văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, May 31, 2013

PHAN HUY ĐƯỜNG * Lang thang chữ nghĩa

phđ qua Khánh Trường

Cảm tính và văn chương

Chàng nhìn theo cho tới khi chiếc thuyền lớn của Tiểu Siêu chỉ còn là một chấm đen, nhưng mỗi khi gió bể thổi tới, chàng còn nghe như có tiếng khóc văng vẳng của nàng vọng lại.[1]
[Chàng nhìn theo… Thuyền lớn của Tiểu Siêu chỉ còn là một chấm đen… Nhưng mỗi khi gió bể thổi tới, chàng vẫn nghe thấy tiếng nàng khóc văng vẳng vọng lại. phđ đùa Kim Dung, hè hè.]
Hay thật. Đây là một đỉnh cao của văn chương cảm tính.
Thiếu cảm tính, có thể biến ngôn ngữ thành văn không ?
Không. Ta từng viết : ngôn ngữ thiếu nhục cảm phi văn chương.
Hôm nay, ta vẫn thấy vậy.
Giấc mơ của Hilbert chỉ là một nửa giấc mơ của ta. Nửa giấc mơ ấy, ta không có khả năng bàn, nói chi tới nửa giấc mơ kia !

Đương nhiên, ta đang nói càn. Hè hè.
Lý trí, thể hiện bằng ngôn ngữ, giới hạn ở đâu trong lôgíc hình thức, ta không có khả năng bàn và chứng minh theo kiểu kinh viện, chỉ có thể tán láo theo kiểu triết thôi.
Nhục cảm có thể hiện thực bằng vô vàn hình thái ngôn ngữ.
Văn chương của Kim Dung chỉ là một hình thái thôi. "Rẻ tiền nhất" và do đó thành công nhất. Như những best-seller của Tây U không bán được cho ai cả ngoai chính mình.
Nếu văn chỉ có cảm tính thôi thì thế nào ?
Thì là truyện chưởng Tàu hay best-seller rẻ tiền Tây U.
Bạn đời cầm bút Ziao Chỉ ơi, đừng bao giờ nhại Kim Dung nhé.
Và đừng bao giờ nhại ai cả, kể cả những best-seller Tây U e tutti quanti trong nền kinh tế tư bản toàn cầu hoá ngày nay.
Khó đấy.
Hè hè.


Nhân-giới ảo, thế giới thực và ngôn từ

Nhân-giới là tấm gương[1] ảo của vật-giới. Nó khiến vật-giới tự tại, có quy luật khoa-học.
Nhân-giới là tấm gương ảo của sinh-giới, khiến sinh-giới có giá-trị.
Thí dụ. Trong sinh-giới, con thú nào, kể cả ta, cũng biết nhảy, thích nhảy, kiểu này kiểu nọ. Đó là một trong hai đặc tính của sinh-giới theo định nghĩa của Engels về sự-sống. Những nhà sinh học đời nay cũng chấp nhận điều ấy. Đã sống thì sống, phải sống, ráng sống, tự nhiên, thế thôi. Dường như chỉ người mới biết yêu. Nhưng yêu mà không được nhảy, dường như thiêu thiếu điều gì đó ! Phải chăng vì thế mà bàn dân PhuLăngXa đã sáng tác ra khái niệm faire l'amour, làm tình ? Làm tình như làm người ? Nếu thế, tuyệt cú mèo. "Là" Tây con, ta mong thế. Làm người ở đời Tây - Ziao Chỉ của ta, ta không tin lắm. Hè hè.
Vứt bỏ nhân-giới, vật-giới và sinh-giới chẳng là gì cả, chẳng có giá trị gì cả.
Trong kiếp người, gương ảo kia hiện hữu dưới dạng ngôn từ, sáng tác tự do của con người xuyên qua quan hệ giữa người với người để tồn tại, sống và làm người trong vũ trụ.
Đã là sáng tác tự do, nó có khả năng tự diệt.
Nó tự diệt khi nó quên quan hệ vật chất giữa người với vật-giới để tồn tại, quên quan hệ nhục cảm giữa người với sinh-giới để tồn sinh, quên quan hệ nhân tình giữa người với người để làm người. Quên làm chủ ngôn từ ở chính mình.
Ôi nỗi đau làm người, nỗi đau ngôn từ ở ta!
Hè hè…
[1] Miroir hay culture, littérature. Victor Hugo, Baudelaire, Sartre khi bàn về văn chưong , e tutti quanti.


Nhẫn nhục

Đã là người, chẳng ai toàn hảo.
Nhờ thế, loài người có khả năng tiến bộ, sáng tạo.
Nhân tính bất biến và không bất biến ở đó.
Vì thế, nên biết sống với mặt tốt của tha nhân, lờ mặt dở.
Nhưng, muốn làm người trung thực, đừng bao giờ chẻ đôi mình.
Phải chăng vì thế tình bạn đặc biệt dễ chịu, khoan khoái : lâu lâu gặp nhau một lần, chỉ đủ thời giờ sống và hưởng mặt tốt của nhau.
Còn sống trọn đời với một ai, mặt tốt và mặt dở, hoàn toàn khác. Phải biết nhẫn nhục, nhường nhịn. Cha nên biết nhường nhịn con. Chồng nên biết nhường nhịn vợ. Anh nên biết nhường nhịn em. Người nên biết nhường nhịn người. Đó là những gương mặt của tình yêu.
Muốn làm công dân, cũng nên biết nhường nhịn nhau, nhưng vừa vừa thôi.
Hè hè.

PHAN HUY ĐƯỜNG * amvc