văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, May 9, 2013

TRANG LUÂN * đôi dòng cảm nghĩ về nhà văn PHẠM QUỐC BẢO


Có tiếng chuông điện thoại reo vang ở dưới nhà, làm cho tôi giật mình choàng tỉnh giấc. Tôi vội vàng ngồi bật dạy, chẳng khác nào như chiếc lò xo, không hơn, không kém. Bước ra khỏi chiếc giường ngủ, tôi mở nhẹ cánh cửa, hấp tấp, hối hả tiến thẳng xuống cầu thang. Bên ngoài, bầu trời vẫn xám xịt, nặng nề, đậu thật thấp và chẳng có chút ánh sáng nào, le lói, báo hiệu ở cuối đường hầm. Cơn mưa lại ồ ạt, bất thần kéo tới, gầm thét, giận dữ, trút xuống như thác đổ. Mưa liên tiếp suốt cả tuần lễ nay. Ngày nào trời cũng mưa gió, bão bùng. Mưa quét lên bộ mặt thành phố bằng một lớp sơn dầu ảm đạm, u tối và thê lương lạ thường. Nhiều ngã tư bị mất điện trầm trọng. Hệ thống đèn báo trở nên vô dụng, đồng thời gây trở ngại cho việc giao thông rất nhiều. Theo dự báo thời tiết cho biết, thì miền Nam Cali. còn phải gánh chịu cơn giông bão tệ hại này thêm dăm ba ngày nữa! Mưa gợi lên ở trong tôi cả nỗi nhớ nhung vời vợi, xao xuyến, buồn da diết. Tôi ném tầm mắt nhìn sang phía phòng khách. Căn nhà trở nên vắng vẻ và trống trải lạ thường. Cả nhà tôi đều ra đi ngay từ khi còn sáng sớm. Hôm nay là sinh nhật của đứa cháu gái tôi ở dưới San Bernadino. Tôi đổi ý, không đi vào giờ chót! Nhà tôi cùng mấy đứa con đều tỏ vẻ khó chịu về sự thay đổi bất thường này. Tôi gượng gạo giải thích:
Tự nhiên, sáng nay thức dạy thấy trong người không được khỏe! Nói dùm với tụi nó, tôi thành thật cáo lỗi.”
Nhà tôi cằn nhằn:
Nếu không muốn đi, thì tại sao không nói với chúng nó ngay từ ngày hôm qua! Đằng này, cứ hứa lấy, hứa để, là chú sẽ đi và cuối cùng thì lại đổi ý. Ông làm như vậy thì coi có được không! Mình là người lớn thì phải nói đâu ra đấy! Một là một! Hai là hai! Chứ không có cái kiểu ấm ớ hội tề được.”
Tôi lẳng lặng không nói. Tôi không hiểu, tại sao, dạo này, tính tình của tôi đột nhiên thấy thay đổi lạ thường! Những thay đổi thấy rõ! Trước đây, mọi chuyện tôi đều tỏ ra dứt khoát, chứ đâu có thái độ lừng khừng, bất thường như hiện nay! Phải chăng! Con người ta đang bước vào cái tuổi hoàng hôn, xế bóng, thì tự nhiên thấy thân thể mình nặng nề, chậm chạp hẳn đi, và sức khỏe thì bắt đầu có chiều hướng lụn bại, đi xuống, yếu dần, tàn tạ theo thời gian. Cho đến giờ phút này, tôi mới cảm thấy lời bố tôi nói trước kia rất là chí lý, khi ông đang bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy:
Về già, thì người ta đâu có còn bén nhạy, sáng suốt như hồi còn trai trẻ được! Đầu óc thì càng ngày càng trở nên lú lẫm và tính tình thì lại hay thay đổi bất thường. Cứ hơi một tý là giận hờn. Động một chút là tủi thân. Vì thế, cha ông mình thường bảo: Không có ai dở hơi như người già, mà người già thì chẳng khác nào như trẻ con. Thế mới lạ chứ! Câu nói ấy ngẫm nghĩ lại, thấy chẳng sai tý nào!”
