văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, May 23, 2013

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Nghiêu Minh. cuộc phiêu hốt tang bồng của kẻ lãng tử tài hoa


Tiểu sử văn học: NGHIÊU MINH

- Tên thật: Nguyễn Văn Minh
- Các bút hiệu khác: Đặng Thiên Gia Hộ,
  Lê Cần Sơn, Mạnh Thần
- Sinh 1944
- Quê quán: 18 Thôn Vườn Trầu, Gia Định
- Hiện cư ngụ: Maryland, Hoa Kỳ



Tác phẩm đã xuất bản:
- Khóc Trên Đường Đi, Hát Trên Đường Về (tập nhạc 1984)
- Trăng Mật (thơ 1992)
- Chợ Trăng (tập nhạc 2000)
- Dấu Xưa (thơ 2002)
- Mẹ Thường Hằng (thơ song ngữ, 2005)
- Thiền Trong Cõi Tục (thơ 2013)
CD & Video
- Mẹ Thường Hằng (thơ & nhạc, video)
- Em, Người Tình Nhân Tôi (thơ nhạc)
- Bởi Có Em Tôi Ở Lại Đây (nhạc)
- Mẹ, Em Và Nguồn Dấu Yêu (nhạc)
- Em, Người Tình Nhân Tôi (nhạc)
- Khúc Tình Ca Xanh (nhạc)
- Sao Em Biết Mùa Thu Không Trở Lại (nhạc)
- Ngõ Yêu (nhạc)

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Nghiêu Minh. cuộc phiêu hốt tang bồng
của kẻ lãng tử tài hoa

