văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, May 29, 2013

HỒ TRƯỜNG AN * vào vườn văn chương của Võ Thị Điềm Đạm qua tập truyện “Thiên Thanh”



Tôi được biết nhà văn nữ Võ Thị Điềm Đạm chừng hai năm qua một vài truyện ngắn đã đăng đâu đó.  Bởi tôi đọc gấp rút và lơ đễnh nên không nắm ý tình của văn chương chị bao nhiêu.  Nhưng được tin chị chiếm giải văn chương do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do năm 2008 và tình cờ đọc một bài phỏng vấn chị do nhà báo Tô Vũ thực hiện.  Bài này đã đăng trên website Nam kỳ Lục tỉnh (www.namkyluctinh.org) nên tôi nghĩ rằng đây là nhà văn gốc Nam Kỳ nên tôi gởi vi thư chúc mừng chị.
Mối giao tình do văn chương kết hợp khởi đầu từ đó.  Cho tới tiết sơ thu trên đất Pháp thì nó đã ngót nghét vài tháng rồi.  Và chị ngỏ ý nhờ tôi viết BẠT cho tập truyện ”Thiên Thanh” của chị.  Vậy là tôi có dịp đi vào khu vườn văn chương của một nhà văn nữ gốc Phan Thiết đã từng sống ở Sài Gòn từ năm mười sáu tuổi.

Các bạn độc giả có thể lầm tưởng rằng Võ Thị Điềm Đạm là cây bút Nam Kỳ vì giọng văn của chị rất là Nam Kỳ còn hơn là giọng văn của các nhà văn gốc Nam Kỳ chính cống như Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Thị Kim Lan ở hải ngoại và xa hơn như Nguyễn thị Thụy Vũ vào thời chiến tranh Quốc Cộng, trước năm 1975.  Điều ấy có gì lạ đâu.  Tỉnh Phan Thiết ở vào vị thế cánh cổng đi vào cuộc đất Nam Kỳ Lục Tỉnh cho nên ngôn ngữ và cách phát âm dân Phan Thiết giống ngôn ngữ và cách phát âm dân Nam Kỳ 100%.  Bởi thế cho nên vào thập niên ba mươi, nữ nghệ sĩ nền ca kịch cải lương là cô Sáu Ngọc Sương ca cổ nhạc Nam Kỳ rất rựa ràng, diễn những vai lẳng hay vai thương cảm có kém gì hai nữ nghệ sĩ Ngọc Hải hay Kim Cúc trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu và có thể chen lấn vào hàng ngũ Năm Phi, Phùng Há, Bảy Nam, Thanh Tùng, Kim Thoa, Thanh Loan, Sáu Nết, Kim Cúc, Kim Lan, Ngọc Hải...
Văn phong của Võ Thị Điềm Đạm chẳng những giống y chang người Nam Kỳ mà cái phong thái trong văn lại hiện lồ lộ trạng thái tinh thần (la mentalité) người Nam Kỳ một cách đậm đà duyên dáng.  Có thể ở ngoài đời chị là một nhân vật điềm đạm, ôn nhu.  Nhưng trong văn chương, dù không suồng sã, lả lơi, bộc tệch, nhưng bút pháp chị biểu hiệu một giọng điệu nghịch ngợm, dí dỏm, rạng ngời một tâm hồn lạc quan trong đa số truyện ngắn.  Văn phong của Võ Thị Điềm Đạm không thể tượng trưng cho nét thêu tỉ mỉ trên lụa, trên nhung, cũng không gợi nên nét bút khải thư (chân phương) ở vẻ chăm chút và xương kính.  Nó cũng không gợi nét phóng bút hoành tráng trên bức đại tự.  Đây là biểu tượng nét chử thảo cực kỳ uyển nhuyển, bay bướm và lả lướt mà không mạnh bạo đến độ phóng cuồng, ngạo mạn.
Tập truyện ”Thiên Thanh” gồm có mười lăm truyện ngắn :
Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau
Lãng Đãng Thức Mây
Mùa Russ
Hai Người mẹ Nhỏ
Đời Tôi Là Thế Đó!
