Sáng
hôm sau, sau khi lùa vịt cho ăn xong xả, Phấn lấy xuồng
đi về trong nhà.
Phấn về tới nơi thì thấy bác Bảy má của cô ta nằm trên bộ ván trong, đắp mền trùm kín mít.
Cô đến gần khẽ giở một bên mép mền lên và hỏi:
- Bữa nay má có thấy trong mình có bớt chút nào hông má !
Bác Bảy cựa mình mở mắt ra hỏi:
- Mầy về đó hả Phấn?
- Dạ... Má có uống thêm thuốc của ông thầy Năm hông má ?
Phấn về tới nơi thì thấy bác Bảy má của cô ta nằm trên bộ ván trong, đắp mền trùm kín mít.
Cô đến gần khẽ giở một bên mép mền lên và hỏi:
- Bữa nay má có thấy trong mình có bớt chút nào hông má !
Bác Bảy cựa mình mở mắt ra hỏi:
- Mầy về đó hả Phấn?
- Dạ... Má có uống thêm thuốc của ông thầy Năm hông má ?
Bác Bảy thở dài:
- Tự hổm nay uống hà rầm đó mà chẳng thấy ăn thua gì hết... Cả đêm con mắt cứ mở trao tráo... mấy ngày rày tao có nut được miếng cơm miếng cháo nào đâu!
- Sao má hổng nói với chị Hai mua một hộp sữa con chim về uống hả má!
- Nó có mua rồi đó, nhưng tao cũng ráng uống chút chút thôi, mầy coi tự thuở giờ tao có quen uống thứ đó đâu.
- Má cũng ráng uống chớ má bỏ cơm bỏ cháo hết thì chịu sao nổi... Má à, hay con biểu thằng Tư (em của Phấn) ra ngoải coi chừng vịt đở ít bữa để con ở nhà trong này chăm lo săn sóc cho má, chớ lóng nầy chị Hai mang bầu lớn xộn rồi, để chỉ nghỉ ngơi chút đỉnh chớ!
Bác Bẩy "xì" một tiếng:
- Mầy nói cái đó mới dốt đa ! Thứ đẻ con so mà không chịu nhúc nhích cục cựa cứ ăn rồi ngủ tới chừng đẻ mới rặn đứt ruột!... Mà mầy coi ở trong này, ngày chí tối nó cũng chỉ lạo xạo ba cái cơm nước chớ có giã gạo, xay lúa gì đâu mà sợ nặng nhọc. Sẵn đây tao mới nói luôn, anh Hai của mầy cứ đội nó lên hoài cho nên nó được mới làm tới, nhỏng nha nhỏng nhảnh suốt ngày.
- Má nói vậy chứ con thấy đâu đến nỗi quá tệ. Nhà mình cũng có kẻ ăn người làm đăng đăng đê đê ra đó thì chị Hai chỉ cũng... rảnh rang đôi chút thiệt...
- Rảnh rang thì rảnh rang chớ nó cũng phải biết cái gì nó cũng không ngơ hết! Cái gì cũng phải có tao ngó, tao dòm ráo trọi, hể tao xảnh ra một chút thì nó bỏ mứa hết... Còn mầy nữa... năm nay mầy cũng lớn chồng ngồng đó mà tao coi cũng không ra tích sự gì hết... Chẳng lẽ tao sống đời để lo hoài cho tụi bây sao!
- Chớ má biểu con làm gì nữa bây giờ? Nội cái chuyện theo ba con vịt cũng đủ hụt hơi rồi... má coi những đứa cỡ như con và khá giả như nhà mình, có đứa nào ở biệt suốt tháng ngoài đồng không ? Đừng nói gì đến chuyện giăng nắng dầm mưa chi cho mắc công, má coi có đứa nào mần cái gì động đến ngón tay hông?
- Vậy nên tụi nó mới hư thúi cả lũ!... Mà tao có bắt mày phơi nắng phơi mưa hồi nào không mà mầy nói cái giọng đó hả? Mầy ham kiếm thêm tiền để riêng thì mấy ráng chịu, chớ tao có dính tới đồng bạc cắc nào không chớ?
Nghe mẹ nói như vậy, Phấn nín thinh.
Một hồi lâu sau, Phấn mới tìm cách nói lảng ra:
- Má à, má để con ở vài ba bữa trong này coi sóc cho má. Thằng Tư vô trong thế con trông nom ba con vịt cũng được chứ hổng sao má à !
- Nó mắc đi học chớ có rảnh rang gì đâu?
- Hổng có má à, mai mốt gì đây bãi trường, Tết tới rồi...
- Vậy hả?
- Dạ phải...
Bỗng bác Bảy thở dài nhìn con gái:
- Năm nay mầy cũng lớn rồi, tao cũng tính lo kiếm chỗ nào tử tế để cho mầy được yên nơi yên phận... nhưng khổ quá, hồi trong năm tới giờ tao cứ bị đau ốm rề rề hoài... Cứ nằm một chỗ hoài như vầy có đi tới đâu được mà lo cho mầy...
Nghe mẹ nói vậy, Phấn bồn chồn trong lòng, cô tính xen vô nói chuyện của mình và Tư Cầu nhưng lại sợ bị cự nự, nên đành chêm vô một câu để đợi dịp thuận tiện:
- Má đau thì má nằm nghỉ cho khỏe. Còn cái chuyện đó thì để thủng thỉnh rồi má lo sau cũng được...
