văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, May 8, 2013

PHAN HUY ĐƯỜNG * Lang thang chữ nghĩa

Cầm bút

Hơn 20 năm rồi, ta vung bút Ziao Chỉ.
Một vài lần, có thể đếm với ngón tay, ta được tha nhân thực sự đọc, cho ta ít thời giờ.
Có thể nói : đó là tình cuối cùng, niềm an ủi lớn nhất đối với ai tưởng mình là nhà văn.
Xin cảm tạ, người ơi. Dù chưa chắc gì ta xứng đáng.
Văn chương, xét cho cùng, chỉ thế thôi ? Hè hè…


Một chuyện lâu dài trong một đời ngắn ngủi

Văn học là chuyện lâu dài. Vì nó là tình người.
Với tôi, ngay từ đầu, làm oép ămvc là chuyện "lâu dài" trong đời ngắn ngủi còn lại ở tôi, vì là tình văn, tình bạn. Bằng tiếng Ziao Chỉ.
Ngay từ đầu, tôi dẹp hết những truyền thống làm báo hay tập san văn học, ta và Tây, có thể ngăn cản thứ tình ấy tồn tại và phát triển. Vì thế, ămvc chẳng giống ai, có người đã bĩu môi : không in, lạc hậu. Đành vậy.
Bắt đầu nhỏ nhoi, khiêm nhường. Từ từ bám rễ, vươn cành, toả lá, nhú hoa.
Bây giờ, sau hơn 8 năm, chẳng thể nói là xuất sắc, cũng không nỡ coi là tồi, tuy vẫn nhỏ nhoi, khiêm nhường.
Tình người là thế. Chỉ vài năm nữa cũng chết thôi.
Hè hè.

Lặng thinh

Đọc chưởng Tàu mà đụng phải mấy câu văn sau, quả bất ngờ :
Lặng thinh là một thái độ, hay đúng hơn là một hành động cần thiết trong một
hoàn cảnh cần thiết.
Người đàn bà phải nên biết giá trị của “lặng thinh”.
Đối với chồng, nhiều khi lặng thinh còn hơn muôn ngàn lời nói.[1]
Đối với vợ, người đàn ông cũng nên biết điều ấy, cũng nên biết giá trị của "lặng thinh".
Một điều đáng tiếc : hai từ "cần thiết" sau vô nghĩa, chí ít cũng hàm hồ.
Viết tiểu thuyết, nên tránh lý giải lý sự. Đó là căn bệnh cố hữu của hầu hết các tác giả viết tiểu thuyết chưởng Tàu. Chán ngắt. Phải chăng vì thế, dựng truyện chưởng thành phim, có thể có đầy khán giả Tây U ưa thích. Nhờ tài năng của đạo diễn, tài tử. Đôi khi nhờ nội dung, hình thái tình cảm rất… Tây U. Nhưng dịch ra tiếng Pháp, khó tìm nhà xuất bản dám đăng ? Cho tới nay, dường như chưa hề, dù là tác phẩm đã có hàng chục triệu độc giả trong những nước thấm thía văn hoá Tàu.
Nhưng khi không tránh nổi chuyện lý sự ? Đành vậy. Đành làm. Đã phải làm, phải biết làm chủ ngòi bút của mình, không thể cho phép nó xỏ mũi mình lôi đi, dù êm tai.
2013-04-16
[1] Giang hồ tứ quái, Cổ Long, oép Việt Nam Thư Quán.

Một kiểu uống rượu đỏ PhuLangXa

Ta thử viết lại tiếng Pháp. Chỉ 20 trang thôi.
Khi viết, ta sôi nổi tận tình tận ý như xưa kia khi bản dịch hay bài vở của ta không khó kiếm người xuất bản ở xứ này. Ta nghĩ đó là văn Tây của ta.
Ta in ra, đọc lại. Hỡi ơi. Quá thừa chữ, èo ợt, mơ hồ. Chẳng thể nào "" ta. Chẳng thể gọi là hành-văn.
Thế nghĩa là gì ?
1/ Ta không còn làm chủ ngòi bút của ta nữa. Ngôn ngữ PhuLăngXa làm chủ ta, lôi cổ ta, xỏ mũi ta. Ta cũng "có" tiềm thức à ? Đương nhiên. Khôn nạn thật.
2/ Ta vẫn còn khả năng đọc và thấy ngòi bút ta có thể sáo đến thế nào. May thay.
Bỏ cuộc ? Không.
Thôi thì tạm uống rượu đỏ PhuLangXa.
Không để quên sự bất lực, chạy trốn chính mình.
Để lạnh lùng đi tới. Bất kể tới đâu.

