văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, May 29, 2013

TRANG LUÂN * lối xưa tìm về

Hiền thật không ngờ, anh lại dám ra đây một mình!”
Có gì đâu mà không dám!”
Người đàn bà trạc ngoài năm mươi, có mái tóc ngả màu cùng gương mặt tái nhợt quay sang giải thích:
Em thấy Việt kiều về nước, đi đâu cũng đều có người nhà sát cánh ngay bên cạnh, chứ đừng nói tới chuyện đi xa như anh! Riêng có anh thì ngoại lệ. Dầu sao anh cũng nên cẩn thận thì hay hơn. Đi xa anh nên bảo Hòa hoặc ai nấy tháp tùng với anh cho an toàn. Anh đừng tưởng người ta không biết đâu! Người ta tinh lắm đấy. Nhất là màu da cùng cách xử dụng tiền bạc. Vả lại, anh cũng chẳng cần ra đây làm gì! Cứ gọi điện thoại cho em thì được rồi.”
Chủ ý của anh là muốn ra thăm em. Mấy chục năm rồi còn gì nữa! Dù sao thì anh cũng có lỗi với em rất nhiều.”

Người đàn bà xua tay lia lịa:
Dĩ vãng qua rồi. Anh còn nhắc lại làm gì cho thêm buồn!”
Hiền nói vậy! Nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy lương tâm mình bị dày vò, ray rứt.”
Tại sao anh cứ bận tâm về cái chuyện đó mãi để làm chi! Chúng ta bây giờ ai cũng ngoài năm mươi cả rồi. Đầu óc đâu có còn minh mẫn như thuở nào! Chân tay càng ngày càng trở nên uể oải, chậm chạp, còn mái tóc thì ngả màu, bạc phếch theo thời gian. Chắc chẳng còn bao lâu nữa rồi cũng sẽ lần lượt đi về.”
Anh hiểu! Nhưng cuộc đời Hiền trải qua quá nhiều cay nghiệt. Nó chẳng khác nào như con suối cạn nằm trong thời kỳ hạn hán. Vì vậy, cứ mỗi lần hồi tưởng về dĩ vãng, về Hiền, thì y như anh lại cảm thấy xót xa, ngậm ngùi ở trong lòng. Anh hiểu chứ! Hiền yêu anh. Hiền đã âm thầm chờ anh suốt mấy năm liền. Mấy năm ấy anh chẳng hề hay biết gì cả. Cuối cùng, em mới quyết định lên xe để về nhà chồng. Thật ra thì anh hoàn toàn có lỗi. Nhưng có điều khiến cho anh phân vân, thăc mắc mãi, là tại sao lúc bấy giờ em cứ một mực giữ nguyên thái độ im lặng! Ít nhất em cũng nên cho anh biết về ý định của gia đình. Mãi cho đến sau này, khi anh bước chân vào quân đội, trôi dạt về đơn vị của anh Đại, nhân trong một chuyến hành quân tại vùng Mỹ Chánh, thuộc quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, anh mới biết được cái tin ấy đến thật quá đột ngột, quá bất ngờ, khiến cho anh cảm thấy sững sờ, rụng rời cả tay chân. Anh vẫn còn nhớ và nhớ rất rõ tất cả từng chi tiết:
Hôm ấy, vào buổi chiều tháng chạp. Một buổi chiều âm u cuối năm. Buổi chiều với những cơn gió bấc lạnh lẽo, ồ ạt, ngỗ nghịch thổi về. Sau khi thanh toán xong cái mục tiêu hóc búa, gai góc, nằm chót vót ngay trên ngọn đồi cao ngất, hiểm hóc. Cái ngọn đồi quái ác đó, đơn vị anh đã phải đổi lấy một cái giá quá đắt, mười người lính hy sinh, đền nợ nước. Còn hai mươi người khác bị thương, đổ máu, mới chiếm được cái ngọn đồi nói trên. Suốt cả ngày hôm ấy, ròng rã từ tám giờ sáng cho đến năm giờ chiều, bọn anh phải vất vả, dằng co, quần thảo với địch quân, đếm từng tấc đất một. Trong khi địch quân có lợi thế hơn mình rất nhiều. Địch ở trên cao, mà lại có hầm hố kỹ càng. Còn mình thì ở dưới thấp bò lên. Nói dại, nếu không có những phi tuần bom của không quân yểm trợ hữu hiệu, chính xác thì bọn anh khó có thể nào mà chiếm được. Tối hôm ấy, đơn vị anh được lệnh dừng chân, đóng quân ngay trên mục tiêu mà bọn anh vừa mới chế ngự được. Giữa lúc anh đang bận rộn, loay hoay với công tác phòng thủ, thì Đại bất thần từ trên đi xuống, tiến thẳng đến tận chổ anh đang đứng. Chờ cho anh phân chia, cắt đặt công tác xong xuôi đâu vào đấy. Đại lên tiếng dặn anh:
Anh nên cẩn thận tối đa về ban đêm. Nhất là từ khoảng một giờ cho đến ba giờ sáng, anh nhớ chịu khó thức dạy, đi một vòng để nghe ngóng động tịnh, đồng thời kiểm soát luôn mấy vọng gác. Địch ở đây ghê lắm! Chúng nó thường khai thác tối đa về những sơ hở của ta. Theo kinh nghiệm cho tôi biết, thì chúng hay mở các đợt tấn công bất thần vào những giờ giấc kể trên.”
