văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, May 15, 2013

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * hoài ziang duy, biểu tượng một văn phong hiện thực đầy sáng hóa

Hoài Ziang Duy

Tập tuyển truyện Ông Tướng Sang Sông của nhà văn Hoài Ziang Duy bay qua nửa vòng trái đất, như một hạnh ngộ mang đầy vẻ chân tướng, chuyển tận tay tôi vào một buổi chiều tháng 5/2002. Sự xúc động đầu tiên, tưởng tượng cầm chắc tín hiệu tinh khôi của một hiền giả văn nghệ phố núi quê xưa, vẫn cuộn tròn tâm thức trong một định nghiệp văn chương.

Hình ảnh của 40 năm thoáng qua như gió thoảng, là hình ảnh chân phương cùng nhau bơi ngược dòng đời tụ tán trong môi trường cuồng tín nghệ thuật. Bước trên tuổi trẻ, phong lưu ngất ngưởng trên từng trang giấy mê hoặc kỳ diệu của từng tạp san tự lực, phải chăng là bước đầu cho định kiếp người làm văn nghệ? Một định kiếp chỉ được suy ngẫm trong giai đoạn nầy, mái tóc bắt đầu bạc phếch, ngồi xuôi dòng về dĩ vãng cũng chỉ ghi nhập lại bóng dáng một thời vẫy vùng xa xưa, Một thời, mà trên viền áo trắng còn vương vấn chiếc phù hiệu học trò, và tất cả bằng hữu văn nghệ đều ngất ngưởng trên từng câu thơ, từng đoạn tùy bút của một thời để nhớ để thương…Tài hoa không hiển hiện đột biến, nhưng ít nhất cũng báo hiệu rằng tia sáng là của ngày mai. Vài tia sáng đầu đời như thế buộc chặc tư hướng sáng tạo định mệnh cho vài hiền giả sau nầy, mà Hoài Ziang Duy là một tia sáng ấm áp định kiếp đó.
Đọc và nghiền ngẫm, ngoài vài ý tưởng tán thán gởi sang nhà văn, tôi chợt trùng điệp hòa đồng khi đọc qua ý tưởng của Phạm Thăng trong lời bạt giản dị, chân tình nhưng thật rõ nét hồn quê trong con tim. “Tôi xếp sách lại mà lòng bâng khuâng .Các truyện ngắn của Hoài Ziang Duy đầy tình người quá…..Và niềm vui thứ hai khi tôi đọc đến những giòng chữ nói về quê nhà thân thương, Tác giả đã viết: Là người ai không có quê hương để nhớ nhung, ấm lòng. Quê tôi có cây cầu sắt bắt ra sông, không có tên, họ gọi là cầu Quan, chỉ để dành riêng cho quan chức thuộc địa mỗi chiều ra hóng gió nghe hòa nhạc. Thuở nhỏ chúng tôi lội dưới chân cầu, những khi trống vắng, leo lên. Cái quần xà lỏn trên thân thể gầy còm, đứng tồng ngồng dưới trời thanh, gió mát. Nhìn lên trời cao, mơ một ngày công hầu khanh tướng. Tuổi thơ tôi bắt đầu từ đó.”
Quả thật, vịn tuổi thơ đứng dậy với nhiều mộng ước, mà là mộng ước của một nhà văn, thì thật tình công hầu khanh tướng như suy nghĩ ngày xưa, có màng gì với một tài năng, một người viết văn làm thơ rất sớm như anh Phạm Thăng nhận định. Và Hoài Ziang Duy đã vượt qua những đoạn đường gian lao bước rực rỡ trên một văn phong hiện thực đầy sáng hóa .
