Có liên bộ Tài Chính Công - Thương đỡ đòn
Trên thực tế giá xăng dầu tại thị trường Singapore đã giảm nhiều gần 10 ngày trước đó, giá dầu thế giới cũng sụt liên tục, đến nay ông xăng VN mới hạ giá tí đỉnh cho... phải phép. Đó là bổn cũ soạn lại của các DN xăng dầu đầu mối từ trước tới nay. Lơ mơ trong tính giá và báo cáo lỗ - lãi, mập mờ giữa 2 nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng và chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, “rình rập” tình hình tranh tối tranh sáng của Nghị định 84 (về quản lý, kinh doanh xăng dầu), ngành này đang vận hành không theo một quy luật nào, luôn tạo cho dư luận cảm giác khó chịu, mất hết niềm tin vào cả cơ quan điều hành và các DN đầu mối xăng dầu.
Các DN xăng dầu đầu mối thừa nhận lãi khá, từ 1.000 - 1.750 đồng/lít, tùy cách tính (!),có thừa điều kiện để giảm giá bán lẻ song phải chờ cơ quan quản lý quyết bởi 2 lần điều chỉnh giá gần nhất phải cách nhau 10 ngày. Càng câu giờ càng thu vén nhiều thêm những khoản lãi, ai kêu gào mặc kệ, đã có liên bộ Tài chính - Công Thương đứng ra đỡ đòn, còn sợ “cọp” nữa à! Dại gì không lửng lơ để giá đó! Mà có giảm cũng không là bao, hôm 28-3 đã tăng 1.430 đồng/lít xăng; nay giảm 410 đồng/lít, gộp cả khoản giảm 500 đồng/lít hôm 9-4 thì vẫn còn thừa 520 đồng/lít.
Tăng giá rất nhanh hạ giá rất chậm
Vịn vào cái cơ chế “2 lần điều chỉnh giá gần nhất phải cách nhau 10 ngày,” thế là ta cứ ung dung bán giá cũ, sau 10 ngày hãy tính. Cần phải nói cho minh bạch rằng cơ chế đó do các cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra và bị những DN xăng dầu lợi dụng hay có sự “tham mưu” từ trước của những DN buôn bán xăng dầu hoặc có một sự liên minh tay đôi tay ba nào đó “bố ai biết được.”
Thí dụ như việc điều tiết giá, khi muốn tăng thì DN gửi đề nghị rất sớm; còn khi giá thế giới giảm thì có DN nào xin hạ giá bán đâu! Cơ quan quản lý cũng thiếu hẳn chế tài ngoài việc ra quyết định hành chính buộc DN làm theo. Hoặc như quỹ bình ổn, tiền đóng quỹ được trích từ mỗi lít xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Khi DN xăng dầu kêu lỗ, Nhà nước xả quỹ để san sẻ, hóa ra là đem tiền dân để cứu DN trong khi đáng lý DN phải tự cứu mình. Như vậy, chỉ có anh tiêu dùng luôn bị thiệt thòi.
Cơ chế điều hành cứu nhà giàu, siết cổ nhà nghèo
Nếu có cơ chế quản lý minh bạch thì ngành xăng dầu làm gì còn đất để diễn trò. Tình trạng ấy kéo dài đã lâu, người dân phải đặt câu hỏi: cơ chế điều hành đang phục vụ cho ai? Vì người tiêu dùng? Không phải. Vì cộng đồng DN? Càng không đúng. Nhìn thực trạng bi đát của DN trong nước thì rõ: Gần 100.000 DN phá sản trong năm 2012, tỉ lệ DN thua lỗ giai đoạn 2002-2011 rất cao, khoảng 42% (theo VCCI). Đáng chú ý, hầu hết DN Nhà nước, trong đó có xăng dầu, kinh doanh kém nhưng không phải phá sản, giải thể mà đa số các DN “chết” thuộc về khối DN tư vốn được cho là năng động nhất. Đó là hậu quả của chính sách điều hành kiểu cứu nhà giàu - buông nhà nghèo, đúng như các cụ ta ngày xưa đã nói: “bòn nơi khố rách - đãi nơi quần hồng.”