Cà Ty Tự Khúc
Mãi Mãi...
Nỗi Đau Này Biết Nói Đến Bao Giờ ?
Thiên Thanh
Em
Hồi Đó...
Căn Bệnh Hiểm Nghèo
Tình Xuân Cuối Đời
Trong Con Hẻm Cụt
Thiên Thanh”  không quy tụ những truyện ngắn chung một đề tài thuần nhất.  Rất nhiều đề tài được tác giả khai thác một cách chi ly tỉ mẫn nhưng vô cùng hào hứng.  Chị có kinh nghiệm sống phong phú, có sự quan sát tinh nhuệ, có tư duy sâu sắc và có sự cảm ứng bén nhạy.  Thế giới văn chương của chị nhờ vậy mà đa dạng đa sắc, tình người của chị thêm bát ngát mênh mông và ăm ắp niềm thông cảm.
Trong tập truyện ”Thiên Thanh”  có truyện mô tả nghịch cảnh với các nhân vật sống trong góc kẹt tối tăm dẫy đầy ngang trái đau lòng, giữa lòng xã hội phức tạp.  Xin hãy xem hoàn cảnh thằng bé mồ côi Rune trong truyện ngắn Đời Tôi Là Thế Đó! ”.  Ở đây, thân phận trẻ em mồ côi được các cơ quan từ thiện do đạo Gia-Tô sáng lập mà kẻ thừa sai lãnh phần chăm sóc những trẻ bất hạnh không do lòng bác ái do Chúa Ki-Tô xiển dương mà do sự trói buột lỏng lẻo của bổn phận đúng hơn.  Chúng ta còn chứng kiến qua ngòi bút phanh phui sắc của nhà văn họ Võ cảnh hai cô bé nghèo nàn săc sóc đứa em trai, một trong gia đình li dị bên Na Uy, một trong gia đình mẹ chết sớm chỉ còn cha và bà ngoại già yếu trên đất nước Việt Nam qua truyện ngắn”Hai Người mẹ Nhỏ”.  Chúng ta còn được tác giả mời dự khán hoàn cảnh những nàng chinh phụ trong cuộc chiến Đông Dương giữa Pháp và Việt Pháp và trong cuộc nội chiến Quốc Cộng qua truyện ngắn đậm đà sắc thái tùy bút ”Nỗi Đau Này Biết Nói Đến Bao Giờ ?”  Những đề tài này không phải chẳng có ai khai thác ; nhưng những chi tiết đặc thù và cực kỳ sống động làm cho chúng trội hẳn những cây bút tả chân hiện thực vốn chỉ là chân tháp ngà hóng chuyện hoặc đọc báo rồi tưởng tượng vẽ vời thành một câu chuyện hẳn hoi.
Chi tiết trong các tác phẩm càng nhiều bao nhiêu càng nâng giá trị của tác phẩm, càng nhen nhúm thêm sự sống động lẫn sống thực cho tác phẩm, càng tô thêm cái đẹp của bút trình tác giả bấy nhiêu.  Những truyện vừa kể trên đượm đà tính chất tả chân hiện thực, luôn cà truyện ngắn ”Cà Ty Tự Khúc”.  Truyện này dù tác giả nhân cách hóa con sông thành một nhân chứng lịch sử, đã từng chứng kiến hoàn cảnh và tâm tình một gia đình trong cuộc chiến chống Pháp.  Tới ngày tàn cuộc chiến, sau hiệp định Geneva, người chồng theo cánh Việt Minh Cộng Sản tập kết ra Bắc, rồi kẹt luôn ngoài ấy suốt hai mươi năm sau.  Người vợ ở miền Nam thủ tiết nuôi đứa con gái cho tới khi nó trở thành thiếu nữ lấy chồng là một sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Khi người chồng tập kết trở về thì người vợ đã quá tuổi thanh xuân, còn ông thì đã có vợ khác.  Muốn chuộc lỗi lầm của mình, ông giúp vợ con mình vượt biên.  Dòng sông Cà Ty đưa hai mẹ con ra biển, thầm chúc cho cả hai được đến bến bờ tự do.  Câu chuyện dù có khoác nếp áo hòa hoa thơ mộng nhưng nội dung và tình tiết câu chuyện vẫn là chuyện hiện thực.