Nhà văn lập dựng nhân vật, thường diễn tả bằng tư hướng đối thoại nặng tính cách tính truyện giữa nội tâm. Thầm lặng đào bới li ti từ khe hở kỷ vãng, để đưa đến nhận định hiện trạng so sánh của suy tư, chất ngất trên lộ trỉnh đi qua. Mà giữa dĩ vãng và hiện thực như đang xoay ngược bản thể trên từng bước di chuyển cho chân lý trong đời sống. Dàn trải tâm thức đời thường trên từng nhân vật, là lối diễn dịch phân tâm cho ngôn ngữ văn chương của Hoài Ziang Duy. Một phong cách nhào nắn tinh vi của từng chuyển biến đồi lập của nội tâm, li ti, sâu sát, hóa thân trên hoàn cảnh hóa thân đột biến, (đời thường mà nhân vật trôi dạt trong cảm ngộ). Sự cảm ngộ giũa lý trí và giữa đầy dẫy những ngộ nhận, để làm lộ ra chân tướng hiện thực. Nhân vật trong từng câu chuyện, hình như luôn có tính độc thoại, chao đảo mãnh liệt giữa số kiếp và hoàn cảnh, đơn độc một cách tội nghiệp như giữa cuộc chất vấn bóng và hình, (khiến tri thức như đứng trước gương soi phản quang chính nội tâm và ảnh tượng chính mình (trong một sân khấu độc diễn). Hoài Ziang Duy khai hoang cho một lối viết chan hòa giữa tính truyện, có chi tiết thường đột biến như sự phân thân, nhân vật diễn xuất đa bản thể, như lối viết xé nát bản thể của Kinh Dương Vương…Nhưng tính truyện của Hoài Ziang Duy dù có đối lập trùng trùng nhưng cũng còn vài giây phút nhập thân, thành tụ một kết quả cuối cùng mà người đọc khó suy đoán, trước đối ngẫu hầu như xoay vòng trong những ngộ nhận.
Giữa cái có thể của định số trong hiện thực cuộc đời, phải chăng lại là cách giải quyết của một phương cách kịch tính, bất ngờ, đầy ngộ nhận. Văn phong Hoài Ziang Duy xoáy sâu bằng nội tâm, mà phương cách độc thoại khiến tự truyện vi diệu khác thường, lạ nên riêng biệt vậy.
Suốt hơn 40 năm độc hành theo ngõ sống, lập luận của nhà văn quả là hướng đi tự lập, riêng mình, khó lầm lẫn với đối tác văn chương khác. Phương vị thật đơn lẻ và độc lập, nhưng sáng tạo trong phong cách viết Hoài Ziang Duy là một dấu ấn chân phương. Ngồi đọc lại những tuyển truyện Hoài Ziang Duy viết từ thập niên 60 vừa qua, mới nhận thấy sự đa dạng của một tài hoa tuổi trẻ dù bước vội vàng theo văn nghệ, đã chắt mót được từ nhân dáng những giọt tinh hoa sáng hóa riêng mình. Thế kỷ mới, Văn nghệ học sinh, Hiện diện…là bước
đầu của cây viết trẻ, lập dựng phong thái văn chương đầy sáng tạo sau nầy. Tư thức sáng tạo
trong nghệ thuật trải dài gần nửa thế kỷ trôi đi vùn vụt, vô hình chung là chất liệu hóa hiện kỳ diệu cho nhà văn một văn phong riêng lẻ, độc đáo, phong cách…Tất cả nhân vật trong sáng tác đều hướng về một tư thức chân thật, dù nghiêng ngả, rặn nát chân tâm, suy đoán, so bì với hiện thế một cuộc trôi dạt bi thống trong một kiếp người. Cái thật trong cách hành văn của nhà văn, cũng là một cung cách sống suy tư của Hoài Ziang Duy, va chạm giữa bao nhiêu lý lẻ cần phân giải giữa cái thực và cái hư, mà chính yếu lại là cách giải quyết rốt ráo dù từng phân đoạn một.Các phân đoạn sẽ ráp nối ngẫu nhiên, sau khi biến hóa từng phân khúc trên từng đoạn đường bắt đầu hành trình AA’ đến A’B rồi tiệm tiến về BB’ …v..v…, lần dò từ cái O đến vô cực. Như vậy, kết quả của cốt chuyện trong từng tác phẩm Hoài Ziang Duy dựa dẫm vào sự đột biến mà hình thành trên từng bước đi cách ly nhau, khác biệt nhau, rồi tự ráp nối thành một chuỗi dài, khiến người đọc khó suy đoán kết quả…Quả vậy, mỗi kết quả suy đoán là cung cách lần mò của người đọc, nhưng đường nét kỷ hà của