Người dân không thể “cảm động” vì cái sự xuống giá này mà còn thấy rõ trò bóp cổ tinh vi, làm cho anh dân như bịt cái giẻ vào miệng không kêu ca gì được. Phục các “bố” thật. Đúng như kiểu cướp cạn theo “phim thời sự” kề dao vào cổ bà lão cướp tài sản xảy ra như cơm bữa ở hầu hết mọi nơi. Dân cũng đang bị “cướp cạn” đấy. Họ không tử tế gì đâu, đáng lẽ phải giảm giá xăng từ cả tuần lễ trước mà mãi đến nay mới giảm chút xíu, vậy thử hỏi trong những ngày ấy các DN xăng dầu mua rẻ bán đắt đã kiếm lời được bao nhiêu? Cái túi tham không đáy kia lại được bảo vệ bởi cơ chế đang cần phải có sự sửa đổi hợp lý và sự kiểm soát nhanh nhạy gắt gao hơn, may ra người dân mới thở được.
Cưỡng chế và giải phóng mặt bằng như chiến trường
Một chuyện khác tương tự như chuyện “bòn nơi khố rách- đãi nơi quần hồng” cũng đang làm dư luận sôi nổi, hết sức gay gắt. Tuy là chuyện của một địa phương nhưng thật ra nó cũng là tình trạng chung của cả nước. Thứ chuyện cũ như trái đất, xảy ra ở hầu hết mọi nơi nhưng chưa giải quyết dứt khoát, nên những vụ khiếu kiện cứ kéo dài hết năm này qua tháng khác, bà con kéo nhau đi kiện từ làng tới xã, từ huyện tới tỉnh, từ tỉnh tới trung ương. Các vụ khiếu nại đó diễn biến phức tạp, trong đó, khiếu nại về đất đai, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ 75%. Không nói thì bạn đọc cũng có thể đoán được đó là những vụ khiếu kiện về đất đai, về cái gọi là “giải phóng mặt bằng.” Nói cho rõ hơn là việc thu mua đất của dân cho các đại gia, các doanh nghiệp “làm kinh tế” hoặc phục vụ lợi ích chung. Nhưng “thu” thế nào, “mua” kiểu gì lại là chuyện khác. Thật ra nó chỉ khác ở hình thức, còn nội dung thường giống nhau y chang: mua đất của dân giá rất rẻ so với giá thị trường. Người dân ức lắm, có người nhát gan hoặc quá cần tiền nên đành nhận, nhưng cũng có rất nhiều người không chịu nhận hoặc phải nhận tạm để bên mua phá sạch “vườn không nhà trống” lấy đất làm việc khác.
Sau đó bên mua hay trưng dụng đất, phe lờ luôn, không chịu trả thêm tiền chênh lệch, dân phản đối thì có chính sách gọi là “cưỡng chế”, nói trắng ra là dùng mọi cách, kể cả vũ lực đuổi thẳng cánh chủ cũ phải ra đi. Vì thế mới xảy ra vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn uất quá, kiên quyết chống lại. Nó như một chiến trường có đầy đủ máu, nước mắt, tài sản, tính mạng của người dân, hầu hết là dân vùng quê VN.
Nay cũng lại vừa xảy ra một vụ cưỡng chiếm đất đai, lại cũng ở Hải Phòng, lại cũng ở Tiên Lãng. Lần này hình thức hơi khác, khác song cũng cùng một kiểu dùng vũ lực cưỡng bức dân. Nếu hành động lần trước đối với vụ án ông Vươn do lực lượng nhà nước tổ chức “trận đánh đẹp như mơ, có thể viết thành sách” theo lời ông Đỗ Hữu Ca giám đốc Công An TP Hải Phòng; lần này “rút kinh nghiệm trên”, hành động bạo lực đó được thực hiện bởi một lũ gọi là “côn đồ” có cả thành phần “đầu gấu” tham gia cuộc tấn công man rợ này. Sở dĩ người ta lại nghĩ ngay đến cái sự “cứu nhà giàu buông nhà nghèo” khi chính quyền chưa có một hành động thiết thực nào bảo vệ người dân. Chỉ là những cuộc “giải tán đám đông” và “hòa giải” chẳng đi đến đâu khi người dân và chủ DN không chịu giải pháp đưa ra. Sự việc còn đang lằng nhằng, chỉ có hơn chục người dân ăn đòn đau đang nằm thở dốc. Còn đám côn đồ hiện nay vẫn bình an vô sự, chờ điều tra.