Tiếng chuông điện thoại lại réo lên dồn dập như thúc dục, lôi kéo tôi về với thực tại. Tôi nhấc chiếc ống nghe đặt lên tai:
Xin lỗi! Tôi được tiếp chuyện với ai ở đầu dây vậy!”
Giọng nói quen thuộc của ông bạn hàng xóm vang lên lồng lộng ở trong máy:
Tôi là Thanh đây! Hôm nay anh có bận gì không!”
Bận! Thì có bận! Nhưng tôi từ chối rồi. Có chuyện gì không anh!”
Tôi tính chiều nay, mời anh cùng anh Thái sang nhà tôi chơi. Lâu quá rồi, chúng ta chưa ngồi lại với nhau! Vả lại, suốt cả tuần lễ nay, trời cứ mưa gió liên miên, buồn quá! Ngày nào nhà tôi cũng dục: Sao không mời mấy ông ấy sang nhà mình chơi! Tôi làm vài món cho các ông lai rai với nhau, để chuyện trò, tán gẫu cho đỡ buồn. Luôn tiện, ông trả lại cho người ta cuốn sách. Chứ tôi thấy ông mượn đến gần cả tháng nay rồi.”
Sách gì vậy!”
Anh quên rồi hay sao!”
Thú thật! Tôi chẳng nhớ gì cả!”
Rõ thật cái anh này! Cuốn Nhục Vinh, tuyển tập của nhà văn Phạm quốc Bảo, mà trước đây tôi đã mượn của anh đấy. Anh nhớ ra chưa!”
À! Anh không nhắc, tôi cũng quên khuấy đi mất! Cuốn ấy ông ta tặng tôi đến cả năm rồi. Đọc xong, tôi nhét nó vào kệ sách. Tứ đó, tôi chẳng bao giờ để ý, ngó ngàng gì tới nó nữa! Mặc dù, trước đây, tôi đã hứa với ông ta, thể nào tôi cũng viết một vài cảm nghĩ về tuyển tập nói trên. Cũng may, có anh nhắc! Nếu không! Thì có lẽ suốt đời này, tôi sẽ cho nó đi vào quên lãng. Như vậy, thì hóa ra, tôi sẽ mang một cái tội rất lớn đối với ông ấy. Tôi không hiểu! Tại sao dạo này tôi hay quên quá anh ạ! Xảy một tý là tôi quên phéng đi mất. Ai đời, nhiều lúc, rõ ràng tôi cầm xâu chìa khóa ở trên tay, hoặc bất cứ vật thể nào khác, mà tôi cứ ngơ ngác, xục xạo, đi tìm nó cho bằng được. Đến khi giật mình, tỉnh lại, thì mới đớ mắt ra. Lắm lúc, tôi còn quên cả tắt bếp nữa anh ạ! Quên cả khóa cửa ra vào! Làm cho mấy đứa con tôi phải kêu trời lên. Ngoài cái tính hay quên ra, lại còn kèm thêm cái thói xấu, là gàn nữa chứ! Có phải, tại cái tuổi của mình già không anh! Có lẽ là như thế! Tôi nghĩ, mặc dù không nói ra, nhưng thể nào ông Bảo cũng buồn tôi lắm! Đôi khi, ông ấy còn trách thầm tôi nữa là đằng khác! Tiện đây, tôi hỏi thật anh: Anh đã đọc xong cuốn sách ấy chưa! Nếu chưa! Anh cứ giữ lấy để mà đọc. Lúc nào trả cũng được.”
Tôi đọc xong hết từ đầu đến cuối. Chẳng xót bài nào cả! Vả lại, cuốn sách cũng đâu có dày gì cho lắm!”
Thế tôi hỏi thật, anh có cảm nghĩ gì về tác phẩm nói trên!”
