văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, May 11, 2013

VIÊN LINH * Thêm hồi ký nhà báo trong tù của nhà văn An Khê


Nhà văn An Khê ngồi bên mộ ký giả Nguyễn Ang Ca, Bruxelles, Bỉ. (Hình: Võ Ðức Trung, Pháp)
Gần đây người viết bài này được biết thêm một hồi ký về nghề báo chưa từng đọc, được đăng lại trong một cuốn sách mới xuất bản nhan đề “An Khê Nguyễn Bính Thinh.” An Khê là ai?

Ðộc giả hải ngoại có thể không có bao nhiêu người biết đến nhà văn này, nhưng nếu nói đến tuồng cải lương “Bơ Vơ,” “Tuyệt Tình Ca” hay “Hai Chuyến Xe Hoa” mà đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã trình diễn suốt 21 đêm tại Sài Gòn thì có lẽ có thêm nhiều người nhớ đến An Khê, vì tuồng đó đã soạn từ cuốn tiểu thuyết “Người Vợ Hai Lần Cưới” của ông. Xin đừng nhắc đến cuốn phim “Hai Chuyến Xe Hoa” mà đạo diễn Hoàng Anh Tuấn dựng theo vở cải lương và cuốn tiểu thuyết này, vì nó thất bại hoàn toàn, chính An Khê đã phát biểu như thế, và còn kể lại trong hồi ký nhà đạo diễn đã phải xin lỗi tác giả ra sao.

An Khê (1925-1994) tên khai sinh là Nguyễn Bính Thinh, gia nhập làng báo năm 1950, biên tập viên báo Ðọc Thấy, có tiếng từ khi viết cho báo Ðời Mới của ký giả Trần Văn Ân sau đó vài ba năm. Những năm '60 ông là tác giả cực kỳ ăn khách, được các báo chèo kéo, mua chuộc, đến nỗi ông trở thành nhà văn viết tới 13 truyện từng kỳ trên 13 tờ nhật báo trong một ngày, vượt cả ông thầy của ông là nhà văn Bình Nguyên Lộc, người viết 12 truyện từng kỳ cho 12 tờ báo lúc trước đó. Gọi Bình Nguyên Lộc là ông thầy vì bút hiệu An Khê là do Bình Nguyên Lộc đặt cho tác giả Người Vợ Hai Lần Cưới, và chính Bình Nguyên Lộc bảo An Khê hãy viết loại tiểu thuyết tình cảm thôi, loại đó hợp với văn phong và vốn sống, kiến thức, của An Khê hơn là loại tiểu thuyết võ hiệp lịch sử hay trinh thám gián điệp, là hai loại mở đầu của Nguyễn Bính Thinh, ký các bút hiệu Cửu Lang, Trương Vân Anh,... An Khê vốn là tên ngọn đèo An Khê ở Pleiku, nơi Thiếu Tá Nguyễn Bính Thinh đụng trận với Việt Minh, và là nơi chấm dứt cuộc đời binh nghiệp của ông, vì từ sau đó, bị tàn phế nặng nề, ông chỉ còn sử dụng được hai ngón tay để gõ máy chữ, và hoàn toàn mưu sinh, nuôi gia đình, bằng nghề văn nghề báo.

Khoảng 1964, 1965, làm thư ký tòa soạn nhật báo Dân Tiến ở Sài Gòn, tôi trông coi các trang trong, một trong năm tiểu thuyết của tờ báo phải có một truyện dài của An Khê, chính trong dịp này tôi đã gặp anh. Nếu trí nhớ không lầm, mấy truyện bên cạnh là của Ngọc Linh, Sĩ Trung. Vì Dân Tiến nhằm vào độc giả gốc miền Nam, nên tôi cũng đã mời hầu hết các đồng nghiệp viết văn Nam cộng tác với Dân Tiến, như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Kiên Giang Hà Huy Hà (kịch trường), Hoàng Trúc Ly (truyện cổ tích). Truyện bằng tranh cũng phải mời họa sĩ miền Nam, là Diệp Ðình. Nếu những nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Hoàng Trúc Ly tới tòa báo, đặt trên đường Phạm Hồng Thái chạy xéo từ Ngã Sáu đâm vào cạnh nhà ga xe lửa, thì An Khê xẹt qua bằng xe mô tô. Anh to lớn, vạm vỡ, nhưng khi đi đứng, người ta biết ngay anh là thương phế binh hạng nặng. Hạng nặng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: anh là cựu thiếu tá phó chủ tịch Hội Thương Phế Binh Việt Nam. Khoảng sau 1990, anh đoàn tụ gia đình tới Pháp, và ít lâu sau có gửi cho tôi một lá thư khá dài, giấy mỏng, khổ giấy legal ở Mỹ.