Còn truyện ”Căn Bệnh Hiểm Nghèo”  Nói tới xã hội đỏ đen lậu của người Hoa Kiều trên nước Na Uy.  Người con trai thua bạc liên miên, nợ nần chồng chất.  Bà mẹ vì thương con, muốn giúp đỡ con, nhưng e ngại bố dượng của đương sự eo sèo nên toan li dị người chồng chắp nối của mình để giúp tiền bạc cho con mà không bị chồng trách móc.  Sự hy sinh cua mẹ làm người con trai hồi tâm, quyết định bỏ thói ham mê cờ bạc để làm lại cuộc đời.  Ở đây, sự hy sinh vô điều kiện của bà mẹ làm loãng nhạt tính chất hiện thực ít nhiều, nhưng nó hiển lộ lòng mẹ sáng lộng lẫy như bóng trăng rằm.

Như tôi đã nói, tập truyện ”Thiên Thanh” có nhiều đề tài đa dạng.  Nó lại còn có nhiều chất liệu phong phú, có nhiều khía cạnh xã hội phồn tạp.  Điều ấy chứng tỏ tác giả đã đi và sống nhiều nơi, thu thập nhiều kinh nghiệm sống quý báu rất cần thiết cho một cây bút tả chân hiện thực.
Trong tập truyện có vài hình bóng của người đàn bà tị nạn Việt Nam sống êm đềm hạnh phúc bên người chồng bản xứ và những đứa con mà nhận thức về quê ngoại còn mơ hồ.  Nhưng người đàn bà lấy chồng dị chủng lại không quên cái truyền thống dân tộc mình.  Đó là bà Minh, vợ ông Lars-Erik, mẹ cô nữ sinh Stella trong truyện « Mùa Russ ».  Bà thấy bọn học sinh chơi giỡn quá luông tuồng nên sợ con gái mình lơ là chuyện đèn sách nên muốn cho con giữ sự quân bình giữa hai vấn đề ăn chơi và học hành.  Bà thường khuyên răn con gái bằng câu : « Học mà không chơi uổng đời tuổi trẻ.  Chơi mà không học bàn rẻ tương lai. »
Trong truyện ”Mãi Mãi”  cô bé nữ sinh cũng có bà mẹ Việt Nam.  Bà ta dù đã an cư lạc nghiệp bên người chồng Na Uy và có đứa con gái ngoan chăm chỉ học hành, nhưng bà làm sao quên được cơn ác mộng trải dài suốt một chặng đường lịch sử trên đất nước quê hương của mình.  Bà cũng không thể quên nỗi khó khăn trong việc hội nhập vào nước Na Uy để đất nước ấy trở thành quên hương thứ hai của bà sau này.  Cho nên bà giúp con gái mình làm một bài luận văn trả rộng tâm tình cùng hoàn cảnh của mình.  Có vậy Stella mới phóng bút làm một bài luận xuất sắc nhất trong lớp.