Anh bạn tôi xuống giọng trầm trầm:
Theo tôi, thì đây là cuốn sách tuy nhỏ, nhưng nó hàm chứa giá trị không nhỏ đâu anh! Nó bắt người đọc phải suy nghĩ! Phải nghiền ngẫm từng câu nói một! Tôi không biết tác giả là ai! Là người nào! Và cũng chưa một lần găp mặt ông ta ở quá khứ. Nhưng qua cung cách của các bài viết ở trong đấy, tôi đã nhận chân ra được cái ý nghĩa thâm thúy, sâu sắc về hai chữ “Vinh”và chữ“Nhục.” Nỗi Vinh Nhục của một đời người. Của ngay chính người viết. Của chúng ta, và của biết bao nhiêu thế hệ khác nữa! Của cả một dân tộc đọa đầy, chồng chất với biết bao nhiêu nỗi oan khiên, thống khổ, tang tóc, trải dài trên suốt chặng đường nghiệt ngã, khói lửa, đen tối và tồi tệ nhất của lịch sử đất nước. Đấy là nhận xét riêng của cá nhân tôi. Ngoài ra, tác giả còn trải rộng cả tấm lòng của ông, đến với bạn bè, với bằng hữu, hiện đang còn sống ở bên đây, cũng như ở quê nhà, hoặc những người đã ra đi, khuất mặt, từ giã khỏi đời sống phù phiếm này, để đi về với thế giới của hư vô, của trầm hương, yên tĩnh, của nghìn thu vĩnh biệt. Bằng giọng văn tưởng chừng như bình dị, nhưng ông đã gói ghém, chất chứa ở trong đấy những ý tưởng thật sâu sắc, cùng những nhận định thiết thực về đời sống tha hương ở bên đây, về cộng đồng tỵ nạn của người Việt. Những khắc khoải, trăn trở về chặng đường đang tới ở trước mặt, cùng những đắng cay, chua chát, ê chề, chồng chất ở sau lưng. Tất cả đều được ông phơi bày rõ nét một cách thật trung thực, thể hiện ở trong đó. Ở đây, tôi mê nhất là bài thơ mở đề của tác giả. Bài thơ có tên Bay lên đi, chim Lạc.” Chúng ta hãy thử nhìn cho kỹ, nhìn xoáy vào chữ Lạc, và chữ ấy đã được tác giả tô vẽ, nắn nót thành một kiểu chữ hoa rất trân trọng. Nói như thế, thì chúng ta có thể hiểu ngầm được, cái ý chính của tác giả muốn nói gì!
Có con chim Lạc
Phạm Quốc Bảo
hiện diện tự bao giờ
trong bức vẽ
đời người
bỗng nhảy ra
vẫy vùng
nhục vinh
chỉ có kết quả của nỗi nhục
là niềm vinh
thì mới nhẹ bước
thênh thang
trường tồn
trong cuộc sống
rồi sau đó
biến vào huyền thoại
như trước khi vào đời
đã là huyền thoại

Thú thật, tôi đọc đi, đọc lại bài thơ này rất nhiều lần. Bài thơ tuy ngắn, nhưng đã cô đọng ở trong tôi những suy tư, những thao thức về từng ý nghĩa sắc bén, cốt lõi của nó.”
Cảm ơn anh đã có vài nhận định phổ quát về cuốn sách của ông ta. Nhờ anh, mà đã tác động cho tôi niềm cảm hứng bất chợt, để từ đó, tôi sẽ viết đôi dòng cảm nghĩ về tác giả, cùng vài ý nghĩ hạn hẹp, thô thiển, mộc mạc về tác phẩm này. Tôi sẽ viết lập tức ngay bây giờ. Viết! Chứ để lâu rồi lại quên! Chiều nay. Y hẹn. Tôi sẽ qua bên anh. Chúng ta sẽ nói với nhau nhiều hơn. Bây giờ tôi xin tạm ngưng và buông máy để viết. Nếu không viết ngay tức thì, tôi e rằng, luồng tư tưởng sẽ tiêu tan, bay đi mất. Bây giờ, cứ mỗi lần lôi bút ra để chuẩn bị viết, thì là cả một vấn đề! Chứ đâu có dễ dàng như trước kia! Nhiều khi tôi lấy giấy bút ra, để sẵn sàng đâu vào đấy. Suy nghĩ chán chê, nát óc đến cả tiếng đồng hồ, mà tôi vẫn không có cách nào lấp đầy hết được trang giấy! Chán nản, tôi tức bực, xé toạc ra, vo tròn, rồi ném thẳng vào thùng rác, với nỗi ngao ngán, thất vọng, ngổn ngang ở bên trong. Thì ra! Bao nhiêu nguồn cảm hứng đều cạn sạch hết từ lâu rồi! Cạn xuống đến tận đáy! Cạn đến nỗi chẳng còn xót lại chút cặn nào ở tim não.”