- Phấn à, má biết rõ trong mình má lắm... Bịnh già này thì dẫu cho có thuốc tiên đi nữa cũng không ăn thua gì. Bởi vậy, hôm trước tao có mời bác Năm mầy qua, tao có nói đầu đuôi câu chuyện lại hết cho bác; nếu tao có bề gì thì nhờ bác lo liệu cho mầy... Ba mầy mất thì còn bác Năm mầy là người lớn trong họ trong hàng, mình nhờ bác đứng ra lo thì cũng phải...
- Má sao cứ lo bao đồng hoài, bộ ai đau rồi cũng chết hết sao!
Bác Bảy không thèm chú ý đến câu nói của con mà lại nói tiếp:
- Tao nghĩ thôi chấm đại cái đám dưới Rạch Chiếc, cái thằng Tường con anh Hương Thân ở dưới coi bộ cũng hiền lành, nhà người ta cũng khá giả và lại được cái cũng gần gũi đây nữa... Mầy được chỗ đó thì không phải cực khổ làm dâu làm con gì, mà ở dưới họ đã cho mai mối lên thúc hối liền mấy bận rồi. Bác Năm mấy bác cũng chịu đám đó lắm. Tao để kỳ này họ lên tao nhận lời phứt cho rồi.
Phấn sốt ruột nói đại:
- Má để thủng thỉnh rồi tính chớ làm gì gấp vậy... Với lại con hổng chịu cái đám dưới Rạch Chiếc đâu!
Bác Bảy ráng lồm cồm ngồi dậy dựa vào vách:
- Sao mầy hổng chịu? Bộ mầy chê hả? Mầy là bà chúa bà hoàng gì mà chê người ta hả?
Phấn cúi đầu ngập ngừng nói:
- Hổng phải con chê người ta.... nhưng con thấy hổng hợp má à !
Bác Bảy đập mạnh tay lên mặt chiếu:
- Trời thần ơi! Mầy biết người ta ra sao hay không mà mầy nói hợp hay không hợp?... Mà hợp hay không hợp có ăn nhằm gì hả? Hồi đó tao với ông già mầy lấy nhau có ai nói hợp hay hổng hợp gì đâu, sao bây giờ mầy lại rác rối như vậy chớ!
- Nhưng con hổng thương người ta được...
Bác Bẩy nhổm người tới:
- Sao mầy biết mầy hổng thương người ta được? Hổng thương rồi cưới về ăn ở với nhau rồi thương sau chớ gì!... Tụi bây bây giờ bị ba cái tiểu thuyết nó làm cho lậm quá mà !... Nói cho nghe bảnh cái lỗ miệng, chớ về ăn ở với nhau rồi ông nội ai cũng không cạy rứt ra được! Mầy đừng nói cái điệu đó tao nghe không thông đâu!
Phấn xuống giọng năn nỉ:
- Con nói thiệt mà má ! Má làm phước xét dùm con chớ con hổng ở với đám dưới Rạch Chiếc đâu má à...
- Sao lạ vậy cà! Ai cấm ai cản gì mầy hả? Mầy có thân thì mầy rang lo chớ không phải con mẹ già này sống đời mà lo cho mầy hoài nghenn mậy !
Phấn do dự rồi nói:
- Con cũng biết vậy... nhưng con thưa với má có chỗ này người ta cũng thiệt thà làm ăn và ở gần khít bên mình...
- Ý trời bây giờ để cho mầy chọn mầy lựa hả? Bộ mầy nói mầy khôn hơn tao, hơn bác Năm mầy nữa phải hông?
Rồi bác Bẩy lại nói lẫy:
- Được mầy muốn tự tung tự hoành gì đó thì mầy làm, rồi đừng ngó đến mặt con già này nữa?
Phấn vội bào chữa:
- Con đâu dám nói vậy má... Vì vậy con mới đem... bàn với má để coi má tính ra sao.
- Bàn với tao cái gì mới được chớ! Tao đã lo đã liệu hụt hơi hết sức tìm cho có chỗ ăn ở biết điều để mầy được yên thân, mà mới nói ra là mầy gạt ngang rồi... Đó công nuôi dưỡng cho mầy nên hình nên vóc rồi mầy trả ơn như vậy đó!
Thấy mẹ giận, mệt ngồi thở dốc, Phấn cũng bất nhẫn trong lòng. Cô đi róc một chén nước trà mang lại cho mẹ:
- Má uống một miếng cho khỏe trong mình má !
- Mầy đem thuốc độc cho tao uống đó chớ nước nôi gì!
Tuy nói lẫy nhu thế, bác Bảy cũng lấy chén nước uống vài hớp. Phấn đỡ lấy chén đặt xuống ván ngựa:
- Thôi má nằm nghỉ cho khỏe chớ hơi sức đâu mà ngồi hoài.
- Phải mầy muốn tao nghỉ khỏe thì mầy không bất hiếu bất mục như vậy... Mầy muốn tao nghỉ thở sớm thì có!
Phấn kéo gối đặt lại cho ngay ngắn, rồi đỡ bác Bảy nằm xuống:
- Má sao kỳ quá, con đã nói cái gì đâu mà má giận hổng biết!
- Vậy mà nó còn chối leo lẻo nữa chớ!