Trừ truyện thứ nhất trong tập truyện với cái tựa : ”Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau”, hình ảnh quê hương Phan Thiết nếu không xen kẻ hoặc rỉ rả len lỏi vào cuộc sinh hoạt cùa kiều bào trên đất Na Uy. Tuy nhiên cùng với ba truyện ngắn : ”Cà Ty Ca Khúc”,  ”Tết Phan Thiết”, ”Hồi Đó” được tác giả vạch lên những nét tạo hình rất thân thương.  Đây là cái Tết ở làng Đại Nẫm quê nội lẫn quê ngoại của tác giả, một làng trù phú ở vùng phụ cận thành phố Phan Thiết.  Những nét cổ truyền, một vài phong vị trong những ngày đón xuân ở Phan Thiết phản ảnh 95% được hình bóng cái Tết ở đất nước Nam Kỳ Lục Tỉnh.  Nhưng có khác chăng là nhờ vào đất đai trù phú, nên dân Nam Kỳ Lục Tỉnh từ bậc trung lưu trở lên sắm sửa nhiều món ăn ngon hơn như canh hầm, bì gói, nem chua, dưa hấu... ?  Dân Phan Thiết đa số dư ăn dư để cũng có thể hiện được những món trân cam giai nhục như thế, nhưng có phải chăng tác giả kể qua loa vài món tiêu biểu nên bò sót vài món cổ truyền đi ?  Hoặc là có phải thuở chị còn ăn Tết ở tại quê nhà, óc quan sát của chị vì bị ám ảnh bởi chiến tranh nên không được tinh nhuệ nên chị quên đi vài món ăn hâm đi hâm lại nhiều ngày để ăn tới hôm cúng tất (người Bắc gọi là cúng hóa vàng) ?  Không đâu.  Tết Phan Thiết có những món ngon vật lạ khác mà Tết Nam Kỳ không có như rượu nếp than, cơm rượu, cốm, thịt bò ướp sả ớt cuốn từng lọn, măng kho... Cái Tết Phan Thiết trong văn chương Võ Thị Điềm Đạm chúng ta không biết có phải vào thuở thanh bình hay vào thời chiến tranh, nên độc giả không nghe được một tiếng pháo nào hoặc tiếng súng nào.
Còn truyện ngắn”Hồi Đó... ” tuy tác giả nhắc lại chuyện ăn trầu xỉa thuốc của bà nội và của mẹ mình cùng chuyện đi xem hát bội thuở ấu thơ của mình, nhưng đây không phải là truyện phong tục đơn giản mà nó trói buộc vào thời khói lửa giữa hai phe Quốc Cộng tương tranh.  Chuyện trầu cau vôi thuốc, chuyện hát bội theo dòng biến chuyển sinh diệt dần dần rút lui ra khỏi đất nước chúng ta khi thế hệ dân chúng sinh trưởng vào đầu thập niên bốn mươi lần lượt trưởng thành.  Tới thập niên bảy mươi, chúng còn tồn tại chăng thì cũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ hoặc sinh hoạt yếu ớt.  Đọc ”Hồi Đó... ”, chúng ta mới thấm thía hai mặt trái và thật của nghệ sĩ sân khấu.  Các diễn viên vốn là những kẻ tầm thường về sắc vóc, thân thế, cách sinh hoạt ở ngoài đời.  Nhưng khi họ xuất hiện trên sân khấu, nhờ ánh đèn rọi, phấn son, y trang, hia mảo, nghệ thuật ca diễn biến đổi họ thành những nhân vật xuất chúng làm người xem ngưỡng mộ say mê.  Đó là hai bản mặt của một đồng tiền, hai nhân vật của một con người.  Hoặc nói theo kinh Phật, đó là hai Tướng (hiện tượng) cùng một Tánh (bản thể).
Truyện ngắn ”Trong Con Hẻm Cụt”  không phải chỉ là truyện hiện thực suông trơn đâu, mà là bức tranh buồn thảm về cuộc đời một thiếu nữ bị người đời bỏ quên thuở cô ta còn là nữ sinh, sống nghèo nàn trong hẻm cụt.  Cô cố gắng ăn học để khi ra đời có công ăn việc làm đỡ cực nhọc khác hơn mẹ và chị của mình.  Trong lớp cô không tham gia vào sinh hoạt của bạn bè nên thét rồi chẳng ai thèm chú ý đến cô.  Khi ra trường, cô dạy học ở một tỉnh lỵ khuất lánh.  Sau khi đất nước bị Cộng quân cưỡng chiếm, cô vẫn sống thui thủi.  Nhưng sau khi cha mẹ chết, cô về căn nhà cũ mở lớp dạy học, tìm lại được ánh mắt và nụ cười thân thương của học trò.

Võ Thị Điềm Đạm đâu có quên độc giả thích ngược dòng dĩ vãng để trở về tuổi trẻ.  Có nghĩa là chị vẫn cống hiến cho họ nhiều chuyện tình.  Không phải chỉ toàn là những chuyện tình suông trơn mà đa số là chuyện tình có gắn bó vào mệnh nước nổi trôi và vào những sóng lớp phế hưng của lịch sử.
