văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, May 31, 2013

VIÊN LINH * Văn học trẻ miền Nam qua bộ sách 4,000 trang


Sau 1954, khi báo chí truyền thông nói tới Miền Nam, hai chữ ấy không đồng nghĩa với Nam kỳ trong nhóm chữ Bắc kỳ Trung kỳ - vốn phát sinh từ khi vua Minh Mạng nhà Nguyễn đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, năm 1831, cùng lúc tách Thanh Hóa một tỉnh nói giọng Bắc nhập vào Trung kỳ, và chọn 13 tỉnh phía Bắc nước ta gọi là Bắc kỳ, thì Việt Nam tự nhiên bị chia ra làm 3 kỳ như người ta đã biết - Hai chữ Miền Nam từ sau Hiệp định Geneve có nghĩa là phần đất từ vĩ tuyến 17 trở vào trong, đối nghịch với Miền Bắc phần đất từ vĩ tuyến 17 trở ra ngoài, sự phân chia ở đây không có tính địa dư hành chánh, mà mang ý nghĩa phân chia ý thức hệ.


Hình bìa điển hình cho bộ sách đã ra được 4 tập, hơn 4000 trang: Tác Giả Tác Phẩm, 
Người Ðồng Hành Quanh Tôi của Ngô Nguyên Nghiễm. (Hình: Viên Linh)
Miền Nam Miền Bắc theo nghĩa ấy chỉ giới hạn trong vòng 20 năm, như thế, “Văn Học Trẻ Miền Nam” xin được hiểu là thế hệ thứ hai sau 1954, gồm những người hơn kém nhau năm bảy tuổi, cùng trưởng thành vào khoảng từ giữa thập niên '60 trở đi, nếu chúng ta đồng ý thế hệ văn học đầu tiên của Miền Nam cùng trưởng thành từ giữa thập niên '50 trở đi. Hai thế hệ trưởng thành cách nhau khoảng 10 năm, để phân biệt, tôi xin dùng mấy chữ thế hệ “văn học trẻ Miền Nam” để chỉ những văn nghệ sĩ bắt đầu thực sự có tiếng tăm trong vòng 10 năm chót trước 1975. Thế hệ văn học đầu của Miền Nam qui tụ quanh các báo Nhân Loại, Sáng Tạo, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Ðại, Văn Nghệ, thế hệ văn học trẻ Miền Nam qui tụ chủ yếu quanh các báo Khai Phá, Ý Thức, Sóng, v.v... Và họ cũng đương nhiên gửi bài cho các báo trước đó. Chủ đề của bài viết này nhắm vào lớp sau, hầu như đều đã có mặt trong một bộ sách đồ sộ có nhan đề Tác Giả Tác Phẩm, Người Ðồng Hành Quanh Tôi của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm. Cuốn I phát hành vào Tháng Hai, 2010, từ đó đến nay đã ra liên tiếp 4 cuốn, dầy tổng cộng trên 4000 trang.

“Tác Giả Tác Phẩm, Người Ðồng Hành Quanh Tôi,” (TgTp - NÐHQT), dầy 1020 trang, là một công trình biên tập nhận định, biên khảo, phê bình văn học viết về những cây bút đã có mặt trên văn đàn miền Nam từ khoảng giữa thập niên '60 tới nay, gồm có (theo thứ tự abc): Yên Bằng, Hà Vũ Giang Châu, Tô Nhược Châu, Trần Hữu Dũng, Lê Triều Ðiển, Lê Quang Ðông, Ðoàn Minh Hải, Hạc Thành Hoa, Trịnh Bửu Hoài, Lê Trúc Khanh, Phù Sa Lộc, Lê Thanh My, Thụy Miên, Nguyễn Quốc Nam, Minh Nguyễn, Nguyễn Tôn Nhan, Ngô Nguyên Phi, Phạm Hữu Quang, Phạm Thị Quý, Nguyễn Phước Sanh, Phạm Nguyên Thạch, Trần Yên Thảo, Tấn Thi, Nguyễn Phan Thịnh, Phạm Trích Tiên, Trần Biên Thùy, Chu Ngạn Thư, Việt Chung Tử, Lưu Vân, Nguyễn Thành Xuân, tất cả do Ngô Nguyên Nghiễm viết, riêng bài về Ngô Nguyên Nghiễm, người chủ biên, do nhà thơ Trần Tuấn Kiệt viết. Chân dung các văn thi sĩ do nhiều họa sĩ vẽ, bìa sách của họa sĩ Rừng.