Gần 100 côn đồ đánh dân không tiếc tay
Khoảng hơn 12g ngày 21-4 vừa qua, tại khu đất của dự án xây dựng công ty giầy đã xảy ra một vụ “đàn áp” của gần trăm côn đồ với những nông dân mất đất. Hậu quả khiến 6 người dân bị đánh trọng thương.
Anh Hoàng Văn Hào, 46 tuổi, ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng - nơi có dự án kể trên, thuộc công ty CP Hoa Thành, kể lại: Khoảng 12 giờ, khi vừa đi làm đồng về, anh có việc đi qua đồng dưa (khu đất dự án) thấy có rất đông người lạ mặt đi trên hàng chục chiếc xe taxi xông vào ruộng của dân, dỡ lều, phá bỏ hoa màu. Anh Hào chạy vào thì bị một nhóm người mặc đồng phục vệ sĩ, mặt bặm trợn, xăm trổ đầy người, dang tay ngăn lại, hỏi đi đâu. Anh Hào nói muốn đi xem ruộng đất sao lại bị phá, liền bị đám người đánh đấm túi bụi. Anh Hào bỏ chạy về làng đánh kẻng báo động cho mọi người.
Bà Đoàn Thị Bé, 58 tuổi, ở thôn Trâm Khê, chỉ vào vết bầm tím to ở đùi, nói: “Tôi nghe kẻng báo động vội chạy ra thì thấy cả đoàn người mặt mũi hung tợn dàn thành 3 vòng. Vòng trong cùng vây quanh ông Hà Như Nam (giám đốc công ty cổ phần Hoa Thành). Chưa kịp định thần thì nhóm côn đồ này lao tới túm tóc, dùng cuốc xẻng tấn công mọi người. Tôi bị mấy cái cán cuốc vụt tới tấp vào đùi, bụng,… Bà con ở phía ngoài ức quá cũng hốt cát ném trả nhưng không lại vì bọn họ đông quá mà lại to khỏe, đầy sát khí.”
Chúng mày không cút khỏi khu đất này thì bọn tao đập chết
Ông Vũ Bá Phượng (thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng) kể, “Họ ném gạch vào đám đông và dùng gậy gộc vụt vào người chúng tôi. Những viên gạch này ngày thường nông dân dùng để chèn ni lông phủ dưa, nay thành vũ khí lợi hại cho bọn côn đồ. Một số người hoảng quá bỏ chạy, đám thanh niên này liền đuổi theo bắt để đánh tiếp.”
Ông Phượng bị một số vết bầm tím ở vai, chảy máu mũi, tay và chân cũng bị thương nhẹ.
Một trong những người bị thương nặng nhất là bà Lương Thị Dính (42 tuổi, ở thôn Trâm Khê). Tại trụ sở UBND xã, bà Dính cho biết, “Tôi bị một thanh niên ném nửa viên gạch vào đầu. Tôi choáng quá ngã ra đất, sờ lên đầu thì thấy máu chảy. Lúc tôi bò ra khỏi đám đông, có hai thanh niên mặc áo cộc, xăm trổ đầy tay, vác gậy đuổi theo vụt vào đùi tôi. Mấy người này còn chửi và dọa, “Chúng mày không cút khỏi khu đất này thì bọn tao đập chết.”
Khoảng 13g30, Công an huyện Tiên Lãng đã đến hiện trường giải quyết sự việc. Khi công an tới, những người này đã lên xe rút đi an toàn. Về phía dân, có khoảng mười người bị thương và được đưa đến bệnh viện huyện Tiên Lãng để cứu chữa.
