. Tối, nếu muốn cứ đến với em.
Vọng sung sướng :
- Vậy em vui lòng cho anh tiếp tục bao đêm ?
- Dạ.
Tiếng ‘dạ’ Lài đã dành cho Vọng, như một dấu hiệu đổi đời của một người từng xem đàn ông như loài cỏ rác.
- Có việc nầy anh muốn nhắc em.
- Nói đi anh.
- Anh muốn từ nay em không còn tiếp khách nữa.
Lài giả vờ :
- Không làm việc để chết đói à ?
- Nói thật dù không lấy nhau, nếu em chịu anh sẽ nuôi suốt đời.
Lài cười :
- Nuôi em sẽ tốn tiền tốn của nhiều, anh kham nổi không ?
Vọng thành thật :
- Gia tài của anh đủ nuôi em suốt đời.
- Để em xem lại sau. Bây giờ về nghỉ để chiều nay còn ra khơi.
Vọng ra về, Lài vẫn ngồi bất động trên giường suy nghĩ mông lung. Không ngờ cuộc đời khốn nạn của nàng lại vớ được một hậu vận quá tốt đẹp. Lấy Vọng, trước hết thoát được nghề bán thân nuôi miệng mà bất cứ gái giang hồ nào cũng mơ ước, tiếp đến gia tài và khả năng của Vọng đủ bảo đảm một cuộc sống an nhàn về sau. Chỉ một trở ngại lớn, bệnh tình của nàng, làm thế nào giải thích với Vọng cũng như phải tìm cách để chữa trị cho hai người. Nhưng không biết phản ứng của Vọng thế nào một khi biết cả hai người đều mang vi khuẩn sida trong máu. Bệnh tình của Vọng có thể vừa xâm nhập nhưng với Lài, đã kéo dài mấy năm qua nay hoàn toàn vô vọng trong việc chữa trị. Nhưng dù sao, cũng phải một lần thổ lộ để xem phản ứng của Vọng, nếu Vọng bất chấp căn bệnh và tiến tới việc hôn nhân, thì cứ cưới nhau và bỏ hẳn nơi nầy kiếm một vùng hẻo lánh sống chung rồi những chuyện kế tiếp sẽ tính sau. Quyết định như vậy, Lài ngưng việc tiếp khách kể từ hôm Vọng lên ghe ra khơi. Không cần giải thích, Lài tuyên bố bị cúm và tạm ngưng hành nghề một thời gian. Đến lúc Vọng trở về, thấy quán đóng cửa, hỏi thăm hàng xóm người ta cho biết Lài cáo bệnh không tiếp khách từ ba tuần nay.
Vọng sung sướng chạy thẳng về quán, ôm chầm lấy Lài :
- Như vậy em đã chịu lấy anh.
Lài vuốt tóc Vọng gật đầu chấp nhận, nước mắt tuông ra :
- Lấy anh, em chịu nhưng còn một việc quan trọng, sợ nói ra không biết anh còn chịu lấy em nữa không.
Vọng nôn nóng :
- Em cứ nói, anh sẽ thương yêu em và cưới em. Dù có chuyện gì cũng không thay đổi được lòng dạ của anh.
- Thề đi.
- Anh thề.
Lài vẫn ngập ngừng giây lát, cuối cùng nàng lấy hết can đảm :
- Em bị bệnh sida !
Dứt câu nói nàng gục đầu lên vai Vọng khóc lớn tiếng. Vọng tuy sửng sốt trước tiết lộ bất ngờ của Lài nhưng vẫn ôm nàng vỗ về :
- Không sao, anh sẽ tìm đủ mọi cách chữa trị cho em.
Lài vẫn khóc trên vai Vọng :
- Và cho cả anh nữa.
Vọng giật mình :
- Anh đã lây bệnh của em ?
Lài gật đầu xác nhận. Nổi vui vừa đến đã vội biến đi trong khoảng khắc. Buông nhau ngồi xuống giường, Vọng hai tay ôm lấy đầu, Lài bật khóc, hai người không không biết phải nói gì với nhau trước những sự thật đau thương mà họ sẽ hứng chịu.
Trời bên ngoài đã tối, Lài đứng dậy ôm đầu Vọng ép vào ngực, tay vuốt nhẹ mái tóc, ân hận nói nhỏ :       
- Xin lỗi anh.