Qua truyện ngắn ”Em”, chúng ta gặp gỡ bà Thư cựu nữ sinh Sài Gòn đã từng yêu Hải, được hãnh diện và hạnh phúc khi được xưng em với chàng.  Khi đất nước đổi cờ, cả hai vĩnh viễn xa nhau.  Thư vượt biên và định cư bên Na Uy, lấy chồng bản xứ.  Trong cơn ân ái mặn nồng Harald, chồng Thư mong Thư nói những câu âu yếm yêu đương bằng tiếng Việt cho chàng nghe, nhưng Thư chỉ siết chặt chồng, hôn chồng thắm thiết hơn.  Nàng không muốn xưng ”em” với chồng và nói những câu âu yếm bằng tiếng Việt.  Sau mười năm xa Hải, sau hai mươi năm làm vợ Harald, nàng chỉ muốn dành những câu ân tình xa xưa mãi mãi cho Hải.  Điều đó, ghi một vết chàm trong lòng Harald.
Truyện ngắn ”Thiên Thanh” là một câu chuyện tình giữa anh tiền tuyến và em hậu phương.  Sau khi miền Nam Việt Nam bị thất thủ, tác giả buông lửng ở đây, không cho chàng ngã gục trong cuộc đụng độ cuối cùng.  Chị cũng không tiêp tay Việt Cộng thảy chàng vào trại tù cải tạo.  Tuy nhiên, Sương, cô em nữ sinh viên vẫn triền miên phân  vân lo lắng số phận người bại binh sẽ ra sao.
Đây là hai đề tài hấp dẫn cho đa số nhà văn nữ lẫn nữ độc giả.  Đề tài nàng cô phụ khi kết hôn vẫn còn mang theo hình bóng cố nhân.  Thảo nào mà quyển ”Dứt Tình” của Vũ Trọng Phụng hồi tiền chiến bán chạy như tôm!  Thảo nào mà quyển ”Sống Chỉ Một Lần”  của Mai Thảo hồi còn trong nước tái bản sáu lần, mỗi lần năm nghìn ấn bản!  Thảo nào mà hai bài thơ ”Hai Sắc Hoa Ty-gôn” và ”Bài Thơ Đan Áo” của T.T.Kh được hàng triệu độc giả yên thơ ngưỡng mộ!  Dân tộc nào mà chẳng có đa số độc giả hâm mộ văn chương suy tôn tình yêu?  Nhà văn Đức với E. M. Remarque trong truyện dài ”Le Temps D’Aimer et le Temps de Mourir” đã gặt hái cả sông cả biển nước mắt khán giả trên toàn cầu; đến khi điện ảnh gia Douglas Sirk chuyển thể tác phẩm thành phim đã nâng cao tên tuổi đôi tài tử John Gavin và Lisolette Pulver trong bóng tối lờ mờ nhảy ra thành minh tinh.  Nữ sĩ Hàn Tố Anh (Han Suyin) vốn cha Tàu mẹ Bỉ viết mấy cuốn sách đầu bằng chữ Anh không mấy ăn khách.  Nhưng đến khi bà tung ra quyển tiểu thuyết tự truyện ”A Many Splendored Thing”  thì hàng triệu con tim các độc giả trên thế giới phải rung động bàng hoàng.  Điện ảnh gia Henry King chuyển thể nó thành cuốc phim ”Love is a Many Splendored Thing” (”Tình Yêu Lộng Lẫy”) làm cho đôi minh tinh William Hodden và Jennifer Jones leo lên tuyệt đỉnh danh vọng.  Đã vậy tiếng hát truyền cảm của Andy Williams qua ca khúc cùng tựa với quyển tiểu thuyết và cuốn phim nhờ thế mà đi sâu vào vào cõi thưởng ngoạn của thính giả sành điệu quốc tế từ thập niên năm mươi đến giờ.