Ngô Nguyên Nghiễm là một nhà thơ có tên tuổi, chủ trương tạp chí Khai Phá ở vùng đồng bằng Cửu Long, phát hành khắp nơi, đã có năm tác phẩm xuất bản trước 1975, có thể kể Dấu Chân Vó Ngược (thơ, 1964), Thơ Kinh Tự (biên luận, 1971), Thiên Thu Ca (thơ, 1972). Anh sinh năm 1944 tại Châu Ðốc, nơi có dẫy Thất Sơn huyền bí, học và tốt nghiệp Dược Khoa Sài Gòn. Anh từng cộng tác với Khởi Hành, Diễn Ðàn hồi thập niên '60, và '70. Ngay khi nhận được “TgTp - NÐHQT,” từ Sài Gòn chuyển qua, người viết bài này đã gửi cho tác giả một lá thư nhận định về cuốn sách, xin trích: “Ðịnh viết cho bạn nhiều lần, rồi tự hẹn để đọc kỹ cuốn sách đã, nay thì đã đọc xong. Tôi nói với mấy người bạn mới ghé tòa báo, như các nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy, Trần Văn Nam: ‘Ðây là cuốn nhận định biên khảo về Văn Học Việt Nam (phần về Miền Nam,) có phương pháp nhất mà tôi được đọc trong mấy chục năm qua.’ Tôi gặp lại vô số bạn trẻ thời xa xưa, những năm trước 1975, anh em tới với tôi khi vừa xấp xỉ tuổi hai mươi. Không có cuốn sách của bạn, họ vẫn đi trong cuộc lữ hành của một giai đoạn lịch sử đất nước, nhưng có cuốn sách, tất cả nhìn thấy nhau, nói về nhau, nhớ đến nhau. Chúng ta đã đóng góp công sức trong giai đoạn chữ nghĩa khai phóng ấy và trong đời sống ấy. Cuốn sách thật chi tiết, thật một lòng, ai cũng như ai. Nét chữ, hồn người, chân dung, tiểu sử, tâm sự, và sáng tác.* [*Mỗi tác giả đều có ảnh chụp in cùng chân dung do một họa sĩ vẽ, có tiểu sử, lời phát biểu, thơ hay văn, bìa các tác phẩm chính cũng dược in kèm theo (nguyên trang hay nhỏ hơn nếu có nhiều), rồi một bài phỏng vấn, sau chót là nhận định của người chủ biên Ngô Nguyên Nghiễm, mỗi người được dành riêng khoảng 30 trang sách. Tuyệt.]”

“Tôi vẫn đọc sách, báo - cả sách báo trong nước lẫn sách báo hải ngoại. Từ hồi cởi trói, mở cũi, giao thương, tôi mua các tạp chí trong nước một mặt qua đại lý ở New York, một mặt qua anh Thiên ở Quận Cam: 5 Mỹ kim một cuốn có gáy vuông như Văn Học, Nghiên Cứu Lịch Sử, Nhà Văn, Khảo Cổ Học, Hán Nôm; 3 Mỹ kim một cuốn loại xếp gấp yên ngựa như Tuần báo Văn Nghệ. Cho nên tôi biết khá rõ về sinh hoạt văn nghệ trong nước. Ở hải ngoại thì đã đành tôi có hết, anh em tặng, đôi khi cũng mua. Nói thế để bạn biết rằng tôi vẫn đọc vẫn “thấy” anh em. Như anh em vẫn đồng hành với tôi và ngược lại, chỉ anh em không thấy mà thôi; không thì làm sao tôi có thể suy tư nhìn ra sáng tối để vững chãi đi tới lúc này, Khởi Hành số 163 [tháng 5.2010] - tôi đăng một bài thơ của bạn (Ngày về quê cũ nghe tin con sáo đã sang sông, tr.30). Tôi muốn nói thêm với bạn rằng: Tác Giả Tác Phẩm, Người Ðồng Hành Quanh Tôi của bạn là một biên khảo văn học chu đáo, có lòng, có trí, có ý, có hồn, và đầy đủ lắm. Tôi cảm ơn bạn, anh em cần cảm ơn bạn: Tâm hồn một thế hệ thơ văn Việt Nam trong đó. Little Saigon, 2 giờ 10 phút sáng Thứ Ba, 25.5.2010.”