Đối thoại căng thẳng chẳng đi đến đâu
Sau khi vụ việc xảy ra, người dân chia làm 2 nhóm, một ở lại căng cờ giữ đất, giữ hoa màu; một kéo nhau về UBND xã Đại Thắng. Tại đây đã diễn ra cuộc đối chất rất căng thẳng giữa giám đốc công ty cổ phần Hoa Thành và 153 gia đình dân bị lấy đất làm dự án. Tuy nhiên cuộc đối chất tan vỡ vì ồn ào, cãi cọ như cái chợ khi ông Hà Như Nam, giám đốc công ty không trả lời được bà con lý do vì sao lại thuê giang hồ về đánh dân?
Cuối giờ chiều ngày 21-4 vừa qua, ông Vũ Đức Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - nêu quan điểm: Sự việc cả trăm người lạ với thái độ du côn về đây phá hoa màu của dân, dùng vũ lực đánh nhiều người dân bị thương sẽ được điều tra làm rõ. Tuy nhiên mấu chốt của vấn đề là ở việc UBND TP Hải Phòng đã có văn bản (4/2004) yêu cầu Sở Tài Nguyên - Môi Trường (TN-MT) và UBND huyện Tiên Lãng thông báo cho Cty Hoa Thành ngừng việc xây dựng trên đất đó. Tuy nhiên đơn vị này vẫn cố tình không chấp hành chỉ đạo của TP Hải Phòng, cố tình dùng sức mạnh cá nhân để thay luật định.
Dân bị đánh, trưởng CA xã đứng quay phim
Được biết năm 2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định thu hồi hơn 88.000 m2 đất tại thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng cho Cty CP Hoa Thành thuê. Tuy nhiên những người dân có đất chưa nhận được quyết định thu đất đến từng người như quy định của luật pháp. Vì thế trong 153 gia đính, có 9 gia đình dân không nhận đền bù và không thuận bàn giao ruộng đất.
Ông Hoàng Văn Khang, người duy nhất trong 153 gia dân đến nay vẫn chưa nhận tiền đền bù đất, phân trần, “Tôi già rồi, bệnh tật sắp chết rồi. Nhưng mai chết, hết đêm này tôi cũng muốn nhìn thấy công lý cho nông dân Trâm Khê. Tôi chưa nói đến chuyện giá cả đền bù bèo bọt (hơn 7 triệu đồng/360 m2 đất nông nghiệp), chưa cần nói đến lộ trình thu hồi đất chưa hợp lý. Tôi chỉ muốn cơ quan chức năng làm rõ, tại sao bà con chúng tôi bị đánh trọng thương mà toàn là phụ nữ, người già và cả người tàn tật? Dân bị đánh, công an xã có mặt ngay lúc vụ việc đang diễn ra. Hỗn chiến hơn 30 phút nhưng lực lượng an ninh xã chỉ đứng từ xa chờ. Trưởng công an xã thay vì vào còng tay kẻ hành hung dân thì lại bình tĩnh dùng điện thoại quay phim sự việc.”
Bà Lương Thị Dích yếu ớt do vết thương ở đầu mất nhiều máu, cho biết bà bị ném gạch trúng đầu, máu chảy nhiều. Bà cùng nhiều người bị đánh đã “cầm tay” công an chỉ tận mặt những người đánh nông dân nhưng công an không làm gì.
Khiếu kiện lâu năm không được giải quyết
Ông Khang cho biết thêm là đã khiếu kiện gần chục năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết theo đúng luật khiếu nại tố cáo. Đất đã được UBND thành phố giao và sau đó lại được chính thành phố ra quyết định yêu cầu không xây dựng trên đất này vì đang có tranh chấp, nhưng doanh nghiệp vẫn cứ tiếp tục xây dựng.