Phấn lấy mền đắp lại cho mẹ và nói:
- Có cái gì đâu mà con chối! Thì tại con muốn thưa thiệt với má, chớ đáng lẽ con mần thinh dấu luôn cũng được chớ phải không sao!
Bác Bảy nhổm đầu dậy:
- Cái gì nữa đó? Mầy nói thiệt là nói cái gì, còn dấu cái gì hứ con kia?
Phấn tìm cách nói quanh:
- Con nói thiệt là hồi nãy con nói với má, con hổng chịu cái đám dưới Rạch Chiếc đó mà...
- Rồi sao nữa?
Phấn ấp úng nói:
- Thì có sao đâu má !... Con nói với má để má rõ trước vậy mà... Để có cái gì má liệu má nói với người ta.
- Cho tao biết trước hả! Cái điệu này mầy là bà nội tao chớ đâu phải là con!
- Má sao cứ vậy hoài! Thì má để cho con nói hết đầu đuôi, chớ hồi nãy con mới đụng tới là má gạt phứt đi thì làm sao con nói rõ...
Bác Bảy thở hất ra rồi nói:
- Thì mầy nói đại đi để tao nghe rồi tao chết cho vừa bụng mầy!
- Thôi con hổng nói đâu!
- Mà tao biểu mày nói!
- Nói cái gì mà cứ mở miệng ra má cứ... cản hoài.
Bác Bảy thở dài, hạ thấp giọng:
- Thôi mầy làm ơn làm phước có cái gì nói phứt cho tao nghe đi rồi còn để tao nằm nghỉ một chút, chớ cứ nói cù cưa với mầy hoài thì có lúc đâm chận họng tao chết tốt!
Phấn lấy ngón tay cào cào mấy cọng lát màu xanh đỏ trên chiếc chiếu bông và khẽ lên tiếng:
- Con đã nói với má là con không chịu cái đám dưới Rạch Chiếc... má à, gần mình đây cũng có chỗ người ta thiệt thà làm ăn... mà người ta cũng quý trọng mình lắm! Phải má chịu chỗ đó thì... tiện quá.
- Hừ, lấy chồng là phải lựa cho phải nơi phải lứa chớ cái gì mà tiện với hổng tiện ở trỏng hả? Mầy có để cho tao lo cho hay không thì nói, chớ đừng làm bộ tài khôn tài khéo với tao!
- Má để con nói hết coi chớ!... Con nói tiện là vì... là vì... thiệt ra... con cũng có... quen biết với người ta.
Bác Bảy ngoái đầu lại:
- Thì đầu trên xóm dưới chỗ nào mà nhà mình hổng quen biết.. Mà mầy nói quen biết làm sao hả?
Phấn cúi gầm mặt xuống ấp úng nói:
- Con nói quen biết là tại... thiệt ra là vì con...
- Mầy làm sao hả?
- Con thương người ta...
Bác Bảy tốc mền tung ra, ngồi phắt dậy:
- Sao? Mầy nói cái gì mầy nói lợi coi?
Phấn đáp một hơi:
- Con nói con thương người ta mà người ta cũng thương con nữa... con ưng cái chỗ này đến chết, con hổng lấy con ông Hương Thân dưới Rạch Chiếc đâu!
Bác Bảy rên rỉ:
- Trời cao đất thấp gì ngó xuống đây mà coi nè ? (Rồi bác ngó về phía bàn thờ bác Bảy trai) - ông ơi, có giỏi ông có linh thiêng ông dìa coi con gái cưng của ông đây nè ?... Phấn à ba mày có nghe mầy nói như vậy ổng cũng phải đội mồ mà sống dậy nữa... Còn tao, mấy muốn giết tao sao Phấn!... Mầy làm ơn xuống bếp lấy con dao phay lên thọc cổ cho tao chết, tao còn mát thân, còn sung sướng hơn Phấn à !... Phải rồi mày lựa lúc tao đang đau ốm rề rề như vầy để mày trù ẻo cho tao chết sớm để mầy rảnh tay muốn lấy ai thì lấy cho vừa ý mấy mà !
Nghe bác Bảy nói giận nói hờn như vậy Phấn cũng đâm ra lính quýnh. Cô vừa tội nghiệp cho mẹ mà cũng vừa lo sợ cho công việc dự tính bất thành.
Nước mắt rưng rưng, Phấn nhìn mẹ van vỉ:
- Má có chửi mắng gì con thì con cũng chịu nhưng cái chuyện này của con thì nó đã... dĩ lỡ ra rồi...
Bác Bảy hỏi dồn :
- Mầy nói sao?
Phấn vặn vẹo mấy ngón tay rồi ngập ngừng nói:
- Dạ... con đã lỡ thương người ta rồi...
Bác Bảy thở dài dựa lưng vào vách, nói trống không bằng một giọng vô cùng chán nản:
- Tao biết mà, thứ con gái lớn lên thả cho nó đi lu ầm như vậy hèn chi nó hư cũng phải... Chuyện này thiệt tao có chết cũng không nhắm mắt được !
Rồi bác lại hỏi:
- Mà mầy đã lỡ thương thằng nào hả? Xung quanh đây tao thấy có thằng nào sạch nước cản đâu mà mê người ta nhạy quá vậy?
- Đã cũng gần đây má à...! Chắc má biết anh Tư con bác Hai...