Nét mặt người nghệ sĩ

Vẻ mặt nàng có điều gì, ta không biết, khiến ta mơ hồ cảm nhận nàng là người nghệ sĩ. Ta sẽ không bao giờ hiểu nàng.
Dù muốn, ta khổng thể biến thành nghệ sĩ để hiểu nghệ sĩ. Ta quá ham hiểu và quá hiểu rằng khả năng hiểu của ta giới hạn. Xả thân, ta cũng dám, nhưng chưa bao giờ dám đến mức nghệ thuật. Vì ta cần hiểu.
Lạ thật. Xưa nay ta chưa từng hiểu đúng ai qua nét mặt, lời nói, cách ứng xử có ý thức. Ta chỉ cảm nhận được con người thật qua giọng nói, ánh nhìn, phương pháp suy luận. Nhất là khi nó hồn nhiên đắc chí.
Không hiểu nét mặt người nghệ sĩ có điều chân thật gì phủ nhận cả giọng nói, ánh nhìn và phương pháp suy luận chăng ?
Ta không biết. Không hiểu mà vẫn mê, đành "yêu" vậy. Hè hè…

● Phúc đức

"Ăn ở hiền lành để lại phúc đức cho con".
Điều ấy có thể đúng, chí ít như một niềm tin đáng tin, đáng làm.
Điều sau thì chắc chắn : dạy con làm người tử tế, để lại phúc đức cho đời, chí ít vài chục năm.