Cụ thể ngày 26/3/2013, công ty cổ phần Hoa Thành đã ký hợp đồng giao nhận thầu xây dựng với Cty Quỳnh Dương. Ngày 10/4 vừa qua, Cty Quỳnh Dương lại ký hợp đồng với Cty cổ phần dịch vụ bảo vệ Toàn Cầu thuê 120 người bảo vệ an ninh cho việc xây dựng trái phép. Hợp đồng nêu rõ: Trong bất cứ tình huống nào, lực lượng bảo vệ cũng không thể để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái chiếm của nông dân trong khu đất dự án.
Vì lẽ đó mà sau ít phút gây ra đổ máu, lực lượng vệ sĩ của công ty bảo vệ trên lại trở lại khu đất “bám trụ” tại đây. Trong khi đó cách hiện trường khoảng 500 mét, tại Km 40, quốc lộ 10, đoạn dưới chân cầu Cựu, hàng chục tên lạ mặt vẫn ngồi túc trực, cạnh đó là 11 chiếc xe hơi đang trong tư thế chờ sẵn như đội quân “tổng trừ bị.”
Chủ thuê đất không liên quan đến vụ “hỗn chiến”, vậy ai đánh dân?
Trả lời việc doanh nghiệp Hoa Thành có tham gia vào vụ xô xát với người dân xã Đại Thắng vào trưa ngày 21/4 hay không, ông Hà Như Nam, giám đốc công ty Hoa Thành - chủ thuê đất - trong buổi trả lời báo chí sau vụ “hỗn chiến' quả quyết: “Công ty Hoa Thành không tham gia và cũng không liên quan trực tiếp đến vụ việc. Chúng tôi đang đề nghị phía công an làm rõ để tránh dư luận “hiểu nhầm” (!) rằng doanh nghiệp thuê đầu gấu đánh dân.”
Theo lời ông Nam, trong việc này cả doanh nghiệp và người dân xã Đại Thắng đều bị thiệt thòi do sự giải quyết quá chậm trễ của cơ quan chức năng TP Hải Phòng.
Như vậy không lẽ nhóm côn đồ đó tự ý đến phá hoa màu và đánh dân chẳng vì lý do nào cả? Hay là chủ công ty Quỳnh Dương, công ty Bảo Vệ Toàn Cầu và công ty Cổ Phần Dịch Vụ Hoa Thành phái nhân viên bảo vệ đến đánh dân chơi... cho đỡ buồn sao?
Báo chí đặt câu hỏi việc đưa người vào khu đất là đúng hay sai, ông Tùng không đưa ra câu trả lời cũng như bình luận nào, mà cho biết, “Vấn đề này UBND huyện đã báo cáo lên UBND thành phố. Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm, mọi quyết định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng.”
Hiểu lầm hay cố ý thuê xã hội đen đến truy quét dân?
Câu trả lời của ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nói vì “hiểu lầm” là hoàn toàn không đúng bản chất sự việc đã diễn ra. Bọn côn đồ đó không đến chỉ để ngồi “bảo vệ khu đất” mà thực tế là đến để đánh dân, đánh bất kỳ anh dân nào còn bám giữ khu đất đó. Cụ thể như anh Hoàng Văn Hào vừa thò mặt vào khu đất đã bị chúng đánh tới tấp. Thái độ rất hung hãn, lời đe dọa trực tiếp “chúng mày không cút, bọn tao đập chết”, không lẽ cũng là “hiểu lầm” như ông chủ tịch đã trả lời trước công luận?
Và câu hỏi khác được đặt ra là tại sao bọn cô đồ đó lại được đàng hoàng ra đi như không có chuyện gì xảy ra? Nói rằng chưa có chứng cứ là không chính xác. Hơn chục người dân bị thương, có người phải đưa đến bệnh viện cấp cứu không phải là bằng chứng phạm tội quả tang sao? Các vị luật sư nghĩ gì trước câu hỏi này? Nếu là người dân đâm chém người khác như thế có bị bắt khẩn cấp khắc không? Sao không có tên côn đồ nào bị bắt vậy?