- Mầy nói thằng Tư Cầu đó hả? Chèn đét ơi, cái thằng lù khù như rắn mùng Năm đó mà mầy mê nó sao? Bộ thằng ôn dịch đó có bùa mê thuốc lú gì sao mà !
Phấn sốt sắng binh vực Tư Cầu:
- Má nói vậy chớ ảnh cũng... khôn ngoan lịch thiệp, giỏi lắm chớ? Bề ngoài coi như vậy chớ anh tốt bụng lắm? Con biết rõ lắm má à !
- Hừ, vậy mà mầy còn dám mở miệng binh nó nữa?... Thì mầy biết rõ lắm! Biết rõ cho nên mới tác tệ như vậy! Tao hỏi mầy: mọi khi mầy khôn ngoan như bà nội người ta vậy, sao bây giờ mầy u mê ám chướng gì mà lại mê cái thằng mắc toi đó hả?
- Má nói vậy chớ ảnh đâu có đến nỗi tệ gì...
- Ừ phải nó không tệ ! Mầy có muốn cho con mẹ già mầy lọt tròng té nổ không; thấy nó khôn, nó giỏi... thì mầy nói phứt cho rồi!... Mà nếu nó khôn nó ngoan thì nó là một thằng điếm thúi quyến rũ mầy mà mầy cứ đâm đầu vô... Thứ đồ con gái đứng đường!
Phấn bị mẹ làm cho một hồi đâm ra tức, nhất là khi nghe má mình kêu Tư Cầu là "thằng điếm thúi":
- Má nói như vậy là má không biết xét người chút nào! Mới hồi nãy mà má kêu người ta lù khù, bây giờ má nhiếc người ta là điếm thúi... Anh Tư, thiệt ảnh... không rủ rê con gì hết, tại con thương ảnh nên ảnh mới... thương lại con chớ bộ ảnh rù quến gì con sao mà má nói oan cho người ta như vậy!
Bác Bảy cười khẩy:
- Ờ mầy nói vậy tao mới biết! Bị mầy nập nợn quá mà! Cái nầy cũng tại tao hết, tao thả lỏng mầy quá... Thứ con cái như mầy thiệt là con ranh con lộn gì đầu thai lên báo đời tao. Đẻ mầy ra để đẻ trứng gà, trứng vịt gì bán còn có lợi hơn. Tao phải dè như vầy, hồi đó tao bóp mũi mấy chết phứt đi cho rảnh! Thứ đồ oan gia tương báo gì đâu hổng biết.
Phấn làm thinh.
Thấy con không trả lời, bác Bảy càng nổi dóa thêm:
- Sao bây giờ mầy á khẩu ngồi đó. Mầy giỏi binh nó cái gì nữa thì nói đại đi! Mầy coi con mẹ già nầy đâu có trượng bằng nó! Mầy giỏi thì mầy cuốn gói theo nó luôn đi chớ bày đặt nói với tao làm gì cho mắc công.
- Đâu phải con binh ảnh má?... Con chỉ nói thiệt hết ra cho má rõ vậy thôi... Má coi con có dám dấu diếm cái gì đâu! Cái gì con cũng thưa lại với má để coi má tính sao...
- Tao hổng tính cái gì hết trọi! Phải mầy kể đến tao thì mầy không bêu xấu tao như vậy!
Phấn nhỏ nhẹ cự nự:
- Con làm gì mà má nói bêu xấu?
- Hứ, mầy không có làm gì hết! Chớ mầy tính đi theo thằng chết dầm đó không đủ xấu tông môn họ hàng sao hả?
- Má nói vậy sao được... người ta cũng là người làm ăn chớ bộ ăn trộm ăn cướp hay cùi phong què quặt gì mà má nói xấu!
Bác Bảy cười lạt:
- Đến nước này mà nó còn binh chớ!... Mầy thử coi thằng Tư Cầu đó có tới mắt cá thằng con anh Hương Thân dưới Rạch Chiếc không chớ? - Má so sánh như vậy sao được! Anh Tư ảnh nghèo thiệt, nhưng chắc má cũng nhận thấy từ trước tới giờ ảnh có tai tiếng gì trong bà con lối xóm đâu! Người ta nghèo nhưng người ta là người thiệt thà làm ăn, như vậy cũng... quý rồi... Chớ má hạ nhục ảnh như vậy thì cũng tội nghiệp.
- Hừ tội nghiệp! Tội nghiệp thì mầy rước người ta về mà thờ chớ nói với tao làm gì!
- Má cũng nói vậy hoài... Má nói má lo việc cưới hỏi cho con thì sẵn đó con nói luôn... Con lỡ thương anh Tư rồi, vậy má xét lại dùm con... Bác Bảy nói lẫy:
- Sao mầy hổng đợi mang cái bụng chè lè ra rồi hẵng nói với tao...
Rồi như nhớ sực lại điều gì, bác Bảy vội hỏi, giọng hết hoảng:
- Mà mầy chỉ mới... thương nó vậy thôi chớ?
Phấn ngơ ngác:
- Dạ, thì con đã nói với má... con thương ảnh.
- Thì tao biết rồi! Nhưng nó có... thương... gì với mấy không?
- Dạ... con thương ảnh, ảnh thương lại con... Hai đứa con thương nhau, nên con mới thưa lại với má...
Bác Bảy chắc lưỡi:
- Hai đứa bây thương nhau gì đó thì thây kệ tụi bây! Tao hỏi là tao hỏi tụi bây có lộn xộn gì chưa? Thằng mắc ôn đó làm gì mầy chưa? Mầy làm ơn mầy trả lời giùm tao coi!