Thôi được! Chiều! Nhớ qua nhà tôi! Nghe anh!”
Qua chứ! Đâu có thể thiếu được! Ở đây, chúng mình quanh đi, quẩn lại, cũng chỉ có ba người. Từ đầu mùa đến giờ, cũng chỉ có anh, tôi và anh Thái! Chứ đâu có ai khác nữa! Kể ra thì cũng có, chứ không phải là không! Nhưng cứ thẳng thừng ra mà nói, thì phải hợp gu với nhau mới bền. Mà bộ ba thì chẳng khác nào như chiếc kiềng có ba chân. Giả thử, nếu mất đi một bên, thì làm sao mà có thể đứng vững được.”
Tôi buông máy. Tự nhiên, tôi cảm thấy thèm ly cà phê. Tôi chạy lại mở tủ, lấy chiếc ly thủy tinh mà tôi thường dùng, pha vội ly cà phê còn nóng hổi, bốc khói. Tôi bước đi, nâng ly cà phê trên tay, mà lòng cảm thấy ngây ngất, lâng lâng, nhẹ nhàng bước lần theo cầu thang, rồi trực chỉ tiến thẳng về phía phòng mình.
Vào phòng, tôi loay hoay bật cái công tắc điện gắn ở gần đấy. Ánh sáng chợt bừng lên, tỏa rộng cả căn phòng ngủ. Tôi ngồi vào bàn viết, sửa soạn bút mực đâu vào đấy. Bằng động tác thật nhẹ nhàng, khoan thai, tôi ung dung nâng ly cà phê đặt lên môi, nhắp một hớp nhỏ. Luồng hơi ấm từ từ thấm vào cơ thể, đem theo cái cảm giác thoải mái, lâng lâng và sung sướng hơn bao giờ hết. Tôi đưa tay bóp nhẹ lên trán, cố nặn óc suy nghĩ, ráng tìm câu mở đề để làm chuẩn cho bài viết này. Câu mở đề ấy đã đến với tôi thật đúng lúc, thật bất ngờ, và tôi cúi xuống, cặm cụi, hí hoáy, say sưa bắt đầu viết.

Tôi viết những dòng chữ này cho anh! Những dòng chữ mộc mạc, thô thiển. Những dòng chữ mà khởi đầu, là một lời xin lỗi về sự chậm trễ, đáng trách này. Đáng lý ra, tôi phải viết nó từ lâu! Nhưng! Cũng chỉ vì cái bản tính lừng khừng, lười biếng! Cũng chỉ vì cái tật xấu là hay quên! Chính vì thế, mà mãi cho đến ngày hôm nay, tôi mới chợt nhớ ra, rồi đặt bút viết những giòng chữ muộn màng này gửi đến anh. Tự dưng, tôi chợt nhớ đến buổi sáng ngày chủ nhật. Một buổi sáng tại tiệm cà phê ồn ào, đông khách, nằm ngay trên đường Broohurst, thuộc thành phố Wesminster. Tiệm cà phê mà hầu như tuần nào, anh cũng có mặt đều đặn, với bạn bè, với bằng hữu. Trước khi ra về, anh khoát tay nói với tôi:
Anh đợi tôi một chút!”
Anh bước vội ra xe. Lát sau, anh trở lại với cuốn sách cầm ở trên tay:
Gởi anh. Chỗ bạn bè quen biết với nhau.”