Hãy nhìn sang vụ đánh ghen ở Bình Dương, hai mẹ con bà Tuyết, sau khi clip quay cảnh mẹ con bà Tuyết đánh đập, lột quần áo chị Huỳnh giữa đường được tung lên mạng, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp bà này. Những hành động dã man như thế phải xử đúng pháp luật.
Chuyện ghen tuông nhỏ như con thỏ nên tôi không tường thuật chi tiết ở bài này. Nhân đây chỉ xin kể sơ lược qua vụ này cũng đang làm dư luận râm ran đàm tiếu.
Sư tử Hà Đông lột bà hàng xóm lõa thể giữa đường
Thời gian gần đây, bà Tuyết cho rằng người phụ nữ độc thân là hàng xóm đang “tòm tem” với chồng mình nên thường xuyên gây sự. Sáng 16/4, trên đường chạy xe đi làm, bà Huỳnh bất ngờ bị mẹ con Tuyết chặn đường chửi bới là “đồ giật chồng người.” Sau khi lời qua tiếng lại, mẹ con bà Tuyết lao vào đánh. Bà Tuyết ra lệnh cho con trai: “Lột quần áo nó cho mang nhục.”
Trong khi cậu con nắm tóc, đấm vào mặt và ghì chặt đầu chị Huỳnh xuống đất thì bà Tuyết xé toạc áo nạn nhân. Chống trả yếu ớt, chị Huỳnh bảo sẽ báo công an liền bị nam thanh niên đạp liên tục vào mặt. Cả hai mẹ con bà Tuyết lôi xềnh xệch chị Huỳnh dưới đất cho đến khi lột phăng chiếc quần jeans chị mặc trên người. Sau đó, mẹ con Tuyết thay nhau chụp ảnh lõa thể của nạn nhân với ý định “sẽ mang đến công ty nó cho nó mang nhục.”
Sau khi được buông tha, chị Huỳnh vơ mớ quần áo rách bươm để che thân thể chạy về nhà và chỉ còn biết khóc. Khi lấy lại bình tĩnh, nạn nhân đã tìm đến công an trình báo. Toàn bộ sự việc được quay clip và tung lên mạng chiều 20/4 đã gây phẫn nộ trong dư luận. Những tấm ảnh lõa thể của chị Huỳnh còn được bà Tuyết gửi đến toàn bộ người quen và các công nhân làm chung công ty với “tình địch.” Chị H có 3 con, chỉ còn biết khóc và phải bỏ đi làm sau khi bị khủng bố. Chị lo con gái lớn của chị đang học đại học biết chuyện này.
Theo nguồn tin khác, hai nghi can quay clip vụ đánh ghen lột quần áo là Hoàng Thị T. (28 tuổi, người quay clip) và Nguyễn T. (41 tuổi, người tung đoạn clip lên mạng), cả hai cùng ở khu phố 9, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một. Sau khi clip quay cảnh mẹ con bà Tuyết đánh đập, lột quần áo chị Huỳnh giữa đường được tung lên mạng, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp bà Tuyết.
Phải công bằng và trừng trị thẳng tay
Chuyện ghen tuông chỉ là chuyện nhỏ vậy mà “hung thủ” còn bị bắt ngay sau đó, vụ Tram Khê- Tiên Lãng này mang tầm vóc lớn hơn, xâm phạm tới quyền lợi và tính mạng của hàng trăm người dân, tại sao bọn côn đồ lại được tự do ra đi? Có phải đây cũng là một kiểu “bòn nơi áo rách, đãi nơi quần hồng?” Cần phải công bằng và trừng trị thẳng tay những kẻ cướp cạn dù kẻ đó bất cứ là ai.
Tuy nhiên vụ này đã được Bộ CA vào cuộc “tích cực điều tra.” Dù sao trước hết cũng phải điều tra cho rõ ai là kẻ đứng đầu vụ này, những tên trực tiếp đánh dân là ai và buộc phải đền bù thiệt hại thương tích cho người dân, sau đó mới là chuyện thương thảo giá đất đền bù bèo bọt.
Đừng để dân quê VN ngày càng khốn đốn với lũ sâu bọ tham lam, tàn ác.