An Khê là thiếu niên yêu nước, người tranh đấu, nhà hoạt động cách mạng chống thực dân, việc này đã khiến anh trở thành phạm nhân chính trị, bị Pháp bỏ tù vào năm 1942, mới đầu ở Khám Lớn Sài Gòn, sau bị đưa ra giam tại Côn Ðảo. Ở Côn Ðảo, An Khê được biết rõ các phạm nhân cộng sản đã bắt tay với cặp-rằn Pháp hay tay sai cho Pháp để giết hại các chiến sĩ quốc gia, điều này lại khiến anh trở thành một chiến sĩ quốc gia chống Cộng sản: những điều này tôi chỉ biết nhờ vào phần hồi ký của anh, nhan đề “25 Năm Vinh Nhục Trong Làng Báo Việt Nam trước 1975,” và nói rộng ra, qua bài của nhiều người khác trong cuốn “An Khê Nguyễn Bính Thinh, Hoài Niệm.”

“Trước kia khi ở trong Khám Lớn, bọn chúng (cộng sản) đã bao phen ngồi liên hoan với chúng tôi, để cổ võ chiêu bài chúng đưa ra: Quốc Cộng liên minh. Người quốc gia và cộng sản phải liên kết chặt chẽ, cùng sát cánh nhau để cứu nước. [...] Chúng phải làm thế vì ở Khám Lớn, phe Cộng là thiểu số. Nhưng khi ra Côn Ðảo, họ đông hơn, có thế lực núp bóng cai tù, nên trở mặt, bảo: ‘Trên đảo chỉ có màu đỏ, không màu vàng. Người quốc gia muốn yên thân trả nợ tù, phải nhuộm đỏ.’ Không cộng sản tức là kẻ thù, không có khác, cũng không được lưng chừng.” (An Khê, Từ Khám Lớn tới Côn Ðảo, tr.141, trích lại trong An Khê NBT, Hoài Niệm, phần Nguyễn Thiên Thụ)

“Ðối với tôi, Côn Ðảo có nhiều phần thiêng liêng còn ở lại mãi trong tâm hồn tôi. Và ác độc, dã man nhứt là những tên cựu tù cộng sản tại Hà Nội, lắm tên đã ở Côn Ðảo hay Lao Bảo, [...]thế nhưng khi chúng nắm chính quyền trong tay, chúng lại thực dân hơn cả thực dân cũ, lập thêm khắp nước những nhà tù, hành hạ tù nhân tàn khốc, ác độc hơn. (An Khê, sđd, tr. 223, phần Hoàng Ngọc Hiển.)

“Về sau này, anh Lê Tấn Thông, người chính trị phạm quốc gia làm đường ở ê kíp Ma-thi-ơ Côn Ðảo kể lại: ‘Ông Nguyễn An Ninh khi ngồi tù, bị anh em phiền trách sao ông để cho cộng sản lợi dụng tên tuổi ông... ’ (Sđd, tr.165) Ở một chỗ khác cho biết, Nguyễn An Ninh chết vì nghe theo hai tên cán bộ cộng sản, chúng đưa cho hai con vích, bảo ăn thì sẽ hết bệnh!”

Trong văn chương sách vở xuất bản ở hải ngoại, loại sách hồi ký rất hữu ích, cho dù được viết bởi một ngòi bút không chuyên nghiệp, nữa là hồi ký của một nhà văn nổi tiếng như An Khê.

Cuốn “An Khê Nguyễn Bính Thinh, Hoài Niệm,” do Võ Ðức Trung chủ biên, với sự góp mặt của Hoàng Ngọc Hiển, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Thiên Thụ, Nguyễn Ang Ca, Nguyễn Song Anh, Nguyễn Tánh Ðệ, Trần Minh Tâm. Sách dầy 300 trang, do Hương Cau Paris xuất bản, liên lạc qua Nhóm Văn Hóa Pháp Việt, (*) Alleé des Peupliers, 59320 Hallennes Les Haubourdin, France.


Chú thích:
(*) Xuất hiện trong “Văn Hóa (France Vietnam Culture) số các tháng 11 và 12.1994, tháng 8.1995, 12.1995 và 1.1996; in lại trong “An Khê Nguyễn Bính Thinh - Hoài Niệm” của Võ Ðức Trung và nhiều tác giả, Hương Cau, Paris, 4.2013.