Ngoảnh lại chút quá khứ, thời gian trôi nồi lãng du của tuổi trẻ, những khinh khoái tang bồng trong từng bước lăng ba vi bộ trên khu vườn đa sấc nghệ thuật, thật tình tôi cũng không thể giải thích được vài sự thân quen tri kỷ của bằng hữu văn nghệ thời xa xưa…Cái hay của bạn bè văn nghệ miền Nam, nhiều lúc ngẫm nghĩ như những cuộc tương phùng của bức tranh vân cẩu, hợp lại một cách tình cờ phù ảo, rồi tan đi như những áng mây tụ tán vô thường. Nhưng khác với thế thường nặng nề nghiệp chướng, người dấn thân vào định kiếp văn chương lại trồng đầy trong thế giới hóa sinh riêng mình, những búp sen đầy rẫy ân tình và tài hoa, bất chợt nhặt được vô tình trên bước đường chợt bước qua. Cảm ngộ tài năng của nhau, thường không cần quen mặt bắt tay, nhưng những câu thơ, âm ba lời nhạc, những nét phiêu lưu thần khí trên những họa phẩm hay tác phẩm điêu khắc…đã làm chấn động tâm thức giao cảm, rồi mặc nhiên như mối thân quen tiền kiếp vọng về.
Gần nửa thế kỷ trước, hầu hết bóng dáng phiêu bồng của bằng hữu ngất ngưởng trên không gian văn nghệ thời bấy giờ, đều căng đầy sức sống của lứa tuổi đôi mươi. Khoảng tuổi thanh xuân tràn ngập hỏa khí, dương tính trong cuộc đời cũng như sáng tác. Mỗi văn nghệ sĩ bộc phát tài hoa như những biến hóa đa dạng trong khung trời sáng hóa, mỗi một tiểu vũ trụ đầy ấp thanh khí tiêu dao. Nhìn quanh, phong thái văn nghệ miền Nam nở rộ trăm hoa hương sắc, mỗi tay bút như đã vạch riêng cho mình và cho văn nghệ một tiểu vũ trụ sáng hóa kỳ diệu. Đến nay, không khí lãng bạt xa xưa đã định hình không thể chối cải dược, về một lớp người sáng tạo dòng văn chương Việt, đáng hảnh diện cùng văn chương nước ngoài. Lớp văn nghệ sĩ đó, giờ trải cuộc đời lưu lạc hiện diện khắp cùng thế giới, trải rộng tinh hoa sáng tạo rực rỡ khắp hành tinh nầy…Lớp tuổi Cung Tích Biền, Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, Phan Bá Thùy Dương, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Phạm Nhã Dự, Nguyễn Cát Đông, Trần Yên Thảo, Nguyễn Tôn Nhan, Lâm Hảo Dũng, Hoài Ziang Duy, Nghiêu Minh…thật sự đóng góp rất nhiều trí tuệ và hóa thân cùng cực trong văn nghệ bên cạnh cuộc sống đầy cuồng rối hôm nay.
Thập niên 60-70 thế kỷ qua, nhìn lại như bèo trôi gió dạt vẫn loáng thoáng trong trí nhớ nhiều hình ảnh kỳ diệu của bạn bè văn nghệ. Ngoài những thâm tình đã có với bao la bằng hữu, tôi đến với Nghiêu Minh cũng bằng một sự tình cờ như định nghiệp sắp đặt. Trưa một ngày cuối đông năm 1973, nhà thơ Trăng Thệ Hải (Vũ Đình Trường) phiêu hốt qua tệ xá, trên tay khệ nệ một cặp táp căng phòng, chắc có lẽ đầy rẫy tài liệu, giấy tờ gì đây. Trăng Thệ Hải thưởng ngao du đây đó, thình thoảng tạt qua thư trang loáng thoáng vài thời khắc thăm viếng nhau rồi lại tách bước biền biệt như cơn gió chợt thoảng. Trà nước đãi bạn để kéo dài câu chuyện tham thảo cùng nhau như Trăng Thệ Hải đề nghị, tôi ngờ ngợ chuyện văn chương, nên sẵn sàng trong thư giản. Trăng Thệ Hải với tên cúng cơm thường gọi giữa anh em văn nghệ đồng song với nhau là Thành nhà báo, vì tài bay nhảy kinh doanh, tổ chức xuất bản tạp san văn nghệ quảng cáo, hoặc những đêm thơ trình diễn tại nhiều tụ điểm như Hầm Gió, Phấn Thông Vàng .v.v.Khệ nệ xấp xếp lên bàn giấy, một bên là bản thảo bài vở bạn bè văn nghệ thời vàng son, một bên là một xấp biên lai quảng cáo của các nhà tài trợ, Trăng Thệ Hải vào chuyện đang làm tờ báo xuân với tham gia nhiều tên tuổi như Phạm Nhã Dự, Hà Thúc Sinh, Lâm Chương, Nguyễn Lê La Sơn, Thụy Miên, Yên Bằng, Nghiêu Minh….Ngoài việc mời tôi cộng tác, Trăng Thệ Hài chuyển đọc các tác phẩm anh em có mặt trong tờ báo. Phần đông, ngoài bao dàn các tin thời sự, sớ táo quân, chuyện văn nghệ, ca sĩ thời thượng của tay bút Trăng Thệ Hải, tác phẩm bằng hữu góp mặt là những bài thơ tâm đắc, sở trường của các văn gia thi sĩ. Chính vậy, cầm bản thảo tò mò đọc, cái chú ý trước tiên trước mênh mông thơ phú, câu đối, tranh biếm họa…là một kịch truyện