Tôi cảm động, đỡ nhẹ cuốn sách trong tay anh:
Đây là lần thứ hai tôi nợ anh! Món nợ mà tôi không bao giờ trả được! Năm nào anh cũng tặng tôi. Năm nào anh cũng cho ra đời một đứa con tinh thần. Ngược lại, thì tôi chẳng có gì để biếu lại anh! Tôi áy náy vô cùng.”
Anh điềm đạm, từ tốn:
Có gì đâu! Anh cứ nghĩ thế! Viết cho vui vậy mà! Viết để giải tỏa những ấm ức, những suy nghĩ, ray rứt ở nội tâm. Chứ, tôi đâu có mục đích to lớn nào khác!”
Tôi biết anh vào khoảng gần tám năm nay. Nếu tôi nhớ không lầm, thì hôm đó lại rơi đúng vào ngày chủ nhật, tại phòng sinh hoạt của nhật báo Viễn Đông, nằm ngay trên đường Moran, do nguyệt san Khởi Hành tổi chức, nhằm mục đích vinh danh và tuyên bố giải văn chương toàn sự nghiệp cho nhà văn Nguyễn thụy Long (hiện đang còn ở trong nước), với những đóng góp đáng kể của ông cho nền văn học Việt Nam. Sau khi kết thúc, chúng tôi kéo nhau đi ăn, rồi tạt vào tiệm cà phê nằm ngay trên đường Bolsa. Trong số chúng tôi hôm đó, gồm có: Phan Diên, Đặng Hiền, anh, Vương Nguyện, Phan Bá Thụy Dương và tôi. Lần đầu tiên gặp anh, qua lời giới thiệu của nhà thơ Đặng Hiền, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ tạp chí Hợp Lưu. Một tạp chí thuần túy về văn học, nghệ thuật tại hải ngoại. Từ đó, thỉnh thoảng có dịp, tôi lại tạt ngang qua tòa soạn nhật báo Người Việt để thăm anh. Nói tới anh, trước tiên là phải nói đến nụ cười. Lúc nào tôi cũng thấy anh nở nụ cười ở trên môi. Cái nụ cười biểu lộ cho sự hiền hòa, cởi mở và dễ mến. Anh xuất thân từ Đại Học Văn Khoa (môn Triết Học Đông Phương) ở Sài Gòn trước đây. Anh là nhà mô phạm. Một nhà giáo mẫu mực, tận tụy với nghề nghiệp. Cuộc đời anh gắn bó với bút mực, bảng đen, phấn trắng và lớp học. Sau biến cố tang thương của lịch sử đất nước. Anh hòa chung số phận với biết bao nhiêu quân, cán, chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam. Anh bị cầm tù. Bị đầy ải ra đến tận vùng thâm sơn, cùng cốc ngoài miền Bắc. Bị sỉ nhục. Bị đói rét. Bị chứng bệnh nan y, ngặt nghèo, quái ác, dày xéo lên thân thể anh, ròng rã suốt từ năm này sang năm khác. Đứng trước tình trạng bi đát đó, anh được thả ra, trở về đoàn tụ với gia đình. Sau thời gian chữa chạy, anh hồi phục, sống lây lất, vất vưởng giữa xã hội đầy nghi kỵ và mâu thuẫn. Luân lý, đạo đức bị đảo lộn, suy đồi. Hệ thống giáo dục thì đặt nặng về tư tưởng, chính trị, hơn là khía cạnh văn hóa và chuyên môn. Trong khi đó, nhà nước lại theo đuổi chánh sách thắt chặt kinh tế, khiến cho đời sống dân chúng trở nên khó khăn, nghẹt thở. Ai nấy đều tỏ ra ngán ngẫm, không còn thiết tha gì đến hai chữ hòa bình! Hòa bình có, nhưng tự do thì không! Hòa bình trong lam lũ, cơ cực. Hòa bình trong chiếc bánh vẽ về tương lai chói ngời, chập chờn ở phía trước. Tương lai đó chẳng bao giờ có thực! Hình ảnh mục nát, tả tơi của một xã hội miền Bắc, sau năm 1954, với những vết thương lở loét, rướm máu, cứ lởn vởn, ám ảnh thường xuyên ở trong anh! Về thân phận bọt bèo của tầng lớp trí thức, cùng cái giá quá đắt của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm phải gánh chịu. Từ đó, nó trở thành động cơ mãnh liệt, thôi thúc anh đi tới quyết định dứt khoát, là phải ra đi! Chỉ có ra đi là thượng sách. Cuối cùng, anh đã đến