● Hư hỏng mất rồi

Những quý dị lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà-nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Ziao Chỉ, thành tâm hướng thiện, thật lòng muốn cải cách tiến bộ, cũng không làm được.
Vì sao ?
Chỉ cần vận dụng triết lý duy-vật-biện-chứng của Karl Marx, hiểu liền. Cứ đọc và hiểu 11 luận điểm về Feuerbach thôi thì biết : chính những người thầy cũng cần được giáo dục !
Quý dị ở trạc tuổi 50, đã từng ngụp lặn đấu đá chí ít 20-30 năm ròng trong guồng máy quyền lực của Đảng Cộng Sản Ziao Chỉ để ngóc đầu vào một cương vị lãnh đạo của nó. Thế thì quý dị đã nên người và làm người trong một môi trường không lành mạnh. Môi trường ấy đã nhào nặn tình cảm, tư duy và ngôn ngữ của quý dị. Bản thân quý dị cũng đã củng cố nó để tồn sinh và vươn xuống quyền lực. Con người cụ thể là thế đó. Phân tích cụ thể một tình hình cụ thể [1] là thế đó. Khái niệm người của Marx − vừa là sản phẩm của lịch sử vừa làm nên lịch sử − là thế đó. Mới chỉ là kiến thức sơ đẳng về tư tưởng của Marx thôi. Đã khó hiểu rồi, đối với người Tây U. Đối với quý dị, càng khó hiểu hơn. Marx, như quý dị và mọi người, cũng là sản phẩm của lịch sử. Nhưng lịch sử "sản xuất" ra Marx hơi bị khác lịch sử khai sinh ra quý dị.
Môi trường nói trên có mấy đặc điểm khiến :
1/ Quý dị không có tinh thần khoa-học
Quý dị không có kiến thức khoa-học, không có bằng tiến sĩ đích thực trong lĩnh vực này nọ, chẳng ai chê trách. Một đời dấn thân chính trị, lấy đâu thời giờ để trau dồi kiến thức khoa-học ? Trong lịch sử nhân loại, có mấy chính trị gia lỗi lạc đồng thời là bác học ?
Nhưng ở thời đại này, thiếu tinh thần khoa-học, chẳng thể làm được gì cho ra trò.
Tinh thần khoa-học giúp người làm chính trị biết quý trọng những nhà khoa-học, biết vận dụng kiến thức và tài năng của họ để thực hiện thành công một số mục tiêu xây dựng của mình. Con người ít kiến thức khoa-học vẫn có thể có tinh thần khoa-học vì đó là một giá trị văn hoá. Giá trị ấy cũng chỉ trở thành phổ biến ở Tây U mới đây thôi, từ thời Phục Hưng. Nó đạt một đỉnh cao trong Thế Kỷ Khai Minh và phát triển ngày càng mạnh mẽ cho tới ngày nay xuyên qua một quá trình liên miên cải tiến hệ thống giáo dục. Tiếc thay, tinh thần khoa-học chưa hề có ở mức cao so với thời đại trong nôi văn hoá Ziao Chỉ, càng không có trong môi trường nên người của quý dị. Tinh thần ấy mà phát triển rộng rãi ở bàn dân Ziao Chỉ thì quý dị hết đất sống.
2/ Quý dị thiếu đạo đức làm người
Quý dị đã mơ hão rằng quý dị có thể xoá sạch văn hoá phong kiến Ziao Chỉ và tư sản Tây U, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản với một vốn liếng xác sơ : tư tưởng Mác-Lenin mà chính quý dị cũng không có khả năng hiểu. Hiểu Marx chẳng phải chuyện đùa. Marx là một người thừa kế xứng đáng nền văn minh hình thành ở Tây U trong Thế Kỷ Khai Minh, với cả chiều kích khoa học lẫn nhân văn của nó. Vì thế ông đã chi phối nền văn minh Tây U hơn suốt trăm năm. Ngày nay, tuy phai mờ, dưới hình thái này nọ, ông vẫn ảnh hưởng tư duy của người Tây U. Riêng quý dị đã tiếp nhận được từ ông những gì ngoài một mớ kinh kệ hão và khẩu hiệu linh tinh mà chính quý dị không tin nốt, kiểu như quy luật khách quan của lịch sử ?
3/ Quý dị không có ngôn ngữ trung thực
Ngôn ngữ là quan hệ cơ bản nhất giữa người với người trong tư cách người − một thực thể văn hoá. Nó cho phép con người trung thực với nhau, với chính mình. Nó cũng cho phép con người gian dối với nhau, với chính mình. Nó thể hiện tinh thân khoa-học hay phi khoa-học, nhân bản hay phi nhân.
Con người nên người, tốt hay tồi, nhờ ngôn ngữ. Con người tư duy, đúng hay sai, nhân bản hay phi nhân, bằng ngôn ngữ. Con người làm người xuyên qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hình thái làm chính trị cao cả hay tồi tệ nhất, lâu bền hay phù du nhất. Ngôn ngữ quy định chất người ở từng người, cả tinh thần khoa-học lẫn tâm hồn nhân văn.
Vì hai lý do 1/ và 2/, trong suốt quá trình nên người, vươn tới cương vị lãnh đạo, quý dị đã dùng ngôn ngữ để đá giò lái nhau, tranh giành quyền lực, lừa gạt nhau, lừa gạt dân, lừa gạt chính mình.
Tóm lại, quá trình vươn tới quyền lực của quý dị đồng thời là quá trình nên người hư hỏng.
Hỏng, năm thì mười họa còn chữa được, như chữa xe cộ, chữa bệnh.
Hư thì vô phương cứu chữa. Trừ khi quý dị biết "tự sát" [2], đánh đổi quyền lực lấy một đời người lương thiện, tử tế, để lại phúc đức cho con cháu. Chẳng dễ tí nào. Chí ít phải còn nuôi nấng ở mình một vài giá trị truyền thống của bàn dân Ziao Chỉ mà chính quý dị đã góp phần tàn phá !
Bàn dân Ziao Chỉ theo dõi [3] những trận đấm đá úp mở ngoạn mục giữa quý dị [4], để tiêu khiển, kể cũng zui zui.
Nhưng tin những lời hứa hão của quý dị thì… ô hô ai tai !

● Phan Huy Đường - 2013-04-26 
* trích ĂMVC
[1] Lénine bàn về biện chứng mácxít.
[2] Điểm 4 trong Hiến Pháp ấy mà !
[3] Ở đời, duyên kỳ ngộ có thực. Tôi vào Từ điển Anh Pháp Viêt tra từ "theo dõi" và gặp :
Xem xét những hành động hay những chuyển biến: Công an theo dõi tên lưu manh; Thầy thuốc theo dõi bệnh.
Hè hè…
[4] Giữa những đồng chí X, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Bá Thanh hiện nay chẳng hạn…