Anh lẳng lặng không nói. Đại chỉ cho anh thấy từng giải núi ở phía xa. Từng ngôi làng quạnh quẽ, nghèo nàn, xơ xác. Từng hàng dừa ngả nghiêng, cháy nám vì chiến cuộc. Anh cho biết, tất cả những nơi đó đều có dấu chân anh in hằn ở trên đấy. Ngừng lại vài giây, Đại quay sang hỏi:
Thế nào, anh đã thấy quen chưa!”
Anh thành thật trả lời:
Mới đấy thì làm sao mà có thể quen được hở, thẩm quyền! Ít nhất cũng phải mất vài ba tháng nữa, chứ bây giờ thì vẫn còn bỡ ngỡ như cô dâu mới về nhà chồng. Thẩm quyền cũng thấy đấy, chúng tôi trước kia đã quen với lối sống buông thả ngoài dân sự. Rồi, đùng một cái, có lệnh gọi nhập ngũ, lếch thếch bước vào quân trường, thụ huấn chẳng bao lâu. Mãn khóa với số vốn liếng ít ỏi, rồi quăng thẳng ra chiến trường sôi đọng chẳng chút do dự, thương tiếc, thì thử hỏi, làm sao mà chúng tôi không bị luống cuống, hoảng hốt! Chẳng nói dấu gì thẩm quyền, ngay trong lần chạm địch đầu tiên, thú thật, tôi hết sức là lúng túng và nao núng. Cũng mong thẩm quyền hướng dẫn thêm về những kinh nghiệm mà thẩm quyền đã đi qua. Dầu sao đi chăng nữa, thì thẩm quyền cũng là người đi trước, là cấp chỉ huy đã dày dạn với những sóng gió, nóng bỏng của chiến trường.”
Đại an ủi:
Từ từ rồi anh sẽ quen. Chỉ có chiến trường mới dạy mình, thế nào là bài học xương máu! Có một điều mà lúc nào anh cũng phải ghi nhớ ở trong đầu, là chớ đừng bao giờ khinh địch! Khinh địch thì chỉ có con đường chết. Phải biết người biết ta mới được. Đấy là câu châm ngôn mà từ cổ chí kim, ai nấy cũng đều phải học thuộc lòng như cháo chảy.”
Ném tầm mắt nhìn ra xa, Đại cho biết, anh đang chuẩn bị lập gia đình. Người vợ sắp cưới của anh là người Bắc. Cô ta còn rất trẻ, là xướng ngôn viên của đài phát thanh, là người có giọng đọc hấp dẫn trong các bản tin tức chiến sự hằng ngày. Anh chớp nhẹ đôi mắt, giọng anh trở nên nhẹ nhàng, mơ màng:
Tôi mới chỉ gặp cô ấy được hai lần. Cô ta là người mà chị tôi chấm cho tôi đấy. Chị tôi cứ khen, cô ấy là người mẫu mực, hoạt bát.
Muốn chọn vợ cho cậu thì phải tìm người đàng hoàng, tử tế, chứ cứ vơ càn vào, thì chẳng khác nào khoác cái gông lên cổ cậu suốt đời.”