được bến bờ của tự do trong chuyến mạo hiểm đầy gian nan, thử thách. Anh đặt chân xuống đất Mỹ vào năm 1982. Giã từ nghề giáo chức, anh chuyển hướng, bước sang lãnh vực thông tin và báo chí. Gắn bó với nhật báo Người Việt trên ba chục năm nay và hiện giờ anh vẫn còn đang tiếp tục. Ngoài công việc thường nhật, anh còn chú tâm đến công việc sáng tác. Với ba tác phẩm được xuất bản ở trong nước, cộng thêm mười bảy đứa con ra mắt tại hải ngoại, đã nói lên sự đóng góp không nhỏ vào dòng chảy của nên văn học ở tại nơi này. Ngoài ra, anh còn thường xuyên lui tới để sinh hoạt với những bạn trẻ đang sinh sống ở Hoa Kỳ, cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Anh cùng người bạn chí thân là bác sĩ Phạm gia Cổn, đã có mặt trong hội nghị Tuổi Trẻ Việt Nam Trên Thế Giới Kỳ 4 (The 4 th International Vietnamese Youth Conference) do mạng lưới Tuổi Trẻ Lên Đường (Lên Đường International Youth Network) và Tổng Hội Sinh Viên tại Úc Châu (Federal Vietnamese Students Association of Australia) phối hợp trực tiếp và đứng ra tổ chức (đã diễn ra trong năm ngày, từ 27 đến 31 tháng 12 năm 2005) tại trung tâm thành phố Sydney, với sự tham dự của 500 thành viên nồng cốt, đến từ 17 quốc gia khắp nơi trên thế giới. Anh cùng bác sĩ Cổn được đề cử trong vai trò thuyết trình viên ở tại đại hội này. Với anh: Tuổi trẻ là rường cột, là tương lai của đất nước. Điều đó rất đúng! Vì thế! Anh muốn thổi vào giới trẻ một luồng sinh khí mới, về tình tự của dân tộc, về tình yêu quê hương và giống nòi. Về cội nguồn. Về các trang sử oanh liệt của tổ tiên ta trong công cuôc dựng nước và giữ nước. Về vai trò, bổn phận và nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với tổ quốc và dân tộc, đồng thời anh muốn gắn bó họ vào với mảnh đất thân yêu hình chữ S ấy.
Nói dại! Nếu cuộc sống lưu vong còn kéo dài thêm vài chục năm nữa! Đến khi ấy, thế hệ chúng mình đã nằm xuống, ra đi. Tôi nghĩ rằng: Có lẽ cái hình thể của đất nước mình, họ cũng không biết nó nằm theo mẫu tự nào của hai mươi bốn chữ cái!”
Đấy là câu nói mà anh thường thổ lộ với bạn bè như thế.

Nhục Vinh là tác phẩm mà anh đã cho ra mắt tại miền Nam Cali. vào năm 2010. Đây là tuyển tập gồm mười bài viết được gói ghém, đóng khung ở trong đấy. Mở đầu là bài thơ “Bay lên đi, chim Lạc.” Tiếp theo là câu chuyện Nhục Vinh, và cũng là chủ đề chính cho tập truyện này. Đặc biệt nhất, là từ đầu đến cuối, anh hoàn toàn xử dụng bằng lối hành văn đối thoại, giữa hai người bạn cũ lâu ngày, gặp lại nhau trên xứ người. Họ gặp nhau trong dịp tình cờ. Một người đã sinh sống trên đất nước này từ năm 1975. Còn người kia bị kẹt lại, đi tù và sang đây muộn hơn. Câu chuyện được đặt ra, là cái căn bệnh kinh niên, thường xảy ra trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới (chẳng riêng gì Hoa Kỳ). Đó là cái tính hay bêu xấu lẫn nhau. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên, bắt nguồn từ sự uất ức. Những mặc cảm thua thiệt, cùng các sự dồn nén trong những năm tháng dài ngụp lặn trong nhà tù CS. Chính vì những mặc cảm nặng nề đó, mọi người vẫn chưa sát cánh lại gần với nhau, ngõ hầu tạo một cái giây xích đoàn kết trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền cho người dân ở trong nước.