Mùa Xuân Hoa Giấy và một đoạn nhạc đệm cho bài kịch nói cùng tên Mùa Xuân Hoa Giấy, được giới thiệu rút từ bài Tóc Mây, trong tập Mười Thể Phách Cho Tình Yêu, của tác giả Nghiêu Minh. Thời mà những kịch thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng là những bóng mát cho cuộc trình diễn thơ nhạc sân khấu. Hay những vở kịch nói bác học kinh điển của Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng ít nhiều ghi lại trong tâm thức người đồng điệu. Dù vậy, cũng còn rất ít người tâm huyết thưởng ngoạn hình thể kịch sân khấu như vậy. Có lẽ, tôi cũng là một kẻ thưởng ngoạn lạc loài trên bước đưởng soi ngắm những khuynh hướng truyện kịch, nên tò mò nêu những điều chưa biết về nhà văn nhạc sĩ Nghiêu Minh. Trăng Thệ Hải chỉ cười nói, Nghiêu Minh là bạn thân mười tám thôn vườn trầu của Phạm Nhã Dự, hôm nào phiêu bạt về Bà Điểm chắc chắn sẽ tương ngộ, lo gì.
Nói thì dễ như trở bàn tay, nhưng năm nầy tháng nọ trải dài trên cuộc biến đổi tang thương của đất nước, sự tao ngộ lại là sự thách đố không có đoạn kết, vì chân trời góc biển vẫn là rào cản hữu vi, tâm thức chưa vượt qua được. Đoạn đường tri ngộ vẫn lạc loài trong vô thức, đến ngày Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn định cư tại Mỹ, tin bỗng bay về , anh em hội tụ nhắc nhở tên nhau qua đường giây nói liên lục địa. Phạm Nhã Dự phấn khởi thông báo, “anh em đông đủ cả trên bàn rượu tương phùng, ông nói với từng anh em nhé. Nghiêu Minh, Lâm Chương, Nguyễn Lê La Sơn, Hà Thúc Sinh, Trần Kiêu Bạt, Phạm Nhã Dự”….Đêm hôm tương ngộ , bên nầy trời đại dương tôi đang ngồi đối ẩm với Dương Trữ La, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Phan Thịnh…. dưới bóng cây lão mai trước sân Thư trang Quang Hạnh. Anh em văn nghệ hai đầu nỗi nhớ tràn đầy , đối thoại như pháo xuân nở rộ. Buổi kỳ ngộ bỗng nhiên lại là bước nối kết chặc chẽ , trong đó khoảng thời gian dài tận giờ Nghiêu Minh thường xuyên gởi những tác phẩm tâm huyết về tặng bằng hữu. Từng đĩa CD , từng ấn phẩm Thơ nhạc, là những hạnh ngộ đầy tương giao và phiêu lãng của những kẻ làm văn nghệ , với tâm thông , hiền triết, trao nhau như trao gươm báu và ấn tín.
Nghiêu Minh bước nhẹ hững như cơn gió lướt phù ảo trên dặm trường. Chính vậy, sáng tác của Nghiêu Minh vẫn tràn đầy cái chân, trong sáng, hành đạo như một tăng lữ trải rộng vô ưu chiếc bóng phù ảo trên suốt đoạn đường nhập thể với thi ca, với âm nhạc, với hội họa…Bên cạnh nghệ sĩ, hình như cũng có nhiều ành tượng thần vĩ của bạn bè luôn luôn sát cánh với Nghiêu Minh trên lộ trình hóa thân nghệ thuật…Những bằng hữu thơ văn, hội họa, âm nhạc, điêu khắc… như Hoài Ziang Duy, Phạm Nhã Dự, Kinh Dương Vương, Trương Thành Vân, Hà Thúc Sinh, là những tinh quang lấp lánh bên nếp sống chân tình đầy tính đạo pháp và nghệ sĩ.
Đến nay, Nghiêu Minh đang phiêu bồng trong vài mươi tác phẩm khai hóa trong một chân tâm hạnh ngộ với tình mẹ, quê hương, tình yêu và chánh pháp…Sự chân thật, giản dị trong tác phẩm bao giờ cũng là nét chánh, được phát khởi từ một sự chân thật. Tác phẩm phát khởi trong yếu chỉ trực diện với tâm thức, nên sự trong sáng là nét rực rỡ trong từng câu thơ, từng giai điệu âm nhạc. Hôm ngồi nghe lại từng CD nhạc, đọc lại những thi phẩm của Nghiêu Minh, tôi chợt thấy rõ nét hơn tài hoa hồn hậu của bạn hiền. Lúc nào cũng vậy, Nghiêu Minh luôn khoác trên hình thể chiếc áo đầy đặn chân thành, thơ nhạc thể hiện rõ rệt chân hướng mà hiền giả hướng tới suốt cuộc đời. Những chân chất phát tiết một cách tự nhiên, không ràng buộc ngã chấp, dù anh đang nghiêng ngã trước những xúc cảm từng phen lưu trú trong hồn. Thi phẩm Mẹ Thường Hằng, khiến tôi trào dâng nhiều cơn uất nghẹn, như những sự liên tưởng kỳ diệu mà suốt một đời người, cái đạo vẫn như vầng trăng không bao giờ khuyết, kinh thiên động địa vẫn âm thầm chiếu sáng rực rỡ giữa vũ trụ ta bà. Lâm Hảo Dũng trong bài thơ Còn Không Ngày Về, đã làm tôi nghẹn ngào những lần đọc lại :