Chị tôi vẫn thường nói với tôi như vậy. Vì thế, chị tôi chọn người cho tôi rất kỹ. Tôi cũng chẳng dấu diếm gì anh, tôi chỉ có hai chị em. Cha mẹ tôi mất sớm kể từ khi tôi còn nhỏ. Tôi lớn lên trong vòng tay cưu mang, đùm bọc của chị tôi. Chị tôi lớn hơn tôi tám tuổi. Bà tảo tần, xuôi ngược, nuôi nấng cho tôi ăn học, đỗ đạt, rồi đi vào võ bị. Nói xong, Đại rút ra tấm hình nhỏ bé, xinh xắn, rồi đưa sang cho anh. Thú thật là anh không thể nào ngờ được! Tấm hình ấy khiến cho anh choáng váng, xây xẩm cả đầu óc! Tấm hình ấy đập vào mắt anh với mái tóc óng ả, mượt mà thả xuống ngang vai. Tấm hình ấy chẳng ai xa lạ, mà là chính em! Mà tại sao lại là chính em! Anh phân vân, thắc mắc rồi tự hỏi: Tại sao đời anh lại oái oăm, nghiệt ngã, éo le đến như vậy! Tại sao! Tại sao! Và tại sao! Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập hiện ra chất vấn ở tâm tư anh! Anh cố mở to đôi mắt, nhìn lại thêm một lần nữa! Vẫn vẻ mặt quen thuộc cùng nụ cười hồn nhiên nở trên môi. Vẫn cái khổ hình bán thân, trắng đen, cũ kỹ của sáu năm về trước, mà em đã trao tận tay cho anh một cách thật trang trọng, kèm theo mấy hàng chữ mềm mại, nắn nót, bộc lộ niềm yêu thương nồng nàn, chất chứa ở trong đấy. Tấm hình ấy đã gắn bó, gần gũi với anh suốt cả hằng bao nhiêu năm trời. Nó chẳng khác nào như món hành trang cao quí nhất, theo sát anh trên các chặng đường hành quân diệu vợi. Đêm hôm ấy, anh không tài nào giỗ được giấc ngủ! Trong căn lều vải, anh cứ trằn trọc, thao thức, suy nghĩ miên man về tình yêu, về cuộc đời, ngổn ngang với nỗi xót xa, dày vò, tê buốt, chất ngất ở tâm não.”
Hiền buông mắt nhìn ra xa:
Anh nhớ kỹ lại xem! Dạo ấy đến cả mấy năm trời, em vẫn chẳng nhận được lá thư nào của anh gửi về. Hơn nữa, em lại là phận con gái. Chung qui cũng tại cái số của em như vậy. Em chẳng trách cứ gì anh cả. Thôi! Bỏ qua chuyện đó đi anh.”
Hiền dơ tay quơ mạnh vào khoảng không, ngước sang đổi giọng trầm xuống:
Từ nãy đến giờ mải nói chuyện, em quên khuấy không hỏi thăm chị cùng các cháu ở bên đấy có khỏe không anh!”
Cảm ơn Hiền! Nhà tôi cùng hai cháu vẫn bình thường. Bên Mỹ thì đời sống khác hẳn với bên này. Cuộc sống lúc nào cũng tất bật, hấp tấp.”
Em hiểu! Nhiều người bạn về thăm gia đình, vẫn thường nói với em về chuyện đấy. Ráng đi anh. Bây giờ chúng ta ai nấy cũng đều có phận riêng hết cả rồi. Em mong anh đừng suy nghĩ gì cả! Hãy quên đi anh! Từ nay anh đừng gửi tiền về cho em nữa! Em ở bên này cuộc sống cũng tương đối, không đến nỗi gì eo hẹp cho lắm. Anh cứ gửi về càng khiến cho em áy náy thêm. Ngộ nhỡ chị biết được, thì lại gây ra nhiều điều rắc rối, phiền phức, đồng thời tạo ra cảnh xào xáo, bất hòa cho gia đình. Em không muốn vì em mà gia đình anh mất êm ấm. Đừng gửi nữa, nghe anh! Chúng ta nhớ đến nhau là đủ rồi. Hằng đêm, em vẫn không quên cầu nguyện cho anh cùng gia đình được mọi điều an lành và tốt đẹp.”
Cảm ơn Hiền.”
