Thanh Trí |
Trong thành phố người dân, dù không cận kề mặt trận, đêm đêm cũng có thể nghe tiếng đại bác dội về, thấy ánh hoả châu soi sáng một góc trời nào đó.
Chiến tranh không những được nghe qua những bản tin chiến sự lạnh lùng, vô cảm với những con số thương vong, những cứ điểm, toạ độ mịt mù đâu đó trên những vùng đất xa xôi có thể chúng ta chưa bao giờ biết đến, chiến tranh còn nghe được qua những dòng nhạc trên đài phát thanh, trong câu lạc bộ ở quân trường hay trong quán nước ven đường. Những dòng nhạc đó quá gần gũi với những người lính trẻ xa nhà, với người vợ trẻ có chồng đi trận, những bà mẹ có con vừa ra đơn vị và với tất cả ai đang sống gần với chiến tranh. Lời nhạc gần gũi, thiết thân, dễ nhớ, dễ thuộc nằm lòng vì nó có thực như lời nói chính của người trong cuộc, mô tả cuộc sống hằng ngày, những tâm tư, tình cảm của họ, đơn giản, mộc mạc như ruộng đồng hay tâm thức của người lính trẻ. Có thể những lúc như thế, người ta đã quên đi những điều nhọc nhằn, những cái chết tàn khốc đến không báo trước.
Những dòng nhạc này không nghe ở trong phòng khiêu vũ, trong dạ tiệc, đình đám của lớp quan quyền, chức tước tuy sống nhờ chiến tranh, trên nỗi khổ đau của người khác, nhưng lại không muốn nhắc tới chiến tranh. Người ta gọi nó chung chung là nhạc thời chinh chiến, có thể là thứ nhạc bình dân... nhưng nó đến thẳng với lòng người, với đa số quần chúng đang tham gia, xa hay gần vào cuộc chiến. Đó là nhạc của một thời chinh chiến trên quê hương của Trần Thiện Thanh, Duy Khánh, Nguyễn Văn Đông, Lam Phương, Minh Kỳ, Song Ngọc, Trúc Phương, Y Vân, Đỗ Lễ, Trịnh Lâm Ngân, Lê Minh Bằng... Phải kể thêm Trầm Tử thiêng, Phạm Thế Mỹ...và quá nhiều nhạc sĩ mà tôi không nhớ hết tên. Họ đã viết nên những bài nhạc này với tất cả tấm lòng biết ơn đối với người lính đang chiến đấu cho quê hương.
Chúng ta cũng còn nhớ Phạm Duy đã viết về Phạm Phú Quốc năm 1965, Trần Thế Vinh năm 1972. Trịnh Công Sơn đã khóc Lưu Kim Cương vào Tết Mậu Thân năm 1968 khi chiến tranh đã vào thành phố, nhưng sau năm 1972, từ một mùa hè được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với bao nhiêu người đã nằm xuống, nhạc Trần Thiện Thanh mới đưa chúng ta tới những cảm xúc dữ dội với máu, lửa, nước mắt, mộ bia, quả phụ và khăn tang. Những địa danh Charlie, Delta, những cứ điểm A1, A2 hầu như xa lạ với người đời, nhưng qua nhạc Trần Thiện Thanh, rừng núi, cỏ cây hình như đã sống dậy với tên của những người lính bất tử.
Chiến tranh khốc liệt nổ ra khắp trên bốn vùng đất chiến thuật, thành phố đã thật gần với mặt trận, thì nhạc chinh chiến đã trở thành nhạc của đại chúng. Trong thời điểm ấy, tình yêu, nếu có cũng là tình yêu trong chiến tranh, thương nhớ, ly biệt và xót xa. Viết về nỗi đau của chiến tranh là viết về nỗi đau lớn lao của con người, hậu quả do sự ngông cuồng của nhân loại. Âm nhạc đã vượt qua biên giới, vượt qua lằn ranh của bên này bên kia, của cả bạn lẫn thù.
Những hình ảnh mất mát, què cụt, con côi, goá phụ... sau chiến tranh ở nơi nào và thời nào cũng có.
Chiến tranh được viết theo đơn đặt hàng của mỗi chế độ có vòng hoa chiến thắng, điệu kèn xung trận và những khải hoàn môn chỉ có thể sống những khoảng thời gian cố định. Chiến tranh được viết nên bởi những người nghệ sĩ biết đau nỗi đau của nhân loại, trong thân phận nghiệt ngã của con người bị lôi cuốn, nghiền nát trong chiến tranh sẽ còn sống mãi cho tới khi nào thế giới mỗi ngày chưa ngưng tiếng súng, khi tham vọng con người vẫn còn, dù được nguỵ trang dưới một chiếc mặt nạ nào..
Về phía chúng ta, hơn ba mươi năm qua, cuộc chiến đã tàn, phần lớn những người viết nhạc đã không còn nữa, những người lính miền nam đã bị định mệnh bức tử, bị đối xử tàn độc, nhưng những dòng nhạc này vẫn còn sống mãi với lòng người. Người lính miền Nam của chúng ta quả là không chết, chỉ có thể phai nhạt dần đi. Nhưng cứ mỗi lần ngày ba mươi tháng tư mỗi năm trở lại, hình ảnh người lính đó, với những trang sử hào hùng bỗng sống trở dậy trong lòng mỗi chúng ta.
Trong bao nhiêu năm, người lính phải chống đỡ để giữ cho miền nam khỏi rơi vào bàn tay Cộng Sản. Không hề lay chuyển bởi những hình ảnh mà người ta gọi là phản chiến “anh về bại tướng cụt chân”, “anh trở về dang dở đời em”, “anh lên lon mới giữa hai hàng nến chong”, “tôi có người yêu chết trận Pleime, chết trận Đồng Xoài...” Những người lính đã thi hành những lệnh lạc rất gần, từ cấp chỉ huy trực tiếp. Mặc cho những mưu toan, đổi chác, thương thảo trong những căn phòng kín ở Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Đốn, Bắc Kinh hay trên bàn hội nghị; mặc cho những ai buôn xương bán máu đồng đội, măc cho ai “công thành” trên “vạn cốt khô”, người lính vẫn một lòng đi tới: “khi đã dàn quân, người lính xem cái chết như trở về nhà!”
Người lính không lạc quan là có thể sống mãi giữa đạn bom trong khi bạn bè đồng đội vẫn ngày đêm ngả xuống, nhưng họ vẫn không làm gì khác hơn là chấp nhận hoàn cảnh, không hèn nhát, không sợ hãi, không trách cứ tới ai.
Đây là những người lính can đảm, thật thà và trung tín.
Ngày nay những “quốc gia nghĩa tử” đã lớn lên thành người; những thương binh què cụt còn mang nỗi hận mất mát và bị bỏ rơi; những quả phụ đã làm lại cuộc đời hay đã già nua, tàn tạ qua thời gian; xương cốt liệt sĩ trong mộ đã hoá thành đất cát, đó phải chăng là hậu quả của bất cứ một cuộc chiến tranh nào.
Buổi chiều nay nghe một khúc nhạc cũ nói về một người lính, tưởng như anh linh ai đó còn hiển hiện. Nói như nhà văn Henri Henriot : “Tôi có một niềm tin sâu sắc rằng: những người chết, sống cho đến bao giờ còn có những kẻ sống nghĩ đến họ”.