Mẹ có mắt sầu cao chất ngất

Nên hồn con lạnh lẽo đến bao giờ

Nhà chắc dột bởi từ khi vắng mặt

Những thằng con đủ cánh để bay xa



Và dòng sông thương những hàng rơm mục

Những hàng cau buồn chết được lòng con

Thuở mẹ già biết cau còn kết trái

Biết con còn thấy mẹ lúc hoàng hôn



Như lũ sáo vu vơ ngoài dậu cũ

Mắt đăm chiêu ngày nắng mới chang chang

Mẹ vẫn cứ mồ hôi trên áo vá

Đắp vồng khoai liếp cải nghĩ mênh mang



Bom đạn chắc không còn ru mẹ ngủ

Và đàn em dăm đứa nhởn nhơ cười

Mắt có xa cho một lần thương nhớ

Hình bóng con vời vợi cuối chân trời.

( Còn Không Ngày Về/ Lâm Hảo Dũng )

Thi phẩm Mẹ Thường Hằng cùa nhà thơ nhạc sĩ Nghiêu Minh là một thi tập trang trọng gói ghém 10 bài thơ dâng trọn vẹn cho Mẹ hiền trong đạo làm người, khiến người đọc cảm thông “với tấm lòng chân chất, mộc mạc, những cảm xúc bình dị của một người con nói về Mẹ (Hoài Ziang Duy/ Nghiêu Minh, Người gieo hạt )”. Và nhà văn Trần Hoài Thư, xúc cảm qua một bài thơ, phát biều: “Anh Nghiêu Minh. Thơ về má của anh làm tôi muốn rưng nước mắt đây.Người má qua thơ anh giản dị quá, chung thủy quá, từ bi, từ lượng quá. Đâu cần phải trăm suối nghìn sông hay biển Thái Bình chảy thành ân lượng.Đâu cần phải bông hồng cài áo. Bởi những lá trầu xanh kia trải xanh thảm lòng người. Bởi mùi đất thở kia đã thở quyện vào tình người.Bởi từng chiếc nấm tràm từ quê nhà gởi sang là tình mẹ bất diệt để đứa con xa cố hương phải bồi hồi…” Thi phẩm Mẹ Thường Hằng cũng đã bật lên những tán thán vô lượng về hình ành thái sơn suối nguồn vô cùng vi diệu, trăm biển ngàn sông vẫn là sự so sánh hữu hình chật hẹp quanh tri thức con người. Nghiêu Minh phụng hiến từ thi tập thành 7 ca khúc nhạc Mẹ Thường Hằng: Mẹ Từ Bi-Mẹ Như Đóa Sen Nghèo-Mẹ Là Nguồn Ân Bao La-Mẹ Cội Nguồn-Mẹ Tôi Và Giàn Hoa Thiên Lý-Mẹ Về Chân Trời Thật Xa-Rồi Mẹ Như Cánh Hạc Bay. 7 ca khúc được kinh tụng qua tiếng hát các ca sĩ Hồng Ngọc, Nhất Sinh, Thùy Dương, Tam Ca Hải Âu, Khắc Dũng,Bích Phượng. Quỳnh Lan….Quả thật, Nghiêu Minh đi vào nghệ thuật bằng chất đạo, chất người… đầy vẻ tiêu dao phóng đạt của một sự trong xanh chân thiện mỹ. Cảm ngộ tâm thức chân như của nhà thơ, trước những giá trị bất biến uyên nguyên trời đất, người đọc có hạnh phúc mênh mang gì không khi chiêm ngưỡng hồn thơ ? :

Mùa xuân nào con sẽ về thăm má

( Như mỗi hoàng hôn chim về tổ xưa )

Mười tám năm tưởng đường dài hóa đá

Mừng má còn đây, con khóc như mưa !