dòng sáng tạo trong từng tính truyện đột biến theo từng thời khắc sáng tác, thì rất khó khăn cho tha nhân nếu muốn tiên đoán kết luận. Hậu quả quyền biến tính truyện trên từng bước đi hiện thực như lối viết của Hoài Ziang Duy, cái đích của cuối đường hầm chưa le lói tinh quang, nên người đọc chỉ lần mò trong khoảng không-thời gian vô thức, sự tiên đoán hướng tới chỉ là sự cảm nhận vô tri. Điều kỳ diệu trong sáng tác như vậy, ngoài sự tự tại với văn chương, còn giúp phong thái lãng du sương khói của người viết thể hiện được đặc thù sáng hóa kỳ diệu, đưa người chiêm ngưỡng có phong cách nhận định đa dạng, tùy hướng tâm tri ngộ của mỗi người.
Dùng hiện thực, tạo lập phong thái văn chương đi đến khai sinh dòng sáng tạo đặc thù, khiến văn phong Hoài Ziang Duy có nét nhìn lập thể, bốc trần được những vướng mắc từ tâm thức với lẽ sống, sự nô lệ thân phận con người là những vướng mắc cần được khai hoang. Nhà văn quả tình đã bước vào độc lộ của hiện thực, gói lại những cuộc réo gọi của cuộc sống vào một hướng sáng tạo văn chương độc đáo, biểu hiện được một phong cách viết có kỷ thuật riêng biệt. Lối viết Hoài Ziang Duy sừng sững như ngọn núi hoang dã vươn mình vững chải dưới đôi chân, có lối viết tương đồng với nhà văn Cung Tích Biền và Kinh Dương Vương, cố gắng khai hoạt hết những khí hậu cùng cực bi thảm trong kiếp người, đưa vào lập trình văn chương cho tồn tại giữa thế gian như một nhân chứng hiện hữu giữa thời đại. Cũng trước những cùng cực, thảm khốc của cuộc sống, nhà văn Kinh Dương Vương bóc tách hiện thực vạch ra những bí ẩn cực đoan tàn nhẩn giữa nhu cầu sự sống, văn Kinh Dương Vương mang đầy sắc thái dương tính như quạt đỏ ngọn lửa săn đuổi cùng cực bản ngã, khai sinh lối viết dằn xé, tách bóc từng tế bào của sự vật, hầu tìm trong sự phân cách ghê rợn giữa bản thể người và thú sự trùng lấp hoang dã và nhân bản. Vì vậy, phong cách văn Kinh Dương Vương đặt nặng một tìm tòi nhân bản sáng hóa bộc phá, nhào lộn bất cứ lúc nào trên ngọn lửa hóa sinh, tìm tòi một sinh thái đa dạng cho ngôn ngữ, diễn đạt một cách tàn phá sâu lắng của ý thức. Điều nầy, Kinh Dương Vương và Hoài Ziang Duy có nét tương đồng trong phong thái khai sinh phương hướng soi rọi tận cùng bản ngã. Nhưng sự đột biến kỳ diệu trong văn Kinh Dương Vương là sự tìm kiếm, kể cả áp dụng sự chao đảo tan nát trước hiện thực, nhào nắn định mệnh con người bằng ngọn lửa dương tính mãnh liệt…Truyện Bí Đái, Đường Kiến…trên các tạp chí trước 1975, như Văn, Văn Học, Bách Khoa…là một lối sáng tạo cực kỳ mãnh liệt. Ngược lại, trên bến đợi của dòng thời gian, như định kiếp tăm tấp trôi chảy trầm lặng của từng mảng lục bình, sự thể hiện trên văn phong Hoài Ziang Duy trước nỗi thống khổ, như một hiện thực tiệm tiến xuôi ngang cuộc đời, lại thay đổi từng bước một, mà “cái ngáp mệt mõi, che dấu tiếng thở dài, chỉ còn mình ông trong bóng tối” của lão Tư, kể từ lúc đổi đời đã trở thành nạn nhân của thời cuộc. (Truyện, Một Đời Người Một Nỗi Lặng/tác phẩm, Bốn Ngàn Năm Chen Lấn). Sự suy nghĩ trầm lặng đột biến trong một nhân