- Lỗi của hai đứa mình, chúng ta sẽ bắt đầu những ngày sống chung. Trước đây đã bất cần dư luận, bây giờ anh cũng bất cần luôn cả bệnh tật. Nếu số trời đã định, chúng ta sẽ vượt tất cả chướng ngại để được sống bên nhau và một ngày nào đó, lúc nhắm mắt lìa đời chúng ta ra đi một lượt. Như vậy hạnh phúc thật sự đã đến với chúng ta. Em không thấy vậy sao ?
- Dạ, kể từ giây phút nầy, em không còn là một con điếm gian dối thù đời mà sẽ trở thành người vợ hiền thục và yêu thương anh trọn kiếp. Dù thân xác đã qua tay hàng ngàn đàn ông nhưng chỉ một mình anh là người đã làm em xúc động và giúp em tìm được cảm giác tột độ trong chăn gối. Cũng nhờ anh, tim em lần đầu biết rung động và em nguyện sẽ mãi mãi trọn vẹn cho anh.
Nhất quyết theo Vọng làm lại cuộc đời, Lài nhường lại quán hành nghề cho một đồng nghiệp mới đến. Căn nhà gỗ nhỏ, đồ đạc chỉ có chiếc giường và bộ bàn dành cho khách nhưng người mua chịu trả giá cao, mục đích để tiếp tục nghề tại một địa điểm đã nổi tiếng từ nhiều năm qua. Theo quyết định của Vọng, Lài chuyển toàn bộ tiền của nàng lên Sàigòn biếu mẹ và em.
Bệnh tình không cho phép Vọng-Lài làm hôn thú và tổ chức lễ cưới. Hai người âm thầm từ bỏ ngã ba sung sướng về sống tại nhà Vọng ở làng kế cận. Người anh đầu tổ chức một buổi họp mặt gia đình phản đối và lên án Vọng đã phá hoại gia phong đạo đức của gia đình. Trước mặt sáu anh em, người anh đầu nặng tiếng :
- Thật không ngờ thằng Vọng ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà đưa một con điếm về ngự trị trong nhà nầy. Nó xem những người trong gia đình chẳng ra gì.
Vọng ôn tồn :
- Thưa các anh, em có lỗi là không thưa trước với các anh, mà thưa trước chắc gì các anh chấp nhận.
- Dĩ nhiên không ai chấp nhận cho chú lấy một con đĩ.
Vọng vẫn nhẹ nhàng :
- Nhưng em thương người ta.
Người anh thứ ba xen vào :
- Cả vùng nầy hết người hay sao lại chui đầu vào đáy quần của một con điếm, chú có thấy nhục nhã cho giòng họ không ?
- Chúng em thương nhau !
Một người anh khác trả lời Vọng :
- Bọn đĩ thúi có bao giờ thương yêu ai đâu. Đối với chúng nó là tiền ! Nếu chú nghèo, nhà cửa không có, liệu nó có theo chú về đây ?
- Thưa không phải vậy các anh. Chính em năn nỉ hơn cả tháng trời Lài mới bằng lòng về ở với em.
Vừa nghe xong, cả nhà cười rú lên :
- Chính chú đi năn nỉ lạy lục con đĩ để thỉnh nó về đây. Thiệt là hết chỗ nói.
- Vì hoàn cảnh, Lài phải bán thân nuôi gia đình.
Người anh đầu lắc đầu :
- Con nào cũng một bài ca y hệt nhau, có đứa nào chịu nhận mình làm điếm vì yêu thích nghề đâu. 
Vọng không nhịn được nữa :
- Các anh đừng vơ đũa cả nắm, trong các thành phần bị xã hội lên án cũng có những người tốt. Chắc gì trong đám chị dâu đã có người tốt hoàn toàn.
Bị va chạm tự ái, người anh đầu lớn giọng :
- Bây giờ chú đem các chị dâu ra so sánh với một con điếm ?
- So sánh thì không dám, nhưng thử xem lại các chị có hoàn toàn xứng đáng với các anh hay không ? Có chung tình trọn nghĩa với các anh không hay đợi lúc các anh ra khơi, các chị lại lén lút với người nầy người khác rồi đem tiền nhà đi nuôi trai.
Các anh đều đồng loạt :
- Chú ăn nói phải đứng đắn, các bà xé xác chú ra bây giờ ?