Hai người đi dọc theo bãi biển về chiều vắng lặng. Mưa lất phất bắt đầu điểm hạt. Trên cao, bầu trời xám xịt như trĩu xuống. Tiếng sóng vẫn nhịp nhàng vỗ nhẹ vào bờ, tạo thành chuỗi thanh âm êm đềm và liên tục. Thịnh lắng nghe chuỗi âm thanh bất tận của biển. Chuỗi âm thanh đưa anh trôi dạt về dĩ vãng thật xa lắm. Dĩ vãng về thời còn trai trẻ. Dĩ vãng về những năm tháng khói lửa chiến tranh, trên mảnh đất nhuc nhằn, cằn cỗi này. Về đời lính. Về những chuyến trực thăng chở anh cùng đồng đội xuống các vùng đèo Nhông, Mỹ Thọ, Vạn Ninh, An Lão, Phù Cũ. Về Đại, người đàn ông có nước da ngăm đen. Người đàn ông ấy đã hiến cả đời mình cho binh nghiệp. Đã có lần Đại tâm sự với anh:
Tôi yêu đời lính ngay từ ngày còn ngồi ở ghế học đường. Lớn lên, tôi chọn binh nghiệp là hướng đi chính cho đời mình.”
Anh mơ muốn trở thành một danh tướng, nhưng giấc mơ ấy đã chìm theo sương khói của hư không. Anh đã ngã xuống và máu anh đã rướm ra, thấm luồn vào mạch đất tại vùng Lạc Sơn hẻo lánh, bởi viên đạn nghiệt ngã, lạc lõng, vô tình. Hạnh phúc ngà ngọc chỉ đến với anh trong vòng mười lăm ngày ngắn ngủi. Mười lăm ngày trăng mật đi qua rồi kết thúc. Người vợ trẻ bước lên thang phi cơ ngày hôm trước, thì hôm sau cũng là ngày anh guc ngã, xuôi tay, giã từ khỏi đời sống này.
Anh đang nghĩ gì vậy!”
Thịnh nhún vai điềm nhiên:
Anh đang nghĩ về Đại. Anh ấy thật bất hạnh.”
Anh ấy hiền. Tội nghiệp. Em chỉ ghét bà chị anh ấy. Bà ấy bảo: Hôm đám cưới, tại em mặc chiếc áo màu vàng xui xẻo nên em bà ấy mới mất. Ngay sau khi nhận được tin sét đánh ngang tai, em liền vội vàng mua vé bay vào Qui Nhơn nhận xác anh ấy đưa về đến Đà Nẵng. Bà ấy cứ lăn lộn ra nhà, rồi rủa em là đồ sát phu. Thú thật với anh, lúc ấy em xấu hổ vô cùng. Có đến gần ba tuần lễ, em chẳng dám ló mặt ra đường. Suy đi nghĩ lại cũng tại mẹ em hết. Mẹ cứ bắt em phải lấy anh ấy. Ngày nào bà cũng tụng. Nào, nó là thằng hiền lành, chẳng biết cờ bạc, rượu chè, trai gái hoặc hút sách. Vậy là phúc bảy mươi đời rồi còn gì nữa! Mày còn chờ ai nữa bây giờ! Chờ cái thằng Thịnh à! Ai như cái thằng ấy. Mà biết chờ nó đến chừng nào! Nó cứ im hơi, lặng tiếng, chẳng thấy đá động gì cả! Vô lý mình phải lên tiếng trước. Thật ra, lúc ấy em giận anh hết sức. Tức quá, em đành xuôi tay, bằng lòng cho mẹ em vui.”
Thịnh trầm ngâm, suy tư. Anh thò tay vào túi quần, lấy ra bao thuốc, rút một điếu cài lên môi, rồi bằng động tác thật khoan thai, bật hộp quẹt châm lửa:
Hiền cho anh xin lỗi.”
Thôi! Bỏ đi anh.”
Ngẫm nghĩ giây lát. Nàng hỏi:
Anh còn nhớ chỗ này không anh?”
Thịnh chau mày suy nghĩ. Cuối cùng anh lắc đầu:
Anh chịu.”
Hiền chỉ tay về hướng trước mặt:
Đấy chính là chỗ mà bốn mươi sáu năm về trước, mình bước lên bờ trong chuyến tàu chở mình từ Bắc vào Nam.”