cách, có ai thấu hiểu hết nỗi đau gắn liền với lão Tư là nỗi đau thầm lặng, nhầm lẫn trong ngôn ngữ, nhầm lẫn con người trong lịch sử, trong thực tế cuộc sống, trong bức tường chính trị…Cách diễn tả hiện thực cuộc đời một cách lặng lẽ thăng trầm, không đột biến bằng những nét dị thường, tàn phá như văn Kinh Dương Vương, người viết xem đó là một bản năng kiến trúc đa dạng xấp lớp trong bản thể sinh vật, dằn xé tang thương, ẩn ức sâu thẩm, bùng vỡ tàn nhẫn, trăn trở dằn xé và đọa đầy…Quả thật, trên bước đường sáng hóa nghệ thuật, hai nhà văn đã trình diện hai phương cách giải quyết hiện thực khác biệt.
Nhà văn Cung Tích Biền như ngọn núi sừng sững, hiện thân như một yếu chỉ phải có trong dòng văn chương Việt. Cung Tích Biền bắt đầu là một hiện tượng văn học ngay từ thời tuần báo Nghệ Thuật của Mai Thảo, cách đây gần nửa thế kỷ. Nhưng sau 1975, Cung Tích Biền đã hóa thân một cách lộng lẫy, văn phong là một hướng tinh quang hiện thực, phát tích một khuynh hướng tân văn cực kỳ bác học. Phá vỡ những giai đoạn viễn vong của thời Nghệ Thuật xa xưa, nhà văn Cung Tích Biền đứng dậy bước vào thực tế của một cuộc sống đầy rẫy tà mị, của một lớp người quái dị làm chao đảo cả một xã hội văn hiến ngàn đời. Đi giữa một hiện thể hoang dã, phủ đầy sương khói liêu trai quái đản, nên những bộ trường thiên tiểu thuyết của nhà văn, đã là nhân chứng lập thể cho thời cuộc? Tính truyện của bộ sách tuyệt diệu, đa phong cách đầy rẫy nét hóa thân kinh dị, quái quỷ, liêu trai …từ Chuồng Trại ( hay Truồng Chạy) đến Thằng Bắt Quỷ ..v…v…
Cung cách khai sáng dòng văn chương của ba nhà văn là phương cách lập ngôn, trình diện với hiện thực bằng một con đường đi về hướng vĩnh cửu khác nhau, nhưng tụ chung ánh tinh quang vi diệu của ba phong cách, đã bộc phá được sự yên lặng mòn mỏi nghèo nàn của lối đi vào văn học hôm nay.
Suốt quãng đường hành hiệp gần nửa thế kỷ nay, tính truyện trong suốt đời cậm cụi sáng tác của nhà văn Hoài Ziang Duy, bao giờ cũng đầy rẫy nét sáng tạo tư duy nhất quán, hồn hậu của con suối dòng sông, của ngọn núi tĩnh lặng, của mênh mang đồng bằng…Nhà văn vác trên vai một hướng đi tự lập, mà phong cách sáng tạo trong văn phong là một độc đáo riêng biệt, đầy tình người, bằng một lối viết mà nhà văn Xuân Vũ bật lên lời kinh ngạc: “ lối viết của Hoài Ziang Duy là một lối viết lạ kỳ, không giống ai, hoặc tôi chưa từng thấy giống ai trong nghệ thuật viết truyện ngắn, Cái lạ kỳ nầy có hai nhánh. Lạ kỳ quái gở và lạ kỳ nghệ thuật. Truyện cùa Hoài Ziang Duy nằm ở nhánh thứ hai .”

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư Trang Quang Hạnh


Tiểu sử văn học nhà văn Hoài Ziang Duy
Tên thật Thái Sanh Lợi sinh năm 1948 tại Châu đốc
Khởi viết từ 1965 trên các báo và tạp chí ở Sàigòn.
Hiện định cư tại Hoa Kỳ
Cộng tác với các tạp chí:
Văn Học, Hợp Lưu, Đi Tới, Làng văn, Văn Tuyển,
Thư Quán Bản Thảo, Ca Dao, Trẻ (TX)

Tác phẩm:
Ông Tướng Sang Sông ( truyện Alpha xb 1999)
Lối đi dưới lá đời thà như mưa ( thơ Thân Hữu xb 2007)
Bốn Ngàn Năm Chen Lấn ( truyện Thư Ấn Quán xb 2010)