Truyện ngắn ”Lãng Đãng Thức Mây” nói lên tình yêu của một cặp vợ chồng tuổi bước vào mùa thu cuộc đời.  Minh, người chồng thường chat qua internet  với cô tình nhân Tím Tím.  Thu, người vợ không biết xài internet, nhưng nghi ngờ chồng mình thường trò chuyện bằng chat với người đàn bà khác nên nàng âm thầm khổ sở vì ghen tuông.  Tuy nhiên Minh còn yêu vợ nhà.  Màn chat chót, chàng chuyện trò mùi mẫn, âu yếu du dương với Tim Tím, nhưng chàng thổ lộ với cô ta rằng chàng vẫn yêu Thu trước sau như vậy.  Cử chỉ hồi ”chánh”  là rủ vợ đi du lịch bên Luân Đôn và xem ca kịch.  Chắc có lẽ Minh muốn tái diễn tuần trăng mật để chuộc tội với người vợ tào khang của mình chăng?  Tuy nhiên, dù cuộc du lịch kia có tái, có nạm, có gầu chăng nữa thì tô phở ”Lãng Đãng Thức Mây” vẫn là một đề tài phổ thông.  Tuy nhiên, nhờ văn phong nồng mặn thơm tho những gia vị mà nước lèo của tô phở vẫn hợp khẩu vị với mọi tầng lớp độc giả, vẫn quyết rũ đượm đà khó tả.
Đã viết về tình yêu, Võ Thị Điềm Đạm không nỡ bỏ rơi mấy ông già có cái trái tim mảnh mai nên dễ mẫn cảm trước cái vỗ nhẹ của những đợt sóng tình.  Truyện ngắn ”Tình Xuân Cuối Đời” được diễn tả bằng những lời đối thoại thuần túy; tác giả thuật không cần thuật chuyện hay miêu tả.  Đây là những lời đối thoại rặc ròng giọng điệu Nam Kỳ, tía lia một cách mặn nồng, véo von một cách duyên dáng.  Nam nhân vật  chỉ xuất hiện trong cuộc đàm đạo giữa bà vợ và cô cháu gái của ông ta; giữa cô cháu gái và người cô phụ tên Xuân Thảo mà ông chỉ gặp một lần nhưng ông đã yêu nàng bằng mối tình đơn phương.  Đó là một ông già bảy mươi tuổi mắc bịnh ung thư, người nhà đoán chừng trong vòng hai năm là ông sẽ nhắm mắt buông xuôi.  Nhưng mà không!  Sau hai năm, ông lại có vẻ khỏe mạnh hơn, ăn mặc chải chuốc hơn, lại làm thơ và cho xuất bản hai tập thơ, lấy bút hiệu là Vĩnh Thường.  Riêng thi tập có cái tựa ”Tình Xuân Cuối Đời”  ông ta có đề giòng trang tặng: ”Trao về em thương yêu cuối đời”  Qua cái tựa của thi tập, bà vợ và cô cháu tưởng là ông tặng thơ cho vợ vì bà tên Ngọc Xuân.  Nhưng khi cô cháu viếng thăm cô bạn tên Xuân Thảo thì cô bạn cho biết rằng nhà thơ Vĩnh Thường thích điện đàm với cô và chỉ xin cô chấp nhận tình yêu đơn phương của ông ta.  Những cuộc điện đạm ấy mới có thể tiếp sức sống cho ông ta.  Bởi đó mà thi tập mới có cái tựa ”Tình Xuân Cuối Đời”.  Và độc giả chúng ta chắc cũng thừa biết lời trang tặng ở trang đầu tập thơ dành cho Xuân Thảo chớ không phải cho bà vợ luống tuổi Ngọc Xuân.