- Em thách xem có bà nào dám lên tiếng không. Cứ ra chợ nghe người ta bàn tán cho biết, sau đó ai muốn đến đây xé xác em thì cứ việc. Thật  ra em chỉ lặp lại một ít những gì ngoài chợ họ bàn tán xôn xao bấy lâu nay. Như vậy em vẫn còn một chút gì hơn các anh.
- Hơn thế nào ?
- Em thà lấy điếm làm vợ, chứ không lấy vợ làm điếm !
Người anh đầu đập bàn :
- Tao từ mầy, xem như không có thằng em khốn nạn trong nhà nầy.
Vọng vẫn bình tĩnh :
- Em đã lớn tự lập ra riêng, từ hay không cũng vậy thôi, mỗi người một nồi gạo, đèn nhà ai nấy sáng, các anh khỏi bận tâm.
Sau lần cãi vã các anh tuyên bố từ bỏ không còn xem Vọng là người của gia đình, Vọng thu xếp bán ghe đánh cá, dụng cụ đi biển và ngôi nhà gạch cho người cháu họ rồi mua một căn nhà tranh vách ván trong một xóm nghèo nằm sát bên bờ sông Đốc. 
 
***
Dọn về đây vừa được hơn tháng, Vọng gom góp tiền của lên Sàigòn kiếm đường chữa bệnh. Hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ, ngày ngày hỏi thăm phương cách chữa trị từ gia truyền Đông Y sang Âu-Mỹ hiện đại, nhưng rốt cuộc chỉ rơi vào những tay lừa bịp từ đầu đến cuối. Những ngày đầu vợ chồng dẫn nhau đi kiếm các thầy lang chữa theo miệt vườn bằng nhiều loại lá cây, tiếp đến các Đông Y, cho toa trong uống ngoài thoa nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà còn trở nên trầm trọng. Hai người dắt nhau tìm đến các bệnh viện, nơi đây phải chi đủ thứ tiền, từ anh gác cổng, chị quét nhà cho đến y tá bác sĩ, rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Quá thất vọng với người phàm tục, Vọng đưa vợ đến với thần thánh, cầu may ơn trên qua mấy tay thầy pháp. Nhưng khi thấy miệng thầy phun ruợu đọc chú, tay dùng roi đuổi tà rồi bắt hai vợ chồng ăn phân heo uống nước tiểu thì Vọng không còn tin tưởng việc chạy chữa cho hai vợ chồng nữa.
Vọng mất hết tin tưởng, dẫn vợ trở về quê trong lúc bệnh tình của Lài bắt đầu phát hiện ra ngoài. Không muốn đau lòng khi bị hàng xóm chung quanh khinh khi ghê tởm vợ mình, Vọng bán căn nhà tranh vách gỗ và lần nầy, mua một chiếc ghe nhỏ loại chèo tay, sửa thành nhà ở có mái, sống lưu động xuôi dọc theo sông Đốc.
Thật hạnh phúc, cuộc sống từ đây thoải mái sung sướng, không còn ai nhìn vào quá khứ riêng tư, không còn những cặp mắt soi mói khinh bỉ và cũng không còn ai sợ hãi tránh xa vì chứng bệnh nan y. Giờ đây, tổ ấm là chiếc ghe, sông nước mây trời là quê hương riêng tư dành riêng cho đôi trẻ, kéo dài từ cửa sông Cái Rạch Giá đến tận cuối nguồn sông Đốc Cà Mau. Không tiếp xúc giao thiệp, Vọng và Lài âm thầm ẩn mình trong ghe. Lúc vui, dừng lại bến chợ nhìn cảnh người đua chen mua bán, khi buồn, quay vào bến vắng cột ghe nằm ngủ qua ngày. Không cần ôn lại đau buồn ngày xưa cũng không hối tiếc cuộc đời ngắn ngủi còn lại, sự sống bây giờ tính đầu ngón tay, chưa biết lúc nào phải trở về với cát bụi. Nhưng cả hai đều mãn nguyện, họ đã được nhau, có nhau và thực sự sống cho nhau. Còn gì hạnh phúc bằng tình đầu cũng là tình cuối. Một đời trọn vẹn để yêu và được yêu bởi một người, lúc nhắm mắt lìa đời được chôn chung cùng một mộ ! Thời gian còn lại Vọng-Lài sống thật thơ mộng, hằng ngày Vọng chèo thuyền dọc theo bờ sông, Lài nằm trong khoang đọc truyện, ca vọng cổ…Vọng ở ngoài phụ theo nhịp hò kéo lưới. Giọng ca không truyền cảm, câu hò không mùi mẫn nhưng hai người thật tâm đắc và họ hoàn toàn sung sướng với những ngày sống bên nhau thật hạnh phúc.