- Dạ ảnh hiền khô đâu dám bắt ép gì con. Nhưng sở dĩ con nói với má là vì con quá thương ảnh, thương thiệt tình má à !
- Thôi đi bà nội! Mầy đừng có giả mù sa mưa với tao... Tụi bây đừng tưởng lọt qua mất con già này? Tao hỏi mầy một lần chót: chớ tụi bây đã có ăn ngủ gì với nhau chưa? Có hay không mầy cứ nói phứt với tao một tiếng.
Nghe mẹ hỏi gắt như vậy, Phấn cúi đầu vân vê mép chiếu và ấp úng nói:
- Thì con đã nói với má, tụi con thương nhau cũng đã khá lâu rồi...
- Ý trời, sao mầy hổng đợi vài ba năm nữa rồi mầy hẵng nói!... Cái điệu này thì hư hết rồi còn gì đâu! Vậy mà mầy còn ráng vác cái mặt về đây nói bảnh với tao nữa chớ! Thứ đồ hư thân mất nết. Tao có dạy mày đứng đường như vậy không chớ!
Phấn còn ráng chống chế:
- Phải con hư thì con đâu có dìa nói lại với má đàng hoàng như vầy!
- Coi nó nói vậy nghe sướng hông! Bộ mầy nói mầy ngủ với trai đã rồi mầy dìa học cho tao hay là mầy nết na lắm hả?... Đàng hoàng cái thằng cha mầy chớ đàng hoàng!... Sao mầy không đợi vác cái bụng như cái trống chầu rồi đìa đây cho tao hay một thể? Mầy nói như vầy cũng còn sớm lắm con à !
- Thiệt má nói sao kỳ quá... Bộ con đi theo tào kê làm đĩ làm điếm gì sao mà má kêu là hư là thúi! Con mới thương người ta... có chút đỉnh mà thiếu điều má muốn la làng lên! Nói như má hễ thương yêu nhau là hư, thì thiên hạ là đồ bỏ hết chắc? Con biết má giận má nói vậy chớ thế nào má hổng xét lại...
Bác Bảy cướp lời:
- Thôi mầy đừng có ngựa nữa ! Tao biết mầy khôn lắm mà ! Thứ đồ đội quần người ta mà hổng biết mắc cỡ...
Rồi bác lại than thở:
- Thiệt nó sanh chứng như vầy, tui còn mặt mũi nào nói chuyện với bên đàng trai ở dưới Rạch Chiếc chớ!
Nghe vậy, Phấn lại cự nự:
- Sao má hay lo bá vơ quá hổng biết! Chưa gì hết mà má kêu đằng trai đằng gái rùm beng lên... Người ta hỏi mình hổng chịu thì thôi chớ ăn thịt mình được sao mà má sợ! Bị má cứ lo cái mừng đó hoài mà má đau thêm...
- Bộ bây giờ mầy tính rủa cho tao mau chết để mầy theo trai cho gấp, hả Phấn?
Phấn nhăn nhó:
- Thôi con lạy má ! Má có muốn con nằm cúi xuống cho má đánh mấy trăm roi gì đó cho đã nư thì má nói một tiếng, thiệt con không dám cãi... Chớ má cứ nói hờn nói lẫy, nói xiên nói xéo hoài thì biết đâu mà tính nữa!
- Sướng hông! Bây giờ nó lại dạy khôn tui nữa chớ!... Mầy là má tao mới phải! Chắc hồi đó ông Trời ổng sanh lộn mà !... Ai coi nó theo trai cho đã rồi mà hễ nói động tới là nó nói lại xoi xói trên đầu trên cổ... Đây tao nói cho mầy nghe: mầy phải bỏ liền tức khắc cái thằng ôn dịch vật đó, chớ hông thôi thì hổng còn mẹ con gì nữa? Tao nói có ông bà làm chứng: mầy mà còn đeo theo cái thằng chết đói đó nữa, thì một là tao giết mấy, hai là tao cắn lưỡi tao chết để mầy muốn theo ông bà ông vãi gì mầy đó thì theo. Đó, chỉ có như vậy thôi để mầy liệu!
Phấn dịu giọng năn nỉ:
- Má nói như vậy thì ngặt cho con quá. Con đã lỡ thương người ta rồi má cũng châm chế phần nào với con chớ nếu má cứ thắng băng như vậy thì con chỉ có nước đâm đầu xuống sông chết phứt cho rồi...
Bác Bảy cười lạt:
- Bộ bây giờ mầy tính dọa tao hay sao thì mầy nói! Tao nói thiệt: cái thứ như mầy có chết nằm xấp đống đó tao cũng không màng.
Phấn còn ráng van nài:
- Má có giận con thì cũng giận một ngày hay đôi ba bữa gì thôi chớ hổng lẽ má giận hoài. Con xin má bằng lòng gả con cho anh Tư đi rồi sau này có cực khổ đói rách gì con cũng cắn răng chịu chớ không đám quấy rầy má nữa đâu.
-Phấn à, bộ mầy nói tao còn con nít hay sao mà mầy dễ gạt... tao già từng tuổi này tao đâu có ngu hơn mầy được.
- Con đâu có dám nói như vậy ! Cái gì má cũng nói hết...
