Được mời
giới thiệu thi phẩm Quán Thơ-Tháng Ngày Còn Lại của Cao Mỵ Nhân, tôi
cảm thấy vinh dự nhưng không khỏi có chút ngại ngùng không biết mình có
làm hài lòng bà chị trong thi đàn hải ngoại không?
Nhưng rồi, ngại ngùng đã biến đi, sau khi rón rén đi vào Quán Thơ để thưỡng lãm. Tôi đã nghe người ta nói đến Cụm Thơ, rồi Chùm Thơ, nhưng thú thực, cụm và chùm nghe chẳng thơ chút nào, chỉ thể hiện sự bó bột, co thắt, vơ vào, trong khi Quán Thơ lại mở rộng, có gió lộng, có khách thập phương tìm đến, ngồi lại tâm tình...
Nhưng rồi, ngại ngùng đã biến đi, sau khi rón rén đi vào Quán Thơ để thưỡng lãm. Tôi đã nghe người ta nói đến Cụm Thơ, rồi Chùm Thơ, nhưng thú thực, cụm và chùm nghe chẳng thơ chút nào, chỉ thể hiện sự bó bột, co thắt, vơ vào, trong khi Quán Thơ lại mở rộng, có gió lộng, có khách thập phương tìm đến, ngồi lại tâm tình...
Điều cần nói ngay là quán thơ của Cao Mỵ Nhân thật xinh xắn, ấm áp, thật “cozy” tạo cảm giác thoải mái cho tất cả những ai có hồn thơ và yêu thơ. Đấy quả là điều may mắn đối với nền văn học hải ngoại, có được những quán thơ để tiếp đón, giao tình kết nghĩa với khách thập phương, trong khi tại quê nhà, thơ đã chết, hàng quán đã trở thành cơ sở buôn bán của quốc doanh, ngòi bút đã bị bẻ cong để tô hồng chế độ, như Vũ Cao Quận đã thổ lộ:
Nhốt muôn kiếp vào chim lồng cá chậu
Vần thơ vô tư cũng không nơi ẩn náu
Nhăm nhăm chẻ sợi tóc làm tám làm tư
Những ngôn từ cũng lấm lem bùn đất
Cái dối lừa ngậm máu phun vào sự thật
Quyền lực cuồng phong
Quét sạch mọi lương tâm...
Quán thơ không lấm lem bùn đất, không soi mói chi li, ngậm máu phun vào sự thật, trái lại ấm áp tình người, khai mở lòng dạ cho người, trút hết con tim cho đời như thể cây tre cành trúc hư tâm vì đã rút ruột cho người. Quán thơ của Cao Mỵ Nhân làm ta liên tưởng đến quán thơ của Xuân Diệu ngày nào, trước khi Xuân Diệu bị nhiễm độc chủ nghĩa:
Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn phương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc
Đặc biệt, cụm từ Tháng Ngày Còn Lại treo lơ lửng trước cửa quán thơ làm tôi trầm ngâm suy nghĩ rồi chợt rùng mình. Tháng ngày còn lại so với tháng ngày đã mất và sắp mất có là bao! Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Duy Năng... đã ra đi. Tháng ngày còn lại của mỗi người chúng ta, trong đó có Cao Mỵ Nhân còn được bao nhiêu?
Thôi, “mau với chứ vội vàng lên với chứ ”, hãy cùng dìu nhau vào quán thơ để làm đẹp những ngày còn lại...
Đây, quán thơ rộng mở có, khi dào dạt tình tự với vần lục bát êm như ngọn tre đong đưa, ngọn lúa rì rào:
Lối xưa tóc chẻ đôi hàng
Nẻo buồn sợi nhớ sợi than vãn mình
Có khi quán thơ lại tha thướt với vần thơ mới kiêu sa gợi cảm:
Lá rơi theo gió bay đi mất
Ngõ vắng hồn thơ bỗng thấm say
Rồi quán thơ lại khoác áo thời trang với những vần thơ tự do phóng khoáng:
Lửa tắt
Trái tim vỡ đôi
Nụ cười anh rất Phật
Vòng tay ma hoang vắng lâu rồi
Hứng lên một thoáng rồi lại lắng xuống, với những vần thơ trầm buồn thanh thoát, như thể lời kinh
Thấp thoáng sợi râu ngô
Rớt thầm trên cổ tự
.. Ai vừa mới qua đò
Khiến người lo chuyện dữ..
Thế đó! Quán thơ dễ thương, ấm áp. Chắc chắn có người sẽ hỏi chủ quán là ai? Xin thưa, thật khó mà xác định chủ quán là ai. Hình như tác giả có chủ ý tạo một hình ảnh chủ quán mờ ảo để gây cảm giác mông lung. Có khi người ta bắt gặp chủ quán là chính tác giả, vẫn tự xưng là “em” là “mình”.
Tìm hoài không thấy cố nhân
Nên em mãi miết viết vần thơ ma
Hay
Nghĩ mình dan díu tình thơ
Cho nên năm tháng bên bờ quạnh hiu
Có khi chúng ta lại thấy chủ quán là người tình viễn phương, trao về em những nét nghiêng tình tứ
Vẫn người chủ quán quạnh hiu
Với giòng chữ viết hơi xiêu ngại ngần
Bởi lẽ quán quạnh hiu, chủ quán quạnh hiu, và hẳn khách cũng quạnh hiu, tạo ra cảm giác trống vắng, hư vô, nên lúc này chủ quán lại là một bóng mờ ẩn hiện liêu trai.