Thịnh mở to đôi mắt. Anh nhớ ra rồi. Dạo ấy phượng còn đỏ rực trên bờ em nhỉ? Nghĩ đến chuyến tàu ấy lại khiến cho anh liên tưởng đến những ngày nằm chờ tại thôn xóm nghèo nàn ở Kiến An. Đến đoàn xe nhà binh chở đầy ắp người, đậu dài trên bến cảng Hải Phòng, chờ đợi sắp xếp xuống tàu. Rồi con tàu chở cả tiểu đoàn công binh, mà trong đó có bố anh, bố em cùng gia đình nằm ngổn ngang, la liệt ở trên đấy. Anh vẫn còn nhớ mãi, đến gần sáu giờ chiều, con tàu mới nhổ neo, giã từ Hải Phòng, âm thầm rẽ sóng ra khơi, rồi cứ thế, lênh đênh, ròng rã suốt cả mấy ngày trời trên biển. Mấy ngày trời ủ rũ, say sóng mệt nhừ. Tàu cặp bến vào buổi chiều le lói, vàng úa. Tấm cửa sắt to lớn, chắc nịch được mở ra và đoàn người ảo não, lục tục, lếch thếch bước lên bờ, ngỡ ngàng trước thành phố xa lạ. Lúc ấy, tự nhiên anh chạnh lòng thấy nhớ Hà Nội. Nhớ gò Đống Đa. Nhớ từng toa tàu điện. Nhớ đến năm cửa ô. Nhớ đến bọn thằng Thái, thằng Lực, thằng Luyến. Nhớ đến những đêm trăng rằm vằng vặc. Những lần tập trận giả cùng các trái sấu chua nhăn mặt, chứa chất, tiềm tàng nhiều kỷ niệm khó quên ở nơi đấy. Thịnh lẩm bẩm:
Mới đấy mà thoắt chốc đã bốn mươi mấy năm trời. Thế mới biết đời người trôi qua nhanh thật.”
Hiền tiếp lời anh:
Nhanh! Chứ sao không nhanh! Anh tính thử lại xem. Ngày ấy anh lên mười, còn em thì lên chín. Bây giờ nhìn lại thì ai nấy cũng ngoài năm mươi hết cả rồi. Chẳng mấy chốc…”
Hiền bỏ lửng câu nói tại đấy. Lát sau nàng mới thỏ thẻ:
Anh về kỳ này có chuyện gì không anh! Nếu em nhớ không lầm thì cách đây hơn ba năm anh có về một lần rồi. Lần ấy Hòa có gọi điện thoại báo tin cho em hay.”
Thịnh cất giọng buồn buồn:
Anh về là để lo đám tang cho bố anh.”
Hiền trơn mắt:
Bác trai mất rồi hở anh? Sao chẳng thấy anh báo tin cho em biết gì cả!”
Tại em ở xa quá, anh thấy không tiện.”
Hiền trách:
Anh tệ thật. Thế anh Nguyện có về không anh!”
Có! Rất may là ba đứa con trai đều có mặt đầy đủ.”
Chắc đám tang bác trai lớn lắm anh nhỉ?”
Cũng bình thường, giản dị như mọi đám tang khác thôi Hiền ạ.”