Cho tới nay, 3 năm sau, bộ sách đã in thêm được 3 cuốn nữa. Cuốn II, tác giả và tác phẩm của Hồ Chí Bửu, Trần Kiêu Bạt, Ngô Cang, Nguyễn Hải Chí (CHÓE), Liêm Châu, Ðặng Thư Cưu, Nguyễn Bạch Dương, Kim Ðan, Võ Minh Ðường, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Mộng Hoàng, Trần Tuấn Kiệt, Lê Thị Kim, Trúc Linh Lan, Nguyễn Việt Nam, Diệp Hồng Phương, Ðỗ Hồng Ngọc, Linh Phương, Triều Uyên Phượng, Thái Văn Sơn, Tô Ðình Sự, Ðặng Tấn Tới, Lưu Nhữ Thụy, Phạm Thiên Thư, Ðoàn Kế Tường, Chinh Văn, Tường Vân.

Tập III và Tập IV có Âu Thị Phục An, Ðặng Kim Côn, Vũ Hữu Ðịnh, Dương Hà, Nguyễn Tất Nhiên, Trịnh Khắc Hồng, Thượng Hồng, Lý Thừa Nghiệp, Kinh Dương Vương, Phan Nhự Thức, Triệu Từ Truyền, Phạm Nhã Dự, Trần Văn Sơn, Nguyễn Lương Vỵ, Ðoàn Minh Hải, Trịnh Bửu Hoài, Trần Yên Thảo, Nguyễn Văn Hầu, Dương Trữ La, Vũ Trọng Quang và phần bổ sung cho những tập trước.

Qua bốn tập đã xuất bản, với trên 4000 trang sách đóng trong bìa cứng, tuy rằng sự biên tập cực kỳ công phu, tuân theo phương pháp đã đề ra, song một bộ sách như thế không thể nào hoàn thiện nếu không kinh qua những bổ sung và chấn chỉnh cần thiết, nhưng rót cùng, “TgTp - NÐHQT” của Ngô Nguyên Nghiễm vẫn xứng đáng là viên gạch nền móng đặt cơ sở cho một Tập Ðại Thành sau này. Ðiều quan trọng là người đọc nhìn thấy có sự cộng tác giữa người chủ trương và các tác giả trong sách: thơ văn tài liệu in trong cuốn sách đã được cả hai bên chọn lọc. Không thiếu những sưu tập thơ văn xưa mà người chủ trương lấy thơ của các tác giả in vào sách mình mà không ghi chú xuất xứ. Một nhà văn, nhà thơ ở Tuy Hòa viết cho tôi: anh đã được một tác giả ở hải ngoại nhờ sưu tập thơ văn trong các tạp chí Nghệ Thuật, Thời Tập, Văn, (là những bộ báo trong tủ sách của anh)... nhưng chỉ thấy người chủ biên nói rằng ông ta phải đi sưu tập xa xôi ở những Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ hay Thư viện Ðại Học Cornell!

Quả thế, không thấy ghi bài thơ nào in ở sách báo nào, một sưu tập văn học nghiêm chỉnh không làm như vậy.
Nhà thơ Phạm Nhã Dự từ Boston cho biết: cuốn thứ V của bộ sách sẽ được thực hiện ở hải ngoại. Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm cũng đã cho tôi hay như thế. Chân cứng đá mòn, trí thức phải nói, chúc các bạn vượt qua mọi cản trở, đưa bộ sách tới đích, đã rất gần.