Bác Bảy ngồi xích lại gần con và hạ giọng vỗ về:
- Con nên nghĩ lại cho chín Phấn à ! Con còn nhỏ dại nên con hay hấp tấp - đứa con gái nào lớn lên mà hổng vậy - chớ má đây già rồi má biết con à! Đâu phải hễ thương nhau là bắt buộc phải cưới nhau đâu!... Mà cũng hổng phải hễ cưới nhau trơn, không có tằng tịu với nhau trước là không thể sống đời với nhau được!... Thì tao với ba mấy hồi đó chỉ thấy dạng xa xa chớ có nói với nhau một lời, một tiếng nào đâu mà cũng ăn đời ở kiếp với nhau vậy. Tụi bây bây giờ bày đặt theo tân thời, theo tiểu thuyết, chớ ông già bà cả lúc trước cho đến thời của tao với ba mầy đâu có nói cái ngữ đó được!... Mà tao nghĩ: hễ cưới gả nhau rồi tới chừng đó yêu nhau mấy hồi! Tao nói đây để nữa mầy nghiệm coi có đúng không...
Bác Bảy ngừng lại để thở, rồi lại tiếp:
- Phấn à, má lo đây là lo hậu cho con, chớ má già rồi lại đau yếu biết chết nay, chết mai gì đây! Bởi vậy má muốn lựa chỗ tử tế, gia đình có bề thế một chút để sau nầy con có chỗ mà nương tựa an nhàn, khỏi phải cực khổ và mở mày mở mặt với họ hàng lối xóm người ta... Má nói ra đây chắc con cũng dư biết: nhà mình tuy không giàu có cho lấm nhưng cũng không phải túng thiếu đồng tiền chén gạo, bởi vậy má đâu còn ham muốn gì nữa mà gả ép con để té vàng té bạc thêm! Má mà chọn cái đám dưới Rạch Chiếc là vì má thấy ở dưới người ta đàng hoàng, ăn ở từ nào tới giờ có âm đức. Hai vợ chồng anh Hương Thân thương con thì phải quý dâu. Con mà dìa dưới làm dâu thì khỏe ru; trong nhà người ta kẻ ăn người ở đăng đăng đê đê, con khỏi phải làm gì động tới móng tay hết... Má nói thiệt: thiếu gì đám đem con gái gả cho thàng con anh Hương Thân nhưng ở dưới hai vợ chồng ảnh và thêm thằng con trai nữa không chịu đám nào hết. Họ chỉ ưng có nhà mình thôi. Đó con coi, mấy tháng nay họ cho mai mối lên liền liền mà má cũng mới có ừ hữ để đó chớ cũng chưa nhứt quyết gì hết. Má muốn đợi cho hết đau hết ốm rồi hãy tính, với má thấy con cũng còn nhỏ tuổi, mà cũng không xấu xa gì thì đâu có sợ ế chồng má phải hấp tấp! Đó coi, con nghĩ má tính như vậy có phải không hả Phấn?
Phấn miễn cưỡng trả lời:
- Má nói vậy thì cũng phải nếu con... chưa lỡ thương anh Tư...
Bác Bảy hơi bực mình nhưng ráng nói ngọt:
- Cái gì mà... cũng phải? Phải hết ráo trơn ráo trọi chớ hổng có nếu gì hết! Má nói con còn trẻ người non dạ, còn lóc chóc lắm chớ chưa biết nghĩ suy như người trọng tuổi... Con để má nói hết cho mà nghe... Đâu phải má muốn gả ép con để té ra lợi lộc gì đâu? Má đã nói với con: hổng biết má chết nay chết mai gì đây, như vậy má còn ham giàu sang gì nữa! Má lo là lo cho con, cho đời con sau này... Anh Hai con đã yên phận chồng vợ rồi, giờ đến phiên con, má cũng phải ráng lo cho xong rồi mới nhắm mắt buông tay được con à ?
Nghe nói đến chuyện vợ chồng của anh Hai mình, Phấn mỉm cười nói chen vô:
- Đó má nói má lo chuyện vợ chồng cho anh Hai, vậy mà má cứ chê chị Hai rậm rề hoài...
- Coi mầy nói vậy sao được! Tao kén chọn chỗ tử tế đàng hoàng cho nó, ai biểu nó hổng biết dạy vợ nó thì nó ráng chịu, chớ tao phải làm sao bây giờ? Ối thôi cũng tại anh Hai mấy nó u mê ám chướng quá nên con vợ nó mới sanh tệ vậy, chớ phải nó biết nghe lời tao thì đâu có đến đỗi!
- Má nói cái gì nghe cũng xuôi hết?
Bác Bảy sượng lại rồi nói tiếp:
- Để nữa mầy có con cái lớn lên rồi mầy sẽ biết: phận má là phận làm cha mẹ thì phải lo đầy đủ cho con cái, rồi nó tới đâu hay tới đó, chớ để buông xui hết sao nên! Về phần của con cũng vậy Phấn à !...