Truyện ngắn ” Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau”  không hẳn thuần túy là chuyện tình yêu của chàng nhạc sĩ Johann Strauss, người đã khai sinh ra thể loại vals (luân vũ) nhịp ba, mà là mối giao cảm giữa thơ, nhạc, hội họa và vũ điệu.  Hai nhạc phẩm bất hủ của Johann Strauss được phổ thông trong trường nhạc giới Việt Nam là ”Le Beau Danube Bleu” (Phạm Duy phổ lời Việt với cái tựa ”Dòng Sông Xanh”) và ”One day, When You Were Young”.  Sự sáng chế điệu vũ vals thật giản dị: Johann Strauss dạo dọc theo sông Danube (Người Đan Mạch thì gọi Danau) gặp những cô thiếu nữa giặt áo bên bờ sông.  Các cô ấy lấy chiếc chày đập trên chiếc áo đã nhúng ướt nước, cứ hai cái đập nhẹ thì xen vào một cái đập mạnh.  Điệu luân vũ thế là được chào đời qua bài ”Le Beau Danube Bleu”.  Nhưng âm hưởng tuyệt phẩm âm nhạc ấy một khi chui vào cõi rung cảm và cõi thưởng ngoạn của Võ Thị Điềm Đạm rồi thì nó trở thành một câu chuyện truyền kỳ cực kỳ diễm lệ.  Chị cho Johann Strauss sáng tác bài ”Le Beau Danube Bleu” có cái gì không ổn cho nên trong đêm mười bốn âm lịch chàng mơ thấy thần nữ Giáng Tiên trong giấc chiêm bao cho biết rằng xưa kia Johann Strauss là vua Lê Thánh Tôn, nguyên soái của tao đàn Nhị Thập Bát Tú đã từng gặp nàng tại chùa Ngọc Liên.  Vua mời nàng về cung cấm, nàng nhận lời bước lên kiệu, buông rèm theo đoàn hành hương trở về Đế Đô.  Nhưng khi tới nơi thì nàng biến mất.  Huyền thoại đẹp ấy đã được đấng quân vương lỗi lạc về thi ca kia sáng tác bài thơ có hai câu: ”Gió thông đưa kệ tan niềm tục - Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.  Giáng Tiên còn cho nhạc sĩ biết: ”Thiếp muốn lấy khúc luân vũ gợi lên hồn nhạc trong hồn tiên đế.”  Và nàng múa một điệu nhịp nhàng, xiêm y tha thướt bay tung theo từng bước nhảy.  Hôm sau, vào đêm rằm thì có một mỹ nhân khác hiện đến trong giấc mơ của nhạc sĩ cho chàng biết tiền thân của chàng là họa sĩ Tú Uyên cư ngụ tại phường Bích Câu, còn nàng là tiên nữa Giáng Kiều đã được chàng thể dung nhan tuyệt trần của nàng trong bức tranh bất hủ của chàng.  Nàng bảo Johann Strauss: ”Cung nhạc đêm qua chưa trọn, phiến nhạc đêm qua còn nhiều vấn vương.  Nét nhạc đêm qua còn nhiều trống không.  Điệu vũ đêm nay còn chờ bước chân thiếp...”   Và Giáng Kiều nhảy theo điệu luân vũ, rót thêm nguồn cảm hứng vào hồn nhạc của Johann Strauss.  Đêm mười sáu âm lịch, tiên nga Giáng Ngân lại hiện đến, bảo: ”Vâng, thiếp là nối tiếp của vầng trăng mười bốn ngập ngừng.  Thiếp là nối tiếp của vầng trăng mười lăm hân hoan.  Giáng Ngân là kết tinh của vòm trời xanh ngát với dòng Danau ngời xanh biếc trong giây phút đất trời giao hoan.”  Nàng lại... múa để cho dòng nhạc trong cảm hứng chàng nghệ sĩ dập dìu nhún nhẩy thành điệu luân vũ bất hủ, để rồi bản ”Le Beau Danube Bleu” chào đời.  Võ Thị Điềm Đạm đã nhờ ba nàng tiên nữ giúp Johann Strauss khai sinh một điệu nhạc phổ thông hơn loại nhạc cổ điển hay bán cổ điển Tây phương, cho chào đời một ca khúc theo thể điệu luân vũ mà ngày nay chúng ta có thể thưởng thức trong thính phòng hay vũ trường.  Tác giả nhận chìm các cô thợ giặt xinh như mộng.  Và các cô cũng không biết tiếng chày đập áo giặt của mình đã lóe trong óc sáng kiến của chàng Strauss một tia sáng kỳ diệu để sáng tạo điệu luân vũ như bài hoan ca hạnh phúc vĩnh cửu”Le Beau Danube Bleu”.  Có vậy độc giả kiều bào chúng ta mới đọc được một truyện thần thoại diễm lệ dưới ngòi bút lưu loát của Võ Thị Điềm Đạm.  Nhưng riêng với nhạc sĩ Phạm Duy, trong điệp khúc bài ”Dòng Sông Xanh”, anh vẫn có hai câu: ”Những cô em tươi môi, ngồi giặt yếm yên vui - Thả ý thắm mơ hồ chờ gió về xuôi” để hoài niệm các cô thợ giặt đã gợi hứng cho chàng nghệ sĩ hào hoa thành Vienne thuở trước.  Và cũng để hoài niệm chàng nên vào năm 1938, điện ảnh gia Julien Duvivier thực hiện cuốn phim ”Toute la Ville Danse” (Tất Cả Thành Phố Khiêu Vũ) với  đôi danh tài Fernand Gravey và Luise Rainier.