Hầu hết trong những cuốn hồi ký viết về đời sông tù đầy, người ta thường đề cập đến sự thiếu thốn về vật chất, thuốc men, cho đến tinh thần. Về bệnh tật, cùng sự ngược đãi dã man của các tên cai tù hung hãn, độc ác. Nhưng ngược lại, anh lại đề cập đến thành quả của 20 năm phát triển ở miền Nam, thể hiện trong các mặt, văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Ngay từ mấy năm đầu, anh cũng bị dày vò, ngụp lặn trong cái mặc cảm ô nhục! Nhưng dần dần tâm trí anh tỉnh táo trở lại, đồng thời anh cảm thấy hãnh diện về những thành tựu mà miền Nam đã đạt được trong 20 năm qua. Mặc dù sống trong thời chiến tranh, nhưng nhân dân miền Nam đã đạt tới được những thành tích đáng kể sau đây: Xây dựng thể chế dân chủ rõ rệt. Một xã hội khá lành mạnh, có kỷ cương, trật tự. Một nền giáo dục nhân bản, dựa trên nền tảng luân lý và đạo đức của con người. Có một điểm mấu chốt mà tôi rất đồng ý với anh, là chính quyền miền Nam lúc bấy giờ, đã không trang bị cho toàn dân số vốn liếng căn bản về thực chất của chế độ Cộng Sản, cùng mọi hành động tàn nhẫn, dã man của họ. Chính cái thành quả nói trên của miền Nam, đã chứng tỏ sự chênh lệch, khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc. Vì thế, sau khi đặt chân đến Sài Gòn, người nữ thanh niên xung phong đã phải ngồi phệt xuống vỉa hè, ôm mặt khóc nức nở, chẳng khác nào như một đứa trẻ. Người ấy không ai khác hơn, chính là nhà văn Dương Thu Hương. Hiện nay, bà đang sống ở bên Pháp, và đã nói lên: Bà bị lường gạt, bị ru ngủ, đầu độc, bởi cái loa tuyên truyền hết sức là tinh vi của chế độ miền Bắc. Gần đây nhất, trước các vụ tai tiếng xấu xa, bỉ ổi, nằm ngay trong hàng ngũ giáo chức, đã khiên cho ông cựu trung tá phải thốt lên, đại ý là ông khao khát, muốn có nền giáo dục lành mạnh, nhân bản như chế độ miên Nam trước đây.
Trong câu chuyện “Mắt Phật,” anh đã đưa ra nhận định về ngôi chùa trong làng xã Việt Nam:
Chùa là đơn vị sinh hoạt của dân làng: Chùa là nơi cung cấp thêm điều kiện sống cho những ai trong làng muốn chuyên chú vào việc tu tâm dưỡng tính. Ngoài đình miếu nhà thờ,thì chùa cũng là nơi dân làng tụ tập vào những dịp lễ Tết…trang 55”
Ngoài ra, anh còn đề cập đến ba nhận xét của từng người về ánh mắt của đức Phật:
Người thứ nhất cho rằng:
Tôi thấy mắt ngài nhìn xuống tôi. Ngài đang rủ lòng thương, vì tôi còn đang mê muội, kẹp hòi…trang 59.”
Còn người thứ hai:
Tôi thì tôi nhận ra từ ánh mắt của ngài dường như ngầm ý bảo là tôi hãy nhìn lên: Có khoảng trời xanh bao la ngay đằng sau đầu ngài đấy. Một bầu trời khoảng khoát dễ nâng tâm hồn mình lên với miền cao xa, những khát vọng hướng thiện… trang 60.”