Với một giọng tha thiết. bác Bảy tiếp:
- Má nói thiệt với con hổng phải má khinh khi chê bai gì thằng Tư đâu! Má cũng biết nó là người thiệt thà chơn chất làm ăn từ nào tới giờ... Nhưng ở đời đâu phải có bấy nhiêu đó là đủ. Má lớn rồi, má từng trãi nhiều má biết. Hơn nữa má đẻ con má hổng biết rõ tánh của con sao: con thương thằng Tư đó thì con nằng nặc đòi cưới, chớ để tụi bây ở chung vài ngày thì cũng rã đám sớm. Mà con nên nhớ rằng chuyện vợ chồng là chuyện ăn đời ở kiếp chớ đâu phải chuyện một ngày một bữa gì mà mình hấp tấp cho được. Bây giờ còn mới, tụi bây còn ham mê nhau, nhưng đến chừng dìa ở chung nhau rồi, tụi bây hổng chỏi nhau như mặt trời mặt trăng thì đừng kể tao là con người.
Phấn chen vô:
- Má nói bộ ai cũng như vậy hết sao? Mà sau nầy có cái gì thì con cắn răng chịu hết má khỏi lo!
Bác Bảy cười lạt:
- Thì mầy chịu chớ chẳng lẽ tao đưa cái thân già nầy vô đó mà hứng lấy cho mầy!... Con nầy nó nói sao dễ nghe quá!... Bây giờ thì nói cái gì mà mầy hổng chịu, mầy chịu bừa chịu càn hết để nữa có xảy ra chuyện gì cứ nhè con mẹ già này mà kêu mà réo! Cái sách đó xưa quá mà đừng đem ra xài với tao chi cho mất công!
Phấn quả quyết đáp:
- Không, con nói thiệt mà má ! Con... thương anh Tư mà con hổng hiểu tánh nết của ảnh sao! Nhưng cái gì cũng có qua có lại... con nghĩ con chịu đựng được ảnh mặt này thì ảnh cũng chịu đựng lại con mặt khác. Con đâu phải vẹn toàn gì! Bởi vậy sau nầy nếu có chuyện gì lộn xộn thì con xin ráng chịu, chớ hổng dám đổ thừa, đổ bù gì đâu mà má lo.
Nghe con cứ nhắc câu "thương anh Tư" hoài, bác Bảy như thấy gai trước mắt:
- Hứ, mấy cứ nói cái giọng như bà nội người ta! Tao biết cái thứ mấy lì lợm lắm mà!
Nhưng rồi bác Bảy lại dịu giọng:
- Phấn à, tao nói đây hổng phải lợi ích gì cho tao hay tao can mầy để tao mừng, tao sướng gì! Hổng có đâu con à ! Con nên nhớ rằng cái chuyện vợ chồng hổng phải ăn ở với nhau một ngày một bữa gì mà mình tính sao cũng được... Con nói con thương thằng Tư thì má cũng nghe vậy đi. Nhưng đâu phải chỉ mình thằng Tư không thôi. Nó còn ông già bà già nữa. Mà chắc con cũng biết ông già nó khó dàn trời chứ chẳng phải dễ dàng gì như người ta đâu! Má sống ở đây mấy chục năm nay má hổng biết sao! Ông già của thằng Tư tánh tình hay câu mâu kỳ cục lắm! Tuy ổng không làm gì ai nhưng đầu trên xóm dưới ai ai cũng chạy mặt ổng hết. Để rồi con coi, không dễ gì ổng cho thằng Tư lấy con. Má nói với con không tin thì bữa nào con thứ xúi thằng Tư dìa nói với ổng coi !
- Dạ con cũng có biểu ảnh rồi...
- Vậy thì mầy giỏi động trời rồi! Cái điệu nầy thì mầy lo lấy một mình chớ còn bày đặt vô đây nói với tao làm gì nữa...
Thấy con làm thinh, bác Bảy lại xuống giọng vỗ về:
- Sao con khờ quá vậy Phấn? Má đã hết lời nói với con: đâu phải thương nhau là lấy nhau được. Còn ông già nó chi!... Rồi còn công việc mần ăn sau nầy nữa... Chẳng lẽ ngày tới tối, tụi bay cứ ôm lấy nhau mà sống đời hay cạp đất mà no bụng được! Má thử hỏi con: nếu tụi bây ăn ở với nhau thì vợ chồng bây lấy cái gì mà sống? Cái thằng Tư nó không có miếng đất cấm dùi, từ hồi nào tới giờ nó làm phụ cho gia đình nó vậy mà nó cũng đầu tắt mặt tối quanh năm. Bây giờ còn thêm cái miệng ăn của con vô đó nữa, thì má thử hỏi nó xoay trở bàng cách nào?... Má cũng biết con có chút đỉnh vốn liếng, nhưng bất quá cũng chỉ để xây xài trong đôi ba năm là cùng chớ buôn bán mần ăn gì khác được. Hổng lẽ tụi bây ra ở riêng rồi thiếu cái gì cũng về đây mà nẹt tao! Rồi nữa mầy sanh con đẻ cái cả bầy cả lũ, lấy gì mà nuôi tụi nó hả? Hay lại để rách rưới, trần truồng bò lê bò lết như cái đám con của anh Hai thằng Tư đó !... Cái gương sờ sờ trước mắt mầy hổng thấy sao mà còn tính đút đầu vô đó nữa hả? Tới chừng đó hổng cắn rứt nhau ra từng miếng thịt, chớ đừng nói chảnh rảnh là thương là yêu nhau! Phấn à, má có qua cái cảnh đó, má có thấy nhiều người qua cái cảnh đó rồi nên má biết rõ lắm con à... con nên nghe má, sau nầy con yên phần gia thất rồi, con sẽ thấy lời má nói đây là đúng, là má thiệt thương con, thiệt lo cho con nên má mới tính như vậy...