Bất giác Hiền chép miệng thở dài:
Tội nghiệp cho bố mẹ em. Đám tang thật thảm não và lạnh lẽo hơn bất cứ đám tang nào khác. Sau năm bảy mươi lăm, trong hai năm liền, em phải chịu tới hai cái tang liên tiếp. Đấy! Anh cũng biết. Gia đình em đơn thân độc mã sống ở ngoài này, chẳng có bà con thân thuộc nào cả. Khổ nỗi, là ngày ấy em lại chưa tục huyền với nhà em bây giờ! Hơn nữa, trong nhà chỉ có mình em là con gái, mà lại là đứa con độc nhất trong gia đình. Tâm trạng em lúc bấy giờ rối bời như tơ vò, nát ra từng mảnh vụn. Cũng may, là nhà em ở xóm ấy lâu năm và được lòng với tất cả mọi người ở chung quanh, nên người ta cũng thương tình! Chứ kể như mình em thì chỉ có chết mất. Nhiều khi ngồi một mình ngẫm nghĩ lại, em thấy thương bố mẹ em vô ngần. Lắm lúc, em đột nhiên nảy sinh ra ý tưởng thật ngộ nghĩnh, ước gì mình được nhỏ lại như hồi còn đi học. Chuỗi ngày ấy chúng mình thật hồn nhiên anh nhỉ? Lớn lên, em thấy, sao mà cuộc đời khổ quá hở anh? À! Anh còn nhớ Hội An không anh! Hội An có ngôi chùa cầu tối om về ban đêm. Ngôi chùa ấy mỗi khi mình đi chơi khuya về đều bảo nhau ù té chạy. Đấy là khu phố nhỏ thứ nhì mà mình đặt chân đến, kể từ khi bước chân xuống con tàu giã từ quê hương miền Bắc. Cứ mỗi lần có dịp xuống dưới đấy, em lại tạt qua ngôi trường Bồ Đề mà anh từng ngồi ở năm lớp nhất, còn em thì gắn bó với nó đến hai năm liền. Ngôi trường tiểu học ấy đã gây cho em nhiều nỗi bồi hồi, xao xuyến. Anh thi tiểu học ở trường Nam, phải không anh! Năm ấy anh đậu. Còn năm sau, em rớt, mẹ em la cho một trận nên thân. Em cũng không quên ghé ngang qua khu gia binh mà mình đã sống ở đó ngót hai năm trời. Nơi ấy hầu như thay đổi hoàn toàn. Mỗi lần trở về, em lại liên tưởng đến các trò chơi nhẩy dây, bịt mắt bắt dê vào các đêm tối trời oi bức. Dạo ấy mình chẳng thấy buồn là gì anh nhỉ? Chỉ có giận hờn rồi sau đó lại làm hòa với nhau. Anh lại hay có cái tật phá đám tụi em. Mỗi lần như thế, em thường chạy đi mách bác trai. Em biết, bác trai thương em lắm. Bác thường hay xoa đầu và gọi đùa em là con dâu quí. Buồn nhất là khi đơn vị phân tán đi mỗi người mỗi ngả. Gia đình anh thì dọn ra ngoài Huế. Còn bố em thì thuyên chuyển về Đà Nẵng. Tuy cách nhau ngọn đèo Hải Vân, nhưng chẳng xót năm nào mà bác trai không ra thăm bố mẹ em vài ba lần. Hễ ra, thì y như thể nào mẹ em cũng bày ra chắn hoặc tổ tôm. Em còn nhớ, lần đầu tiên anh đi với bác ra nhà em. Mẹ bắt em phải ăn mặc đàng hoàng, gọn ghẽ.
Con gái phải đỏm đáng đôi chút. Phải biết làm dáng. Phải ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn và phải giữ ý tứ trong khi đi đứng.”
Em chẳng hiểu gì cả! Em chiều cho bố mẹ em hài lòng. Thì ra có anh đi với bác trai. Tình cờ hay cố ý. Sau này em nghe mẹ em nói, anh ra là để xem mắt. Có phải đúng như vậy không anh?”
Anh chẳng biết ất giáp gì cả. Vừa về đến nhà được hai hôm, thì bố anh dục ra thăm bố mẹ em. Bố anh bảo: Hai bác quí con lắm và thường hay nhắc đến con luôn. Thú thật, lần ấy anh lúng túng vô cùng. Thì ra, hai bên đã có sự sắp xếp với nhau từ lâu lắm rồi.”
Nhắc đến hôm ấy thật buồn cười anh nhỉ? Sau khi hàn huyên vài câu chuyện, mẹ dục em dẫn anh đi chơi. Lần đầu tiên gặp lại, chúng mình chẳng biết nói gì với nhau. Em dẫn anh đi lang thang dưới cơn mưa buốt lạnh cuối năm. Cơn mưa ấy không bao giờ em quên! Cơn mưa ấy đối với em lúc nào cũng đẹp và em cất giữ nó một cách thật trang trọng trong cái ô kéo đặc biệt ở ký ức.”
Anh cũng vậy! Anh vẫn còn nhớ chuỗi ngày tháng vàng son, thơ mộng đó. Chuỗi ngày tháng mà giữa anh cùng em đều mở ra những cánh thư êm ả màu xanh, trải đầy mộng ước ngọt lịm ở trong đấy. Không khi nào anh quên! Không khi nào! Anh quả quyết với em là như thế.”