Phút đầu tiên con đứng hoài trước cỗng

Để nôn nao nghe nhịp chổi bình minh

Sương còn lạnh, má gom từng lá mận

Quanh lửa hồng, má thanh thoát lung linh


Nầy sân cát, hàng cau chim ríu rít

Như thấy con, người bạn cũ năm nào

Con gọi má…rồi, lời không thành tiếng

Hai má con cùng giòng lệ tuôn trào !

………………………………………..


Con đứng trước bàn thờ Ba khấn vái

Thương má gian nan may vá tảo tần

Ba mất, má chưa tròn ba mươi bảy

Giờ nhớ lại càng thương má vô ngần

Đường có dài, đại dương có rộng

Trong âm dương con thấy ba về

Hình ảnh má là chùm mây sống

Bay quanh con vẽ một trời quê

( Xuân Nào Con Sẽ Về Thăm Má/ Nghiêu Minh )

Nghiêu Minh bước đoạn đường dài phiêu lãng, nhưng gói hành trang nghệ thuật của anh bao giờ cũng đươm đầy nét chánh khí. Chính sự chân thật trong sáng tạo, nhiều khi tác phẩm có vẻ bình dị, đi xuôi vào lòng người đọc bằng những nét chấm phá cổ phong. Từ hai thi tập vương vải nhiều tình khúc như Trăng Mật (1992), Dấu Xưa (2002)…chuyện đời nhiều khi cũng là sự ráp nối từ nhiều đoạn đường, tăng trưởng theo thiện duyên hay ác nghiệp, mà đúc kết theo nghiệp quả. Nhà thơ nhạc sĩ Nghiêu Minh dàn trải tâm thiện trong tư tưởng, lối sống, và trên hành trình văn học…phải chăng là bước phiêu du sáng hóa tạo cho riêng cho mình một khuynh hướng ước lệ trong nghệ thuật. Tôi từng biết Nghiêu Minh có nhiều phen ngã bóng phiêu hốt trong những cơn khát vọng tìm tòi cái chân trong sáng tạo. Đuổi bóng khi bình minh, theo bóng giữa ngọ, và nhặt bóng khi hoàng hôn rụng xuống, Nghiêu Minh đóng vai hành giả cất bước dong ruỗi với kinh phúc âm trên vai, chợt ẩn chợt hiện tìm phục sinh trên đoạn đường núi Sọ…

 Quang quả hành trình bất chợt trong kiếp phù sinh, mọi ảnh tượng và lời rao giảng , cũng chỉ là đoạn đường ước lệ, sự tăng trưởng trong tình yêu hóa giải chưa hết tâm khúc vô thường. Chàng nghệ sĩ lại quầy quã đáo bỉ ngạn, áo vàng bình bát tìm bờ, sự vượt thoát qua cơn mê nghệ thuật bằng những cơn thiền ngộ trong bất kỳ cõi hiện thực nào vừa bước qua. Nghiêu Minh trong Thiền Minh Sát là một hình ảnh dễ thương, gần gũi, bình dân…dù anh chỉ Thiền ngộ riêng cho mình (nguyên thủy). Phải chăng phương cách mới cho thêm một quan niệm nghệ thuật, là cách khơi dựng thiện quả, thế tục bớt đi một nghiệp chướng..
Cuộc phiêu hốt tang bồng trong khung trời nghệ thuật, của một tài hoa lãng tử nầy vẫn còn phiêu bạt hành trình trong cuộc sáng hóa nghệ thuật vô lượng vậy.

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư Trang Quang Hạnh
SàiGòn, đêm 07.03.2013