Phấn ngập ngừng đáp:
- Thì con cũng biết má thương, má lo cho con lắm chớ phải không đâu! Nhưng ngặt nỗi con lỡ thương anh Tư rồi...
Bác Bảy nổi nóng đập tay xuống ván ngựa:
- Lỡ thương! Lỡ thương ông bà ông vải mầy chớ lỡ thương hoài à!...
- Tao nói ngon nói ngọt, mầy hổng chịu nghe, thì bây giờ tao biểu mầy: một cũng phải bỏ, hai cũng phải bỏ cái thằng đó. Mầy còn nói "lỡ thương" nữa thì chổi chà tao quơ thấy mụ nội mầy đa nghẹ !
Thấy mẹ nổi giận, Phấn không dám nói xía vô nữa mà chỉ ngồi làm thinh. Bác Bảy phần giận, phần la hét nhiều nên cũng nín lại để nghỉ mệt. Rồi một lát, không biết nghĩ sao hay nhớ trực tới điều gì, bác vội kêu con hỏi ngang:
- Mà mầy làm gì mà nhứt quyết phải lấy cái thằng mắc toi đó chớ hả ? Hay là... Cái điệu nầy tao nghi quá! Phấn, tao hỏi mầy: bộ mầy lỡ mang bầu với nó rồi hả ?
Bác Bảy hỏi câu đó với một giọng run run và bác nhìn thẳng vào mặt con hồi hộp mong chờ câu trả lời...
Phấn muốn vọt miệng nói là "có" để cho mẹ bắt buộc phải gả gấp cho Tư Cầu hầu che lấp tiếng xấu, nhưng nhớ đến cảnh đau ốm cùng thấy dáng điệu thiểu não của mẹ, cô đâm ra bất nhẫn và không đành tâm dùng đến chước "sự đã rồi" như đã dự tính trước đây.
Còn bác Bảy thấy con làm thinh, lại càng nghi thêm:
- Sao, mầy có cái gì thì nói thiệt để tao lo liền cho mới kịp, nếu không thì tao chỉ có cái nước đội quần người ta chớ tao còn mặt mũi nào dòm ngó ai nữa? Hèn chi, hổm rày tao thấy mầy cứ nhè ba cái chùm ruột, khế chua mầy ních hoài...
Và bằng một giọng cố giữ vẻ thản nhiên, bác Bảy chậm rãi hỏi thòng một câu:
- Có phải vậy không Phấn?
Phấn vội chồm tới nắm lấy hai bàn tay gầy gộc của mẹ và hấp tấp dáp:
- Không, không có như vậy đâu má...
Và cô khóc òa lên.
Bác Bảy thở dài một hơi, vừa như trút một mối lo âu và cũng vừa như xót thương ái ngại cho tình cảnh con mình... Một hồi lâu, bác Bảy mới gỡ tay con ra và dịu dàng nói :
- Thôi nín đi, hổng có thì thôi chớ cái gì đâu mà khóc... Đó con coi, đâu phải má ác nghiệt với con cái. Nếu con lỡ dại làm tùm lum lên thì má cũng phải ngậm miệng ráng lo sao cho êm thắm mọi bề. Còn nếu như con chỉ mới có... phải lòng thằng Tư thì... chẳng có sao hết. Hổng phải má chê bai ai, nhưng người nào cũng có phận nấy. Má để con khuây khỏa một thời gian rồi thế nào con cũng nghĩ lại và con sẽ thấy lời má nói đây là đúng. Má nói cái nầy con chịu khó nghe: thằng Tư nó không lấy được con, nó đâu có chết mà còn mập cùi cụi như thường. Chớ còn con, con rủi làm bậy bạ, con sẽ khổ suốt một đời con à !
Phấn không biết nói gì thêm, chỉ ngồi cúi đầu làm thinh, thỉnh thoảng lấy vạt áo chùi nước mắt hoặc xịt mũi.
Bác Bảy lại ôn tồn nói tiếp:
- Hồi nãy, con nói con muốn ở trong nầy thì cũng được... Ờ, con nên ở luôn trong nầy thì tiện hơn, chớ nếu không có gì hết mà con cứ qua lại với thằng Tư hoài thế nào hổng có ngày thiên hạ họ xầm xì bàn tán bậy bạ... Để lát nữa má biểu thằng Năm vô trong coi sóc mọi việc thế cho con. Con có cái gì thì dặn lợi nó. Thôi, con sửa gối lại để má nằm nghỉ một chút... À, con xuống bếp nhắc chị Hai con canh chừng siêu thuốc chớ không thôi nó để cạn khô hết... Thiệt cái con hư hết cỡ, hôm trước nó sằc thuốc làm sao mà để cạn quánh, rồi tống đại nước thêm vào để cho tao uống ba cái nước giảo! Như vậy có thuốc tiên, thuốc thánh cũng không ăn thua gì chớ đừng nói đến cái thứ thuốc mình hốt ở đây...
Phấn thẫn thờ buông một tiếng "dạ" nho nhỏ rồi vói tay lấy chiếc mền đắp lên cho bác Bảy.
Xong xuôi, cô lững thững đi xuống nhà dưới, lòng buồn chán như chưa từng có như thế bao giờ...
Trời chuyển mây đen kịt và mưa lác đác đổ hột...