Thịnh ngừng lại giây lát rồi đột nhiên hạ thấp giọng:
Bây giờ thì cuộc sống em thế nào?”
Cũng tạm đủ qua ngày, không đến nỗi gì thiếu thốn cho lắm anh ạ.”
Còn chồng em! Anh ấy đối xử với em ra sao?”
Anh ấy đối xử với em rất chừng mực. Bốn năm sau, kể từ khi bố mẹ em qua đời, em đành nhắm mắt, đưa chân bước thêm bước nữa. Chúng em ăn ở với nhau có hai mụn con và bây giờ thì các cháu cũng đều lớn khôn hết cả rồi.”
Mừng cho Hiền.”
Hai người tiến lần lên phía trên. Cơn mưa bắt đầu nặng hạt, lớn dần. Gió lao xao trên các tàng cây, nhẹ nhàng luồn qua cơ thể, gây liền cảm giác lành lạnh ở trong anh. Thịnh quay sang hỏi:
Hiền có lạnh không?”
Nàng gật đầu không nói. Anh kéo cao cổ áo, đề nghị:
Hay mình kiếm cái quán nào ngồi đi em!”
Hiền ngập ngừng:
Thôi! Hiền xin phép anh về. Cảm ơn anh đã cho em một ngày thật ấm áp, thật trọn vẹn. Tiện đây em cũng xin phân ưu với anh cùng gia đình. Anh có định ra Huế thăm bạn bè không anh?”
Thịnh lắc đầu:
Anh không có thời gian. Bởi vì ngày mai anh còn phải về Sài Gòn để điều chỉnh chuyến bay.”
Anh về, cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe anh Nguyện cùng vợ chồng Hòa. Chừng nào thì anh trở lại Mỹ?”
Tuần tới.”
Chúc anh được thượng lộ bình an. Cho em hỏi thăm sức khỏe chị cùng các cháu.”
Cảm ơn em.”
Lưỡng lự giây lát, Hiền ngập ngừng:
Gặp anh lần này rồi không biết có còn gặp lại nữa hay không? Hãy nhớ đến nhau nghe anh! Thôi! Chào anh, em về.”
Thịnh bin rịn, nói khẽ:
Anh muốn tiễn em thêm một đoạn đường nữa!”
Hiền nói giọng rung rung:
Như vậy cũng đủ rồi anh.”
Nàng ngước lên nhìn Thịnh lần cuối, rồi xoay lưng lầm lũi tiến vào đám đông. Chiều ủ rũ, hấp hối trên ngọn đồi phía xa. Tự nhiên anh cảm thấy tim mình se thắt, buồn rũ rượi.


Thịnh bước vào quán rượu ở gần đấy. Quán vắng, thưa người. Vài người khách lạ ngước lên nhìn anh bằng thái độ dửng dưng, rồi lại cúi xuống tiếp tục câu chuyện còn dang dở, đứt quãng.
Dưới ánh sáng trong vắt của ngọn đèn nê ông, bà chủ quán có dáng dấp mảnh khảnh, lòe loẹt trong chiếc váy đầm diêm dúa, ưỡn ẹo, nghiêng người điểm nụ cười chào khách. Thịnh gật đầu đáp lại. Anh gọi chai bia rồi tiến thẳng đến chiếc bàn trống nằm khuất ở phía trong, thản nhiên kéo ghế ngồi xuống. Thịnh thích ngồi ở chỗ hóc tối kín đáo. Anh không thích ồn ào. Anh thích im lặng. Âm thanh trầm buồn, lãng đãng của bản nhạc xa xôi thời tiền chiến, đột nhiên gợi cho anh liên tuởng đến chuỗi năm tháng u ám thuở nào. Chuỗi năm tháng nhục nhằn, vây kín bởi bốn bức tường hạn hẹp, tối tăm, hôi hám. Đầu óc anh lúc nào cũng bị căng thẳng, hồi hộp trước những đôi mắt soi mói, cú vọ của mấy tên chấp pháp độc ác, dã man ở Tri Tôn. Cứ mỗi lần nghĩ đến, anh vẫn còn cảm thấy ghê sợ trước những trận đòn đau điếng, ê ẩm giáng xuống người anh từ đêm này sang đêm khác. Thú thật là anh sợ. Sợ khi màn đêm xụp xuống. Sợ từng bước chân người đi tới. Từng tiếng động qua khe cửa sắt. Tiếng chìa khóa lách cách tra vào ổ. Sợ đến nỗi toàn thân anh co rúm lại, rồi từ đó, mồ hôi cứ tuần tự rướm ra, nhớp nháp, ướt đẫm cả thân hình tiều tụy, gầy đét. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh cảm thấy rùng mình, ớn lạnh, rồi buông nhẹ lên tiếng thở dài. Anh ném tầm mắt nhìn qua khung cửa kính. Cơn mưa vẫn rả rich, dai dẳng không ngớt. Xa xa, thấp thoáng vài ánh đèn lù mù, lung linh trên đại dương. Thịnh đem ý nghĩ về Hiền. Về thị trấn xa xôi ở quá khứ. Cái thị trấn nhỏ bé, dễ thương nằm trong cái khoảnh vườn hồn nhiên, ngây dại của quãng đời thơ ấu. Anh nhớ đến những buổi sáng còn hơi sương, anh cùng Hiền đều đặn cắp sách đến trường. Ngôi trường chỉ cách trại lính chưa đầy hai trăm thước, mà sáng nào mẹ cũng dặn đi dặn lại: “Nhớ dẫn em đi cho cẩn thận nghe con!” Ngôi trường tiểu học xinh xắn ấy đã mở ra ở trong anh cả khoang trời mượt mà, tươi tắn của kỷ niệm. Khoang trời ấy cứ sống mãi với thời gian và chẳng khi nào nhạt phai ở trong anh. Thịnh nhớ đến những buổi chiều rạo rực cuối năm. Những buổi chiều mà hai đứa đi lang thang giữa đường phố đông đúc kín người. Những buổi chiều nồng nàn, ấm áp, lâng lâng hơn bao giờ hết.
Có khi nào anh nghĩ rằng: Rồi sẽ có một ngày tình yêu mình sẽ phai không anh?”
Anh tin rằng không có! Tình yêu mình lúc nào cũng đẹp. Nó nhẹ nhàng như tơ trời và êm đềm như tiếng thông reo mùa Hạ. Chúng ta hãy chăm bón, vun sới cho nó thành mượt mà, xanh ngắt, tươi tốt nhiều hơn nữa.”
Người nữ chiêu đãi đặt chai bia cùng chiếc ly thủy tinh xuống mặt bàn. Thịnh rót vào đầy ly rồi nâng lên uống cạn.
Anh muốn đi với em đến điểm cuối của cuộc đời. Cuộc đời là bể dâu, là phù vân, là khói sương, là ngã rẽ, là sự gẫy đổ ê chề, nhức nhối, phải không em? Chúng mình chẳng khác nào như hai con tàu chạy ngược chiều, trôi dạt về các ga trạm xa lạ, buồn tênh. Mùa xuân chẳng khi nào về với chúng ta! Nhưng chúng ta vẫn phải gắng gượng để sống, cho những đứa con anh, con em, có hơi thở, có mạch sống để vươn lên, rồi nở hoa đi vào cuộc đời. Hãy cố gắng đi cho hết chặng đường đời đầy phiền toái, nhàm chán này. Hãy gắng lên nghe em!”
Thịnh vẫy tay, gọi thêm bia. Anh muốn uống cho say khướt. Uống để vơi đi được phần nào nỗi xót xa, dằn vặt đang bủa vây kín mít ở trong anh hiện giờ. Thịnh dốc ngược chai bia rồi ngửa cổ nốc ừng ực. Hơi men luồn vào cơ thể gây liền cảm giác ngầy ngật, khó chịu. Lãng đãng, mơ hồ anh nghe như có tiếng hát Sĩ Phú phát ra từ chiếc máy thâu thanh nào đó.
Yêu ai! Yêu cả một đời. Tình đó quá khắt khe khiến cho đời ta, đau tủi cả lòng. Tình yêu kia mà người hằng nhớ. Năm tháng trôi lạnh lùng hoài.” Ngán ngẫm, anh mệt mỏi, nhướng cặp mắt lờ đờ nhìn bâng quơ lên trần nhà.
Bên ngoài, đêm thì thầm, mưa bay./.
TRANG LUÂN