Chừng một năm sau bệnh tình Lài trở nên trầm trọng, các vết lở đã phát ra bên ngoài rõ rệt. Thân mình tay chân co rút, da đổi màu và xuất hiện nhiều vết bầm tím, có nơi bắt đầu cương mủ. Cơn sốt thường đến bất chợt, nhịp thở khó khăn, Vọng biết giờ ra đi của Lài đã gần đến. Trong người Vọng chưa có dấu hiệu gì bộc phát ra ngoài, nếu tính theo thời gian vướng bệnh với Lài, thì tính mạng Vọng có thể kéo dài cả năm trời sau ngày ra đi của vợ. Nhưng nghĩ rằng một khi người yêu đã chết, kéo dài cuộc sống vô vọng và khổ đau thân xác chẳng được ích gì, Vọng phải chết với Lài cho trọn tình nghĩa vợ chồng theo như lời nguyền trước kia.
Thắc mắc của Vọng ám ảnh ngày đêm là làm thế nào để được chết một cách âm thầm, không bận rộn phiền hà đến ai, cũng không muốn người qua đường bịt mũi nín thở khi khám phá hai người chết vì bệnh sida.  Không biết người đời sẽ quang xác vào đâu để tránh ô nhiễm cho những người chung quanh, Vọng chỉ còn một con đường duy nhất để lựa chọn. Đó là đại dương, là mái nhà của những ai chọn nghề biển, Vọng sẽ trở về với bầu trời trong xanh và biển rộng bao la. Đây là nơi yên giấc nghìn thu lý tưởng của một mối tình tuyệt vời với hai thân xác bệnh hoạn. Chỉ có trời xanh biển mặn mới hiểu được tình yêu trong sáng, tha thiết và thủy chung của Vọng, của người ngư phủ đã phó thác đời mình cho biển thì ngày cuối cùng cũng phải quay về với đại dương cho trọn tình đạo hiếu. Chọn xong nghĩa trang làm nơi gởi gắm nắm xương bệnh hoạn của mình đang bị đời xua đuổi, Vọng bình thản chờ ngày ra đi...
Thời gian còn lại Vọng thường chèo ghe tìm những nơi vắng vẻ để tránh tất cả mọi người. Nhưng rồi một buổi sáng trời bắt đầu trở giông, chuẩn bị cơn mưa đầu mùa, Lài lên cơn sốt dữ dội, hơi thở trở nên khó khăn rồi rơi dần vào hôn mê bất tỉnh. Vọng bất lực nhìn tử thần từ từ đến với Lài từng giờ từng phút. Vọng đau khổ ôm lấy người yêu vỗ về cho đến lúc nàng tắt thở. Anh thay quần áo mới, phủ lên người tấm vải liệm màu trắng và đặt Lài nằm ngay ngắn giữa khoang ghe.
Vọng muốn tiễn Lài bằng những kỷ niệm quen thuộc cũ, tay chèo thuyền, miệng liên tục hò những bài đánh cá ngày xưa mà Vọng đã hò cho Lài nghe đồng thời hướng mũi ghe dọc theo bờ, thẳng ra cửa biển Sông Đốc. Khi ngang qua ngã ba sung sướng, Vọng dừng ghe lại để Lài từ giã lần cuối, đồng thời để nàng trút bỏ lại đây chặng đường tủi nhục đau thương nàng đã trải qua trong những năm tháng.
Khi ghe ra đến cửa biển, Vọng gắn động cơ đuôi tôm, đổ đầy xăng và cột chặt cần lái cho mũi ghe quay thẳng ra hướng tây, vùng biển giáp ranh giới với Thái Lan. Tiếp đến, Vọng thay quần áo và nằm xuống bên cạnh, ôm chặt lấy Lài, để mặc ghe đâm thẳng ra khơi cho đến lúc cạn hết nhiên liệu. Khi đó, chỉ một cơn gió nhỏ cũng đủ đưa hai người đi vào lòng biển, nơi an nghỉ cuối cùng của đôi tình nhân đã vượt qua mọi thử thách để yêu, được yêu và được chết cho tình yêu.


[trich trong Tình Mua Cuối Chợ]