Bóng ai nơi quán bên đường
Có vui hay chỉ sầu vương cuối đời
Quán thơ gió lộng. Không cần biết chủ quán là ai. Chỉ biết đã vào đây là được tiếp đón ân cần. Bởi lẽ quán thơ là quán tình, nên thực đơn quán thơ rất ướt át. Nếu Anh Hồng có Bò Bảy Món, Asian Garden có cá chin món, thì quán thơ của Cao Mỵ Nhân cũng bày biện 8 món để chiêu đãi khách.
Món khai vị là tình chớm nụ. Nụ tình chúm chím, ngà ngọc.
Có phút giây nào ta gặp tình cờ
Anh chợt đến như luồng gió mát
Món thứ hai là tình nở hoa. Hoa tình nõn nà diễm tuyệt mà dễ vỡ
Mùa đã vào thu ôi diễm tuyệt
Nụ cười thấp thoáng thật mong manh
Hay
Từ khi thơ em có anh
Hồng tươi thay sắc đan thanh tuyệt vời
Món thứ ba là tình cô đơn. Tuyệt vời nhưng mong manh dễ vỡ, rốt cuộc tình đã rơi vào cô đơn xót xa
Bỗng nghe lòng xót xa vời vợi
Một mảnh tình xuông đón bóng đêm
Hình như tình chỉ đẹp khi còn dang dở, nên thi nhân thường diễn tả vẻ đẹp thoáng buồn của những mối tình cô đơn. Hãy nghe Lưu Trọng Lư:
Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh
Lạnh lẽo đêm trường trải gió sương
Món thứ tư là tình tương tư. Cô đơn xót xa, nhưng hình ảnh người tình vẫn canh cánh bên lòng, như nhưng giọt mưa giọt nhớ. Nếu chinh phụ phải đứng ở cuối giòng Tương Giang để tương tư chinh phu ở đầu nguồn “bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang” thì Cao Mỵ Nhân cũng canh cánh bên lòng nét bút xưa như thể những giọt nhớ tí tách vào lòng:
Nhớ từng nét bút quen
Vương tơ mưa lất phất
Món thứ năm là tình huyễn mộng. Thực tế phũ phàng xót xa, thì thôi đành tìm người yêu trong mộng. Ý của nhà thơ thật khó mà phân biệt mộng với thực. Hình như mộng là những phút xuất thần rất tự nhiên của thơ, như Vũ Hoàng Chương đã huyễn ảo:
Trên nẻo ấy sẽ từ muôn đáy huyệt
Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh
Theo dấu chân Vũ Hoàng Chương, Cao Mỵ Nhân cũng lẽo đẽo đi vào huyền ảo:
Đã khiến hồng sa vào huyễn tượng
Tuyệt vời ảo giác ngát hương say
Món thứ sáu là tình sướt mướt. Nhớ và mong, nhưng không gian vẫn cách ngăn. Ảo giác chỉ thoáng qua, rốt cuộc tình nhỏ thành những giọt lệ nóng
Cuối đêm lệ đã khô ròng
Xác xơ thân phận quanh tròng mắt sâu
Món thứ bảy là tình đoạn tuyệt. Mỏi mòn chờ trông nhưng thời gian lại hờ hững, người thơ như giận lẫy, bỏ đi. Đó là một hình thức chạy trốn tình yêu. Nhưng trốn được không lại là câu hỏi khó trả lời, như Chế Lan Viên đã thổ lộ:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi dưới trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo
Cao Mỵ Nhân cũng muốn cờ theo chân họ Chế:
Vội cuốn rèm thơ và tạm biệt
Những hình lưu niệm xếp qua trang
Giận lẫy, quay lưng bỏ đi, nhưng đi mà không dứt, Cao Mỵ Nhân như nổi điên, đành chất thơ mà đốt, để biến thơ thành tro bụi, để biến tình thành hư không
Bèn mồi lửa đốt thơ
Sưởi hồn ngăm nước mắt
Ôm hoài bão năm xưa
Ngó sơn hà xõa tóc
Món thứ tám, cũng là món tráng miệng, là tình vô ngôn. Tình đã lỡ, đã cháy thiêu, đâu còn gì để nói, để than thở. Thôi đành câm nín tĩnh tọa
Bởi có thể thiên đường
Chỉ toàn là khói sương
Hai ta cùng yên lặng
Nơi ấy vốn tịnh ngôn
Lặng yên. Nín thinh. Nhưng có hai người nín thinh bên nhau thì lặng yên bỗng biến thành rộn ràng. Tất cả trầm lắng, chỉ còn nghe hai con tim rung nhịp, chỉ còn nghe thiên nhiên giải nghĩa yêu đương. Thế là không nói mà nói rất nhiều. Thế là thơ đốt đi đã xông khói tình yêu tròn đầy. Trong cái không đã hiện ra cái có, viên mãn thường hằng.
Xin mời đến với quán thơ để lụy vào tình, nhưng không rơi vào vòng tình lụy, trái lại cùng nhau thưởng thức thú đau thương, nắm tay nhau len lén vào chốn vô ngôn. Nhưng vô ngôn hay vô danh, không phải là vào cõi Không hư vô, mà chính là vào cõi Có vĩnh cửu thường hằng “vô danh thiên địa chi thủy”. Đó chính là Đạo. Đó chính là Thơ viết hoa.
Cám ơn quán thơ. Cám ơn Cao Mỵ Nhân