Truyện ” Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau” trình bày cho độc giả chúng ta cái óc tưởng tượng phì nhiêu và nguồn rung cảm phong phú bao la của tác giả.

Phan Thiết là một thị trấn khó quên đối với người bình dân miền Nam qua thứ nước mắm ngon nhất toàn cõi Việt Nam, món mắm cá thu độc đáo không thua các món mắm tôm chà, mắm tôm chua, mắm thái đất Nam Kỳ Lục Tỉnh.  Đối với kẻ yêu nghệ thuật thì địa danh Lầu Ông Hoàng trở nên bất tử khi đi vào ca khúc ”Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh nhằm vinh danh cuộc kỳ ngộ trong đêm trăng thanh giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và người đẹp Mộng Cầm.  Lại còn tiếng hát của Nhật Trường, Thanh Thúy, Anh Khoa và Trang Mỹ Dung há không làm ngây ngất bàng hoàng thính giả trên miền Nam Việt Nam, suốt một giai đoạn lịch sử nước nhà, suốt một thế hệ trưởng thành vào hai thập niên sáu mươi, bảy mươi hay sao?  Lại còn nữ nghệ sĩ Sáu Ngọc Sương trên các sân khấu đại ban như Phụng Hảo, Việt Kịch Năm Châu, Nam Lân, thường thủ vai đào nhì; nhan sắc nồng mặn, nét lẳng lơ tuyệt xảo, tài diễn xuất trào lộng đã làm cô nổi bật không kém các nữ nghệ sĩ thủ vai chính.  Và tôi không quên Phan Thiết còn có các nhà thơ Phan Bá Thụy Dương, Lê Khắc Anh Hào gắn bó tha thiết với thi ca.  Tôi càng không quên nhà báo quân đội Anh Thuần (Phan Bá Thuần Hậu, bạn tôi) với tấm lòng bền sắc tươi son trong lập trường chống Cộng, trong niềm yêu tha thiết nghề phóng viên; anh đã từng thức những đêm dài tâm sự với tôi cùng các phóng viên quân đội tại căn cứ Lai Khê vào Mùa Hè Đỏ Lửa (1971-1972).
Giờ đây, nơi chốn cùng thôn tuyệt tái ở vùng Champagne trên đất Pháp, tôi lại được đọc văn chương của Võ Thị Điềm Đạm, một cây bút phụ nữ gốc người Phan Thiết.  Tôi tưởng chừng đây là một dân Nam kỳ chính cống với một bút pháp liếng thoắng, xôn xao, phóng túng.  Tập truyện ”Thiên Thanh” là một hợp tác các bức tranh xã hội, những khía cạnh tâm tình.  Nhưng bất cứ mọi bức tranh nào, mọi khía cạnh nào cũng được tác giả thu hình một cách chăm chút kỹ lưỡng: chọn một góc cạnh nổi bật, rọi ánh sáng sao cho những điều muốn diễn tả nổi bật lên như các chuyên viên thu hình thạo nghề trong bộ môn điện ảnh.