Người thứ ba thì đi sâu vào chi tiết hơn:
Ngài quả thật đã trải nghiệm trong đời sống của một con người bình thường, trước khi nỗ lực tu hành thành Phật. Như chúng ta đang sống đây. Ngài chỉ khác tất cả chúng ta ở chỗ ngài đã chứng đắc thành công khi tìm thấy một triết lý sống ‘người nhất’. Ngài đã sống theo triết lý ấy, và ngài đã dạy chúng ta triết lý ấy. Và trên 25 thế kỷ đã qua rồi mà chưa có ai đó tìm ra thêm một triết lý sống nào khác khả dĩ thay thế được. trang 60”
Đúng y như lời của ông bạn hàng xóm cùng dãy với tôi. Đối với bạn bè: Lúc nào anh cũng tỏ ra trân trọng. Trân trọng ngay trong các bài viết, như “Từ Công Phụng, Lời Ca – Tiếng Hát” trong tập sách này. Anh nhắc đến tụ điểm cà phê Quán Văn (trong khuôn viên Văn Khoa năm 1966). Seattle năm 1986. Những kỷ niệm quyện sâu vào các nhạc phẩm Bây Giờ Tháng Mấy, Trên Ngọn Tình Sầu, Mắt Lệ Cho Người, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau….Riêng, đối với nhạc sĩ Nhật Ngân trong “Bạn Đi, Ngày Cận Tết”, anh nhắc đến vài tác phẩm tiêu biểu của ông, như “Xuân Này Con Không Về”, hoặc “Tôi Đưa Em Sang Sông” chẳng hạn. Nhớ đến Trần đình Quân, Nguyễn đức Quang, Trầm tử Thiêng gắn bó với nhạc phẩm “Chuyện Một Cây Cầu Đã Gẫy.” Tiễn Nguyễn thụy Long bằng bài thơ khá dài, nhắc lại đoàn văn nghệ Đường Sáng trong chương trình công tác hè của học sinh và sinh viên hướng về nông thôn vào năm 1965. Tất cả đều được anh thu vén, viết lại một cách thật trang trọng. Bạn bè, bằng hữu, lần lượt bỏ anh ra đi, đã để lại ở trong anh cả nỗi trống vắng, biu hắt, buồn vô hạn. Tôi nhớ, có lần anh tâm sự với tôi: “Giờ này, bọn mình đang bước vào cái tuổi xế chiều rồi còn gì nữa! Bạn bè thì đâu có còn được bao nhiêu! Rải rác ở chung quanh mình thì cũng đâu có mấy! Có người thì lại ở xa, như ở Việt Nam, hoặc các nơi khác chẳng hạn! Vì thế, nếu trời còn cho thở, còn cho nói, còn đi đứng được, thì nên lui tới thăm hỏi, hoặc nếu bắt tội ở xa quá, thì nên gọi nhau, hỏi han, trò truyện trên điện thoại. Ngộ nhỡ mai mốt, thêm dăm ba tuổi nữa, sức khỏe bị cạn kiệt, thì muốn đến với nhau, cũng chẳng còn hơi sức đâu để mà đến!”
Mới đây chừng ba hôm, tôi gặp anh trong buổi ra mắt sách của ký giả người Đức, liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đề cập đến hai chữ Nhục Vinh, và tôi có đặt với anh câu hỏi:
Tôi hỏi thật: Sau 38 năm, với biết bao nhiêu những đắng cay, thăng trầm đi qua đời anh. Giờ đây, anh đang sống trên quốc gia đầy đủ về tất cả mọi phương diện. Từ tinh thần cho đến vật chất. Vậy! Theo anh, thì hiện giờ, anh đang đứng ở vị trí nào của hai chữ Vinh và chữ Nhục!”
Anh ngước lên nhìn tôi thật lâu, rồi hé môi nở ra nụ cười thật hóm hỉnh. Trong cái hóm hỉnh, độc đáo ấy, tôi đã đọc thấy được nỗi chua chát, tiềm tàng, gợn lên ở trong đó./.

TRANG LUÂN * 5/2013